Nếu như chúng ta có thể nhanh chóng có quan điểm (và cả lên tiếng) chỉ trích những tập đoàn đầu tư, những dự án đô thị mà chính quyền và nhà đầu tư chung tay phá hoại môi trường, coi rẻ di sản, thì với câu chuyện liên quan đến các nhà thờ, sự việc lại không đơn giản khi cần phân định rõ đúng/ sai, phải/ trái như vậy.
Vì sao câu chuyện phá dỡ nhà thờ Trà Cổ, Bùi Chu lại khác với phá bỏ Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, hay nói chung, khác với việc ứng xử với công trình cổ khác?
Sự khác biệt cơ bản ở đây, là trong các câu chuyện phá bỏ công trình cổ khác cho các dự án bất động sản hay dự án đô thị, bên ra quyết định là Chính quyền và Chủ đầu tư, bên “
nạn nhân” là một công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc hay cảnh quan nhất định, có nguy cơ bị
phá hủy, thay đổi chức năng, thương mại hóa. Các lập luận đưa ra thường là hy sinh di sản để phát triển kinh tế, mà thật khó không thể nghi ngờ những lợi nhuận bất động sản rơi vào túi những nhà đầu cơ, và tham nhũng của quan chức. Việc “
đấu tranh” ở đây nhằm bảo vệ một “
phe yếu” - “
nạn nhân” sẽ bị hủy hoại - để bảo vệ những giá trị văn hóa lịch sử luôn bị đẩy ra rìa trong những bài toán kinh tế ngắn hạn.
Nhưng câu chuyện xây mới các nhà thờ, vô cùng đáng tiếc, như ví dụ của nhà thờ Trà Cổ, lại nằm trong mối quan hệ phức tạp vốn từ lâu nay khá đối đầu, nghi kỵ, thậm chí xung đột giữa Công giáo và chính quyền. Một bên Giáo hội tránh những liên đới với chính quyền ở mức có thể (nên không xin công nhận di tích, giữ quyền tự quyết toàn phần), một bên chính quyền không cấp đất xây mới, thậm chí nhập nhèm quốc hữu hóa, thay đổi chức năng đất thuộc Giáo hội. Nhà thờ thuộc sở hữu riêng của Giáo hội, quyết định thông qua Tổng giám mục. Việc phá dỡ thường được có lý do nhu cầu nội tại, việc xây mới không thay đổi chức năng, và trên phương diện pháp lý Giáo hội hoàn toàn có quyền tự định đoạt, không có chế tài nào kiểm duyệt.
Các nhà thờ không phải là di sản?
Một cách thẳng thừng, quan niệm của bên Giáo hội coi việc chấp nhận công nhận “
di sản” là “
giao trứng cho ác” xuất phát từ bối cảnh xung đột với chính quyền như đã nói ở trên.
Vì vậy cần phải hiểu, dù thật dáng tiếc, là trong con mắt của giáo dân ở Việt Nam, hai từ “
di sản” bị hiểu theo nghĩa méo mó, thậm chí phản tác dụng, chỉ mang tính chế tài quản lý, hoàn toàn mất ý nghĩa thực về giá trị vốn dĩ của khái niệm này.
Trong khi đó, một cách vô tư, những người nhìn nhận các công trình tôn giáo với khái niệm “
di sản” từ khía cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần hay kiến trúc của công trình, lên tiếng tiếc thương và tìm cách can gián, thường bị đánh đồng với “
phe nhà nước”, nếu không cũng là “
kẻ ngoại đạo khóc mướn”. Trong khi đó, trên thực tế, họ vẫn miệt mài bảo vệ
tất cả các “
di sản” trong khái niệm thuần tuý của nó, ngay cả lên tiếng phản đối các cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư... Trọng tâm duy nhất với họ, là một công trình có giá trị cần được gìn giữ nguyên bản hết sức có thể.
Phải khẳng định, nhà thờ là
sở hữu tư của bên Công giáo. Trong quan niệm của Công giáo, họ không xin công nhận di sản tức là người ngoài không có quyền đòi hỏi, thúc ép giữ gìn nó. Đây cũng là một điểm hạn chế trong khái niệm
di sản của ai? Khi khái niệm di sản (có thể được xếp hạng hay không, tạm gọi là “
có giá trị di sản”), trong mắt giới chuyên môn hay những người yêu mến chúng, nằm trong giá trị của nó tạo dựng lên với cảnh quan xung quanh, với lịch sử của địa phương, đất nước, của con người. Một công trình được ghi nhận là “
có giá trị di sản” với cộng đồng, mà người ta muốn bảo vệ, trên cả việc nó có được xếp hạng hay không, không giới hạn nó là của ai.
Vậy ở đây, làm thế nào để tác dộng vào quyết định “hạ giải” nhà thờ Bùi Chu nói riêng, và nguy cơ hạ giải các công trình “có giá trị di sản”?
Như đã nói ở phần trên, việc “
giải cứu” hiện nay tại Việt Nam dường không có cơ sở pháp lý. Và với bối cảnh xung đột và mất niềm tin giữa bên Công giáo và nhà nước, việc áp đặt hay ép vào các khung pháp lý sẽ chỉ làm sự việc đi đến căng thẳng.
Việc kêu gọi “
cứu”, hay đưa ra những kết luận một cách mạnh mẽ, coi Giáo hội là bên “
sai lầm”, “
phá hoại, “
bức tử”... nhà thờ, sợ rằng chỉ đào sâu hố ngăn cách, gây những phản ứng tiêu cực.
Việc bảo vệ hay quảng bá để thu hút du lịch cũng dường như không phải là mong đợi của Giáo hội. Đây chỉ có thể là động cơ phát triển du lịch của địa phương, để địa phương tạo điều kiện hay hỗ trợ tài chính. Việc này chỉ có thể được ủng hộ nếu mối quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội tốt đẹp hơn. Nhưng hiện giờ thì không.
Cứng không được, chỉ may ra mềm mỏng và trên tinh thần đối thoại.
Như nhóm “
bảo vệ di sản” -
những người mong muốn gìn giữ, có chuyên môn, có nhiệt huyết, đã và đang làm những khảo sát, đề xuất, tự nguyện tiếp cận trực tiếp với Giáo hội, trao đổi trên tinh thần tôn trọng, tình nguyện khảo sát, đưa ra những phương án khả thi. Những người yêu mến di sản có thể kêu gọi ủng hộ tài chính.
Nếu thực sự Giáo hội và giáo dân vẫn yêu mến nhà thờ cổ, có tinh thần cầu thị, có tầm nhìn rộng mở, thực tâm vẫn muốn gìn giữ nhưng không tìm ra phương án, có thể lùi thời gian hạ giải nhà thờ, lắng nghe, bàn bạc, dành thời gian để cùng trao đổi xem còn có thể có phương án khác không.
Để
cùng nhau tìm ra giải pháp, thì việc đã bàn luận 5 năm, lùi lại thêm vài tuần, là không đáng kể so với lợi ích của nó.
Ngược lại, nếu không thể đi đến một phương án bảo tồn, thì chí ít, tất cả chúng ta sẽ bớt tiếc nuối, thôi chia phe nghi kỵ, kết tội lẫn nhau.
Về tầm xa, làm sao để tránh tiếp diễn?
Nên chăng, những người có chuyên môn và yêu mến các công trình “có giá trị di sản” cần quay sang kiến nghị với Nhà nước về các chế tài, luật pháp cho các trường hợp này. Mục đích tất nhiên để hàn gắn, tăng vai trò của Nhà nước trong việc tạo khung pháp lý, nhưng vẫn phải đảm bảo sự “
tự quyết” của Giáo hội, trong những khuôn khổ của luật định.
Về tầm nhìn xa, nâng cao nhận thức về giá trị phi vật thể của một công trình, một nơi chốn. Để những người nắm quyết định trong tay cũng như cộng đồng dần có ý thức bảo vệ như một “
tài nguyên”, một “
của để dành”.
Cần những kênh thông tin báo động các công trình có nguy cơ xuống cấp, để kịp thời sửa chữa trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, kêu gọi các hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Tác giả là kiến trúc sư, Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Bài viết được viết trước khi quyết định tạm hoãn hạ giải nhà thờ Bùi Chu được đưa ra.