NHẠC SĨ PHẠM DUY VÀ CA KHÚC "ÁO ANH SỨT CHỈ ĐƯỜNG TÀ"

Thứ sáu - 07/01/2005 05:52

(NCTG) "Tôi không nghĩ rằng văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến là phải viết ra những bài uống máu quân thù, ăn thịt giặc không tanh... hay là phải xây dựng những con người Việt Nam bằng sắt bằng đá. Người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói con tim của những người đang hi sinh hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình để đi chiến đấu".

Nhạc sĩ Phạm Duy

Nhạc sĩ Phạm Duy

Trong những ngày cuối năm ngoái, báo chí trong và ngoài nước đều nhất loạt đăng tin về sự kiện Công ty cổ phần điện tử Vitek TVB bỏ 100 triệu đồng để mua bản quyền sử dụng thi phẩm "Màu tím hoa sim" (MTHS) của nhà thơ Hữu Loan, một bài thơ mà theo tổng giám đốc Vitek, ông Lê Văn Chính, trong một cuộc trao riêng với người viết những dòng này, có thể coi là "một tác phẩm kinh điển, biểu trưng cho nền thi ca Việt Nam" (*).

Hẳn nhiên, bản thân MTHS - với lời thơ dung dị, cảm động, xuất phát từ cảm xúc mãnh liệt và bi tráng của nhà thơ - người lính Hữu Loan - cũng đã khiến tác phẩm trụ lại được với thời gian và trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, có thể nói là MTHS được lưu truyền khắp miền Nam từ thời đất nước còn bị chia cắt, được bao thế hệ thuộc lòng và nhẩm hát, phải nhờ những nhạc sĩ chắp cánh cho lời thơ. "Những đồi hoa sim" (Dzũng Chinh) (**), "Chuyện hoa sim" (Anh Bằng) và "Áo anh sứt chỉ đường tà" (Phạm Duy), một ca khúc có một vẻ đẹp khác nhau, nhưng đều tôn vinh thi phẩm MTHS, biến nó trở thành bất tử trong lòng người hâm mộ.

Trong số 3 ca khúc trên thì "Áo anh sứt chỉ đường tà" (Phạm Duy) ra đời sớm nhất và có lẽ đã phản ánh được trọn vẹn nét bi hùng trong thi phẩm MTHS. Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp trao đổi với nhạc sĩ Phạm Duy (PD), cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam, hiện đang sống tại Mỹ và đang chuẩn bị cho chuyến hành hương về Việt Nam.

Bản gốc MTHS, được tác giả Hữu Loan ký chứng thực và được đăng ký tại Cục Bản quyền

NCTG: Xin nhạc sĩ cho biết ông đã phổ nhạc cho bài thơ MTHS trong hoàn cảnh nào và những kỷ niệm của ông liên quan đến ca khúc này, cũng như với tác giả bài thơ (nếu có).

PD: Về MTHS cũng như kỷ niệm giữa tôi và Hữu Loan, tôi đã nhắc đến trong "Hồi ký Thời Kháng chiến" của tôi. Xin gửi lại đoạn đó.

"Trong năm 1948, tôi đang ở Thanh Hóa, nằm trong Chiến khu Bốn của tướng Nguyễn Sơn. Nhờ ông tướng rất yêu văn nghệ này khuyến khích, tôi xung phong đi bộ vào Bình Trị Thiên...

... Sau nhiều ngày gian nan, vất vả và nguy hiểm, tôi tới địa phận Quảng Bình. Trước cảnh đau thương của chiến tranh và "nghe" được tiếng lòng của nhân dân, tôi soạn ngay tại đây một bài hát nhan đề "Bao giờ anh lấy được đồn Tây":

Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân.
Chiều qua gánh nước cho Vệ quốc quân
Nghe tiếng o nghèo kể rằng:
Quân thù về đây đốt làng...

Tuy đã đi kháng chiến từ 1945, đây là lần đầu tiên tôi thấy được sự thống khổ của người dân trong vùng bị Pháp chiếm. Tôi biết được rằng phụ nữ ở đây bị hãm hiếp 200 phần trăm, nghĩa là gia đình nào cũng có mẹ, có chị, có em gái bị làm nhục, mỗi người tối thiểu cũng bị hiếp hai lần. Do đó, người dân ở đây ai cũng mong chờ Vệ quốc quân về đánh đồn:

Bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh?
Để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh.

Sau này, khi tôi trở về Thanh Hóa và lên Việt Bắc, qua bài hát này, có nhiều người có nhiệm vụ lãnh đạo văn nghệ phê bình tôi là tiêu cực. Họ nói: "Dân chúng phải tự động đứng lên đánh đồn, đừng chờ Vệ quốc quân..." Tôi buồn và nghĩ rằng có lẽ những người này chưa bao giờ nhìn thấy cảnh quê nghèo ở miền Trung trong chiến tranh, chưa có dịp nhìn thấy những ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy và chỉ có người bừa thay trâu cầy... như tôi nhìn thấy vào năm 1948 này. Hay là đã chưa có dịp nghe được tiếng o nghèo, miệng thì thở dài, đôi bàn tay khẳng khiu thì vỗ về trẻ thơ bùi ngùi trong những nửa đêm thanh vắng không một bóng trai... Không một bóng trai, bởi vì bao nhiêu người trai ở trong làng đều đã bị giết chết cả rồi. Lấy đâu ra trai làng để đi đánh đồn Tây? Hở những người sẽ trở thành nhất tướng công thành vạn cốt khô? Nhờ ở chuyến đi công tác tại đây mà tôi thấy được bộ mặt khác của kháng chiến. Trong vinh quang của chiến đấu có thống khổ của chiến tranh. Con người không phải lúc nào cũng chỉ ở trong hoàn cảnh hùng dũng mà nhiều khi còn bị đẩy vào những cảnh bi thương. Và không chỉ có tôi mới nhìn thấy sự kiện đó.

Nhạc sĩ Phạm Duy ở chiến khu Bình Trị Thiên (1948)

Ở ngay trong Khu IV lúc này, một cán bộ chính trị kiêm thi sĩ, với bút hiệu Hữu Loan, cũng nói tới nỗi bi thương của những đôi vợ chồng trẻ trong chiến tranh:

Nhà em ở dưới mái chè
Chồng em chết trận em về quay tơ...

Hữu Loan trông bề ngoài rất là oai, nhất là khi anh cưỡi ngựa đi công tác trong khu IV này. Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn. Anh còn có một bài thơ rất nổi danh sau này là bài MTHS mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi:

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương...
...
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu...

Tôi không nghĩ rằng văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến là phải viết ra những bài uống máu quân thù, ăn thịt giặc không tanh... hay là phải xây dựng những con người Việt Nam bằng sắt bằng đá. Người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói con tim của những người đang hi sinh hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình để đi chiến đấu".

Ngoài ra, trong một bài báo ở Sài Gòn năm 1995, Hữu Loan nhắc tới bài thơ MTHS và tôi, xin trích:

"Tiếp đó, anh kể chuyện vừa rồi, các cô gái Huế lặn lội ra Thanh, dừng chân ở đâu hỏi thăm Hữu Loan người ta cũng biết, cũng chỉ đường. Các cô biết nhà thơ trước hết qua nhạc rồi mới biết đến thơ và nay là người. Tôi hỏi:

- Cái bản nhạc suốt ngày rên rỉ "Nàng có ba ngưòi anh đi quân đội..." là của ai?

- Phạm Duy. Lúc ấy Thanh Hóa là "thủ dô văn nghệ" kháng chiến. các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Lưu Trọng Lư... và cả các trí thức Đặng Thái Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu đều về quê ta cả. Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Duy và bọn tôi là lính của tướng Nguyễn Sơn. Mình cưới vợ vào thời ấy và làm MTHS cũng vào thời ấy. Phạm Duy phổ nhạc nhưng lúc vào thành mới đem ra hát. Chuyện trong bài thơ là chuyện thật của đời mình!"

NCTG: "Áo anh sứt chỉ đường tà" đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam thể hiện, từ Thái Thanh đến Elvis Phương. Nhạc sĩ có thể cho biết nhận xét của ông về những version này?

PD: Từ khi ra đời, đã có nhiều ca sĩ nổi danh hát bài "Áo anh sứt chỉ đường tà" trên các đài phát thanh, các đại nhạc hội, các phòng trà, các cassettes, các CD, v.v... Tôi đã có một phonothèque giữ lại những giọng hát đó, trong thời gian qua đã diễn tả một cách tuyệt vời bài "Áo anh sứt chỉ đường tà". Đó là những giọng hát lớn: Thái Thanh, Duy Quang, Elvis Phương, Vũ Khanh, Mai Hương, Bích Liên, Diệu Hoàng... Mỗi người đều có một lối diễn tả riêng. Tôi rất muốn cám ơn tất cả những ca sĩ này vì họ đã chọn một bài hát khó hát nhất, trong ba bài nhạc phổ thơ Hữu Loan.

NCTG: Nhạc sĩ có ý kiến gì về sự kiện Công ty Vitek VTB mua bản quyền bài thơ MTHS?

PD: Tôi hoan nghênh việc làm của ông Lê Văn Chính. Tôi chia vui với anh Hữu Loan trong việc được người đời thương yêu một cách thực tế nhất.

NCTG: Xin chân thành cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy!

Ghi chú:

(*) "Màu tím hoa sim" và vụ chuyển nhượng bản quyền 100 triệu đồng" - H.Linh phỏng vấn ông Lê Văn Chính (NCTG số 47, 10-12-2004)

(**) Giai thoại văn nghệ (theo "Chân Dung Những Tiếng Hát" của Hồ Trường An, quyển 1, Nhà Xuất bản Tân Văn, Đông Kinh, Nhật Bản 2000): Vào những năm 1963, 1964, ca khúc "Những đồi hoa sim" của Dzũng Chinh được nổi tiếng như cồn là nhờ giọng hát của Phương Dung, cựu nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, sinh quán ở Gò Công. Nhưng nói cho cùng, cũng nhờ bản này mà trong một sớm một chiều Phương Dung trở thành ngôi sao ca nhạc sáng lộng lẫy như Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu và Duy Khánh trước đó vài năm.

Ca khúc "Những đồi hoa sim" có lời hát phỏng theo ý của bài thơ MTHS của Hữu Loan. [...] Phương Dung đã hát "Những đồi hoa sim" trên nhiều sân khấu Đại nhạc hội, hát vào đĩa nhựa và sau đó vào băng nhạc. Tuy không vào được môi trường khách sành điệu, nhưng chúng len lỏi vào quần chúng, từ hẻm hóc trong thành phố cho đến những địa danh khuất lánh. Bởi đó, nó bị sửa đổi thành lời hát nhảm nhí để thiên hạ buồn tình hát chọc cười giải trí cho nhau:

Rằng chuyện ngày xưa, nàng mê anh thiếu úy mang bầu nên phá thai.
Đến chết, em không thèm la hét, không cằn nhằn một lời.
... Không chết người trai khói lửa mà chết người em gái hậu phương lỡ mang bầu.

Trần Lê thực hiện


 
 Từ khóa: Hữu Loan, Màu tím hoa sim
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn