GIÃ TỪ HOÀNG CẦM, ÔNG HOÀNG CỦA NỀN VĂN HÓA KINH BẮC (1)

Thứ sáu - 07/05/2010 09:21

(NCTG) “Hoàng Cầm được coi là người đã phối hợp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố cách tân vào dòng thơ trữ tình truyền thống một cách tài ba và tinh tế, để lại dấu ấn sáng chói trong thi đàn Việt Nam thế kỷ XX”.


Thi sĩ Hoàng Cầm - Ảnh: Nguyễn Ðình Toán

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…

Vào hồi 9 giờ 30 sáng 6-5, nhà thơ Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, thành viên Nhân văn Giai phẩm, một trong những thi sĩ sáng chói trong nền thi ca Việt Nam hậu bán thế kỷ trước, đã qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.

Hoàng Cầm được coi là người đã phối hợp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố cách tân vào dòng thơ trữ tình truyền thống một cách tài ba và tinh tế, để lại dấu ấn sáng chói trong thi đàn Việt Nam thế kỷ XX.

Những tác phẩm lớn đã mang lại tên tuổi cho ông như hai vở kịch thơ “Hận Nam Quan”, “Kiều Loan”, cùng các thi phẩm “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”..., trong một chừng mực nhất định, đã trở thành kinh điển trong thể loại của chúng.

Là thành viên phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông đã bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Hội Nhà văn (mà ông là thành viên sáng lập trước đó 1 năm), bị kiểm thảo và cải tạo lao động. Tuy không có văn bản cụ thể, trong vòng 30 năm ròng rã, các tác phẩm của ông bị cấm in ấn.

Ông phải làm nhiều nghề chân tay để kiếm sống cho gia đình, như kéo xe bò, làm phim đèn chiếu, viết lời thuyết minh, đứng máy tại xí nghiệp Nhà máy gỗ Hà Nội...

Tuy nhiên, trong những năm tháng ấy, ông vẫn âm thầm sáng tác nhiều tác phẩm giá trị, dù không được phát hành: “Về Kinh Bắc” (thơ, 1959), “Men đá vàng” (truyện thơ, 1973), “Mưa Thuận Thành” (thơ, 1959), “Lá Diêu Bông” (thơ, 1993), “Đến từ hư không” (thơ, 2000)...

Đầu thập niên 80, chỉ vì bị tình nghi đưa bản thảo tập thơ “Về Kinh Bắc” cho một người bạn mang ra nước ngoài, ông bị chính quyền giam cầm 18 tháng. Cũng trong thời gian đó, người vợ của ông qua đời, khiến ông bị hẫng hụt, khủng hoảng về tinh thần: trong vài năm, ông mắc chứng bệnh tâm thần ở hai dạng hoảng loạn và trầm uất.

Phải đến năm 1988, ông mới được phục hồi bằng cách mời lại vào Hội Nhà văn và được nhận lương. Các tác phẩm của ông dần dần được in ấn trở lại - năm 2007, ông được trao Giải thưởng của Nhà nước Việt Nam về Văn học Nghệ thuật.

Những năm cuối đời, sức khỏe ông rất yếu. Vì một cú ngã, ông bị bại chân từ nhiều năm nay và chỉ ngồi được một chỗ trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư.

Ông qua đời sau hơn 3 ngày nằm viện cấp cứu, để lại một khoảng trống lớn trong văn đàn Việt Nam và người hâm mộ. Nhưng những vần thơ huyền ảo, “sáng bừng trong giấy điệp” của ông, thì sẽ vẫn còn mãi:

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng...
 
*

Nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn của Hoàng Cầm từ những năm đầu kháng chiến, sau khi được tin thi sĩ qua đời, đã chia sẻ: “Với tôi, Hoàng Cầm là nhà thơ thuộc hàng số một Việt Nam. Thơ của ông ấy giàu tính dân tộc, như Nguyễn Bính và còn hơn Nguyễn Bính, cổ điển như Thế Lữ và còn hơn Thế Lữ nhưng lại rất mới chứ không hề cũ. Tóm lại là vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa đậm dân tộc tính. Cách dùng chữ giàu sang, phong phú, rất đẹp”.

Có lẽ vì thế, “trong ba-lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm”, vẫn theo hồi tưởng của Phạm Duy, người đã phổ một chùm thơ của Hoàng Cầm trong chuỗi ca khúc mà ông gọi bằng cái tên Hoàng Cầm Ca.

Làm thơ từ năm lên 8, thơ Hoàng Cầm tràn đầy sự rung cảm nhạc tính và mang đậm yếu tố trình diễn. Phải chăng đó là lý do khiến những tác phẩm đầu tiên khiến ông thành danh lại thuộc thể loại kịch thơ, đó là “Hận Nam Quan” (1937, in năm 1942) viết năm ông mới 15 tuổi và “Kiều Loan” (1942, diễn năm 1946).

Trong hai vở ấy, “Hận Nam Quan” từng được đưa vào chương trình giáo dục tiểu học thời trước năm 1954, với trường đoạn nổi tiếng tới nay vẫn được nhiều người đứng tuổi nhớ nằm lòng, mô tả cảnh Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải sang Tàu, Nguyễn Trãi theo chân cha định chết cùng. Tuy nhiên, tới Ải Nam Quan, Phi Khanh đã khuyên con trở về nuôi chí cứu nước.

Đoạn thơ đượm tính bi tráng của thời khắc chia ly - “Đây là ải địa đầu nước Việt - Khóc trong lòng ghi nhớ Hận Nam Quan” - trong thời gian gần đây đã được giới trẻ yêu nước nhắc lại thường xuyên như một khúc ca của lòng ái quốc, của ý chí Việt trước họa ngoại xâm:

(Phi Khanh) Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang

Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!

Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.

(Nguyễn Trãi) Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió con bay về

(Phi Khanh) Ôi sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan
Bên Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san

Xuất phát từ chí khí thanh niên trong cảnh nước nhà bị đô hộ, cuối năm 1944, 4 năm sau khi đỗ tú tài, Hoàng Cầm bắt đầu tham gia Thanh niên Cứu quốc khi ông 22 tuổi.

Sau khi chiến tranh bùng nổ tháng 12-1946, ông cùng Tuyết Khanh, người vợ đầu (diễn viên chính trong vở “Kiều Loan”) gia nhập Vệ Quốc Đoàn, thành lập Đội Văn nghệ Tuyên truyền đầu tiên trong quân đội, gồm khoảng 15 người, hoạt động tại Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Hồi tưởng lại sau 60 năm, ông cho biết: “Lúc ấy tôi còn trẻ, tham gia cách mạng là vì tinh thần yêu nước, chứ cũng không biết gì về các chủ nghĩa. Tôi viết các vở kịch mang chất lịch sử, xuất phát từ lòng yêu nước. (Trong quân đội) tôi không làm việc gì khác ngoài việc sáng tác - làm thơ, viết kịch, diễn kịch. Rồi dạy cho bộ đội cách làm thơ, viết kịch ngắn.

Những năm đầu kháng chiến, văn nghệ sĩ lên đường mang trong lòng tình yêu nước và tinh thần dân tộc, khi chưa bị ngăn trở bởi đường lối quản lý văn nghệ độc đoán sau này, đã để lại nhiều tác phẩm lớn trong âm nhạc và thi ca.

Có thể kể đến Chính Hữu với “Ngày về”, Việt Lang với “Tình quê hương”, Văn Cao với “Làng tôi”, “Trường ca Sông Lô”, Nguyễn Văn Tý với “Dư âm”, Phạm Duy với “Nhạc tuổi xanh”, “Về miền Trung”, Nguyễn Đình Thi với “Người Hà Nội”, Quang Dũng với “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, Hữu Loan với “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim”...

Trên cái nền hứng khởi ấy, Hoàng Cầm đã để lại nhiều thi phẩm lớn như “Đêm liên hoan”, “Tâm sự đêm giao thừa”, “Bên kia sông Đuống”, được ngâm (trình diễn) trước hàng trăm, hàng ngàn người lính và để lại ấn tượng không phai mờ trong nhiều người, cho tới giờ.

Trong số ấy, đặc biệt phải kể đến “Bên kia sông Đuống”, một bản trường ca, hùng ca và bi ca thấm đượm tình tự dân tộc và mang âm hưởng của nền văn hóa Kinh Bắc, nơi ông chào đời, mảnh đất đã ảnh hưởng tới tâm cảm của nhà thơ trong suốt sự nghiệp sáng tác như TS. Hà Sỹ Phu viết trong cặp đối viếng Hoàng Cầm: “Hoàng Cầm thi cú liễu - Kinh Bắc mê hồn trường” (Câu thơ Hoàng Cầm đã dứt - Mà hồn say Kinh Bắc còn ngân dài).

Được sáng tác tại Chiến khu 12 (gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh và Lạng Sơn) tháng 4-1948, những vần thơ mở đầu của “Bên kia sông Đuống”, theo hồi tưởng của Hoàng Cầm, khi vừa mới đọc xong, đã khiến “nhà vǎn Nguyên Hồng ôm mặt khóc nức nở. Ông vật mình thổn thức, nước mắt giàn giụa... Nghe tôi đọc thơ mà cứ khóc rưng rức”.

Nói về hoàn cảnh sáng tác, nhà thơ cho biết: sau khi nghe tin chiến sự ở vùng quê mình, ông như “ngồi trên cả đống than, đống lửa, lòng dạ rối bời chỉ ước có cánh bay thẳng về nhà xem cơ sự thế nào…”. Vẫn theo lời kể của ông, đêm hôm ấy, ông trong tâm trạng bồn chồn, thao thức, tâm tư rối bời:

Bốn bề vắng lặng, hơi rờn rợn. Mà xa kia, về phía xuôi, xa lắm, ở vùng sông Đuống ấy, bố mẹ già của tôi, vợ và ba đứa con của tôi có kịp chạy giặc đến nơi nào tạm an toàn không? Chiến sự hai bên đường số Năm ấy diễn biến ra sao rồi? Hơn nửa năm nay, tôi không có tin tức gì ở quê lên, càng sốt ruột”.

Rồi, mặc dù chưa định viết gì, nhưng lúc quá nửa đêm, ông bỗng nghe một giọng nữ “lảnh lót mà rất xa, như hát mà như đọc”:

Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa… cát trắng phẳng lỳ

Thế là, Hoàng Cầm “bèn chụp lấy, ghi ngay và cứ thế cảm xúc trào ra một mạch dài, viết rất nhanh, sợ không theo kịp những thanh âm, làn điệu đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng mình. Cho đến gần sáng thì xong bài thơ... tác giả giống như một cậu học trò viết chính tả, lúc đầu là viết theo tiếng đọc rành rọt bên tai, sau là viết theo tiếng đọc thầm thì từ trong tâm can mình, ở những trường hợp ấy, tôi không hề cấu tứ, nghĩ ngợi gì về câu, chữ, không theo một luật lệ nào gọi là thi pháp hoặc tu từ, hoặc chịu sự ràng buộc nào của phép tắc về thanh điệu, ngữ điệu gì gì hết. Tôi chỉ tuân theo nhịp rung động của toàn thân, cả tâm hồn và thể chất, khí chất”.

Kiệt tác ấy của thi ca Việt Nam hiện đại đã hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố để trở thành một tác phẩm lớn: tình yêu một vùng quê từng là nơi kết tinh của những giá trị văn hóa cổ truyền và tinh hoa - vùng Thuận Thành, bên kia sông Đuống -, đồng thời là tình tự dân tộc trong cảnh binh đao, và nỗi hoài mơ về một ngày mai thanh bình, khi “màu dân tộc sáng bừng trong giấy điệp”:

Như nhận định của nhà phê bình Đặng Tiến, “Bên kia sông Đuống” mãi mãi là ước mơ được nhìn thấy, được trở về. Yếu tố hoài niệm trong mỗi câu thơ - nhớ cảnh, nhớ người, nhớ từng địa danh - rất đậm đà và hình ảnh.

“Bên kia sông Đuống” có những câu thơ xuất thần:

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

(...) Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

(...) Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em xột xoạt quần nâu
Bây giờ đi đâu? Về đâu ?

(...) Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng

Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

(...) Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”

Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu

(...) Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Hoàng Cầm sáng tác bài thơ như lên đồng và đọc lại cho Nguyên Hồng. Theo lời nhà thơ thuật lại, Nguyên Hồng cứ khóc... khi bài thơ đã kết thúc từ lâu. Sau đó, nhà văn lặng lẽ rút ra 4-5 tờ giấy trắng tinh (hồi này loại giấy này rất hiếm) đưa cho Hoàng Cầm rồi nói trong tiếng nấc: “Hoàng Cần này, cậu chép… chép cho… tớ ba bản thật sạch sẽ, bài thơ này rất cần cho nhiều người đọc...”.

Hai tháng sau, thi phẩm được đăng trên tờ báo “Cứu Quốc” khổ nhỡ. Vẫn theo lời kể của Hoàng Cầm: “Anh Nguyên Hồng vẫy tay gọi tôi. Này Hoàng Cầm, bài của cậu tớ gửi, báo in rồi đây! Tôi mừng quá, run run nhận tờ báo từ tay Nguyên Hồng. Lúc này bao nhiêu tâm sự trào dâng về quê hương, về cái làng Lạc Thổ phía bên kia sông Đuống, về các cô gái “môi trầu cắn chỉ”, về tranh Đông Hồ “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Hẳn khi ấy, nhà thơ không thể ngờ được rằng, đúng 10 năm sau, tác giả của những vần thơ thấm đẫm hồn Kinh Bắc sẽ gặp nạn trong vòng 3 thập niên chỉ vì muốn được tự do trong sáng tác văn nghệ, cũng như ông cùng nhiều bạn văn nghệ đã chiến đấu để giành tự do cho dân tộc…

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Trần Lê – Còn tiếp


 
 Từ khóa: Hoàng Cầm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn