BẠN CÓ TỪNG BỊ BẮT NẠT?

Thứ tư - 03/04/2019 17:35

(NCTG) “Đừng trách những đứa trẻ vô cảm trong những vụ bắt nạt, chính chúng ta đã luôn dạy chúng tránh xa rắc rối, câm lặng trước cường quyền. Liệu có bao nhiêu người lớn dám đứng ra can ngăn các vụ hành hung trên đường phố hay đơn giản là làm chứng chống lại kẻ ác?”.

Nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng dã man ngay trong lớp học - Ảnh cắt từ clip của TTXVN

Nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng dã man ngay trong lớp học - Ảnh cắt từ clip của TTXVN

Vụ nữ sinh lớp 9 bị 5 bạn cùng lớp đánh đập dã man ngay tại lớp mà không bạn nào dám can ngăn và toàn thể bộ máy nhà trường từ giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ đến Ban Giám hiệu không ai mảy may hay biết đang làm công luận dậy sóng. Sự phẫn nộ trút lên đầu các thủ phạm nhưng họ lại là vị thành niên, nên chủ yếu đổ vào nhà trường, cô chủ nhiệm và cả nền giáo dục cũng bị vạ lây. Rất nhiều lời than thở, vì sao giáo dục lại xuống cấp đến thế, xã hội này sẽ đi về đâu... khi nạn bắt nạn và sự vô cảm trở nên đáng sợ đến vậy.

Nhưng thật ra bắt nạt và sự vô cảm đã có từ rất lâu rồi. Mình dám chắc cũng như nạn quấy rối tình dục với phụ nữ, hiếm có ai đi học mà không từng bị bắt nạt. Nguyên nhân đầu tiên của sự bắt nạt là ghét những kẻ khác mình. Nhiều người thích nức nở hoài cảm tình người thời chiến nhưng mình chắc ít nhất 90% trẻ em thành phố về nông thôn sơ tán thời ấy đều bị bắt nạt. Lý do bắt nạt rất đơn giản, trẻ em nông thôn ghét những đứa trẻ thành phố trắng trẻo, quần áo tươm tất, học giỏi hơn và quan trọng nhất là ít hơn mình.

Mình từng bị giật tóc, kéo áo, cướp cặp, giấu sách vở... và nghiêm trọng nhất là từng bị một toán toàn học sinh nam chặn đường đòi đánh, chỉ vì “ghét đứa thành phố học giỏi nên kiêu” dù mình không quen biết họ. Bạn học nhìn thấy thường không dám nói năng gì vì sợ vạ lây, không ít người còn khoái trá vì tâm lý tự ti được trả đũa. Tuy nhiên, bị bắt nạt trong trường thường không nguy hiểm lắm vì dễ tìm được ai đó để kêu cứu. Đáng sợ nhất là lần bị bắt nạt ngoài đường, mình đã sợ đến cứng người vì xung quanh không có ai cả và đám này rất hung hăng.

Bí quá hóa liều, mình cầm chắc chiếc cặp nặng trịch xông lên đập liên tục vào đầu đứa cầm đầu làm cả đám bất ngờ vì chắc chưa từng gặp nạn nhân dám chống lại. Mình lách qua đứa cầm đầu đang choáng váng rồi co cẳng chạy, cả đám đuổi theo. May quá có vài người đi chợ xuất hiện, mình kêu cứu nên những kẻ kia bị chặn lại, còn mình chạy thẳng về nhà. Buồn cười nhất là mình không bị đánh cái nào, còn thằng kia chắc bị đau kha khá nhưng sau đó mình không dám đi đường ấy nữa. Sau vụ ấy mình nhận ra những kẻ bắt nạt thường rất hèn nhát, chỉ biết cậy đông mà thôi.

Có điều một đám đông mù quáng luôn rất đáng sợ. Lần bị bắt nạt mình nhớ nhất không phải là những lần bị đánh mà là bị cả lớp tẩy chay. Năm ấy mình đang học trường gần nhà thì tự dưng được giải nhất Toán toàn thành, vượt mặt toàn thể đội tuyển Toán của trường chuyên lừng lẫy trong thành phố. Vì thế nhà trường đến gặp bố mẹ mình thương lượng chuyển mình qua bên đó, hứa sẽ tạo điều kiện tốt cho mình. Bố mẹ mình bùi tai nên đồng ý chuyển mình qua, mình được đặc cách vào lớp chuyên Toán và được mọi giáo viên để ý.

Nhưng sự chăm sóc ấy thật sự là một gánh nặng vì mình chẳng phải tài năng gì, hơn nữa nó còn làm bạn học ghét bỏ mình. Lớp chuyên nên ít người, lại toàn “sao” cả, vốn quen được chiều chuộng, tôn vinh. Mình từ trường khác đến, không quen biết ai, cả ngày chỉ biết chúi mũi vào sách vở, ít nói chuyện với bạn bè nên bị tất cả cho là kiêu. Mọi sai sót của mình đều được thổi phồng còn thành tích chỉ làm mình đáng ghét hơn. Đỉnh điểm là sau khi thầy giáo ưu tiên cho mình 1 quyển sách giáo khoa hiếm (mà là môn Đạo đức mới đau chứ), cả lớp thống nhất không chơi với mình nữa. Năm ấy mình mới 13 tuổi, hoàn toàn ngơ ngác, một ngày đẹp trời đến lớp thấy không ai nói chuyện với mình, chỉ tổ trưởng hay lớp trưởng đôi khi phổ biến gì đó.

Lúc đầu mình cũng không để ý vì cũng không hiểu hết tầm quan trọng của nó. Nhưng sau 3-4 ngày, tinh thần mình trở nên rất căng thẳng, sợ đi học, lúc nào cũng muốn khóc mà không biết nói với ai vì không ai đánh đập hay xúc phạm gì mình cả. Vài bạn thương mình nhưng không dám lại gần vì lo sẽ bị tẩy chay theo... Mình không học hành gì được, về nhà chỉ trốn vào xó nhà khóc, thậm chí còn muốn chết vì không hiểu mình làm sai gì và làm thế nào để thoát ra được khỏi tình trạng ấy. Phải 2 tuần sau mẹ mình mới phát hiện ra để hỏi chuyện mình, sau đó nói chuyện với thầy giáo chủ nhiệm.

Chắc thầy nói chuyện với ban cán sự lớp thế nào đó nên tình trạng dần cải thiện. Việc mình chỉ đạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi tiếp theo rồi ở lâu nên quen nhau, nói chuyện nhiều hơn đã giúp mình được tiếp nhận là thành viên thật sự của lớp. Nhóm đội tuyển chúng mình đã sát cánh bên nhau hết cấp 2, cấp 3 rồi cả khi vào đại học. Cho đến nay chúng mình vẫn họp lớp hàng năm, không biết có bạn nào còn nhớ đến tình trạng khó xử của mình thời ấy. Sau lần ấy mình thỉnh thoảng vẫn bị cô lập hay xúc phạm nhưng không nghiêm trọng lắm vì mình đã quen rồi và vì mình luôn có bạn bè để trông cậy.

Mình hiểu ra là tình trạng bắt nạt xuất hiện vì:

- Ở đâu cũng có kẻ Ác, những kẻ bẩm sinh ghét những người khác mình, tốt hơn mình, thành công hơn mình. Dù khoác vẻ ngoài thành công, đẹp đẽ hay thất bại, xấu xí, chúng giống nhau ở chỗ thích hành hạ kẻ yếu hơn mình. Chúng sẽ nhanh chóng tìm thấy nhau để kéo bè kết cánh, tìm cơ hội hành động.

- Trong mỗi người luôn tồn tại một phần ghen tỵ, sợ hãi những gì khác mình, hơn mình và yếu đuối trước những kẻ mạnh. Đừng trách những đứa trẻ vô cảm trong những vụ bắt nạt, chính chúng ta đã luôn dạy chúng tránh xa rắc rối, câm lặng trước cường quyền. Liệu có bao nhiêu người lớn dám đứng ra can ngăn các vụ hành hung trên đường phố hay đơn giản là làm chứng chống lại kẻ ác? Vậy sao ta còn trách trẻ con vô cảm khi chính người lớn còn hành xử tệ hơn?

- Trẻ con có quá ít sự bảo vệ. Như mình chứng kiến, không ở quốc gia nào bố mẹ và giáo viên có thể bảo vệ chúng 24/24 bởi vì muốn hạnh phúc chúng cần có cuộc sống riêng, nơi người lớn không can thiệp được nhưng những hung thủ tí hon lại luôn có thể hiện diện. Dù bố mẹ đưa đón tận cổng trường, camera khắp nơi thì cũng không thể tránh được những lúc trong phòng thay đồ, nhà vệ sinh hay đơn giản là bị tẩy chay như câu chuyện của mình.

- Chính vì thế, bắt nạt có khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết trong Mỹ là quốc gia có tình trạng bắt nạt phổ biến nhất thế giới, thứ 2 là Nhật Bản, thứ 4 là đất nước Canada nổi tiếng hiền hóa, New Zealand đứng thứ 9, Hàn Quốc đứng thứ 13 và Việt Nam hân hạnh đứng thứ 19! Hậu quả của việc bắt nạt nghiêm trọng hơn ta tưởng rất nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ bị bắt nạt thường rơi vào trạng thái căng thẳng, buồn bã, cô độc, sợ hãi, mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, làm chúng học hành sút kém, thậm chí bỏ học.

Còn những kẻ bắt nạt sẽ dễ có xu hướng bạo lực, nghiện ngập, sa vào những mối quan hệ xấu và bất hạnh trong đời tư. Ngay cả những trẻ thường chứng kiến cảnh bắt nạt cũng bị lo lắng, trầm cảm, có xu hướng nghiện ngập và dễ bỏ học. Nghiêm trọng nhất là việc thường xuyên bị bắt nạt có thể dẫn đến việc tự tử ở người trẻ.

- Hậu quả của việc bắt nạt nghiêm trọng đến mức năm 2018 UNICEF đã phải có một nghiên cứu để xây dựng chỉ số Bắt nạt Toàn cầu (Global Bullying Indicator - GBI) để thúc đẩy các chính phủ phải tích cực hơn nữa trong việc phòng chống bắt nạt trẻ em.

- Đặc biệt, cùng với Internet và mạng xã hội, một hình thức bắt nạt mới xuất hiện, còn đáng sợ hơn và khó phòng chống hơn, đó là bắt nạt trên mạng (cyber bullying) mà nạn nhân đầu tiên là Monica Lewinsky trong vụ scandal với cựu Tổng thống Bill Clinton. Do tâm lý, những kẻ ác luôn thích phô trương hành động của mình nên hiện tượng quay cảnh bắt nạt nạn nhân rồi đưa lên mạng ngày càng phổ biến. Dưới hình thức này, đám đông a dua chính là thủ phạm kinh khủng nhất. Bằng những hành động chia sẻ clip, các bình luận ác ý, họ đã đẩy nạn nhân vào sự tuyệt vọng. Theo các nghiên cứu, bắt nạt trên mạng còn dễ dẫn đến tự tử hơn bắt  nạt thông thường.

Như vậy, bắt nạt trẻ em ở trường là tình trạng phổ biến toàn cầu và thật sự có hậu quả nghiêm trọng đến tâm sinh lý cũng như tương lai của người trẻ. Tiếc rằng ở Việt Nam những người có trách nhiệm đều có xu hướng coi đó chỉ là “việc trẻ con”, chỉ khi sự việc trở thành bạo lực công khai dư luận mới sôi lên vài hôm rồi đâu lại vào đấy.

Để ngăn chặn tình trạng này, bố mẹ và nhà trường cần luôn quan tâm đến trẻ em, hỏi han ngay khi thấy chúng có biểu hiện bất thường (thống kê cho thấy 43% trẻ em từng bị bắt nạt khi đến trường nhưng chỉ 1/10 nói lại với người lớn)  và tham vấn với gia đình/thầy cô ngay để tìm cách giải quyết. Đặc biệt, hãy khuyến khích trẻ em thông báo về tình trạng bắt nạt mà các em chứng kiến vì bảo vệ người khác chính là bảo vệ mình. Cần lắng nghe tất cả các bên như thủ phạm, nạn nhân, bạn học, giáo viên... để đưa ra cách giải quyết phù hợp và dứt khoát.

Trong trường hợp nghiêm trọng, hãy để luật pháp giải quyết như trường hợp nữ sinh bị hành hung ở Hưng Yên chứ không giải quyết kiểu cải lương như cho nghỉ học vài ngày và đặc biệt không cảm tính kiểu buộc giáo viên chủ nhiệm thôi việc!

Hãy tham vấn kinh nghiệm của nước ngoài và hành động dứt khoát vì tình trạng này rất đáng báo động rồi!

Nguyễn Hoàng Anh, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn