TỪ VỤ ÁN BS. HOÀNG CÔNG LƯƠNG, NGHĨ VỀ THÁI ĐỘ TRONG TRANH LUẬN

Thứ hai - 18/02/2019 05:05

(NCTG) “Không ai thuộc số đông cả đời để luôn được hưởng sự an toàn, đơn giản, và dễ dàng mà nó mang lại. Đó là chưa kể đúng hay sai không phải là những khái niệm tuyệt đối”.

Bản án dành cho BS. Lương làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên “không gian mạng” với những ý kiến, quan điểm trái ngược - Ảnh: Internet

Bản án dành cho BS. Lương làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên “không gian mạng” với những ý kiến, quan điểm trái ngược - Ảnh: Internet

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án BS. Hoàng Công Lương đã khép lại vào ngày 30-1 vừa qua song dư âm của nó vẫn còn tiếp diễn.

Các cuộc tranh luận dồn vào bản án dành cho BS Lương, với hình phạt 42 tháng tù giam, với nhiều chiều ý kiến khác nhau, trong đó chiếm ưu thế là chiều ý kiến phản đối bản án và cho rằng BS Lương vô tội.

Nếu chỉ như vậy thôi thì không có gì đáng nói. Điều đáng nói là, như một câu chuyện muôn thuở ở đất nước đang chật vật tiến tới văn minh này, các cuộc tranh luận không khác gì các cuộc cãi lộn.

Là người quan sát các cuộc tranh luận trên mạng Facebook, đồng thời tham gia một số cuộc tranh luận quanh một số status của mình về vụ án, tôi muốn chia sẻ vài suy nghĩ sau đây.

Sự chuyên chế của số đông

Các ý kiến phản đối bản án và cho rằng BS. Lương vô tội thuộc về số đông. Sẽ không có vấn đề gì nếu số đông tranh luận với số ít (các ý kiến theo chiều ngược lại hoặc khác) một cách sòng phẳng với thái độ ôn hòa và thuần túy bằng các lập luận.

Nhưng các cuộc tranh luận chưa bao giờ diễn ra theo cách đó. Số đông hầu như luôn dùng sức mạnh của riêng việc nó là số đông để uy hiếp các ý kiến trái ngược. Nhiều thành viên của số đông dựa vào sức mạnh này để tự tin cho rằng đối phương chắc chắn sai và mình chắc chắn đúng.

Hẳn nhiên, đa số không chắc là đúng và số ít không chắc là sai. Logic này đủ dễ hiểu để lẽ ra một người thuộc số đông chấp nhận khả-năng-có-thể-sai của đa số cũng như của chính mình. Tuy nhiên, logic này lại khó áp dụng, vì con người vốn phi lý trí và dựa vào số đông thì bao giờ cũng an toàn, đơn giản và dễ dàng hơn.

Nhưng, đó vẫn chưa hẳn là vấn đề. Vấn đề thực sự là ở chỗ nhiều người thuộc số đông quả quyết mình đúng và không ngại ngùng lăng mạ, sỉ nhục và muốn dập tắt các ý kiến đối lập mà hầu như không dùng lập luận. Tôi đã thấy những comment như vậy nhằm vào mình và nhằm vào các cá nhân khác có ý kiến đối  lập.

Nếu một người vì thuộc đa số mà cho rằng mình là đúng và thiểu số là sai để từ đó có các hành vi kể trên, thì sẽ thế nào khi một ngày người đó thuộc thiểu số? Không ai thuộc số đông cả đời để luôn được hưởng sự an toàn, đơn giản, và dễ dàng mà nó mang lại. Đó là chưa kể đúng hay sai không phải là những khái niệm tuyệt đối.

Sự chuyên chế của người kẻ cả

Tham gia các cuộc tranh luận, có cả giới chuyên môn (y học, luật học) cùng các giới khác. Giới y học dường như áp đảo và nhiều ý kiến không đáng được gọi là phản biện xuất hiện từ đây. Giới luật học cũng có các ý kiến như vậy, song ít hơn nhiều.

Là người có chuyên môn luật học, tôi đã đưa ra quan điểm dựa trên chuyên môn của mình qua một bài viết (thiên về  BS. Lương có lỗi vô ý phạm tội), với cơ sở khoa học pháp lý hình sự. Tôi không khẳng định rằng mình đúng, cũng như ý thức rằng mình có thể sai, và mong đợi các phản hồi ôn hòa có lý lẽ.

Một người bạn trên Facebook có chuyên môn y học không đồng tình với quan điểm của tôi đã “dành cho” tôi một vài comment chửi bới, và như người này nói thì người này “muốn cứu chữa một người bạn thoát khỏi vô minh”. Một người bạn khác cũng trên Facebook thì “dùng tư duy hệ thống” để “đánh giá thấp” quan điểm của tôi và “đánh giá cao” một quan điểm khác.

Tranh luận nghiêm túc, theo tôi, không thể đứng ở tư thế của hai người kể trên. Dù một người có chuyên môn và kiến thức gì và như thế nào, người đó cần ý thức được rằng về nguyên tắc, mọi người trong tranh luận có tư thế bình đẳng, còn các lập luận có giá trị đến đâu thì phải để tự thân các lập luận nói lên điều đó. Chuyên môn hay kiến thức có thể làm lập luận của người đó thuyết phục hơn, nhưng không cho người đó quyền tự đặt mình trên người khác.

Tư thế kẻ cả, dạy đời là tư thế của những kẻ cho rằng mình chỉ có đúng và đối phương chỉ có sai, nhưng ai có thể chắc chắn rằng mình chỉ có đúng? Và, đúng hay sai, như trên đã nêu, chỉ mang tính tương đối. Thậm chí, ngay cả khi chắc chắc rằng mình đúng, một người không nên có thái độ kẻ cả, dạy đời, vì thái độ đó chỉ cho thấy một văn hóa tranh luận dưới mức trung bình mà thôi.

Thái độ là rất quan trọng

Có một câu nói rằng “Thái độ của bạn xác định tầm cao của bạn trong đời” (Your attitude determines your altitude in life*). Tôi cho rằng điều này không chỉ đúng trong cuộc sống nói chung, mà còn cả trong tranh luận nói riêng.

Tranh luận là để tìm ra hay tiệm cận điều đúng hay điều hợp lý, mà muốn đạt được mục đích đó, thái độ là rất quan trọng.
 
Nếu ai cũng dùng sức mạnh của số đông, và đàn áp số ít, thì liệu họ có thực sự hướng tới mục đích đó và tầm cao nào cho họ? Nếu ai cũng kẻ cả, dạy đời đối phương, thì liệu họ có thực sự hướng tới mục đích đó và tầm cao nào cho họ?

Ngược lại, nếu ai cũng có thái độ hòa nhã, duy lý, chấp nhận đối diện với các ý kiến khác biệt, thậm chí trái ngược, thì các cuộc tranh luận sẽ có kết quả tốt đẹp hơn rất nhiều: có thể đạt được mục đích tiệm cận điều đúng hay điều hợp lý dễ dàng hơn, hoặc bớt phần khó khăn hơn, đồng thời, những người tham gia tranh luận sẽ trưởng thành hơn và do đó, sẽ tiến lên một tầm cao mới.

Ghi chú:

(*) Đây là một phiên bản của câu nói của Zig Ziglar.

Nguyễn Trang Nhung, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: thái độ, BS Lương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn