MẶT TRĂNG & ĐỒNG XU

Thứ bảy - 23/02/2019 19:22

(NCTG) “... điều ông muốn tránh chỉ là không để bà can thiệp vào việc điều hành công ty, biến Mặt trăng của ông thành đồng xu khốn khổ”.

Vụ ly hôn đang gây ầm ĩ trong dư luận - Ảnh: Internet

Vụ ly hôn đang gây ầm ĩ trong dư luận - Ảnh: Internet

Vụ ly dị của nhà Trung Nguyên đã nhiều lần làm mạng dậy sóng. Nhiều người trách ông Vũ mê mải thiền với những lý tưởng có vẻ hoang đường mà bỏ bê vợ con. Trong tư duy của đám đông Việt, không lý tưởng nào cao hơn chăm sóc gia đình mình dù vợ con ông không hề đói khổ hay bị bạo lực.

Vụ này làm mình nhớ đến cuốn “Mặt trăng và đồng sáu xu” (The Moon and sixpence) của nhà văn Anh nổi tiếng William Somerset Maugham, xuất bản năm 1919, được viết dựa trên tiểu sử của danh họa người Pháp Paul Gauguin.

Trong cuốn sách, tác giả kể lại cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Charles Strickland, đang là một nhà buôn chứng khoán thành đạt, vợ con đề huề, được kính trọng, tự dưng bỏ lại tất cả để chạy theo hội họa.

Khỏi nói gia đình và cả xã hội nơi ông sống ngạc nhiên và phẫn nộ đến thế nào trước quyết định điên rồ này nhưng ông quyết ra đi, phó mặc việc nuôi nấng con cái cho vợ. Dù ông để lại hầu hết tài sản cho vợ con nhưng người vợ đang yên lành làm nội trợ trong nhà phải ra ngoài đi làm đồng thời quản lý con cái, còn ông chồng dấn thân vào cuộc sống lang bạt của giới nghệ sĩ, bất chấp ngày mai.

Sau nhiều năm phấn đấu không thành công ở Paris, ông đi tìm môi trường sáng tác mới ở cái tuổi gần năm mươi. Cuối cùng ông trôi dạt đến đảo Tahiti, hoàn toàn xa cách với thế giới văn minh, hơn nữa còn chung sống với một phụ nữ thổ dân, điều không thể tha thứ được trong con mắt xã hội cũ của ông.

Tại đây, trong điều kiện sống sơ khai, ông đã tìm được cảm hứng sáng tác. Dù bị mắc bệnh hủi, dần mù cả hai mắt, ông vẫn miệt mài vẽ cho đến khi qua đời. Vì sự khinh bỉ và căm ghét xã hội được coi là văn minh nơi ông từng sống, ông yêu cầu người vợ thổ dân sau khi ông qua đời hãy đốt tất cả các tác phẩm của mình nhưng may mắn những người hiểu biết đã cứu được.

Tác phẩm cuối cùng của ông là bức tranh vẽ trên vách và trần nhà cùng những bức tranh vẽ trên vải không đóng khung vứt lung tung trong nhà đủ cho những ai hiểu biết hội họa coi ông là một thiên tài.

Đến lúc này thái độ cuả vợ con ông thay đổi hẳn, từ chỗ hoàn toàn rũ bỏ mọi quan hệ với ông, tránh nhắc đến ông như tránh hủi, họ quay sang đòi tòa án bảo vệ quyền thừa kế của họ với mọi tài sản ông để lại, ra sức kể lể những công lao của họ với ông. Vợ ông còn thuê người đuổi cô gái thổ dân, người đã chăm sóc ông bao năm trong ốm đau bệnh hoạn, ra khỏi căn nhà của hai người để bà ta chiếm trọn những bức tranh trong nhà....

Cuốn sách đã làm thay đổi hẳn cách nhìn của mình về nghĩa vụ của con người trong xã hội. Từ chỗ ban đầu rất phẫn nộ với ông chồng, dần dần mình chuyển sang chấp nhận và cuối cùng là thông cảm với ông. Như cái tên của tác phẩm, ông theo đuổi Mặt trăng, còn cái nhìn của xã hội chỉ như đồng xu lẻ.

Mỗi người sinh ra có một sự mệnh nào đó, đa phần chúng ta hoặc chỉ được giao hoặc lựa chọn một sứ mệnh bé mọn, sống như một đinh ốc nhỏ bé trong xã hội cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Nhưng cũng có những con nguời mong muốn thực hiện được những điều lớn lao trong xã hội, như người hoạ sĩ trong tác phẩm này. Họ không cùng tầng suy nghĩ như chúng ta, không mong muốn hay coi trọng những điều giống đám đông.

Trong chuyện nhà ông Vũ, lý do ông không chấp nhận chia đôi tài sản với vợ không phải vì ông tiếc tiền (chắc chắn 20% cổ phần của Trung Nguyên không thể đem lại cho vợ ông 10 tỷ/năm. Ông cũng không phủ nhận công lao của vợ với Trung Nguyên (30% cổ phần của công ty là rất lớn), điều ông muốn tránh chỉ là không để bà can thiệp vào việc điều hành công ty, biến Mặt trăng của ông thành đồng xu khốn khổ.

Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Trung Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn