NGHE PHẠM DUY VÀ "KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI"

Thứ sáu - 24/02/2006 19:41

(NCTG) “Yêu đến thác rồi mà tình vẫn chưa tan, cho đi hết cả tâm hồn mình, đến cạn kiệt cả sức mình, cho dù có không được người đời đáp lại thì người nghệ sĩ - tâm hồn yêu ấy cũng vẫn không một lần trách móc, chỉ lặng lẽ, u uẩn kết thành khối ngọc quý dâng đời”.

Nhạc sĩ Phạm Duy cùng các ca sĩ, nghệ sĩ trong đêm nhạc "Ngày trở về" (Đà Nẵng, tháng 1-2006)

Kính tặng Nhạc sĩ với tấm lòng biết ơn chân thành

Thế hệ chúng tôi, những người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc sau 1975, ít được biết đến những tên tuổi lớn của Miền Nam trước năm 1975, mà tên tuổi của nhạc sĩ Phạm Duy là một trường hợp.

Có thể nói tôi sinh trưởng trong một gia đình yêu văn chương nghệ thuật. Tôi biết đến Đặng Thế Phong, và đặc biệt là Văn Cao từ khi còn là một cô gái nhỏ, qua lời hát của bà ngoại. Nhưng tên tuổi của Phạm Duy thì chỉ mãi sau này. Kỷ niệm đầu tiên của tôi về người nhạc sĩ toàn tài này là lần xem một cuốn băng của “Thúy Nga Paris” trong đó có một bài hát rất hay do cô ca sĩ Ngọc Hạ trình bày. Qua lời giới thiệu của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, tôi được biết đó là bài hát “Tình hoài hương” của nhạc sĩ Phạm Duy. Chỉ với một bài hát đó thôi, với giai điệu mượt mà và uyển chuyển đạt đến độ tuyệt vời đó, Phạm Duy đã chinh phục tôi hoàn toàn. Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu âm nhạc Phạm Duy, và đã đi từ sững sờ này đến sững sờ khác.

Với một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về số lượng (trên 1.000 ca khúc) lẫn chất lượng: chủ đề đa dạng, giai điệu phong phú, trữ tình mà hùng tráng (từ những phóng tác trên nền dân ca, đến tình ca, tâm ca, đạo ca, anh hùng ca, và trường ca), ca từ tinh tế, chắt lọc, giầu chất thơ, Phạm Duy không chỉ là người đặt nền cho Tân nhạc Việt Nam (nouvelle musique), là “thi nhân của ca khúcViệt Nam” như người Pháp đã xưng tụng ông (le poète de la chanson vietnamienne) mà ông còn xứng đáng được tôn vinh là “Nhạc sĩ của Mọi thời đại”.

Nói về âm nhạc Phạm Duy có lẽ nói mãi cũng không thể hết. Và có lẽ cũng không có gì là quá lời khi nói âm nhạc của ông chính là linh hồn Việt, tâm hồn Việt, tiếng nói Việt. Có lẽ bởi thế mà nó gần gũi với bất cứ người dân Việt nào từng được may mắn bước chân vào thế giới âm nhạc của nhạc sĩ, bất chấp những thứ lẩm cẩm mà người ta vẫn gọi là “chính kiến”, “tư tưởng”, hay “chính trị”. Âu đó có lẽ cũng là sự kỳ diệu của ngôn ngữ âm nhạc, có khả năng gắn kết con người dưới một mái nhà chung có tên là Tình Yêu.

Trả lời phỏng vấn các phóng viên Hãng phim Tuổi Trẻ

Phạm Duy dành một phần không nhỏ các sáng tác của mình cho những câu chuyện tình đẹp trong văn học dân tộc mà một trong những tình khúc của ông khiến tôi rung động nhất vì vẻ đẹp toàn bích của nó chính là “Khối tình Trương Chi”. Trước Phạm Duy, tôi đã nghe “Trương Chi” của “Người Sông Ngự” Văn Cao. Sau Phạm Duy, tôi nghe “Chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương” của Anh Bằng.

Có thể là cảm nhận của mỗi người một khác - như người Anh vẫn nói (“tastes differ”) - hay như người Nga nói - trong vấn đề cảm nhận thật khó tranh cãi ai đúng ai sai (“o vkusak nje sporjat”). Đối với riêng cá nhân tôi, cùng với “Trương Chi” của Văn Cao, thì “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy đã dựng nên một tượng đài kỳ vỹ trong nền Tân nhạc Việt Nam, khó ai có thể vượt qua được. Và cũng khó so sánh lắm, giữa hai thiên tài âm nhạc ấy. Bởi mỗi ca khúc mang một tâm tình riêng, một vẻ đẹp riêng, và đều “mười phân vẹn mười” cả.

Khác với Văn Cao, người đem tâm sự của mình vào “Trương Chi” (theo Phạm Duy), Phạm Duy tự nhận mình chỉ đơn thuần “kể lại câu chuyện cổ truyền” - một “câu chuyện tình đẹp và ngang trái có thể so sánh với những câu chuỵện tình đẹp nhất trong văn học thế giới” (trích “Hồi ký” - Phạm Duy) – một “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” từng làm thổn thức bao trái tim Việt từ bao đời nay:

Đêm năm xưa ôm mối tình dở dang. Chôn đáy sông hồn cầm, ai chết đêm nguyệt rằm. Nợ tình còn đó chưa đền xong”.

Chỉ là một câu chuyện kể lại nhưng với ngôn ngữ quyến rũ và đầy sức thuyết phục của âm nhạc, người sĩ tài hoa ấy đã chạm tới tận đáy tâm hồn của người nghe nhạc. Bản nhạc mở đầu êm dịu và du dương, như đưa ta vào một không gian sông nước êm ả, có tiếng nhạc trầm bổng “gây mơ” và mê hoặc lòng người của chàng ngư phủ họ Trương:

Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ. Hoa lá quên giờ tàn. Mây trắng bay từng đàn. Hồn người thổn thức trong phòng loan... Êm êm êm dần lan. Cung Nam Thương mờ vang. Em yêu ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn. Xa xa xa rồi tan, cung Nam Ai thở than. Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn canh”.

Tôi rất phục nhạc sĩ khi ông viết “Êm êm êm dần lan” và “Xa xa xa dần tan” trên nền giai điệu lan tỏa dịu dàng như những con sóng trên mặt nước, như tiếng hát của người ngư phủ thoắt xa thoắt gần trong gió. Phải nói chưa có một ca khúc nào tôi đã từng được nghe lại có được sự hòa hợp đến tinh tế và tài tình như vậy giữa ca từ và giai điệu. Bản nhạc đưa ta vào một khung cảnh như thực như mơ, rồi thoắt vút cao như tiếng lòng náo nức của người con gái đang yêu:

Dứt khúc đàn lòng em thấy đê mê. Ôi tiếng đàn lời không mong ước thề

và cuối cùng buông trầm, trĩu nặng như nỗi lòng tương tư khi tiếng hát của người tri kỷ dần xa:

Đã thấy tàn, đời không gió xuân về, khi tiếng ai dần xa. Tương tư một khối u sầu. Đợi chờ trăng lên để tan hết thương đau. Mi em nước mắt hoen màu. Tóc chảy hàng ngàn môi thắm còn đâu?

Âm nhạc của Phạm Duy buồn mà không bi lụy. Đó cũng là một lý do vì sao tôi thích nghe Phạm Duy. Bản nhạc này cũng thế, đủ buồn để thương cảm cho một mối tình dang dở “xa cách nhau vì đời, tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi”. Đủ trầm lắng để suy tư về những nghịch lý cuộc đời, về hai chữ “tri âm - tri kỷ”. Nhưng không ai oán, than van, có lẽ như tấm tình “hồn trắng tình trong” (chữ của Duy Quang) của chàng ngư phủ - nghệ sĩ họ Trương vậy. Yêu đến thác rồi mà tình vẫn chưa tan, cho đi hết cả tâm hồn mình, đến cạn kiệt cả sức mình, cho dù có không được người đời đáp lại thì người nghệ sĩ - tâm hồn yêu ấy cũng vẫn không một lần trách móc, chỉ lặng lẽ, u uần kết thành khối ngọc quý dâng đời.

Có một thắc mắc tôi đã muốn khi nào gặp Phạm Duy sẽ hỏi. Đó là về câu “Nâng niu một chén âm hồn” mà ông viết. Tôi đã tự hỏi mình tại sao ông không viết “oan hồn” mà lại là “âm hồn”. Mối tình của chàng Trương là một mối tình oan (“Tình oan còn vọng tiếng tơ ngân” – như tôi đã viết sau này trong một bài thơ về mối tình Trương Chi - Mỵ Nương). Oan trái, oan nghiệt, oan ức. Là mối tình “tri âm nghịch kiếp”. Vậy sao ông không viết “oan hồn” cho đúng với “tình oan”. Nhưng sau này càng hiểu Phạm Duy, tôi càng thấy ông có lý khi dùng chữ “âm hồn” thay cho “oan hồn” mà tôi nghĩ đến. Hai chữ “oan hồn” nặng nề quá, bi thương quá, không phải là Phạm Duy đâu. “Âm hồn” nghe âm u buồn, không thảm thiết, mà vẫn lẩn quất, ám ảnh người nghe không dứt, ấy mới chính là ông.

Bữa cơm Tết đầu tiên trên quê hương cùng các con trai, sau 30 năm vắng bóng

Cùng với hàng loạt tác phẩm để đời khác của ông như “Bà mẹ Gio Linh”, “Gánh lúa”, “Về miền Trung”, “Tình ca”, hay trường ca “Mẹ Việt Nam”, “Con đường cái quan”, v.v..., “Khối tình Trương Chi” chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam nói chung và yêu âm nhạc Phạm Duy nói riêng, bất chấp thời gian, không gian, và tất thảy những gì khác nữa.

Riêng cá nhân mình, tôi muốn nói lời cảm ơn chân thành đến nhạc sĩ, vì những gì mà âm nhạc ông đã mang đến cho tôi - một cảm nhận mới mẻ và hân hoan, một cái nhìn mới và toàn diện hơn về cuộc sống. Và tôi mong ước biết bao, khi âm nhạc Phạm Duy vang lên nơi đất Việt sau ba mươi năm vắng bóng, đến với những người dân Việt mà ông yêu quý và vì họ mà ông đã sáng tác không mệt mỏi suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Một mùa xuân mới lại đến, cầu chúc cho nhạc sĩ sức khỏe dồi dào, để vui hưởng cuộc sống và tiếp tục chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình với người hâm mộ. Cuối cùng thì tất thảy những gì khác nữa đều sẽ đi qua, chỉ có âm nhạc và tình yêu mới là trường tồn.

Nguyễn Thủy Minh, từ Hà Nội - Nguồn ảnh: Nhạc sĩ Phạm Duy


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn