Latvia gia nhập Eurozone: SỰ HỒI SINH THẦN KỲ

Thứ ba - 14/01/2014 08:49

Năm 2009, có hai nước trong khối Đông Âu (cũ) phải cầu viện tới tín dụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Hungary và Latvia. Ở cả hai nước, những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt đã được thực hiện, và tại Latvia, người đứng đầu nội các còn bị thay thế.


Bộ trưởng Tài chính Latvia Andris Vilks trọng thể rút một đồng Euro tại một máy rút tiền ATM ở thủ đô Riga - Ảnh: Aivars Liepins


Tuy nhiên, nếu tại Hungary, khủng hoảng vẫn kéo dài và đất nước này dường như không thể gượng dậy được trong một tương lai gần thì thế giới được chứng kiến một “thần kỳ kinh tế” từ Latvia. Không chỉ thoát khỏi cảnh phá sản quốc gia, trong ba năm liền nước này còn có chỉ số tăng trưởng kinh tế cao nhất EU và từ ngày 1-1 năm nay, Latvia đã trở thành thành viên của khối dùng đồng Euro (Eurozone).

Với động thái kể trên, Latvia là quốc gia thứ mười tám - trong số hai mươi tám nước thuộc Liên hiệp Châu Âu - đã sử dụng đồng Euro. Có thể điểm qua các quốc gia mới gia nhập khối dùng đồng Euro trong những năm gần đây: Slovenia (2007), Malta, Đảo Síp (2008), Slovakia (2009), Estonia (2011).

Trở về trường hợp Latvia, quốc gia nhỏ bên bờ biển Baltic, một ước mơ mà nước này ấp ủ từ năm 2005 đã trở thành hiện thực sau rất nhiều chông gai...

“Một sứ mệnh đã được thực hiện!”

Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Lavia Andris Vilks trong ngày đầu của năm nay, đúng vào lúc Latvia chuyển sang dùng đồng tiền chung Euro. Với động thái này, đất nước chỉ có vỏn vẹn hơn hai hai triệu cư dân này đã gia nhập tất cả những định chế chung, đáng kể nhất của Châu Âu, từ Liên hiệp Châu Âu EU đến Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Những thành công trong đời sống kinh tế và chính trị của nước này - được giới chuyên môn coi là thần kỳ - chủ yếu gắn liền với tên tuổi của Thủ tướng Valdis Dombrovskis, người đã đệ đơn từ chức hồi tháng 11 năm ngoái vì một tai nạn làm sập trần một trung tâm mua sắm ở thủ đô Riga đã khiến 54 người thiệt mạng.

Một điều chắc chắc: đồng Euro không đến với những xứ sở “há miệng chờ sung”! Latvia đã tránh được sự sụp đổ về kinh tế với những biện pháp khắc khổ, những cải cách cấp tiến và quyết liệt. Lạm phát được kiềm chế trong giới hạn cho phép, mức độ thâm hụt ngân sách và nợ công được bình ổn, tỉ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và Euro được ấn định.

Để đến mốc thời gian tháng 6-2013, nước cộng hòa cũ thuộc Liên bang Xô-viết này đã thực hiện được mọi yêu cầu của Ủy ban Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu để có thể gia nhập khối dùng đồng tiền chung Euro.

Người hùng của xứ sở

Để có được những thành công ngoạn mục ấy, ngoài nỗ lực của toàn thể bộ máy nhà nước và cư dân, Latvia còn cần đến một vị thủ tướng tài ba, được coi như anh hùng của thời hiện đại của Latvia. Đó là ông Valdis Dombrovskis, sinh ra trong một gia đình gốc Ba Lan và được biết đến như một chính khách nhỏ nhẹ, kiệm lời.

Báo chí nước này cho rằng thoạt nhìn, có thể nghĩ Dombrovskis mang dáng dấp một nhân viên ngân hàng hơn là một chính khách cải tổ có quan điểm cương quyết. Tuy nhiên, vào năm 2009, khi nền kinh tế Latvia suy giảm tới 18%, nhân vật được coi là gần như vô hình này đã cho ra liên tiếp những biện pháp thắt lưng buộc bụng hết sức khắc khổ.

Nhờ những biện pháp cương quyết và nhanh gọn ấy, suy thoái kinh tế ở Latvia không kéo dài lâu. Nhanh chóng, Dombrovskis được các tín đồ của ông gọi bằng cái tên thân mật: “Lāčplēsis của thời hiện đại”, lấy tên một nhân vật huyền thoại đã dùng tay không giết gấu trong những câu chuyện truyền kỳ của Latvia.

Trở lại 7 năm về trước, một năm trước khi khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2007 thì Dombrovskis còn chưa giữ cương vị Thủ tướng Latvia. Khi đó, Latvia bắt đầu lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử quốc gia này cả về chính trị lẫn kinh tế.

Đất nước này phải sống bằng các khoản vay mượn của EU và IMF, lên tới 7,5 tỉ Euro. Tháng 2-2009, địch thủ chính trị của Dombrovskis - Thủ tướng Ivars Godmanis từ chức, mở đường cho sự thăng tiến của con người về sau được tôn vinh là “người cha của thần kỳ kinh tế Latvia”.

Để có được những khoản tín dụng quốc tế, Dombrovskis đã hứa hẹn một làn sóng cải tổ và đã thực hiện triệt để lời hứa này. Latvia tiến hành những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ghê gớm: người hưu trí mất 1/10 lương bổng, người lao động mất 70%, còn các nhân viên cơ quan nhà nước mất một phần năm, rồi sau tăng lên tới một nửa.

Các khoản trợ cấp cũng bị cắt giảm, thuế tăng, bằng cách ấy, đất nước có 2,3 triệu dân này đã tiết kiệm được hàng tỉ UDS và tránh được phá sản quốc gia.

Những thăng trầm của người anh hùng

Tuy nhiên, con đường dài của Latvia tiến đến sự gia nhập khối dùng đồng Euro không hề dễ dàng. Dễ hiểu là cư dân nước này không thể vui lòng trước những biện pháp khắc khổ của chính phủ, nhất là khi cứ ba người thì lại có một người bị thất nghiệp. Làn sóng di cư tới các nước Phương Tây bắt đầu và kéo dài tới ngày nay.

Cuối năm 2009, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển đã phải đàm phán với các chi nhánh của ngân hàng Thụy Điển hoạt động tại Latvia, xem cần làm gì nếu nền kinh tế nước này sụp đổ. Cùng lúc đó, liên minh cầm quyền của Latvia tan rã, ai nấy đều tính đến chuyện Dombrovskis sẽ phá giá đồng nội tệ so với Euro và từ bỏ giấc mơ gia nhập khối dùng đồng tiền chung Châu Âu.


Niềm vui mang tên Euro - Ảnh: Aivars Liepins

Đó là lúc Thủ tướng Latvia chứng tỏ bản lĩnh của mình, cho dù không ai dám đặt cược cho sự nghiệp chính trị của Dombrovskis. Từng bị coi là đã đến bước đường cùng, Dombrovskis vẫn kiên trì đưa ra thông điệp với những người thất nghiệp, rằng chẳng bao lâu mọi thứ sẽ được cải thiện. Tháng 11-2010, đã xảy ra điều mà không ai có thể tính tới trước đó: Dombrovskis tái đắc cử!

Về sau, vị thủ tướng đã đưa ra những biện pháp ngặt nghèo đã lý giải nguyên nhân chiến thắng của mình, là bởi cử tri Latvia muốn bỏ phiếu cho sự ổn định. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là sự ổn định theo nghĩa đen của từ này: Dombrovskis đã được cứu vãn chính vì sự trở mình đúng lúc của Latvia.

Từ vị trí trước bờ vực thẳm, kinh tế Latvia tăng nhanh và mạnh: năm 2012, trong số các quốc gia Liên hiệp Châu Âu, Latvia là nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, chỉ số GDP của nước này tăng 5,1% và giữ được ở mức 4,1% trong năm ngoái, khiến Latvia được coi là hình mẫu của sự chấn hưng kinh tế Châu Âu.

Thủ tướng Dombrovskis được mời tới phát biểu và chia sẻ kinh nghiệm tại tất cả các diễn đàn kinh tế Châu Âu, theo ông, sự thần kỳ của Latvia chỉ nằm ở chỗ, nếu cần thiết phải có những biện pháp khắc khổ, phải thực hiện thật nhanh chóng, không thỏa thiệp, và theo một lộ trình rõ ràng mà người dân ai cũng hiểu được.

Và thay vì tỏ ra mình là người “cái gì cũng biết”, ông chọn phong cách của một người làm việc cần mẫn, không bằng lòng với những thành công ban đầu và sẵn sàng vào trận chiến mới: tháng 3-2013, Thủ tướng Latvia tuyên bố sẽ đề nghị Brussels cho phép đất nước của ông được chi trả bằng Euro từ đầu năm 2014!

Giấc mơ Euro và hiện thực Latvia

Cần nói rằng, ở vào thời điểm Latvia muốn gia nhập khối dùng đồng Euro, bầu không khí chung của EU không hề thuận lợi: nền kinh tế của Hy Lạp và Tây Ban Nha được cứu vãn bởi quỹ tiền chung, ngoài ra, chính hai phần ba cư dân Latvia cũng phản đối việc nước này chuyển sang dùng đồng Euro.

Một điều thú vị: tỉ lệ ủng hộ đồng Euro được tăng lên mức 40% vào ngày đầu năm nay, tuy nhiên con số những người không ưng thuận vẫn đông hơn. Tuy nhiên, quá trình gia nhập khối Euro của Latvia không hề là ý thích cảm tính, mà là một quyết định được tính toán một cách tỉnh táo: đã từ lâu, tỉ giá của đồng nội tệ đã được ấn định theo Euro.

Ngoài ra, một phần đáng kể cư dân Latvia cảm thấy rằng dùng đồng tiền chung đồng nghĩa với việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Liên hiệp Châu Âu, có thể bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng quá lớn của Liên bang Nga, điều mà trước đây nước này đã có nhiều trải nghiệm cay đắng.

Điều này đã được Bộ trưởng Tài chính Andris Vilks tuyên bố thẳng thừng, khi ông viện dẫn ví dụ Ukraine, quốc gia trong phút cuối đã từ chối kỳ thỏa thuận liên kết với EU, thay vào đó là sự hợp tác chặt chẽ hơn với Moscow trong tương lai, khiến rất nhiều cư dân xuống đường phản đối.

Tuy nhiên, về phần mình, Latvia vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ mật thiết với Liên bang Nga vì một lý do đặc biệt: nước này có một hệ thống ngân hàng rất phát triển - thường được gọi bằng cái tên “Thụy Sĩ của Đông Âu” - và 40% tiền trong nhà băng là từ các nước cộng hòa cũ của Liên Xô. Thêm vào đó, một phần tư cư dân nước này là người gốc Nga.

Tại Latvia, giới phân tích biết tới sự tồn tại của ít nhất là hai mươi ngân hàng, trong số đó, mười ba ngân hàng hầu như chi chứa tiền đến từ các nước cộng hòa Liên Xô (cũ). Sở dĩ như vậy, là vì các nhóm tội phạm có tổ chức trong khu vực cho rằng Latvia là quốc gia ổn định nhất, nên mới chọn nơi đó để cất giữ doanh thu của mình.

Do đó, có một số quan ngại từ Phương Tây nhân sự kiện Latvia gia nhập khối dùng đồng Euro, rằng “tiền bẩn” của mafia Nga và các nước cộng hòa cũ của Liên Xô có thể được chuyển sang các quốc gia Tây Âu. Tuy nhiên, sự lo lắng ấy nhỏ hơn nhiều so với niềm vui của lãnh đạo EU, coi việc Latvia sử dụng đồng tiền chung là thắng lọi của toàn thể Liên hiệp Châu Âu.

Bởi lẽ, một trong những điểm căn bản của EU là sự hình thành và lan rộng của đồng Euro, và đây cũng là câu trả lời của những người chủ trương một Châu Âu thống nhất, trước các đảng phái, các phong trào dân tộc chủ nghĩa, cho rằng khối sử dụng đồng tiền chung đang trên đà thoái trào, và không có tương lai.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn