Quyền lực mềm: TRUNG QUỐC ĐANG THUA NHƯ THẾ NÀO?

Thứ ba - 27/05/2014 13:31

(NCTG) "Hình ảnh về một Trung Quốc giàu có, văn minh, đẹp đẽ mà chính quyền Trung Quốc cố gắng gây dựng qua những phong trào tuyên truyền tại ngoại quốc đã bị chính tay người dân nước này phá bỏ không thương tiếc. Một lần nữa, hình ảnh Trung Quốc là một sự thật trần trụi: họ thừa tiền, nhưng vô cùng nghèo về tư cách cùng hiểu biết về thái độ ứng xử trong một xã hội văn minh. Nói đúng hơn, Trung Quốc hiện nguyên hình là một tên trọc phú".


Hình ảnh chiếc ghế trống tại buổi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) là một hình ảnh vô cùng mạnh mẽ, nó tố cáo một sự thật trần trụi: tiền Trung Quốc có thừa, nhưng sự tự do và tôn trọng nhân quyền thì không!”

Mao Trạch Đông có nhiều câu nói bất hủ mà một trong những câu nói ấy là “Mọi quyền lực chính trị đều phát sinh từ nòng súng”, khẳng định chủ trương dùng bạo lực để đạt đến mục đích chính trị. Mao chết đi, những người Cộng sản lên nắm quyền vẫn tiếp tục theo đuổi chủ trương này: bắt bớ, đàn áp, thủ tiêu những kẻ không cùng chính kiến với mình. Đỉnh điểm là cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989 với con số những người biểu tình bị giết hại lên đến hàng ngàn người.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ thấy bạo lực - hay quyền lực cứng - là phương pháp tối ưu để cai trị và giải quyết mọi vấn đề. Nhưng giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard thì lại không nghĩ như thế. Ông nhắc đến một khái niệm mới là “quyền lực mềm” (soft power) lần đầu tiên trong cuốn sách “Bound to Lead: The Changing Nature of American Power” xuất bản năm 1990. Hai mươi bốn năm sau, khái niệm này được Joseph Nye hoàn tất trong cuốn sách thứ hai “Soft Power: The Means to Success in World Politics”.

Theo ông, để đạt được một mục đích chính trị nào đó thì thay vì dùng vũ lực để đàn áp hoặc tiền bạc để mua chuộc, bạn hãy dùng sự hấp dẫn của chính mình để thu phục lòng người và tìm kiếm sự ủng hộ. Trên bình diện quốc tế, quyền lực mềm của một quốc gia phụ thuộc vào ba yếu tố chính: 1. sức hấp dẫn của văn hóa (bao gồm văn chương, nghệ thuật, giáo dục, thể thao và văn hóa giải trí), 2. lý tưởng chính trị và 3. các chính sách đối ngoại.

Khái niệm quyền lực mềm nhanh chóng được nhiều nguyên thủ quốc gia nghiên cứu kỹ lưỡng và không ít người ủng hộ việc dùng quyền lực mềm để nâng cao hình ảnh và vị trí của quốc gia mình trên bàn cờ chính trị thế giới.

Trung Quốc cũng không thể làm ngơ trước tầm quan trọng của quyền lực mềm. Năm 2007, tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 17, Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc cần phải đầu tư nhiều để phát triển quyền lực mềm. Hẳn cũng không khó khăn gì để họ Hồ nhận ra vị thế của Trung Quốc: một quốc gia với con số GDP khổng lồ và chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ trong tương lai gần, nhưng rồi danh hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới ấy lại bị làm lu mờ bởi những đàn áp nhân quyền thô bạo, bởi nạn tham nhũng tràn lan hầu như không còn cách nào kiểm soát được, bởi nạn đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng và bởi bao vấn đề liên quan đến môi trường và an sinh xã hội.

Các công dân của Trung Quốc tuy mang tiếng là công dân của một nước lớn, nhưng có vẻ họ không nhận được sự đối xử tương xứng. Một ví dụ: theo đánh giá của tổ chức Hentley and Partners năm 2013 về những quốc gia được ưu tiên miễn thị thực visa thì Trung Quốc nằm ở hạng 82, gần chót, chung nhóm với những nước ở vùng Châu Phi và Trung Đông như Cameroon, Congo, Jordan và Rwanda. Ở vị thế này, công dân mang hộ chiếu Trung Quốc chỉ được có 44 quốc gia trên thế giới (tổng số 218) miễn thị thực.

Đây là một con số vô cùng khiêm tốn nếu so sánh với con số của Anh, Mỹ, Đức, Phần Lan, v.v… Có tổng cộng 173 quốc gia miễn thị thực cho công dân của Phần Lan, Thụy Điển và Anh; với Đan Mạch, Đức, Luxembourg và Mỹ thì con số này là 172; theo sau là Bỉ, Canada, Na Uy, Nhật, Hàn Quốc, v.v…

Khổng lồ, nhưng cô đơn và bị coi thường. Trung Quốc không thể nào hài lòng với vị trí này.

Và như thế, họ bắt đầu đổ tiền vào các dự án phát triển quyền lực mềm để nhằm nâng cao hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Hàng tỷ đô-la được Trung Quốc đầu tư vào các chương trình giúp đỡ các quốc gia nghèo ở châu Phi/Nam Mỹ và phát triển hàng trăm Học viện Khổng Tử ở khắp mọi nơi. Trung Quốc cũng không ngại vung tiền để làm một Thế Vận Hội (mùa hè 2008) vô cùng hoành tráng để cho cả thế giới biết giờ đây họ không còn là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu nữa. Cuộc triển lãm thương mại quốc tế năm 2010 tại Thượng Hải được kể là một thành công lớn khi Trung Quốc thu hút được hơn 70 triệu khách tham dự. Họ cũng không tiếc tiền đầu tư vào những kênh truyền hình và radio ở nước ngoài bằng tiếng Anh nhằm tô vẽ một hình ảnh hiện đại và dân chủ về Trung Quốc.

Với bao tâm huyết và tiền của đổ ra, Trung Quốc đã thu về được những gì?
 
Không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Theo một cuộc thăm dò của BBC năm 2012, trong khi một số nước ở châu Phi và Nam Mỹ nhìn Trung Quốc với nhiều thiện cảm thì hình ảnh của Trung Quốc tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc lại vô cùng tồi tệ. Người ta vẫn nhìn Trung Quốc như một gã khổng lồ hung hăng, một tên đạo đức giả. Người ta chỉ có sợ và e dè Trung Quốc, chứ không kính trọng. Người ta chỉ công nhận Trung Quốc là một cường quốc kinh tế với thái độ lạnh lùng chứ không mến phục.



Nếu xem sự đầu tư phát triển quyền lực mềm là một chuyến làm ăn thì Trung Quốc đang chịu lỗ nặng. Trao ra thì rất nhiều nhưng nhận về lại chẳng bao nhiêu. Tại sao như thế?

Có ba nguyên nhân:

Thứ nhất, quyền lực mềm của một quốc gia chỉ có hiệu quả khi ba yếu tố văn hóa, lý tưởng chính trị và chính sách đối ngoại phối hợp nhịp nhàng với nhau. Một học viện Khổng Tử ở Manila có thể không ngớt rao giảng về những giá trị nhân nghĩa, tương thân tương ái đến người Philippines, nhưng ở ngoài khơi thì Trung Quốc lại không ngớt bắt nạt Philippines trong vấn đề chủ quyền, vậy cái học viện Khổng Tử ấy nói cho ai nghe đây?

Thật rõ ràng, văn hóa của Trung Quốc không hề đi chung đường với chính sách đối ngoại của họ. Tương tự như vậy, thành công rực rỡ của cuộc triển lãm thương mại quốc tế năm 2010 tại Thượng Hải nhanh chóng tan thành mây khói khi sau đó ít lâu, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế là hình ảnh chiếc ghế trống tại buổi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo).

Chiếc ghế trống, cỏn con ấy là một hình ảnh vô cùng mạnh mẽ. Nó tố cáo một sự thật trần trụi: tiền Trung Quốc có thừa, nhưng sự tự do và tôn trọng nhân quyền thì không.

Thứ hai, quyền lực mềm của một quốc gia chỉ có hiệu quả khi nó đến từ hai phía: chính quyền và xã hội dân sự. Hãy nhìn ví dụ của Mỹ. Trên bề mặt, quyền lực mềm của Mỹ qua phương diện văn hóa gần như hoàn toàn đến từ xã hội dân sự và các tổ chức tư nhân. Từ giáo dục ở bậc đại học cho đến phim ảnh Hollywood, từ văn chương cho đến nghệ thuật, từ các phát minh khoa học cho đến thung lũng điện tử Silicon Valley, v.v…

Nhưng sở dĩ Mỹ có một thành quả văn hóa rực rỡ như ngày hôm nay là do chính quyền Mỹ đã thành công trong việc gây dựng và bảo vệ một môi trường mà trong đó sự sáng tạo được khuyến khích triệt để, quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ được đảm bảo và quan trọng hơn hết, các quyền căn bản của con người được tôn trọng.

Nhìn về Trung Quốc, có thể thấy quyền lực mềm của quốc gia này chỉ đến từ phía chính quyền, ngay cả mặt văn hóa. Chính sách trù dập những văn nghệ sĩ bất đồng chính kiến, nạn kiểm duyệt phim ảnh nội địa gắt gao, cùng nạn sao chép, ăn cắp các sản phẩm trí tuệ đã gần như bóp chết sức sáng tạo của người dân Trung Quốc.

Hãy lấy ví dụ về công nghệ phim ảnh giải trí ở Trung Quốc. Một phóng viên đã từng đưa ra nhận định là hiện nay, có ít nhất 70% phim ảnh Trung Quốc (bao gồm phim điện ảnh và truyền hình) tập trung vào các đề tài võ hiệp (ví dụ như Kim Dung), lịch sử (thời Tam Quốc, Bao Công) và cuộc chiến kháng Nhật. Những vấn đề gai góc của xã hội hiện nay như tham nhũng, cường hào ác bá, v.v… bị liệt vào hàng cấm.

Văn hóa đến từ quyền lực mềm của Trung Quốc hiện nay là một thứ văn hóa rất tội nghiệp, vì thứ nhất, nó chỉ dám quanh quẩn ở thời quá khứ; thứ hai, nó gần như không có hiện tại, khi mà hiện tại của nó là một Trung Quốc không ngớt hít khói trong cuộc thi đua về sức sáng tạo với Mỹ và phương Tây.

Thứ ba, quyền lực mềm của một quốc gia chỉ có hiệu quả nếu có sự hợp tác tích cực từ người dân. Đây là một phương diện mà chính quyền Trung Quốc gần như bất lực. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay khi mà sự đi lại giữa các quốc gia tương đối dễ dàng, hình ảnh về Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn qua những người Trung Quốc đi du lịch hoặc làm việc ở các quốc gia khác.

Và những người Trung Quốc này đã để lại những ấn tượng như thế nào? Nhan nhản từ Hồng Kông cho đến Thái Lan, từ Maldives cho đến Pháp cho đến Mỹ, v.v… là những giận dữ về nạn khạc nhổ, nạn xả rác, nạn ồn ào, nạn ăn cắp, nạn phá hoại các di tích lịch sử, nạn khinh thường luật pháp sở tại và thói ỷ ta đây có tiền nên coi trời bằng vung của rất nhiều du khách Trung Quốc. Bảo tàng Louvre ở Paris từng để bảng tiếng Trung cấm khách du lịch không được đi tiểu/đại tiện bất cứ nơi nào mà họ muốn.

Tình trạng tồi tệ đến nỗi Bộ Du lịch Trung Quốc phải đăng những quy định để người dân Trung Quốc biết nên hành xử thế nào khi ra nước ngoài. Có thể nói, hình ảnh về một Trung Quốc giàu có, văn minh, đẹp đẽ mà chính quyền Trung Quốc cố gắng gây dựng qua những phong trào tuyên truyền tại ngoại quốc đã bị chính tay người dân nước này phá bỏ không thương tiếc.

Một lần nữa, hình ảnh Trung Quốc là một sự thật trần trụi: họ thừa tiền, nhưng vô cùng nghèo về tư cách cùng hiểu biết về thái độ ứng xử trong một xã hội văn minh. Nói đúng hơn, Trung Quốc hiện nguyên hình là một tên trọc phú.

Để kết thúc bài viết, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Năm 2012 khi đến Đài Loan, tình cờ tôi quen một anh bạn người Áo. Đang tính chuyện đi thăm ngôi làng Hallstatt ở Áo nên tôi hỏi thăm anh này về ngôi làng ấy. Khổ nỗi tiếng Anh của người bạn Áo này khá tệ, nghe tôi hỏi mà cứ ngơ ngác nên cuối cùng bí lối tôi phải đánh vần chữ Hallstatt ra. Nghe xong anh ta thốt lên: “Oh Hallstatt! China? Copy?” (Oh Hallstatt! Trung Quốc? Hàng nhái?).

Làng Hallstatt ở Áo chỉ là một trong vài chục các di tích lịch sử hay văn hóa trên thế giới bị Trung Quốc nhái và xây dựng lại tại đất nước của họ. Nhái trắng trợn, không một lời hỏi han, xin phép. Nhái từ từng viên gạch đến từng hoa văn.


Làng Hallstatt ở Áo chỉ là một trong vài chục các di tích lịch sử hay văn hóa trên thế giới bị Trung Quốc nhái và xây dựng lại tại đất nước của họ. Nhái trắng trợn, không một lời hỏi han, xin phép. Nhái từ từng viên gạch đến từng hoa văn”

Dĩ nhiên là người Áo bực bội, nhưng họ không giận lâu. Với họ, chả có gì phải đáng giận với một ngôi làng Hallstatt ở Trung Quốc khi mà nó chỉ là một cái vỏ không hồn. Nó cạn kiệt về sức sống, về lịch sử, về văn hóa. Nó là một ngôi làng chết, khi nơi đây chẳng có một bóng người ở. Gặp một ngày đẹp trời nào đó, nếu may mắn thì bạn sẽ gặp vài anh da vàng mũi tẹt trong bộ quân phục của… Áo, hoặc một vài bạn trẻ đến chụp hình.

Nhưng tôi cũng phải cám ơn tính ăn cắp ý tưởng vô tội vạ của Trung Quốc, khi nhờ họ mà anh bạn kia mới hiểu tôi muốn nói đến điều gì.

Hải Lý, từ Canada


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn