Một lần nữa, quân đội Nga lại được đưa ra nước ngoài... - Ảnh: Sean Gallup (Europress / Getty)
Xe thiết giáp bắt đầu được sử dụng. Cả hai bên đều có rất nhiều người bị thương. Chuông nhà thờ rung lên kêu gọi dân chúng. Giáo hội ủng hộ người biểu tình. Sân vận động Dynamo, Quảng trường Châu Âu bị cảnh sát chiếm. Người biểu tình lùi về phòng thủ tại Maidan. Chính quyền sử dụng chiêu bài bắt giữ những người bị thương đang điều trị tại bệnh viện rồi quẳng họ vào trại giam.
Bạo lực bắt đầu xảy ra. Bầu không khí trong thành phố căng thẳng đến nghẹt thở, cảnh sát giao thông được trang bị vũ khí kiểm tra tất cả các xe cộ vào trung tâm. Mỗi đêm có khoảng 20-30 xe bị đốt - những xe này tham gia vào việc viện trợ cho Maidan. Dân các miền của cả hai phía vẫn đổ về Kiev. Lực lượng anti-Maidan, ủng hộ chính quyền thì đi sau cảnh sát và cũng dùng đá, bom xăng ném vào dân biểu tình.
Cũng từ ngày 19-1-2014, bên phía biểu tình xuất hiện lực lượng bán vũ trang Right Sector. Theo những nguồn tin không chính thức thì đây là các thành phần được thu nhập từ các fanclub bóng đá, được huấn luyện để đánh nhau với cảnh sát Berkut. Cũng có một số đã từng tham gia chiến sự tại các điểm xung đột trên thế giới.
Bên biểu tình còn có lực lượng đã tham chiến tại Apganistan gọi là
apgantsu. Họ cũng có một đội quân nữa gọi là lực lượng tự vệ. Về phía chính quyền ngoài lực lượng cảnh sát chống bạo động, tham gia chống biểu tình còn có các binh sĩ nghĩa vụ của Bộ Nội vụ, rất trẻ, chỉ mới 19-20 tuổi. Hai bên thay nhau thực hiện các hành động tấn công lẫn nhau.
Tại thời điểm này, thời tiết thay đổi lạnh đột ngột, nhiệt độ ban ngày -17 độ, ban đêm có lúc xuống tới -25 độ. Bất chấp luật lệ quốc tế cấm dùng nước để giải tán biểu tình khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ, cảnh sát đã dùng xe đặc chủng phun nước vào dân biểu tình. Số người thiệt mạng bắt đầu tăng.
Các phóng viên báo chí cũng bị để mắt tới, con số các ký giả bị những kẻ lạ mắt hành hung ngày càng nhiều. Sự khủng bố gia tăng, các nhà ngoại giao Phương Tây cố gắng đưa hai bên trở vào bàn đàm phán. Tháng 2-2014, Tổng thống Yanukovych đã lùi bước và chịu ngồi vào đàm phán. Thủ tướng Azarov xin từ chức. Tuy nhiên, việc này xảy ra quá muộn.
Tòa Thị chính theo thỏa thuận được phe biểu tình trả lại cho chính quyền. Ngày 18-2-2014, người biểu tình diễu hành ôn hòa lên Nhà Quốc hội để gây áp lực và chứng kiến các nghị sĩ bỏ phiếu thay thế bản Hiến pháp 1996, trở về với Hiến pháp 2004 nhằm giảm quyền lực vô biên của Tổng thống. Đoàn biểu tình bị cảnh sát chặn lại, xô sát bắt đầu. Nhiều xe tải để cản đường đã bị đốt cháy.
Các ngõ dẫn đến Nhà Quốc hội trở thành bãi chiến trường. Trụ sở chính của đảng cầm quyền bị đập phá. Vũ khí được cả hai bên sử dụng, số người thiệt mạng cả hai bên tăng lên. Cục An ninh ra tuyên bố mở chiến dịch chống khủng bố. Tàu điện ngầm đóng cửa không làm việc. Giao thông tắc nghẽn. Các cơ quan công sở được lệnh đóng cửa trước 16 giờ.
Bộ trưởng Nội vụ Vitaliy Zakharchenko đưa ra tối hậu thư cho bên biểu tình, đòi họ tự nguyện rời khỏi Maidan nếu không sẽ sử dụng vũ lực. Tổng thống chần chừ không ra lệnh thiết quân luật. Các cửa ngõ vào thành phố bị phong tỏa. Tối 18-2-2014, cảnh sát tấn công Maidan, đốt Nhà Công đoàn là nơi cất giữ thuốc men, lương thực, bệnh viện dã chiến của quân biểu tình.
Tại đây, các thương binh không kịp chạy đã bị thiêu sống. Đến nay không ai có thể xác định được bao nhiêu người đã chết cháy trong tòa nhà này. Xe bọc thép tham gia phá chiến lũy bị quân biểu tình dùng bom xăng đốt cháy. TV truyền hình trực tiếp như trong các bộ phim hành động. Cuộc đụng độ xảy ra đến sáng 19-2, bên biểu tình trụ lại được một nửa Maidan.
Các tòa nhà công sở trước kia phe biểu tình chiếm được, khi đó rơi vào tay cảnh sát. Người biểu tình chiếm tòa Bưu điện Trung tâm, Nhạc viện làm nơi trú ẩn mới. Lệnh hòa hoãn được đưa ra. Cảnh sát giữ nguyên những điểm chiếm được. Trung tâm Kiev tan hoang sau một đêm! Các lãnh đạo tôn giáo, cư sĩ đứng giữa hai bên kêu gọi ngừng bắn.
Đêm 19-2 gần như không có sự việc gì nghiêm trọng xảy ra. Chiến lũy lại được củng cố. Các chính trị gia vẫn đàm phán. Tuy nhiên ngày 20-2-2014 thực sự là một ngày đen tối trong lịch sử hiện đại Ukraine. Cho đến 11 giờ mọi việc vẫn bình thường, lực lượng cảnh sát bắt đầu rút dần về khu Chính phủ. Họ rút đến đâu thì người biểu tình tiến đến đó.
Nhưng rồi, bỗng có những người ngã xuống, lá chắn dùng để chống đạn cao su thủng lỗ chỗ. Phía Berkut cũng có người ngã xuống. Những kẻ lạ mặt nào đó đã dùng súng bắn tỉa vào hai bên. Lực lượng đặc nhiệm của chính quyền bắt đầu nổ súng vào đám biểu tình. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, số người thiệt mạng lên tới con số 77. Phía cảnh sát cũng có thương vong.
Thị trưởng thành phố ra tuyên bố cho tàu điện ngầm hoạt động trở lại, ra khỏi Đảng Các Vùng và kêu gọi Tổng thống Yanukovych khẩn trương họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ cùng các nhà ngoại giao Phương Tây và phe đối lập. Các đảng viên đảng cầm quyền bắt đầu tuyên bố bỏ đảng, và một số đã cùng gia đình rời Ukraine bằng phi cơ riêng.
Trẻ em được nghỉ học, các trạm xăng, cửa hàng thực phẩm xếp hàng dài. Mặc dù vậy, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai vẫn được nhường nhịn, ưu tiên mua đồ trước. Mọi người đều ở lại nhà xem thời sự và lo lắng. Sau chín tiếng bàn luận, một thỏa hiệp đã được các bên đồng ý và ký kết với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Đức, Ba Lan, Pháp.
Đại diện của Liên bang Nga không ký vào biên bản thỏa thuận. Hai bên đồng ý sẽ trở lại sử dụng bản Hiến pháp 2004, từ nay đến tháng 9-2014 sẽ hoàn thiện Hiến pháp này và tháng 12 sẽ tổ chức bầu cử tổng thống theo Hiến pháp mới. Mọi việc tưởng như đã ổn thỏa, lực lượng cảnh sát trung thành với tổng thống trong mắt người dân tại các tỉnh phía Tây và trung tâm trở thành tội đồ.
Tất cả các bên đều vẫn chấp nhận Yanukovych là tổng thống hợp hiến. Tối 21-2, tại lễ truy điệu những người thiệt mạng ở Maidan, một số thủ lĩnh của nhóm cực đoan Right Sector đe dọa ông Yanucovich nếu 10 giờ sáng hôm sau không từ chức thì họ sẽ tấn công Dinh Tổng thống. Chỉ hơn một tiếng sau đó, có tin tổng thống đã chạy khỏi Kiev một cách khó hiểu đối với nhiều người.
Việc bỏ chạy của ông Yanukovych đã làm đảo lộn hết các tính toán của các bên. Thỏa thuận hòa hoãn đã được ký kết giữa các bên, lực lượng cảnh sát đặc biệt vẫn trung thành với tổng thống, ông Yanukovych có thể tuyên bố nhóm Right Sector là khủng bố và có quyền bảo vệ bản thân theo đúng pháp luật, và các bên ký vào hiệp ước đều phải ủng hộ quyết định này.
Để bảo vệ quyền lợi của Nga tại Ukraine, Tổng thống Putin vẫn bắt tay với Yanukovych mặc dù biết chính quyền ông này tham nhũng và độc tài. Nhìn lại thời gian vừa qua, có thể thấy những quyết định của Yanukovych đều chỉ mang tính chất chữa cháy, hoặc đổ thêm dầu vào lửa. Từ khi giải tán sinh viên đến việc chỉ đạo Quốc hội ra các điều luật trấn áp biểu tình, rồi ngày 18-2 lại nhùng nhằng chơi trò ú tim.
Với quyền lực quá lớn trong tay, phải chăng Yanukovych quên mất (hoặc xa rời) thực tế. Học tập theo Nga nhưng ông ta quên một điều là một bộ phận đáng kể dân Nga rất ủng hộ tổng thống của mình. Còn tại Ukraine, tỷ lệ này chỉ chiếm 25% và phần lớn họ là dân miền Đông - Nam, đảo Crimea. Lực lượng cảnh sát chống bạo động, trung thành với tổng thống cũng là dân ở những vùng này.
Đọc tiểu sử của Yanukovych, thấy ông là người có cuộc đời chìm nổi. Mồ côi từ nhỏ, cuộc sống nghèo khổ, ông từng vào tù vì tội hình sự hai lần khi còn ở tuổi thiếu niên. Sau đó, ông được xóa án tích để dần dần leo lên các chức vụ khác nhau. Có lẽ chính vì khi còn trẻ nghèo khổ nên về sau, khi giữ chức tổng thống, Yanukovych đã thể hiện sự giàu có tột đỉnh trong dinh thự của mình.
Dinh thự này trước kia là tài sản nhà nước, đã bị Yanukovych tìm cách tư hữu làm của riêng, và biến thành một nơi xa xỉ tột cùng như báo chí Ukraine và quốc tế đã đăng tải trong những ngày qua. Người lao động miền Đông - Nam từng coi ông giống họ, cũng trải qua nghèo khổ và thông cảm với người nghèo. Khi sự xa xỉ của Yanukovych bị vạch ra, dân các vùng đó mất phương hướng và cảm thấy bị lừa.
Không còn niềm tin với các chính khách Ukraine, họ nhìn sang nước Nga và muốn có một lãnh tụ như Vladimir Putin. Nói một cách khách quan thì cả Phương Tây, Nga và phe đối lập đều không phản đối việc Yanukovych giữ quyền tổng thống cho đến tháng 12-2014, vì uy tín của ông ở các vùng Đông - Nam cho tới lúc đó vẫn còn. Khi ông bỏ chạy, ván bài bị phá vỡ, phe đối lập cũng choáng váng với thắng lợi không ngờ.
Tuy nhiên, tình trạng vô chính phủ cũng xảy ra. Đám kiêu binh nổi lên đòi hỏi quyền lợi. Điều này đối với người dân phía Đông - Nam là một sự khủng khiếp. Cảnh sát không tham gia vào bảo vệ trật tự, cư dân các khu ở Kiev phải tự thành lập đội tự vệ để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình. Nhóm dân lên thủ đô ủng hộ chính quyền bị bỏ rơi, không có tiền về quê nên làm liều. Các thành phần lưu manh, trộm cắp cũng lợi dụng đục nước béo cò hành hoành.
Trước tình hình này, đại diện của cả hai bên phải ngồi họp lại với nhau để cứu sự chia cắt đất nước. Quốc hội bầu Chủ tịch mới và thông qua điều luật trở về với Hiến pháp 2004. Bầu cử tổng thống được ấn định vào ngày 25-5-2014. Ngày 27-2, chính phủ mới được thành lập dưới sự đồng ý của Maidan. Mệnh giá đồng nội tệ Hryvnia so với đô-la và Euro tăng dần. Mỹ, Phương Tây và Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hứa cấp tín dụng cho chính quyền mới. Cuộc sống ở Kiev trở lại bình thường.
Cuộc đấu giờ chuyển sang các tỉnh miền Đông – Nam, nơi dân chúng đều lên án ông Yanukovych đã bỏ rơi họ. Cư dân ở đây muốn thành lập một vùng kiểm soát cho mình nhưng cũng rất khó vì sẽ bị quy tội ly khai. Cực chẳng đã, một số lãnh đạo từ chức, một số đăng ký tham gia bầu cử tổng thống để có quyền bất khả xâm phạm trong lúc lộn xộn này.
Moscow không thể ngồi yên nhìn đồng minh sân sau của mình bị chiếm đoạt một cách dễ dàng như vậy. Không giữ được tất thì cũng phải “làm” một khúc. Thế vận hội Sochi đã kết thúc, nội bộ Nga cũng có nhiều vấn đề. Một chiến thắng tại Crimea đến với Nga sẽ là rất đúng lúc. Với dân Nga chiếm gần 60% tại Crimea, Hạm đội Biển Đen đóng tại Quân cảng Sevastopol mà Ukraine cho Nga thuê khiến việc tạo nên một chính phủ tự trị thân Nga quá dễ như lấy đồ vật trong túi!
Ukraine bị chia xẻ ra thành các mảnh không biết chừng cũng là kịch bản đã được thỏa thuận giữa Nga, Mỹ và Phương Tây? Thử hình dung trong tương lai gần, trên danh nghĩa Crimea là một quốc gia độc lập, thân Nga, bán đảo này có thể ký một Hiệp định bảo vệ và tương trợ lẫn nhau với Nga khiến Ukraine phải ngậm ngùi vĩnh biệt mảnh đất này.
Các tỉnh miền Đông – Nam, nếu lãnh đạo mới của Ukraine không tìm được tiếng nói chung thì sẽ có một chính quyền thuộc về Ukraine trên danh nghĩa nhưng mọi sự điều hành nhất cử nhất động đều phụ thuộc vào Nga. Còn lại vùng trung tâm và phía Tây sẽ bị ảnh hưởng của Phương Tây và Mỹ. Đất nước Ukraine giờ đây càng lộn xộn thì Nga càng dễ ra điều kiện với chính quyền mới.
Nhưng nói gì đi nữa, về mặt pháp lý (và trong thực tế) Moscow đã cho quân đội vào xâm lược lãnh thổ một quốc gia độc lập, có chủ quyền là Ukraine. Đó là trò láng giềng đang có việc thì vào bảo hộ góc vườn! Cho dù, đúng như phán đoán, Nga đã sử dụng con bài Yanukovych để có cơ sở đưa quân vào Ukraine: đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc đã đưa ra bản đề nghị của vị tổng thống bị phế truất, yêu cầu Moscow can thiệp!
Canh bạc này chưa biết bên nào được, nhưng hy vọng các chính khách Ukraine đủ bình tĩnh, lý trí và lòng độ lượng với nhau để giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ trong đất liền. Đây cũng là một thách thức lớn vì nguồn năng lượng, nước ngọt cung cấp cho bán đảo Crimea phần lớn đều từ đất liền, thiếu nó Crimea cũng sẽ rất khó phát triển. Nga cũng cần sự hợp tác với các khu vực gần Crimea.
Cá nhân người viết bài này yêu đất nước Ukraine, nơi tôi đã có hơn hai mươi lăm năm sinh sống và lập nghiệp. Và tôi cũng yêu nước Nga. Các bạn người Nga từ Moscow gọi điện cho tôi hỏi thăm, quan tâm, lo lắng. Quan điểm mỗi người một khác. Người thì cổ vũ, người thì lên án hành động của chính quyền Nga. Nhưng chính họ cũng không hiểu tại sao lại như vậy?
Phải chăng, vì những mưu đồ chính trị của các nước lớn mà ra nông nỗi này, khi anh em xung đột huynh đệ tương tàn với nhau? Và chân lý lại thuộc về kẻ mạnh, như nhiều người vẫn nói? Riêng tôi phản đối chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào. Và bài viết trên đây cũng là những gì tôi đúc kết lại qua đài báo, mạng Internet, kèm trải nghiệm của một người sống tại địa phương, để độc giả Việt Nam tham khảo, với mong muốn chiến tranh đừng diễn ra…