MÙA THU PRAHA VÀ CUỘC CHIẾN NGA - GRUZIA

Thứ tư - 20/08/2008 08:02

(NCTG) Cách đây tròn 40 năm, vào đêm 20, rạng sáng ngày 21-8, quân đội Liên Xô và các nước thành viên Hiệp ước Warszawa đã đổ quân vào Tiệp Khắc để đàn áp những nỗ lực dân chủ hóa ở đất nước này. Tổng cộng, 4.600 chiến xa, 250 máy bay và 165 ngàn quân nhân Liên Xô, Ba lan, Hungary và Bulgaria đã được triệu tập cho hành động quân sự mang tên "Chiến dịch Danube" này.

Chiến xa Liên Xô trên đường phố Praha, 1968 - Cư dân thủ đô Tiệp Khắc đã dùng bom xăng để chống cự quân đội các nước Hiệp ước Warszawa

Kỷ niệm 40 năm Mùa thu Praha vào năm nay lại trùng với thời điểm Liên bang Nga tấn công Gruzia (Georgia) để "lập lại trật tự" theo quan điểm của Điện Kremlin. Sự trùng hợp đó đã khiến không ít người dân các xứ Đông Âu cảm thấy âu lo trước cái bóng của thời Chiến tranh lạnh mà theo họ, vẫn còn lởn vởn đâu đây.

Liên tưởng đến cuộc cách mạng dân chủ mùa thu của dân Hung vào năm 1956, không ít người Hung đã coi sự can thiệp của Nga vào vùng Capcasus là một cái bẫy có chủ đích của Moscow, đã được giăng ra từ lâu nay và chỉ cần cơ hội để khai triển ý tưởng tái lập vùng ảnh hưởng của Nga trước những nỗ lực độc lập và thân Phương Tây của Gruzia. Những chiêu thức của phía Nga đưa ra - như viện cớ "gìn giữ hòa bình", bảo vệ những công dân mình, v.v... - khi đưa quân vào Gruzia, cũng không mới và mang đậm màu sắc những gì mà Liên bang Xô-viết đã làm từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước, khi nước này sát nhập ba nước vùng vịnh Baltic vào Liên Xô. Hành động của Moscow cho thấy một thông điệp hết sức rõ ràng cho thế giới: ngoài vùng Baltic, Nga không để các nước Cộng hòa Xô-viết cũ lọt vào vòng ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây.

Nhiều người tỏ ra lo ngại trước những phản ứng chậm chạp và có thể nói là quá "cầm chừng" của Hoa Kỳ và Phương Tây. Giới bình luận Hungary liên tưởng điều này đến sự thúc thủ của Phương Tây năm 1956, khi dân Hung chờ một sự hỗ trợ thực tế từ thế giới và họ đã không nhận được; cũng như trong Mùa thu Praha, trên căn bản, 40 năm trước, sự phân chia hữu hình và vô hình những vùng ảnh hưởng đã tạo điều kiện để Liên Xô làm được những gì họ muốn. Hiện tại, việc Liên hiệp Châu Âu đang phụ thuộc Nga về khí đốt và năng lượng, và Hoa Kỳ do muốn tạo dựng quan hệ với Iran và Bắc Hàn, nên không có động thái thật cụ thể nhằm cứu vãn Gruzia, cũng mang màu sắc tương tự. Theo nhiều bình luận viên chính trị, không sớm thì muộn, Phương Tây sẽ phải thừa nhận tầm ảnh hưởng của Nga tại Gruzia và Moscow sẽ lấn tới để thực hiện bằng được bằng vũ lực quân sự, đối với những gì họ đã không thực hiện được bằng con đường ngoại giao.

Như thế, đối với vùng Đông - Trung Âu, sự nhìn nhận 40 năm Mùa thu Praha trên cái nền những sự kiện mới đây tại Gruzia cho thấy, sự âu lo trước tham vọng bành trướng của Điện Kremlin, đến giờ vẫn là có cơ sở... (*)

(*) Theo những thăm dò mới nhất do Viện STEM (Praha) thực hiện và kết quả được đăng tải trên nhật báo uy tín "Hospodárské Noviny" ngày 20-8-2008, 64% số người Czech được hỏi cho biết họ vẫn chưa tha thứ cho Nga vì sự can thiệp quân sự 40 năm trước, và 41% cho rằng Nga vẫn là mối lo ngại đối với Cộng hòa Czech.

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn