Hiệp định liên kết Ukraine - EU: UKRAINE NHẬN ĐƯỢC GÌ TỪ CHÂU ÂU?

Chủ nhật - 23/03/2014 23:47

(NCTG) Thứ Sáu vừa qua, tại Brussels, EU và đại diện nội các mới của Ukraine đã ký kết một thỏa thuận hợp tác, chính xác hơn là khía cạnh chính trị của hiệp định liên kết. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu tuyên bố rằng trong vòng nửa năm tới, EU cũng sẽ có động thái tương tự đối với Moldova và Georgia.


Ukraine và EU ký thỏa thuận hợp tác - Ảnh: Olivier Hoslet (AFP)


Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, một khẳng định thường được nêu ra, theo đó có thể coi hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine như ngưỡng cửa để quốc gia Đông Âu này bước vào Liên hiệp Châu Âu. Sự thực trong vấn đề này như thế nào?

Cùng nhóm với Syria và Ai Cập

Thật ra, khẳng định nói trên không nhất thiết phù hợp với sự thực. Trước hết, hiện tại EU đã ký hiệp định liên kết với hai mươi quốc gia, trong đó có cả những nước như Syria hay Ai Cập chắc chắn sẽ không bao giờ gia nhập Liên hiệp Châu Âu - cho nên điều này cũng không được đả động đến trong bản hiệp định được ký kết.

Hiệp định liên kết được ký cách đây lâu nhất, và tới nay vẫn có hiệu lực, là do Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC, tổ chức tiền thân của EU) ký với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1964. Ví dụ này cho thể cho thấy một cách rõ ràng rằng sau khi đã ký hiệp định liên kết, một quốc gia cũng có thể phải chờ đợi vài chục năm mà hầu như không nhích thêm được một ly nào tới EU (nếu mục đích tối thượng của đôi bên là gia nhập - và kết nạp thành viên mới cho Liên hiệp Châu Âu).

Vẫn ví dụ của Thổ Nhĩ Kỳ, hơn bốn thập niên sau khi ký hiệp định liên kết, vào năm 2005, nước này mới bắt đầu các cuộc thương thảo để gia nhập EU. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới đáp ứng được một (1) chương trong tổng số 33 chương cần thực hiện để được gia nhập EU, nghĩa là, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cách Liên minh Châu Âu một khoảng hệt như, chẳng hạn, hai chục năm trước!

Bên cạnh hiệp định liên kết, EU còn ký kết một số thỏa thuận khác, theo tên khác và hình thức khác đối với các quốc gia thứ ba. Chẳng hạn, Liên hiệp Châu Âu đã ký hiệp định đối tác và hợp tác với nhiều nước, trong đó có Liên bang Nga, Kazakhstan hay Trung Quốc. Trong khuôn khổ hiệp định này, các bên thường xuyên gặp gỡ nhau và thống nhất các vấn đề kinh tế và chính trị.

“Liên kết” vẫn hơn!

Tuy nhiên, hiệp định liên kết vẫn là hình thức hợp tác mật thiết và chặt chẽ hơn nhiều!

Thỏa thuận giữa EU và Ukraine hàm chứa những yếu tố chính như: đôi bên thiết lập các mối quan hệ kinh tế và chính trị ở mức nổi bật, cũng như phá bỏ song phương những rào cản thương mại. Hiệp định thúc đẩy sự tôn trọng những quyền con người và các giá trị dân chủ, cũng như, mở ra trước Ukraine khả năng gia nhập Liên hiệp Châu Âu.

Phía Ukraine hy vọng được nhiều sự hỗ trợ về tài chính hơn nữa, cũng như, được miễn thị thực vào EU và có cơ hội tiếp cận thị trường Châu Âu với năm trăm triệu nhân khẩu. Trước mắt, đôi bên chưa nói tới việc Ukraine gia nhập EU - cả Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz lẫn Tổng thống Pháp Francois Hollande hiện vẫn loại trừ khả năng này.

Đổi lại, EU đề nghị quốc gia Đông Âu này củng cố các định chế chính trị dân chủ, đẩy lùi tệ tham nhũng và thực hiện những biện pháp cải cách kinh tế toàn diện.

Những ví dụ tốt

Với việc ký kết các hiệp định đối tác, Liên hiệp Châu Âu đặt ra mục tiêu thúc đẩy các nước Đông Âu theo quỹ đạo phát triển về kinh tế và chính trị, nhằm đạt được một hệ thống những định chế độc lập, tôn trọng những giá trị dân chủ cá nhân quyền, cũng như cạnh tranh tự do trong đời sống kinh tế trong một khoảng thời gian không lâu.

Để đạt được điều đó, các nước thành viên EU tạo một số điều kiện cho ứng viên, như giúp đỡ tài chính, hỗ trợ về chính trị, cũng như cho phép họ tiếp cận khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới: thị trường chung Châu Âu với nửa tỉ cư dân.

Brussels và các nước EU cho rằng, công thức này đã nhiều lần đạt hiệu quả tốt. Trong thập niên 90 thế kỷ trước, Liên hiệp Châu Âu đã ký kết những thỏa thuận hợp tác như thế với các quốc gia trong vùng Đông - Trung Âu, từng nằm dưới vòng kiềm tỏa của Moscow, và từ gần một thập niên nay, EU tiếp tục với các nước phía Tây bán đảo Balkans.

Đối với Hungary, nước này tuyên bố muốn gia nhập Cộng đồng Châu Âu (tên gọi hồi đó của EU) vào năm 1990, và ký kết hiệp định liên kết năm 1991 - thỏa thuận này có hiệu lực năm 1994 khi tất cả các quốc gia thành viên thời đó phê chuẩn. Cũng trong năm đó, Chính phủ Hungary nộp đơn xin gia nhập EU.

Những cuộc đàm phán để gia nhập EU khởi đầu năm 1998 và kết thúc trong vòng năm năm. Hungary chính thức là thành viên của Liên hiệp Châu Âu từ ngày 1-5-2004, như vậy chỉ cần chờ đợi mười năm kể từ khi ký kết hiệp định liên kết. Các quốc gia trong vùng cùng Hungary gia nhập EU vào năm 2004 cũng trải qua chặng đường tương tự như vậy - chính xác hơn, họ khởi đầu quá trình gia nhập muộn hơn Hungary, khiến nước Hung bị gia nhập EU chậm hơn dự tính, cùng họ.

EU: lớn hơn và phức tạp hơn

Tuy nhiên, đối với các nước thuộc vùng phía Tây bán đảo Balkans (như Serbia, Montenegro và Macedonia) thì con đường dẫn từ hiệp định liên kết tới quy chế thành viên EU lại không rõ ràng như vậy. Một phần, vì các quốc gia này không vội vã tuân thủ các điều kiện do EU đề ra (ví dụ trao trả các tội phạm chiến tranh cho Tòa án Quốc tế Hague), mặt khác, ngay trong nội bộ các nước thành viên EU cũng chưa nhất trí về việc có thể mở rộng EU tới đâu, và với tiến độ như thế nào.

Dầu vậy, trạng thái của các quốc gia nói trên sau khi họ ký kết hiệp định liên kết với EU nhìn chung là tích cực. Theo đánh giá của Liên hiệp Châu Âu, với việc đàm phán và ký kết các thỏa thuận nói trên, EU đã khiến khu vực Tây Balkans được ổn định, và đưa Croatia vào làm thành viên. Tại các nước còn lại, những cuộc bầu cử được tiến hành một cách dân chủ, một số cải cách lớn nhỏ đã được thực hiện và nền kinh tế được vận hành trong những khuôn khổ của nền kinh tế thị trường.

Phía Đông có gì lạ?

Trong quan hệ với các nước phía Đông, EU cũng đặt ra mục tiêu tạo ra những biến chuyển tương tự tại đây, cụ thể, họ muốn thiết lập một nhóm quốc gia có thiện cảm với Châu Âu, gắn bó với Châu Âu về mặt kinh tế và chính trị. Do đó, năm 2008, Liên hiệp Châu Âu đã công bố chương trình Đối tác Phương Đông, với ý muốn đưa Azerbaijan, Belarus, Georgia, Moldova, Armenia và Ukraine vào một khối thống nhất như thế.


Nội các tạm thời của Ukraine đang phải chịu áp lực rất mạnh từ nhiều phía - Ảnh: Yves Herman (Reuters)


Ngay từ đầu, đã có thể thấy rõ ràng rằng EU không thể hứa hẹn quy chế thành viên cho các nước này trong một thời gian ngắn. Mục tiêu của những cuộc đàm phán diễn ra trong khuôn khổ chương trình Đối tác Phương Đông là nhằm ký kết các hiệp định liên kết, hoặc thỏa thuận thương mại tự do.

Tuy nhiên, điều đó đã khiến Moscow “nóng gáy”. Năm 2008, xung đột diễn ra tại Nam Ossetia, một vùng đất chính thức thuộc Georgia, nhưng trong thực tế đã sống cuộc sống riêng từ mười lăm năm trước đó với sự trợ giúp của về chính trị và tài chính của Liên bang Nga; sau đó, đến lượt Abkhazia cũng theo kịch bản tương tự. (Về căn bản, ngoài Liên bang Nga, cho đến nay hai mảnh đất này hầu như vẫn không được ai công nhận, kể cả đồng minh gần gũi nhất của Nga là Belarus).

Tiếp đó, Kreml gây sức ép với Azerbaijan, Armenia và Ukraine khiến các nước này, trong năm ngoái, lần lượt từ chối việc ký hiệp định liên kết. Nga muốn các quốc gia này thắt chặt mối quan hệ với mình, theo mô hình của Minsk, tức là hoàn toàn thụ động.

Chia phần 50-50%

Sau những diễn biến vừa qua tại Ukraine, EU muốn tăng cường chương trình Đối tác Phương Đông. Sau khi ký hiệp định liên kết với Ukraine, Liên hiệp Châu Âu muốn thỏa thuận với Moldova và Gerogia vào tháng 6 năm nay, tức là sớm hơn nửa năm so với thời hạn ban đầu - ngoài ra, các thành viên khác của chương trình Đối tác Phương Đông (Azerbaijan, Belarus và Armenia) thì bị loại khỏi vòng tính toán.

Giải pháp này phản ánh đúng hơn thực tế so với kế hoạch ban đầu của EU. Từ tháng 9 năm ngoái, Armenia đã tuyên bố muốn gia nhập Liên minh Thuế quan (TSZ) do Liên bang Nga khởi xướng, còn Belarus dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Alexander Lukashenko thì không ai nghĩ là sẽ tiến gần tới Châu Âu. Bên cạnh đó, vai trò của Azerbaijan đã giảm nhiều đối với EU khi đại dự án khí đốt Nabucco hiện đang lâm vào khủng hoảng.

Một câu hỏi được đặt ra: Ban lãnh đạo chính trị và đa số cư dân các nước hiện đang hướng về EU sẽ có thái độ ra sao đối với quá trình cải cách diễn ra trong những năm sau đó? Họ chấp nhận ra sao, việc mục tiêu chính yếu - gia nhập EU vào một thời điểm nào đó - có thể là rất xa vời? Mặt khác, họ có cảm nhận được không, rằng trong thực tế vấn đề không phải là nước nào tiến tới đích vào khi nào, mà là họ có thể tiến nhanh ra sao trên con đường dẫn tới mục tiêu ấy.

Trần Lê, theo index.hu


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn