CHÙA TO LỚN ĐỂ THỎA MÃN ĐIỀU GÌ?

Thứ ba - 26/03/2019 05:05

(NCTG) “Tất cả những điều người ta đang chỉ trích Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đều đúng cả vì nó bộc lộ những hệ quả, hệ lụy của bức tranh xã hội. Nó là một sản phẩm của xã hội, chứ không phải của Phật giáo hay của một Tôn giáo nào khác - và đó là điều tất yếu phải có, không thể không có”.

Quần thể chùa Tam Chúc ở Ba Sao, Hà Nam sau khi hoàn tất sẽ là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam - chùa to để làm gì?

Quần thể chùa Tam Chúc ở Ba Sao, Hà Nam sau khi hoàn tất sẽ là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam - chùa to để làm gì?

Lời Tòa soạn: Một số vấn đề của đời sống xã hội, văn hóa và tín ngưỡng tại Việt Nam thời hội nhập được tác giả Phúc Lai phân tích và nhận định trong loạt bài chủ đề “Việt Nam đang ở đâu - đi về đâu”. Chân thành cám ơn tác giả Phúc Lai và trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Cầu an, dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) năm nào cũng diễn ra với số lượng người đông chóng mặt. Điều này nói lên điều gì? - Ảnh: Nam Trần
Cầu an, dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) năm nào cũng diễn ra với số lượng người đông chóng mặt. Điều này nói lên điều gì? - Ảnh: Nam Trần

Chiều 30 Tết Âm lịch, ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất, Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam làm cả một chương trình dài tròm trèm 3 giờ đồng hồ chỉ để nói về chữ “Phúc”. Gác lại một bên những lời đàm tiếu về ý đồ rõ rệt của những người làm chương trình muốn “xu nịnh” đương kim Thủ tướng Việt Nam vì đề tài “mùa Xuân dân tộc có Phúc”, nhưng hầu hết những cảnh quay được thực hiện ở một ngôi chùa mới còn chưa khánh thành. Ngôi chùa này tuy quá trình xây dựng còn dang dở, nhưng đã nhanh chóng được đưa vào hoạt động “khai thác” và đã bắt đầu thu tiền tỉ từ đó.

Cái gì cũng vậy, mặc cái áo đẹp cũng có người chê bai thì mặt trái bao giờ cũng đi kèm mối lợi - bắt đầu những lời ra tiếng vào quanh những dự án “du lịch tâm linh” của doanh nghiệp đình đám này. Thậm chí một tờ báo điện tử lâu nay nổi lên nhanh chóng nhờ những bài báo có hơi hướng “đánh đấm” (1) cũng “vào cuộc” rất nhiệt tình. Câu chuyện những ngôi chùa to tượng lớn của doanh nghiệp này cũng không nằm ngoài xu thế chung của xã hội Việt Nam trong vài năm gần đây: chùa chiền được đua nhau xây lên khắp nơi, mà càng đua nhau xây to, hoành tráng. Doanh nghiệp đầu tư xây chùa, dễ bị chỉ trích vì cũng dễ mang tiếng là “kinh doanh tâm linh”, nhưng chính các tăng lữ Phật giáo (hay như tôi là Phật tử gọi là các Thày) cũng nung nấu ước vọng trùng tu chùa chiền nơi mình trụ trì.

Tất nhiên nguồn kinh phí không thể ở đâu khác từ tiền đóng góp của Phật tử (cúng dường, công đức) chứ các Thày lấy tiền đâu ra mà xây chùa. Từ khi xuất hiện quy định tiền công đức trong “Hòm công đức” của chùa, phần lớn phải “nộp” lại cho Nhà nước (có thể là Sở Văn hóa địa phương thu giữ) thì cũng xuất hiện luôn một sự “thấu hiểu” bất thành văn là không nên cúng dường, công đức “vào hòm” mà đưa trực tiếp cho Thày. Quá trình xây chùa, các Thày cũng có được những sự hỗ trợ trực tiếp mà phần lớn, rất mạnh mẽ từ những Mạnh Thường Quân, nôm na là các đại gia thông qua những kêu gọi đóng góp. Có những vị sẵn sàng đóng góp hàng chục chiếc cột gỗ quý cực to, mua tận Châu Phi về. Chứng kiến khối lượng đá bị khai thác để xây ngôi chùa to kinh khủng mà tôi vừa đề cập ở đầu bài, người nhà tôi là một Phật tử hiểu biết đã thốt lên: “Một sự tàn phá ghê gớm đối với môi trường!”.

Có “cung” như thế ắt phải do “cầu” - tình trạng này nói lên một điều nhu cầu cầu cúng của dân chúng Việt Nam đã lên đến mức kinh khủng. Tất nhiên, phần lớn cầu cúng là mê tín, chứ không phải chánh tín. Vậy quan hệ giữa các thiết chế quản lý xã hội (quyền lực Nhà nước) với hiện tượng đặc biệt này của xã hội ra sao?
 
Kinh doanh du lịch tâm linh hiện được coi là hình thức “một vốn, bốn lời” - Ảnh: Đường hành hương tới Yên Tử
Kinh doanh du lịch tâm linh hiện được coi là hình thức “một vốn, bốn lời” - Ảnh: Đường hành hương tới Yên Tử

Xuất phát từ quan niệm “Phật giáo là đạo lâu đời song hành cùng dân tộc cùng với một số Đạo khác như Đạo Mẫu, còn Thiên Chúa giáo với lịch sử tiếp tay cho thực dân cướp nước” đang tồn tại một luật bất thành văn, Phật giáo đang dường như được ưu ái hơn các Tôn giáo khác. Bản thân việc “theo” (tôi viết trong ngoặc kép) Phật giáo đối với các quan chức trong chính quyền Việt Nam hiện nay hoàn toàn không bị ngăn cấm khiến việc cầu cúng trong giới quan chức còn mạnh mẽ hơn trong dân chúng. Dân gian đầy những câu chuyện về quan này liêu kia, ông này có thày cúng ruột ông kia có cả thày Hòa thượng chuyên lập đàn cúng tế mỗi khi chuẩn bị “cơ cấu”. Quan chức ở Việt Nam về lý thuyết là những cán bộ và đều là Đảng viên Cộng sản, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm kim chỉ nam và cơ sở lý luận là duy vật biện chứng, mà còn như vậy thì người dân ắt phải say mê cầu cúng đến đâu?

Người ta đã đưa ra nhiều giải thích về nguyên nhân của tình trạng này, như cuộc sống ngày càng nhiều nhiễu nhương, môi trường xuống cấp… làm con người mất lòng tin, tìm chỗ bấu víu về tinh thần. Điều này có thể đúng, nhưng tôi không cho đó là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu. Nguyên nhân cốt lõi là tổng hợp của một quá trình, không thể chỉ gói gọn trong một câu kết luận mà được.

Năm 1975, đất nước thống nhất hai miền, quan niệm của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam lúc đó là xây dựng xã hội XHCN, xây dựng con người mới XHCN không cần quản lý bằng pháp luật, chỉ cần bằng nghị quyết Đảng là đủ. Pháp luật chỉ dành cho xã hội tư bản thối nát. Chỉ sau vài năm, rất nhiều việc vượt quá khả năng quản lý của bộ máy Nhà nước và do đó, đến năm 1985 bộ luật đầu tiên (2) của đất nước mới ra đời. Tuy nhiên, điều đáng sợ không nằm ở 10 năm đó mà là từ năm 1954 tình trạng vô pháp luật được áp dụng trên miền Bắc, nay lan ra cả nước. Con người không còn quen với việc phải sống theo Pháp luật nữa.

Sau khi thay đổi, câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” được giương lên ở khắp nơi nhưng đã quá muộn, những hệ lụy của nó là vô cùng to lớn và sâu sắc vì nó đã phá hoại ý thức pháp luật của con người Việt Nam, đưa về con số không. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, cha mẹ sống coi thường pháp luật thì con cái cũng chẳng coi pháp luật ra gì. Quan chức từ bé đến to, sẵn sàng phá bỏ những luật về đạo đức cán bộ, kể cả luật hình sự hay luật phòng chống tham nhũng, để sách nhiễu dân chúng và vơ vét, làm giàu cho bản thân và gia đình.
 
Tình trạng “vô thiên vô pháp” xảy ra triền miên. Ảnh: trộm chó và những hậu quả khôn lường
Tình trạng “vô pháp vô thiên” xảy ra triền miên. Ảnh: trộm chó và những hậu quả khôn lường​

Từ năm 1986, đất nước “mở cửa” xây dựng một nền kinh tế thị trường, thả lỏng cho dân chúng làm giàu. Tất nhiên trước nhu cầu đó, những nhà lãnh đạo Việt Nam không phải không lường trước được mặt trái của vấn đề: đi kèm với kinh tế thị trường là những hệ lụy về suy thoái đạo đức xã hội, tệ nạn và tội phạm gia tăng… Nhưng “đổi mới hay là chết” lúc đó nếu không đổi mới, đất nước sẽ rơi vào đói to (mà đói rồi, tôi nhớ mấy năm 1985-1986 là những năm cực kỳ khó khăn với những gia đình có cha mẹ là cán bộ Nhà nước như gia đình tôi) nên lãnh đạo bắt buộc phải thi hành chính sách mở cửa.

Tuy nhiên, dù mở cửa về kinh tế, nhưng những nguyên tắc quản lý xã hội của bộ máy Nhà nước vẫn giữ nguyên, vẫn phải theo sự chỉ đạo của Đảng và tất cả các hoạt động của xã hội đều phải nằm trong quỹ đạo, nhất là ngoài nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh vẫn phải hoàn thành “nhiệm vụ chính trị”, điều này đặc biệt đúng với cơ quan chính quyền. Đặc điểm này dẫn đến tình trạng “làm láo báo cáo hay” lan tràn, nguy hại nhất là trong ngành giáo dục. Bệnh thành tích ăn sâu trong những người quản lý giáo dục đến những người trực tiếp công tác ngành sư phạm là các thày cô giáo; cùng với méo mó giáo dục làm cho bố mẹ của học sinh cũng hiểu sai lung tung hết cả về mục đích và nhiệm vụ của giáo dục… Đặc điểm này dẫn đến tình trạng thiếu hiểu biết, nếu như không muốn nói là u mê của dân chúng ngày càng lan rộng và ăn sâu, các giá trị đạo đức bị coi thường và hiểu lầm, hiểu sai…

Khi các giá trị đạo đức bị hiểu sai lại được đặt vào một môi trường xã hội có luật nhưng thi hành không nghiêm minh, sự thao túng của các thế lực ngầm, kể cả sự chỉ đạo của Cấp Ủy lên hoạt động tư pháp bất chấp nguyên tắc của khoa học pháp lý, thì chỉ làm tội phạm gia tăng và càng ngày càng manh động và trẻ hóa. Ngược lại, khi tội phạm gia tăng và ngày càng manh động, nhưng con người lại mất lòng tin ở hệ thống tư pháp, thì chắc chắn người ta sẽ tìm tới đầu tiên là sự đồng lòng kiểu bầy đàn theo hướng đầu tiên là mong muốn sử dụng bạo lực, trước hết bằng mồm và bàn phím trên mạng xã hội.

Do tính hình thức trong hoạt động của các cơ quan chính quyền, đặc biệt cần nói đến nhiệm vụ phúc lợi của Nhà nước đối với xã hội, ngày càng suy giảm theo hướng bỏ mặc dân chúng tự lo, núp dưới mỹ từ “xã hội hóa”. Do phải tự lo, thì dân chúng cũng mạnh ai nấy bơi và nếu cần, sẵn sàng dìm chết người khác chết đuối luôn, do đó nếu ai đó nói rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là chụp giựt rất hoang dã thì cũng không quá lời. Sau hết tất cả, là lòng tham ngự trị, bao trùm toàn xã hội từ dân chúng đang kiếm ăn đến quan chức trong bộ máy. Chính lòng tham đó mà người đang làm giàu muốn vơ vét để giàu hơn, họ đi cầu cúng để mai đến hải quan mở tờ khai gặp anh cán bộ bật đèn xanh, nhận phong bì mà cho qua được lô hàng độc hại hoặc đánh cho mã hàng có thuế suất thấp hơn. Người làm ăn nhỏ thì chỉ mong phòng thuế đến in ít còn mình thì mua đầu chợ được rẻ rẻ bán cuối chợ được giá cắt cổ. Chính lòng tham đó mà người đang làm quan thì đi cầu cúng để ngồi cái ghế béo bở “nhiều bổng lộc” được lâu lâu và nếu có ghế mới thì cũng chỉ có nhiều lộc hơn chứ không được ít đi.
 
Thỉnh pháp “oan gia trái chủ” để chữa bệnh tại chính điện chùa Ba Vàng - Ảnh: Chùa Ba Vàng
Thỉnh pháp “oan gia trái chủ” để chữa bệnh tại chính điện chùa Ba Vàng - Ảnh: Chùa Ba Vàng

Đến đây thì tôi mong rằng mình đã hình dung được tàm tạm độ chi tiết vở kịch chúng ta đang xem. Vì lòng tham của dân chúng thì mới có chuyện không đủ tiền thì không được cầu sao giải hạn. Tất cả những điều người ta đang chỉ trích Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đều đúng cả vì nó bộc lộ những hệ quả, hệ lụy của bức tranh xã hội tôi vừa cùng quý vị hình dung trên đây. Nó là một sản phẩm của xã hội, chứ không phải của Phật giáo hay của một Tôn giáo nào khác - và đó là điều tất yếu phải có, không thể không có. Cách đây mấy năm đã có chuyện một vị tăng lữ Phật giáo lùm xùm vì chuyện “phải dùng điện thoại Vertu mới xứng với tầm của Thày!” - tôi đã nhận xét, đây mới là những chuyện bước đầu thôi, vở kịch sẽ còn dài và cao trào còn ở phía trước. Chúng ta đang được xem những hồi cao trào đang bắt đầu được mở màn, và chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện nữa.

Xem ra bị phân biệt đối xử lại là điều may - như Thiên Chúa giáo gần đây làn sóng xây lại nhà thờ cũng rất mạnh mẽ, nhưng lặng lẽ hơn nhiều và do đó cũng để cho giới truyền thông được yên. Còn những câu chuyện lùm xùm quanh Phật giáo, đang thể hiện những quy luật hết sức khách quan và tất yếu: chùa to, tượng lớn, con nhang đệ tử đông đảo… thuyền to thì sóng cả - người khen nhiều thì thị phi cũng chẳng ít. Thủ lợi nhiều thì tai họa phải đến và thậm chí vụ thỉnh oan gia trái chủ” chùa Ba Vàng mấy hôm nay nháo nhác truyền thông và cõi mạng, còn bị đe dọa hình sự hóa, nghĩa là có người sẽ đi “bóc lịch” về tội truyền bá mê tín dị đoan. Nếu cần bình luận về vụ này từ góc độ xã hội, thì tôi có thể nói là chưa bao giờ hiệu lực quản lý Nhà nước đối với Tôn giáo, tỉnh nào cũng có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, thế mà để tình trạng lạm dụng tín ngưỡng như vậy trong một thời gian dài thì thật đáng trách.

Tình trạng Tôn giáo thao túng quyền Nhà nước trong lịch sử dân tộc đã từng diễn ra - đó là vào thời Lý khi mà các Tăng lữ Phật giáo được trọng vọng, “nhất ngôn xuất khuynh thành, nhị ngôn xuất khuynh quốc” và một khi đã được trọng vọng thì sa đọa và suy thoái là tất yếu. Vở kịch hiện nay chưa cho thấy lịch sử được lặp lại, nhưng mức độ si mê của dân chúng thì có thể còn vượt xa lịch sử.
*

Vậy từ góc độ của một Phật tử, tôi sẽ phải nói sao? Cách tốt nhất là “không nói gì cả”, nhưng cũng không nên phụ lòng tin của một số anh em muốn cùng nhau tìm ra cách lý giải tốt nhất và cách hành xử hợp lý nhất. Nếu để ý, tất cả những từ ngữ trên đây, tôi dùng từ “Phật giáo”, với tư cách là một Tôn giáo là đối tượng của quản lý Nhà nước. Đó chỉ là quản lý về cái “vỏ”, tôi không rõ Đạo Thiên chúa như thế nào nhưng tôi tin cũng như Đạo Phật, cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn, chuẩn mực… dành cho những tăng lữ và tín đồ chân chính muốn thực sự tự mình đi trên con đường sửa thân tu tâm đến thanh tịnh và trong sáng.
 
Với “thiên nhãn” có thể dõi nhìn chúng sinh, phải chăng Đức Phật đã tiên đoán chính xác về thời mạt pháp khi Phật Pháp đi vào con đường tiêu vong?
Với “thiên nhãn” có thể dõi nhìn chúng sinh, phải chăng Đức Phật đã tiên đoán chính xác về thời mạt pháp khi Phật Pháp đi vào con đường tiêu vong?

Lúc Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế đã từng dự ngôn với các đệ tử về những tình huống Phật giáo sẽ xuất hiện bại hoại trong tương lai, đến nỗi cuối cùng Phật giáo toàn diện bại hoại không thể độ được người nữa. Phật giáo sẽ chỉ còn lại một vỏ ngoài, đến khi đó các tăng nhân “trong Pháp của ta, tuy cạo trừ râu tóc, thân mặc cà sa, nhưng họ “phá hủy giới cấm, hành không như Pháp”, đều đã là những “Tì Kheo giả”. Con người thì “Cầu nhờ cửa Phật, không tu giới luật”, “Phật Pháp thời tận diệt, bọn sư sãi ma quỷ sau khi tạo nghiệp vẫn không dùng tâm tu đạo đức, chùa chiền thành nơi của con buôn, thậm chí hoang phế mà không ai thèm tu chỉnh, cuối cùng bị hủy hoại hết. Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để giàu có, không tu cho có phúc đức chân chính. Có kẻ còn quá quắt buôn bán nô tì, bắt nô tì cày ruộng trồng trọt, tích lũy để giàu có. Ngoài ra còn đốt hủy rừng, làm tổn hại sinh mạng súc vật, không còn một chút thiện tính từ bi.

Đến thời đại này, chúng sinh trở thành nô lệ cho đồng tiền hoặc danh lợi lại xuống tóc đi tu trở thành sư hoặc ni cô, không những vô đạo đức mà còn dâm dục phóng túng, hành vi hỗn loạn bẩn thỉu, tăng nhân nam nữ chung sống với nhau, không còn băn khoăn về lễ độ luật pháp. Chính đạo suy yếu đều vì đám sư sãi ma quỷ này…
”.

Chẳng phải chúng ta đang chứng kiến những điều Phật Thích Ca nói cực kỳ đúng từ cách đây hơn hai nghìn năm đó sao?   

Ghi chú:

(1) Từ dân gian chỉ việc dùng truyền thông đấu đá hạ bệ nhau. Tờ báo này chỉ cách đây hơn 1 năm có phóng viên bị bắt vì dọa tống tiền quan chức một tỉnh Tây Bắc. 

(2) Bộ Luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam 1985.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Phật giáo
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn