TRIỂN VỌNG VIỆT NAM 2019 TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ ĐẾN LỚN HƠN

Thứ tư - 10/04/2019 15:37

(NCTG) “Cứ cái gì cần chính xác, cần tiêu chuẩn là Việt Nam không thể làm được (...). Ốc vít vớ vẩn thì làm được, chứ tinh vi chính xác thì đừng có mà mơ. Chính vì vậy mà để Việt Nam “móc túi” được thế giới thì không biết bao giờ mới làm được”.

Một chiếc xe sang muốn lăn bánh được ở Việt Nam, thì chủ nhân của nó còn lắm tiền hơn nhiều so với người chủ ở… Mỹ - Minh họa: Internet

Một chiếc xe sang muốn lăn bánh được ở Việt Nam, thì chủ nhân của nó còn lắm tiền hơn nhiều so với người chủ ở… Mỹ - Minh họa: Internet

Lời Tòa soạn: Bài thứ ba trong loạt bài phân tích và bình luận về chủ đề “Việt Nam đang ở đâu - đi về đâu?” của tác giả Phúc Lai (xin xem Bài 1Bài 2). Chân thành cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc! (NCTG)
 
Việt Nam thời hội nhập với rất nhiều thử thách - Minh họa: Internet
Việt Nam thời hội nhập với rất nhiều thử thách - Minh họa: Internet

Bài trước tôi đã nhắc đến ý kiến của một doanh nhân Việt kiều về số lượng xe sang người Việt mua ngày càng nhiều, điều này phản ánh rất chính xác rằng “ở Việt Nam ngày càng có nhiều tiền”. Vậy thực sự, cái “nhiều tiền” đó như thế nào?

Chúng ta không ai còn lạ gì những chuyện kiểu một chiếc xe sang muốn lăn bánh được ở Việt Nam, thì chủ nhân của nó còn lắm tiền hơn nhiều so với người chủ ở… Mỹ. Chính vì thế mà khi ở nước ngoài, tôi thấy chiếc Camry trông cũng nhếch nhác như ai thì ở Việt Nam biến thành xe sang, vì số tiền phải bỏ ra để có được nó chạy trên đường đủ để mua chiếc xe sang hơn nhiều so với ở nhiều quốc gia khác.

Bài trước tôi cũng đã viết về tình trạng khó khăn của lĩnh vực có nhà cho thuê, nhưng tình hình có vẻ không đến nỗi bi đát như thế ở miền Nam, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh. Tất nhiên ở đâu cũng có đặc thù, Sài Gòn như một nền kinh tế trong một nền kinh tế khác, nó đang là đầu tầu hay nói chính xác, là anh ăn no vác nặng, làm ra nhiều tiền nhất và nuôi ngân sách nhà nước nhiệt tình nhất. Thông qua ngân sách nhà nước, như thế một cách gián tiếp Sài Gòn đã nuôi rất nhiều địa phương trong cả nước mà hàng năm vẫn phải xin cứu đói.

Vì những đặc thù như thế nên những người bạn doanh nhân của tôi vốn gốc Nam từ xưa, đến tận năm 2019 này không có ai mua xe sang dù họ đều là các nhà đầu tư sản xuất, nghĩa là làm ra của cải vật chất thực sự cho xã hội. Nếu ngày nay đi từ Nam chí Bắc, thấy xe sang nhan nhản chạy đầy đường, rất nhiều chủ sở hữu của chúng là người gốc Bắc, hoặc những doanh nhân không đầu tư sản xuất, mà chủ yếu là những… nhà đầu cơ.

Nếu nhìn lại cái mốc vàng son bài trước tôi đã đề cập là năm 2010, đó là thời mà cứ mua được một suất nhà chung cư, là có thể bán sang tay được vài trăm triệu… thì chúng ta đã bắt đầu hình dung ra câu chuyện như thế nào rồi. Giai đoạn đó cũng là giai đoạn vàng son của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời mà ông “khênh vác” được về Việt Nam nhiều tiền nhất, mà theo như giới thông thạo cho rằng hầu hết đó là vốn vay nước ngoài, và với cơ chế Việt Nam thì số tiền đó nhanh chóng chạy hết vào túi tư nhân.

Theo tôi hiểu, số tiền đó là số tiền lớn nhất chạy về Việt Nam trong giai đoạn từ khi ông Dũng nắm quyền Thủ tướng cho đến ngày hôm nay. Sau khi các khoản vay cho Việt Nam bị xiết lại thì những nguồn tiền chính chủ yếu là kiều hối. Tiền bán tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ thì từ năm 2014 đã giảm đi nhiều cùng với giá dầu thế giới. Chính vì nguồn tiền đi vay nước ngoài mà với người Việt được coi là “trên giời rơi xuống” đó giảm đi đến mức bằng không, thể hiện ra rất rõ ở thị trường bất động sản. 

Nhà tôi ở trong một làng cổ, rất gần những dự án chung cư mà xét về các loại tiêu chí thì đều là những khu đất vàng, địa thế tuyệt đẹp và “độ hót” cực cao, thế mà suốt mấy năm nay liên tục, liên tục các bạn nam thanh nữ tú có, luộm thuộm mới ra trường cũng có, suốt ngày đi phát tờ rơi quảng cáo cho các dự án đó. Nếu là ở thời hoàng kim, thì nhà đầu cơ có mà phải chạy vạy, khóc lóc, xếp hàng rơi rụng bệ rạc chứ làm gì có chuyện đi bán dạo bất động sản kiểu như vậy.

Đồng thời, những báo cáo về nhu cầu về nhà ở phân khúc thu nhập thấp (tương đương là nhà xã hội) và trung bình thì vẫn còn, cho thấy luồng dịch chuyển của vốn kiều hối về nông thôn Việt Nam rồi lại ra thành thị mua nhà phân khúc này, là có thật. Nhà sang, cao cấp ế ẩm cho thấy người thực có tiền muốn ở sang, không có nhiều, mà mua để đầu cơ lại không bán được. Những dự án hót vì mang tính sinh thái cao như ở khu E. ven đô cũng không tránh được bị đầu cơ vì chỉ ngay sau khi có suất bốc thăm mua căn hộ người ta đã rao bán lại.

Bây giờ đi trên đường Hà Nội chỗ nào có dự án nhà chung cư, là thấy những chiếc bàn nhỏ kê ngoài vỉa hè, với nam thanh nữ tú ngồi quây quần xung quanh. Đó là những “nhà tư vấn bất động sản” nay đã rời văn phòng máy lạnh và ra vỉa hè để “hòa vào quần chúng”. Chúng ta hãy tự hỏi cách đây gần chục năm liệu có tìm được những “nhà tư vấn” đó không, hay là chảnh chọe mấy chục cuộc điện thoại may ra mới hạ cố nghe được cho một cú.

Ngay cả những dự án của tập đoàn V. toàn đất vàng trong thành phố… cũng đều được săn mua không phải để ở, vì chỉ ở được một thời gian thì rất nhiều người chán ngấy vì độ tham lam của chúng trong thiết kế, nhưng lại rất có tiếng vì độ sinh lời cao… Chỉ cần nói rằng đó là những điểm sáng rất nhỏ trong bức tranh tổng thể bất động sản Hà Nội.

Tôi có anh bạn người Singapore, có ý định sang Sài Gòn để mua nhà định cư lâu dài, với hy vọng Sài Gòn khí hậu mát mẻ hơn quê nhà. Sau khi thăm thú khắp thành phố vài tuần, anh ta quyết định rút lại ý tưởng đó, vì nhiều lý do: hạ tầng quá tải, quy hoạch thành phố cũ mới lung tung, lổn nhổn xôi đỗ, các điều kiện phúc lợi chưa đảm bảo và cuối cùng là tư duy quản lý của chính quyền còn quá nhiều lẩm cẩm. Còn lại, tôi có rất nhiều bạn bè vốn đều là những nhà đầu cơ bất động sản ở miền Bắc, lại kéo nhau vào Nam để tìm cơ hội mới và cuối cùng cái chợ lại vẫn nhộn nhịp toàn nhà những gương mặt cũ xì không lạ gì nhau từ vài năm trước ở ngoài Bắc.

Một thị trường bất động sản lành mạnh theo hiểu biết của tôi, nó phải được tăng trưởng dựa trên một nền kinh tế lành mạnh, có nguồn vốn dựa trên giá trị thặng dư của nền kinh tế lành mạnh đó và thu hút được những vốn đầu tư từ nước ngoài, là những người thực sự muốn định cư để ở lại làm ăn lâu dài. Hiện nay kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, thì có hai loại là loại bỏ tiền ra xây dựng, và loại thứ hai thì cũng chỉ là đầu cơ, rất ít người mua để ở lại làm ăn, đầu tư sản xuất kinh doanh. 

Đến đây, tôi buộc phải nói về tình hình các liên doanh biến mất - như những khách hàng của tôi cách đây mười mấy năm sang nhờ tư vấn, thuê nhất xây dựng nhà máy, nay đi tìm lại đã thấy bảo họ rút mấy năm nay rồi, cũng một phần do thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã hết, chất lượng công nhân Việt Nam không cạnh tranh được công nhân các nước xung quanh… Ngay cả Sony Việt Nam cũng không còn nhà máy lắp ráp điện tử mà toàn đồ nhập khẩu. Tôi mới mua một cái máy nghe nhạc MP3 của Sony là sản xuất ở Indonesia.

Hiện nay ở Việt Nam chắc chỉ còn Samsung là hoành tráng, chủ yếu cũng là vì thời hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp còn khá dài. Tất nhiên bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế sản xuất Việt Nam không ảm đạm đến thế, nhưng dạo quanh khắp miền Bắc thì nói quả không ngoa, một nền sản xuất đìu hiu không thể lập đáy thêm nữa. Trong khi đó những họ hàng, anh chị em kéo nhau vào miền Nam làm việc, hầu như toàn làm trong các doanh nghiệp sản xuất mang tính gia công là chủ yếu, vẫn tập trung vào dệt may và sản xuất giày.

Còn nhớ cách đây mấy năm, người ta ồn ào rộ lên về nhu cầu xây dựng lắp đặt gì đó trung tâm chiếu xạ hoa quả để xuất khẩu, thế mà đến nay quả vải của Bắc Giang, Hải Dương được mùa vẫn mất giá và khả năng chiếu xạ ở miền Bắc là chưa thể, chở vào miền Nam thì có họa là hâm mới làm thế. Lại nhớ câu chuyện cách đây đến chục năm chúng tôi có tham gia hội thảo cơ hội đầu tư ở Việt Nam, thì có hàng tỉ thứ đầu tư vẫn rất tốt - như công nghệ sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam chẳng hạn.

Thời ở Châu Âu, tôi mua vải hộp của Thái Lan bán trong siêu thị thì cũng có thông tin được biết rất nhiều doanh nhân Thái Lan nhìn ngắm cơ hội xuất khẩu vải thiều Việt Nam, nếu họ làm thì làm mấy hồi trong khi Việt Nam vẫn loay hoay. Nếu ai đã ăn cam Ai Cập được bán ở Châu Âu, thì thấy sản phẩm này thua xa cam Bố Hạ hoặc Cao Phong của Việt Nam, nhưng rõ ràng lạ họ vẫn bán đều đều trong khi sản phẩm Việt Nam chẳng thấy tăm hơi. Chuyện nói đến hàng chục năm nay rồi chứ chẳng phải bây giờ mới nói.

Môi trường ngày càng ô nhiễm đã tiếp tay nhiệt tình cho rào cản nông sản Việt Nam sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Bắc Mỹ… Chính vì vậy mà thị trường chính của nông sản Việt Nam vẫn là… Trung Quốc. Khổ cái cứ vui lên họ cấm biên là hàng của ta chỉ có nước đổ xuống các vực sâu bên đường lên Tân Thanh (1). Tôi hay đi lang thang để nhìn ngó, đến nước nào cũng mò vào siêu thị xem tình hình bà con các dân tộc thế giới ăn con gì cây gì, và cố tìm xem có hàng hóa Việt Nam hay không, thì phải nói một chuyện đáng buồn.

Tôi chưa sang Mỹ nên chẳng biết thủy sản tôm cá bên đó bán như thế nào, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy hàng hóa Việt Nam bán ở Châu Âu với đúng nghĩa là hàng “ma-dia-in Diệt Nôm” (2) ở chỗ nào cả, trừ mấy đôi giày Nike, Adidas là nhãn hiệu nước ngoài, nghĩa là chỉ được gia công ở Việt Nam mà thôi. Nói quả đáng tội, ở siêu thị Mátxcơva có nước tương Chinsu và… chấm hết.

Gạo Việt Nam được đóng túi một 1kg và in ở ngoài “Вьетнамский рис” (3) nhưng khi gặp nhà nhập khẩu thứ gạo đó vào Liên bang Nga, một người Việt sinh sống và làm ăn ở Nga đã rất lâu thì được biết chục năm gần đây mua gạo Thái Lan, đóng túi và bán ở Nga nhưng vẫn gọi là “gạo Việt Nam”. Chất lượng gạo của Việt Nam bây giờ không đảm bảo để bán cho Tây họ ăn, vậy thôi.

Tôi có ông bạn thân làm bác sĩ, nhưng rất quan tâm đến thời cuộc, cũng một phần nhà anh bạn ở quê nghèo, mong muốn đất nước khởi sắc đi lên để bà con đỡ khổ. Anh khấp khởi khi triển vọng của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU được ký kết và phê chuẩn, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào Châu Âu, tìm bằng được tôi để trao đổi xem ánh sáng cuối đường hầm ở đâu, có hay không… Tôi phải nói thật lòng với anh bạn rằng, vui thì vui đấy, và tôi cũng không phải theo chủ nghĩa bi quan đâu, nhưng khó khăn chồng chất.

Việt Nam hiện thay thế mạnh vẫn là nông sản, thủy sản… mà với tình hình ô nhiễm như hiện nay, hàng có đạt chuẩn xuất khẩu thì giá thành cũng đội lên rất cao, đó là chưa nói đến việc cho đến ngày hôm nay, Nhà nước cố ký Hiệp định thì cứ cố, nhưng trong nước chẳng có động tĩnh gì về phát triển công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch. Còn hàng thủ công nghiệp, công nghiệp thì anh bạn biết rồi, cùng lắm cũng chỉ mây tre đan, với gia công hàng may mặc da giày là hết… chứ Việt Nam hiện nay làm gì có hàng công nghệ?

Thế giới người ta làm giàu vì hàm lượng chất xám kết tinh trong hàng hóa, trong đó có những bí quyết công nghệ… thế nên tại sao cái điện thoại thông minh tưởng như làm ra nó giá thành không đáng bao nhiêu về vật chất, mà nó lại được bán đắt như vậy… Câu chuyện hàng tấn thóc mới mua được cái điện thoại bé tí là đó. Nếu như bây giờ không cần biết đầu tư nước ngoài hay nước trong gì vào Việt Nam mà sản xuất hàng công nghệ, cũng không thể cạnh tranh được với hàng hóa Châu Âu trong thời gian tới?

Tại sao à? Tôi dự đoán thời gian vừa qua, một mặt Châu Âu phải đối mặt với vấn nạn người tỵ nạn Trung Đông và Bắc Phi, thì cũng mở ra một cơ hội rất lớn đối với châu lục già cỗi này, là một lực lượng lao động dồi dào sức khỏe và trình độ cao, dễ đào tạo lại chăm chỉ hơn người Việt Nam nhiều lần. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang hồi cao trào, Châu Âu không thể đứng ngoài cuộc. Một châu lục giàu truyền thống, sẵn có công nghệ hàng đầu thế giới cùng nền sản xuất thừa kinh nghiệm, cũng thừa luôn cả vốn liếng, thiếu mỗi người lao động, nay được làn sóng nhập cư đó thì chẳng còn gì bằng…

Ông bạn lại thắc mắc: người ta cứ giễu Việt Nam không làm được ốc vít, nhưng rõ ràng Việt Nam vẫn có thể sản xuất được ốc vít chứ? Sản xuất được chứ, gì chứ ốc vít thì nhà máy Quy chế Từ Sơn (Băc Ninh) có mà sản xuất được từ bốn chục năm nay rồi chứ - nhưng cái đang nói là vấn đề “tiêu chuẩn hóa”. Cứ cái gì cần chính xác, cần tiêu chuẩn là Việt Nam không thể làm được, nên câu đó sai mà cũng không sai đâu. Ốc vít vớ vẩn thì làm được, chứ tinh vi chính xác thì đừng có mà mơ. Chính vì vậy mà để Việt Nam “móc túi” được thế giới thì không biết bao giờ mới làm được.

Cũng không thể không nói đến một vài điểm sáng: các doanh nghiệp lớn Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến nông nghiệp, như chúng ta đang xem trên VTV những khẩu hiệu kiểu “T.H. mang nông sản Việt Nam ra thế giới…”. Tôi rất lạc quan về hướng đi này và mong cho họ thành công, nhưng một vài cánh én lẻ loi chưa thể làm nên mùa xuân mà đất nước cần phải có cả một nền sản xuất nông nghiệp phục vụ xuất khẩu hiện đại kia.

Vậy nên, khi nhà doanh nhân Việt Kiều lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 (ngắn hạn) và trong dăm bảy năm tới (trung hạn) thì tôi tin là anh đúng, nhưng đúng như thế nào - có thể xã hội Việt Nam vẫn có thể có nhiều tiền thật, nghĩa là vẫn từ những nguồn như thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thất thoát ra ngoài xã hội vẫn còn, người ta vẫn đem ra tiêu dùng tiếp, nguồn kiều hối và tiếp tục lại đổ vào bất động sản và tiêu dùng…

Nhưng về tổng thể, một nền kinh tế đi lên phải có sản xuất (phi công bất phú), chứ không phải chỉ trông vào đi làm thuê với buôn đất… Xã hội giàu lên bề ngoài nhờ buôn đất thì chỉ tổ nhiều hệ lụy, chứ không báu bở gì; vì cứ người này giàu lên, phải có người khác nghèo đi, trên mức độ toàn xã hội không đẻ ra giá trị nhờ sản xuất mà dựa trên những quả bong bóng xà phòng. 

Mà phàm là cứ bán vườn đi để ăn, trước sau cũng sa vào tệ nạn. 

Ghi chú:

(1) Cửa khẩu quốc tế xuất nhập khẩu hàng trên biên giới Việt - Trung, tỉnh Lạng Sơn.

(2) Made in Vietnam.

(3) Gạo Việt Nam.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: triển vọng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn