CHUYỆN BUỒN... NHƯ ĐÙA!

Thứ sáu - 22/10/2004 13:47

(NCTG) Mạng tin "VietNamNet" (VNN) trong nước, mới đây có đăng tải bài viết "Ai là tác giả lời Việt của ca khúc "Bang Bang"?", đưa ra một số "phát kiến" mà tác giả bài viết, và một số vị "quan văn nghệ" ở Việt Nam, tưởng chừng là bất ngờ.

Số là, khi hát lại một số ca khúc cũ trước 1975, các ca sĩ ở nhà sẽ vướng phải chuyện xin giấy phép, nhất là nếu những ca khúc đó (và tác giả của nó) chưa nằm trong danh mục được phép phổ biến. Chẳng hạn, Điều 3 trong Thông báo số 2 (số 1435 của Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch - nay là Bộ Văn hóa Thông tin - ký ngày 10-8-1991) có ghi chi tiết cấm sử dụng một số bài hát như sau: "Cấm sử dụng toàn bộ các bài hát, bản nhạc của các nhạc sĩ bỏ Tổ quốc ra đi đã có thái độ và việc làm chống lại Cách mạng và nhân dân ta như: Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Nguyệt Ánh, Việt Dũng. Các bài hát, bản nhạc của các tác giả đã bỏ Tổ quốc ra đi hiện chưa rõ thái độ chính trị của họ thì tạm không sử dụng".

Phải chăng, vì vậy mà khi Mỹ Tâm, một ca sĩ nổi như cồn trong thời gian gần đây, hát bài "Búp bê không tình yêu" với lời giới thiệu "nhạc ngoại, lời Việt của nhạc sĩ Lê Quang", thì báo giới và một số người thạo nhạc đã nhớ ngay rằng bài này do một nhạc sĩ trước 1975 là Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt, từ ca khúc của nữ danh ca Pháp France Gall ("Poupée de Cire", bài hát này khiến cô ca sĩ đoạt giải nhất trong kỳ thi Eurovison năm ấy). Tuy nhiên, dù bị nhắc nhở nhiều lần, ông Lê Quang vẫn ngoan cố và cuối cùng, ông nói thản nhiên: trước đây, không biết lời Việt bài "Búp bê không tình yêu" của ông Vũ Xuân Hùng, nên ông Lê Quang ghi đại tên mình vào cho... dễ xin phép!

Sau vụ này, báo chí Việt Nam cho biết nhạc sĩ Lê Quang đã "cảnh giác" và "thận trọng"  hơn: bài "Khi xưa ta bé" (còn có tên là "Bang Bang"), đã được ông Lê Quang cắt bỏ tên mình, chỉ ghi rất lơ mơ là "nhạc ngoại, lời Việt". Trong khi, một người có chút hiểu biết về âm nhạc, cũng biết rằng lời Việt của ca khúc đó, được nhạc sĩ Phạm Duy viết từ thập kỷ 70 thế kỷ trước, và Thanh Lan đã hát nó rất thành công từ dạo đó. (Còn nguyên bản của nó, có thể là "Bang Bang" của cặp vợ chồng Sony & Cher từ năm 1965, và được người Phú Lãng Sa đặt lời Pháp).

Cái hay là, để xác nhận việc nhạc sĩ Phạm Duy là tác giả lời Việt của ca khúc, các phóng viên báo chí cùng các quan chức văn nghệ ở nhà đã phải rất mất công! Hãy nghe tác giả bài báo nói trên thuật lại vụ này:

"Nhân dịp nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình, chúng tôi bất ngờ được biết thêm tác giả đã dịch lời Việt ca khúc nhạc nhạc Pháp mang tên "Bang Bang": "Bài "Bang Bang" lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Fylvie Vartal thể hiện" (*). Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi lại có thêm tài liệu cho rằng bài "Bang Bang" được nhạc sĩ Phạm Duy dịch vào khoảng năm 1966 nhưng nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng vẫn khẳng định là vào khoảng năm 1972.

Ngay lập tức, chúng tôi đã liên lạc với ca sĩ  Duy Quang,  con trai của Phạm Duy, hiện đang ở Việt Nam. Ca sĩ Duy Quang đã xác nhận: "Lời Việt của bài hát "Bang Bang" là do ba tôi (nhạc sĩ Phạm Duy) viết vào khoảng năm 1970".

Trao đổi với ông Lê Nam - trưởng phòng Quản lý Băng đĩa nhạc thuộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thông tin) - cho biết: "Trước đây bài "Sérenate" (**) của Schubert có nhiều thư gửi đến nói là của Phạm Duy dịch lời Việt. Chúng tôi đã phải cử người đi đến Thư viện Quốc gia xác định. Thậm chí thanh tra của Bộ Văn hóa Thông tin đã vào cuộc và gặp những nhạc sĩ lớn tuổi để tìm hiểu, nhưng vẫn chưa xác định được. Nếu chúng tôi xác định được lời Việt bài hát "Khi xưa ta bé" ("Bang Bang") là của nhạc sĩ Phạm Duy thì chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lên lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin để có phương pháp giải quyết".

Rõ chán! Chuyện giản đơn như ban ngày, mà cứ như... hình sự!

Nhạc sĩ Phạm Duy còn đó, địa chỉ (nhà ở, điện thư), số điện thoại ông được đăng công khai ở mọi nơi, vậy mà một việc... nhỏ như con thỏ như vậy, lại trở thành một "bất ngờ", phải "tìm kiếm" khá khó nhọc ("cử người đi đến thư viện quốc gia xác định", "thanh tra... vào cuộc và gặp những nhạc sĩ lớn tuổi để tìm hiểu"), thế mà vẫn... không ra. Sao không hỏi đích danh ông?

Hoặc giả, không có điều kiện liên hệ trực tiếp, thì có thể nhảy lên trang nhà của nhạc sĩ (ở khá nhiều địa chỉ, rất công khai, chẳng hạn, www.phamduy.com), mở mục "Lời Việt Phạm Duy", sẽ thấy ngay mấy đoạn sau đây:

1. Nhạc bán cổ điển phương Tây

Với bài "Dạ khúc", tôi biết rằng Schubert đã phổ nhạc một bài thơ Đức thành ra bản nhạc chiều nổi danh này. Tôi cũng biết rằng bản dạ khúc của nhạc sĩ Đức Quốc nói thẳng vào cảnh vật và con người. Nhưng với lời Việt, với tình cảm Việt, tôi không dùng ngôn ngữ trực tiếp để nói lên cái sầu của những buổi chiều trong không gian Việt Nam và trong lòng tôi.

Dạ Khúc (Sérénade)
Nhạc Franz Schubert - Lời Việt : Phạm Duy

Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai.
Vẻ sầu của đóa cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi.
Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai
Cho niềm yêu đến bên tôi.
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu.
...
Tình đời tỏa mát màu
Chiều nay là lúc đầu
Nói cho nhau nghe đời sau.
Nhẹ nhàng người đắm sầu
Kể lể chuyện kiếp nao
Có ai chia lìa nhau.
Một ngày đó tóc mây đã phai mầu
Có chờ ta oán trách đâu
Có vì duyên kiếp không lâu.
Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ úa phai mau
Cho người cứ mãi phụ nhau.
Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi
Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều
Vương vấn đời
(hừm......)

Cuộc tình vĩnh viễn xa vời
Chỉ còn thương nhớ mà thôi
Bóng tối buồn không lời.

2. Nhạc Pháp - Lời Việt Phạm Duy (Những Năm 60-70)

Đầu thập niên 70 là lúc băng cassette được phổ biến mạnh mẽ và các nhà sản xuất đua nhau phát hành những băng nhạc có chương trình nhạc trẻ. Ngoài nhạc Mỹ ra, nhạc Pháp cũng được mọi người ưa thích, nhất là trong đám ca sĩ mới lớn lên, có Thanh Lan hát tiếng Pháp rất hay. Tôi soạn lời ca tiếng Việt cho nhiều bài hát về tình yêu của nhạc Pháp và với giọng hát nhanh nhẹn của Thanh Lan, những bài hát đó đã gây được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong giới trẻ. Bài "Bang Bang" rất ngộ nghĩnh và sau khi được hát qua tiếng Việt với giọng hát Thanh Lan, nó được phổ biến rất là mạnh mẽ. Một hôm tôi vào Nha Ngân Khố để đổi tiền đi Pháp, thấy các công chức nam nữ đang chơi trò bắn súng "băng băng" với nhau.

Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang)
Nhạc Pháp - Lời Việt : Phạm Duy

Khi xưa đôi tôi ta bé, ta chơi,
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi,
Như công an đi bắt quân gian
Hiên ngang anh giơ súng ngay tim! Bang Bang!
Anh bắn ngay em! Bang Bang!
Em ngã trên sân! Bang Bang!
Tiếng súng khi xưa! Bang Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ.

Đôi ta theo nhau lớn lên mau
Đôi ta luôn luôn thân thiết bên nhau.
Ta yêu nhau như lũ bé con.
Nhưng anh ham chơi bắt nhau luôn! Bang Bang!
Anh thích lăng quăng! Bang Bang!
Em cũng theo anh. Bang Bang!
Tiếng súng khi xưa! Bang Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ.
...
Bao năm qua, ta đã hai mươi
Câu yêu đương đã đến cho đôi.
Môi hôn thay câu nói thơ ngây
Chơi yêu thay chơi bắt nhau vui!
Anh xa em, em mất anh yêu!
Không ai coi xem lỗi nơi ai.
Anh ra đi, anh đã ra đi
Anh đi theo duyên mới xa xôi! Bang Bang!
Anh đã ra đi! Bang Bang!
Em sẽ bơ vơ! Bang Bang!
Tiếng súng khi xưa! Bang Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ!
...
Nay khi ta chốn công viên
Trông bao nhiêu em bé hân hoan
Chơi Công An đi bắt quân gian
Chơi đi theo, đi trốn lăng xăng! Bang Bang!
Ta nhớ năm xưa! Bang Bang!
Trong trái tim ta! Bang Bang!
Tiếng súng khi xưa! Bang Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ!

*

Thật giản tiện và rõ ràng! Sao không làm như thế?

Tuy nhiên, cái mà người viết bài này muốn nói, thực ra cũng không phải ở đấy. Bài báo kể trên, ngoài việc "tầm nguyên" tác giả lời Việt của bản "Bang Bang", còn lững lờ buông một lời... hăm dọa rất đáng buồn: "Nếu lời Việt ca khúc "Bang Bang" ("Khi xưa ta bé") là của nhạc sĩ Phạm Duy, rất có thể sẽ bị cấm phổ biến tại Việt Nam" (!)

Thiết nghĩ, Việt Nam đã qua cuộc chiến mấy chục năm. Những vết thương lòng đã được hàn gắn. "Ta" đã bắt tay với Mỹ, tổng thống Mỹ được thanh niên Việt Nam ưa chuộng như một thần tượng (theo một điều tra xã hội học ở nhà). Nhạc sĩ Phạm Duy, một trong vài cây đại thụ sừng sững của nền tân nhạc Việt Nam, sau một thời gian tưởng chừng "gác bút, từ quan", cũng đã về thăm quê hương (hàng chục lần) và lấy cảm hứng quê hương để sáng tác loạt ca khúc "Hương Ca" đầy trẻ trung và tràn sức sống. Cấm đoán cả những ca khúc lời Việt (nhạc Tây) từ ba bốn chục năm trước của ông, viện dẫn một vài "thông báo" nào đó của Bộ Văn hóa Thông tin từ cách đây mười mấy năm (liệu nó có hiệu lực pháp lý hợp hiến?), phải chăng là một cố gắng vô vọng của giới quan chức văn nghệ bảo thủ ở Việt Nam?

Buồn lắm thay!

Ghi chú:
(*) Chính ra là Sylvie Vartan, nữ danh ca Pháp.
(**) Thực ra là "Sérénade".

Trần Lê


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn