ĐÀO NẮM

Chủ nhật - 26/01/2014 13:52

(NCTG) Là những cành đào nhỏ, những tay của cành đào to nở sớm không thể hãm được đến Tết được nên người trồng đào cắt ra bó thành từng bỏ nhỏ đem bán.



Ở Hà Nội, đào nắm thường được các chị hàng hoa để cùng với các loại hoa khác rồi chở đi bán rong ở mấy chợ loanh quanh phố cổ như Hàng Bè, Chợ Hôm.

Thường bắt đầu qua Rằm tháng Chạp là thấy đào nắm xuất hiện. Các cô, các bà tranh thủ mua đào nắm về cắm cố khoảng hai lần là đến ông Công, ông Táo. Sau ông Công, ông Táo là dân tình bắt đầu lượn các vườn đào để tìm mua một gốc đào thật ưng ý về chơi mấy ngày Tết.

Nhưng dù nhà đã chưng cây đào chính rồi thì trên ban thờ gia tiên cũng không thể không có đào. Và nếu không tìm được những cành đào xinh xẻo nhưng vẫn phải có đủ hoa, nụ và lộc thì người Hà Nội sẽ vẫn tìm mua đào nắm chưng cạnh mâm ngũ quả để tổ tiên thưởng lãm mấy ngày Tết.

Đào nắm thường rất tươi vì được cắt ngay tại Nhật Tân, Phú Thượng, bông to, sắc đậm và nhiều nụ, nhiều lộc.

Khi các hàng hoa rong xuất hiện với những bó đào nắm là dấu hiệu mùa xuân đã về rất gần rồi.

Sớm đông, trên đường lên cơ quan, ngang qua chợ Hôm cô bán hàng hoa quen gọi ơi ới: “Có đào nắm rồi chị ơi!”.

Dừng xe lại, không cầm lòng được trước Xuân, rút ví trả cô hàng dẻo miệng 70 ngàn để lấy hai bó đào phai nhiều hoa, nhiều nụ.

Và hôm nay, phòng làm việc của mình khác ngày thường.

Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé mở... Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở...” (*)

(*) “Lắng nghe mùa xuân về”, ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ.

Bài và ảnh: Vĩnh Quyên, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn