GIÃ TỪ HOÀNG CẦM, ÔNG HOÀNG CỦA NỀN VĂN HÓA KINH BẮC (2)

Thứ tư - 12/05/2010 20:45

(NCTG) Phong trào Nhân văn Giai phẩm “thực chất là một tiếng nói đòi thay đổi cách lãnh đạo văn nghệ”, với mong muốn duy nhất là “có tự do sáng tác”, như Hoàng Cầm diễn đạt: “Còn cái chính là đấu tranh để làm thế nào xây dựng được một nền văn nghệ dân chủ. Có dân chủ có tự do trong giới văn nghệ. Cũng như là có dân chủ trong hoạt động văn nghệ. Chúng tôi chỉ nhằm mục đích ấy thôi”.

 Xem Phần 1 của bài viết.
 

Nhà thơ Hoàng Cầm và tấm ảnh người vợ cuối, bà Lê Hoàng Yến, người mà ông vô cùng biết ơn - Ảnh: Loan BB (bee.net)

Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”

Đã có những sáng tác quan trọng trước năm 1946, thuộc lớp văn nghệ sĩ cầu nối giữa thế hệ tiền chiến và thế hệ bắt đầu sáng tác trong kháng chiến (như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan...), cùng Văn Cao, Quang Dũng, Phạm Duy..., Hoàng Cầm là một cái tên sáng chói trong cuộc kháng chiến 9 năm.

Là người thành lập Đội Văn nghệ Tuyên truyền đầu tiên trong Vệ Quốc Đoàn, với những sáng tác nổi bật như “Đêm liên hoan”, “Tâm sự đêm giao thừa”, “Bên kia sông Đuống”, v.v..., Hoàng Cầm đã có những đóng góp hết sức to lớn cho cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Gần 40 năm sau, trong hồi ký, Phạm Duy nhớ lại về một sáng tác của người bạn văn nghệ Hoàng Cầm trong kháng chiến: “Phải ghi nhận một điều rất quan trong là tác dụng của bài thơ. Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ (súng không giật) hay bazooka vân vân... (...) Còn nhớ có một lần, tôi và Hoàng Cầm ngâm bài thơ “Đêm liên hoan” cho bộ đội nghe 15 phút trước giờ tấn công đồn địch. Sau đó một anh bộ đội đã nói: “Tôi vào giữa đồn mà vẫn còn nghe tiếng ngâm thơ của các anh văng vẳng ở trong đầu”. Thế mới biết sức mạnh của văn nghệ”.

Mà không chỉ đến lúc đó, Hoàng Cầm mới có những tác phẩm đậm tình tự dân tộc và tinh thần ái quốc, khởi đầu từ những vần thơ “Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan” trong vở kịch thơ sáng tác năm ông mới 15 tuổi.

Hơn thế nữa, trong Hoàng Cầm, tình yêu đất nước đi kèm với yêu tự do trong sáng tạo và trong tư tưởng, nên ông đã đi xa hơn một số bạn văn của mình trong việc bảo vệ quyền được sáng tác, nhưng đồng thời, đây cũng là yếu tố khiến ông cả đời truân chuyên.

Sau 4-5 năm đầu của cuộc kháng chiến, sự quản lý văn nghệ được gia tăng, những sáng tác mang tính cổ động, mang nặng màu sắc ý thức hệ được khích lệ, bên cạnh việc dần dần loại trừ những hình thức thể hiện bị coi là không phù hợp với cuộc sống cách mạng.

Tháng 8-1950, tại Hội nghị Văn nghệ họp tại Việt Bắc, một quyết định độc đoán đã được đưa ra mà ngày nay, nhìn lại, chúng ta có lẽ phải bật cười vì sự ấu trĩ của nó. Theo chỉ đạo của Tố Hữu, các loại hình văn hóa dân tộc như tuồng, chèo, vọng cổ, và kịch thơ... bị “trục xuất” khỏi cái gọi là nền văn nghệ cách mạng. Trong cảnh đó, Hoàng Cầm buộc phải “treo cổ” những vở kịch thơ của ông.

Năm 1954, trên cương vị trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Hoàng Cầm được giao tổ chức liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên. Màn quan họ Bắc Ninh của vùng đất quê hương ông - với những lời ca tình tứ “yêu nhau cởi áo cho nhau” - đã bị một số “quan văn nghệ” lên tiếng “đả đảo!”, và bị coi là “đồi trụy!”. Phải có sự can thiệp mạnh mẽ của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn, một vị tướng am tường và yêu văn nghệ, chương trình mới được tiếp diễn.

Cuối năm 1954, về Hà Nội, Hoàng Cầm được giữ vai trò đứng đầu Đoàn kịch, một trong ba đoàn thuộc Văn công Quân đội. Những mong ước đổi mới văn nghệ của ông bắt đầu từ đó, khi ông cùng Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác... đưa ra yêu cầu phải cải tổ chính sách văn nghệ trong quân đội theo hướng tôn trọng tự do sáng tác, đòi trả quyền lãnh đạo văn nghệ cho giới văn nghệ sĩ.

Một năm sau, Hoàng Cầm chính thức tham gia Nhân văn Giai phẩm, một phong trào mà nửa thế kỷ sau, trong các cuộc phỏng vấn, nhà thơ đã khẳng định: “Thực chất là một tiếng nói đòi thay đổi cách lãnh đạo văn nghệ”, và mong muốn duy nhất của phong trào là “có tự do sáng tác”, như ông diễn đạt: “Còn cái chính là đấu tranh để làm thế nào xây dựng được một nền văn nghệ dân chủ. Có dân chủ có tự do trong giới văn nghệ. Cũng như là có dân chủ trong hoạt động văn nghệ. Chúng tôi chỉ nhằm mục đích ấy thôi”.

Đầu năm 1956 đầy biến động ấy, là người đầu tiên xin ra khỏi quân đội để làm văn nghệ, Hoàng Cầm cùng Lê Đạt chủ trương Giai phẩm mùa xuân với thi phẩm chấn động “Nhất định thắng” của Trần Dần, cùng hai tác phẩm gây tiếng vang khác là “Ông bình vôi” của Lê Đạt và “Cái chổi quét rác rưởi” của Phùng Quán.

Sự hiện diện của tờ báo với những vần thơ khủng khiếp “Tôi bước đi - không thấy phố - không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa - trên màu cờ đỏ” đã khiến Trần Dần bị phê phán kịch liệt, bị kiểm thảo rồi bị bắt cùng Tử Phác. Trần Dần cứa cổ định tự vẫn, nhưng không thành; tờ Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu.

Không chùn bước, trung tuần tháng 9 cùng năm, bán nguyệt san “Nhân văn số 1” lại được Hoàng Cầm cùng Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Duy chủ trương, học giả lão thành Phan Khôi làm chủ nhiệm. Tờ báo gây tiếng vang với những bài bênh vực quyền tự do sáng tác, bảo vệ Trần Dần như bức tranh của danh học Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ, thi phẩm “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” của Lê Đạt và đặc biệt, bài viết “Con người Trần Dần” của chính Hoàng Cầm.

Phong trào lên mạnh khiến vào tháng 12-1956, sắc lệnh bãi bỏ quyền tự do báo chí được phê chuẩn, báo “Nhân văn” bị đóng cửa và các thành viên Nhân văn Giai phẩm bắt đầu bị dọa dẫm “xử lý”. Tuy nhiên, phong trào vẫn tồn tại thêm một thời gian nữa thông qua tuần báo “Văn” của Hội Nhà văn mới thành lập, mà Hoàng Cầm là một sáng lập viên, đồng thời là ủy viên Ban Chấp hành.

Được một thời gian, các cây bút Nhân văn Giai phẩm lại tái hiện trên báo “Văn” với những tác phẩm rất quan trọng như “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, “Hãy đi mãi” của Trần Dần và Hoàng Cầm cũng góp mặt với kịch thơ “Tiếng hát”, cổ vũ cho sự tự do của nghệ thuật, khẳng định “không thể cưỡng bức được nghệ thuật”.

Cuối năm 1957, đầu năm 1958, chủ trương đàn áp Nhân văn Giai phẩm được đưa ra, các thành viên của nhóm bị triệu tập và phải tham gia hai lớp “học tập đấu tranh” tại Thái Hà Ấp. Sau những cuộc kiểm thảo liên miên, đến giữa năm, những hình thức kỷ luật được đưa ra với mấy trăm văn nghệ sĩ yêu tự do trong phong trào.

Bề ngoài, Hoàng Cầm chịu một hình phạt tương đối nhẹ là khai trừ một năm khỏi Hội Nhà văn, cho dù ông là một yếu nhân của phong trào với vai trò chủ trương hai tờ Giai phẩm và Nhân văn, khích lệ các văn nghệ sĩ tham gia, cổ vũ Văn Cao “vào cuộc” (với thi phẩm “Anh có nghe thấy không?”), chủ động in “Nhất định thắng” và can đảm bênh vực Trần Dần, v.v...

Tuy nhiên, trong thực tế, một bản án vô hình đã treo lơ lửng trên đầu ông, khiến thi sĩ lâm vào một cuộc trầm luân kéo dài 3 thập niên: không được sống bằng ngòi bút, không được in ấn tác phẩm, người đời xa lánh... Như hồi tưởng của nhà thơ: “Nội dung kỷ luật lúc đầu thì chỉ như thế thôi. Nhưng rồi cái kỷ luật đó nó kéo quá dài. (...) riêng tôi thì cũng sáng tác tập “Về Kinh Bắc”. (...) Không hiểu lý do làm sao, nhưng đưa đến nhà xuất bản nào hay tòa báo nào cho nó đăng thì đều bị từ chối.

Rồi lặng lẽ mình cũng tự biết là có lẽ khó khăn lắm, thì mình cứ sáng tác để đấy thôi, cho vào ngăn kéo rồi một vài anh em đọc với nhau, chứ không truyền bá đi đâu cả. Xong rồi dần dần thời gian cứ thế kéo đi, nó kéo thế nào mà cho đến năm 88. Tức là kỷ luật từ năm 58 đến khi hết kỷ luật, Hội Nhà Văn công bố hẳn hoi là năm 88. Ba mươi năm. (...) Thế nghĩa là tròn 30 năm”.

Những năm tháng đen tối ấy cũng được Hoàng Cầm chia sẻ trong hồi tưởng nao lòng: “Trong vòng 30 năm, tức là kỷ luật bắt đầu từ 1958 đến 1988 thì phục hồi, nghĩa là 30 năm tôi không thể đem ngòi bút của mình kiếm được một đồng xu nào hết. Thế thì phải đi lao động chân tay. Tôi với anh Trần Dần, đã từng kéo xe bò. Lúc thì anh này cầm càng, anh kia đẩy, cứ thay phiên nhau như thế. Chỉ mới đi được hai hôm, cả Trần Dần và tôi đều ốm, tức là sốt, rồi nó đau hết mình mẩy và trận ốm ấy kéo dài có khi hàng tuần lễ.

Sau không chịu được lao động chân tay nữa, đành phải đi kiếm ăn bằng cách, ví dụ như anh Trần Dần được một người bạn giúp cho đi tô màu ảnh. Lúc bấy giờ chưa có máy ảnh màu đâu. Ai thích ảnh màu thì cứ chụp đen trắng, xong Trần Dần cứ ngồi bôi thuốc, bôi cái má hồng, bôi cái môi son, bôi cái áo hoa nọ kia, nghĩa là bôi màu vào ảnh để kiếm ăn. Mỗi cái ảnh như thế được một hào hay hào rưỡi gì đó.

Nghĩa là cứ thế suốt ngày ngồi cặm cụi tô màu vào ảnh. Còn tôi thì đi làm phim đèn chiếu. Viết những lời thuyết minh để kể chuyện chiến sĩ thi đua, hoặc là người tốt, việc tốt, hoặc là an toàn lao động, v.v... Những đề tài như thế thì cũng vẫn cứ làm, để kiếm được mỗi tối ba đồng.”

Tuy nhiên, trong những năm tháng ấy, cùng các đồng đội trong Nhân văn Giai phẩm, Hoàng Cầm vẫn âm thầm sáng tác. Trong vòng hơn nửa năm từ mùa thu 1959 tới cuối xuân 1960, ông đã hoàn tất “Về Kinh Bắc”, một tập thơ tầm cỡ ghi dấu về nguồn, về với vùng Kinh Bắc thiêng liêng, trung tâm văn hóa đầu tiên của đất Việt.

32 năm sau, Hoàng Cầm nhớ về những ngày ấy: “Tôi đã trở về với tâm tư riêng, thế giới riêng của mình như đã nói ở trên, về với quê hương xưa, vùng Kinh Bắc xa xưa mà vẫn gần gũi, về với những người đã khuất bóng ở nhân gian nhưng mãi mãi hiện diện trong tâm hồn tôi. Và tập “Về Kinh Bắc” đã ra đời như thế, mặc nhiên thành cột xương sống cho toàn bộ thi phẩm của tôi kể từ những năm 40 của thế kỷ này”.

Nhiều thi phẩm trong “Về Kinh Bắc” được ra đời trong sự thăng hoa cảm xúc, hay như diễn đạt của Hoàng Cầm, của sự vận động tất cả nội lực gồm thể lực, trí lực, tâm lực và thần lực, bên cạnh “tứ thức” gồm ý thức, tiềm thức, vô thức và tâm thức. Chính vì thế, những câu thơ của ông trong tập thường kín đáo, đa nghĩa, có nhiều lớp lang mà đọc qua có thể rất khó hiểu.

Điều đó cũng được phản ánh qua thi phẩm nổi tiếng của tập - “Lá diêu bông” - một bài thơ mang âm hưởng quan họ trữ tình, tưởng chừng dễ hiểu, nhưng không đơn giải khi cần “giải mã”, như tâm sự của Hoàng Cầm: “Ở tôi, thần lực thường tự động làm bật ra rất nhiều lời thơ lắm khi tưởng như vô nghĩa, mà ngay bản thân tôi cũng không hiểu những từ ngữ chính mình viết ra mang ý nghĩa gì cụ thể. Ai hỏi tôi lá diêu bông, cỏ bồng thi là lá gì, cỏ gì, ở đâu ? Tôi chịu không giải thích được”.

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.

Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!

Dù không được in ấn, “Về Kinh Bắc” được truyền tay và tán thưởng trong hơn 20 năm. Tuy nhiên, cho đến năm 1982, chính tập thơ lại mang họa cho tác giả: chỉ vì bị nghi là có ý truyền bản thảo ra nước ngoài để in ấn mà nhà thơ Hoàng Hưng, người bạn thân thiết của Hoàng Cầm bị tù cải tạo 39 tháng và bản thân nhà thơ cũng phải “làm khách” tại Hòa Lò trong 18 tháng.

Những ngày tháng khủng khiếp lại trở lại với Hoàng Cầm khiến ông mắc bệnh tâm thần trong 2 năm. Thêm vào đó, bà Lê Hoàng Yến, người bạn đời trong 30 năm của ông cũng qua đời trong thời gian cơ cực ấy. Nhà thơ hồi tưởng: “Bà vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. Tiền thức ăn thì cũng không có, bữa cơm nào hai vợ chồng cũng phải nhịn bớt đi, nghĩa là đáng lẽ mình ăn ba bát, ăn có một bát, để nhường cho các con ăn.

Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải đi lên sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, rồi bấy giờ mới lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi.

Tóm lại là muốn được 12 cân gạo, bà vợ tôi vất vả đến mức là nó lên một trận huyết áp rất đột ngột, chỉ mới có từ chập tối hơi sôn sốt, rồi bà ấy đi nằm, mà giữa mùa nực, bà ấy thấy có cái gì ren rét, tôi đã phải đắp cho bà ấy một cái chăn lớn. Ðến 4 giờ sáng thì người cứng ra và liệt nửa người. 9 giờ thì đem đi cấp cứu và đến chiều hôm sau qua đời.”

Căn bệnh tâm thần quái ác hành hạ Hoàng Cầm cũng được ông đau xót thuật lại: “Sau khi tôi bị giam cầm 18 tháng, từ đó đến khi được về thì những bác sĩ quen của tôi họ đều thống nhất một điểm là tâm thần của tôi tự nhiên nó bị ở hai dạng: trước tiên là hoảng loạn, thứ hai là trầm uất.

Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả, bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là phanh ô-tô rít lên ở ngoài cửa - mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ - nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi.

Nó như là một cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi. Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm gì mình cả.

Thứ hai là dạng trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một lời. Bạn bè đến, tôi vẫn cứ tỉnh táo đi pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự lắm. Nhưng đến khi người ta hỏi tôi về bất cứ một cái gì đó thì tôi không trả lời hoặc là trả lời gióng một.

Phải chờ đến năm 1988, Hoàng Cầm cùng vài bạn văn nghệ, thành viên Nhân văn Giai phẩm, mới được chính thức phục hồi. Tuy nhiên, cho đến khi qua đời, chưa bao giờ ông được nhận lời xin lỗi vì những bất công mà ông phải chịu đựng trong già nửa cuộc đời.
 
*

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…

Ông hoàng của thơ tình vùng quê quan họ đã đặt câu hỏi như thế trong thi phẩm “Nếu anh còn trẻ” cách đây nửa thế kỷ. 50 năm sau, được tin Hoàng Cầm rời trần, rất nhiều “khuôn mặt búp sen” của bao thế hệ đã rơi lệ vì sự ra đi của ông.

Nguyện cầu cho ông được thanh thản ở nơi ấy, và “cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”...

Trần Lê


 
 Từ khóa: Hoàng Cầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn