TẤM LÒNG NGƯỜI THẦY THUỐC

Thứ ba - 26/02/2013 03:59

(NCTG) “Có ở khoảng mong manh giữa sự sống và cái chết, mới hiểu hết được tấm lòng người thầy thuốc…”.



Ngày mai 27-2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, mình muốn gửi đến những người bạn thân thiết là bác sĩ của mình một bó hoa, một bó hoa đẹp từ chính trái tim mình.

*

Đó là một đêm mưa đầu hạ cách đây 6 năm. Cái đêm định mệnh mà chắc sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức của mọi người trong gia đình mình. Cái đêm mà nửa đêm rồi cả nhà mình, từ mọi hướng như điên loạn lao ra đường, giữa trời mưa như trút nước, đến bệnh viện Xanh Pôn, còn bố mình, một mình đi xe máy lên tận Đông Anh, nơi xảy ra vụ tai nạn của em trai mình.

Cái đêm mà mình không hiểu nổi mình đang như thế nào khi chiếc xe cấp cứu xịch tới, chiếc băng ca được đẩy ra, và em mình, trên đó... chúng mình gần như khuỵu xuống ngay bên cáng của em. Không còn thể nhận ra được hình thù đứa em mình nữa... mình ôm ghì lấy cáng và đẩy em vào.

Phòng cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn đêm đó chật kín bệnh nhân, cáng em mình đẩy vào, ai cũng lả đi vì đau đớn không ai cất được một lời nào mặc dù lúc đó rất muốn nói: “Các bác sĩ ơi, cứu em tôi với”. Rất nhanh, các y tá, bác sĩ từ đâu đã chạy đến rồi cùng đẩy em mình vào trong. Người khám, người đo huyết áp, người lau vết thương, người thay quần áo... còn em mình thì mê man không biết gì.

Lúc đó đã sang ngày mới, em mình bị tai nạn từ lúc 8 giờ tối hôm trước ở bên Đông Anh. Đấy là thông tin trên bệnh án mà bệnh viện Đông Anh chuyển sang, còn như thế nào lúc đó chúng mình vẫn chưa biết gì thêm cả.

Rồi bắt đầu đẩy em đi chụp, chiếu, lúc đó chúng mình gần như cái máy, bác sĩ bảo đi đâu là đi đấy, cứ đẩy cáng đi theo sau cô y tá... mưa và vẫn mưa, chúng mình ướt hết... Cảm giác rợn người khi đi trong khuôn viên bệnh viện vẫn còn đâu đó trong mình.

Đến 2 giờ sáng thì mọi thủ tục hoàn tất và em mình được đưa đến phòng bệnh nhân nằm chờ ngày hôm sau hội chẩn. Qui định trong phòng chỉ có một người nhà ở lại, và mình, đã ở lại với em. Khi mọi người đã ra ngoài, mình mình ở lại thì em bắt đầu nói mê sảng, bắt đầu giãy, đạp... Mình giữ chặt tay, thì em lại vùng chân, cứ giãy dụa như vậy và mình bị hất tung ra khỏi giường. Người nhà đã ra ngoài hết, lúc đó các y tá bác sĩ trong phòng trực đều đến bên giường em, người giữ chân, người giữ tay còn mình ôm ngang người em, và họ đã đưa mình 4 cái đai để cột tay và chân em lại. Nhìn em bị cột chặt, giãy đạp kêu khóc mà lòng mình đau khôn tả, nó kêu gào ầm ĩ, kêu đau rồi hét toáng lên, các loại dịch bắt đầu được truyền vào em nhưng em chưa được tiêm thuốc giảm đau, chưa được tiêm thuốc ngủ... Em kêu nhiều, giẫy đạp nhiều được một lúc thì mệt, thiếp đi, được 10 phút em lại tỉnh dậy, lại chu kỳ như vậy cho đến sáng...



Mình vừa giữ người em vừa lau máu ở miệng, ở mắt, ở tai em chảy ra, không biết bao nhiêu cuộn giấy, bao nhiêu cái khăn bông to được người nhà chuyển vào đều thấm đẫm máu em mình. Bình thường nhìn thấy máu mình ngất, cũng không hiểu sao lúc đó mình đã không ngất. Càng gần sáng thì máu chảy ra càng nhiều, chảy đến mức mình chỉ có chạy vòng quanh giường để thấm mà không kịp. Em kêu đau, em kêu khó thở, mình nâng đầu em lên và rút máu cục từ mũi cho em, rút được cục máu thì máu lại chảy ồ ạt. Mình vừa làm vừa cắn chặt môi mình khóc, thôi hết rồi, máu ra nhiều thế này thì mình sẽ vĩnh viễn mất em thôi... Mình nhìn ra ngoài, tất cả mọi người trong nhà mình, cả mẹ mình, ai cũng bám chặt lấy một thanh sắt của cầu thang dựa vào đó mà khóc... Suốt quá trình đó, bên cạnh mình lúc nào cũng có 2 y tá đứng theo dõi tình trạng em, và khoảng 3 người nữa ngồi trong buồng kính theo dõi, thi thoảng có một bác sĩ nam ra đứng cạnh một lúc theo dõi tình trạng của em và dặn các y tá không được rời mắt khỏi bệnh nhân này vì bị quá nặng.

Đến 6 giờ sáng, bác sĩ nam đó đến bên mình và bảo:

- Chị đừng khóc nữa được không?

Mình nhìn bác sĩ đó mà nước mắt vẫn dàn dụa. Vị bác sĩ đó nhìn mình ái ngại, vì khắp người mình đều vương máu của em.

- Chị này, chị phải không khóc tôi mới nói chuyện với chị được - giọng anh rất nhẹ nhàng.

- Vâng!

- Chị phải bình tĩnh, vì em chị bị rất nặng. Não bị giập, xương mặt bị gãy ba chỗ. Em chị bị rất nặng, khả năng qua khỏi là không cao.

Mình gần như khuỵu xuống.

- Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức bằng năng lực của mình, để cứu cho em chị. Chị không khóc nữa được không?

Mình chỉ tay ra ngoài cho bác sĩ nhìn, ngoài đó mẹ mình, ba em gái mình, chồng mình, các em rể của mình.... đang bám chặt lan can cầu thang mà khóc.

Máu ở mũi của em vẫn chảy ra rất nhiều, cả tai nữa. Vị bác sĩ đó nhìn mình, nhìn em mình rồi mím chặt môi và bảo một y tá đi gọi bác sĩ bên Tai mũi họng (TMH) đến để cầm máu.

Khi các bác sĩ TMH đến thì em mình không chảy máu nữa, máu bắt đầu khô, họ kiểm tra và không phải can thiệp gì cả. Em mình bắt đầu được truyền thuốc ngủ, từ đó em chìm vào giấc ngủ suốt 3 ngày 3 đêm. Suốt thời gian đó, các y tá và bác sĩ đã luôn ở bên em. Vị bác sĩ nam đêm đó đã luôn ở bên gia đình mình, động viên và theo dõi.

Rồi em bắt đầu tỉnh, bắt đầu cảm nhận sự việc xung quanh, gia đình mình bắt đầu thở ra nhè nhẹ thì cũng là lúc các bệnh nhân khác và người nhà các bệnh nhân hỏi:

- Gia đình bác đút tiền thế nào mà được mọi người tận tình thế?

Mình hỏi mẹ mình và các em:

- Có ai biếu xén gì các bác sĩ không?

Lúc đó mọi người trong nhà mình mới ớ ra. Tất cả mọi người vì quá lo lắng cho em mình mà quên mất đến đoạn biếu tiền cám ơn các bác sĩ. Vậy là 4 ngày rồi đó, tất cả các y bác sĩ trong khoa Sọ não II đã rất nhiệt tình và tận tâm để cứu chữa cho em mình, mà gia đình mình thì không nhớ gì cả. Thật khó để nói chuyện hoặc đưa ra một giải pháp gì lúc này.



Các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khác đều ngạc nhiên:

- Không đưa gì mà được tận tình thế sao?

Mỗi sáng khi các cô y tá đi thăm bệnh nhân, đặc biệt là tour của y tá Nương. Chị luôn đến bên từng giường bệnh nhân, câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi:

- Hôm qua em có ngủ được không? Em còn đau nhiều không?

Mình rất ấn tượng với chị và cả tour của y tá Ninh, là nam nhưng cũng rất nhẹ nhàng khi thăm hỏi bệnh nhân. Em luôn đến bên em mình, đẩy em một cái:

- Mau khỏe đi đá bóng em nhé!

Sau 2 tuần nằm tại khoa Sọ não II Bệnh viện Xanh Pôn. em mình được chuyển đến Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương để phẫu thuật mặt, vì em bị gãy xương mặt, mặt em bị kéo sụp xuống.

Trước khi chia tay, gia đình mình đã vào phòng của khoa Sọ não II để cám ơn tất cả các y tá, bác sĩ trong suốt hai tuần qua đã tận tình cứu chữa cho em mình. Giờ có biếu họ bao nhiêu tiền với gia đình mình cũng là ít, vì cao hơn tất cả đó là cái tâm của người thầy thuốc, đâu đó vẫn nói không có phong bì thì sẽ thế nọ thế kia. Đêm đó và suốt cả những ngày sau nữa, gia đình mình đã không hề phải biếu xén hay phong bì phong bao cho họ, cho đến tận lúc ra viện... Mình đã gặp vị bác sĩ trực đêm cấp cứu, nói với anh lời cám ơn vì em mình đã trở về từ cõi chết. Vị bác sĩ đó bảo mình rằng: “Em chị qua được là nhờ chị đấy, chúng tôi có làm được gì đâu!”. Rồi anh lại vội vã đi luôn và thật là vô tâm khi đến tên của anh mình cũng không biết.

Chia tay khoa Sọ não II trong mình là hình ảnh của vị bác sĩ đêm cấp cứu, là y tá Nương, là y tá Ninh... và tất cả mọi người trong khoa đó.

Em mình được chuyển đến Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương để phẫu thuật và một lần nữa mình lại được chứng kiến các bác sĩ trong phòng hậu phẫu. Đêm đó, sau khi mổ xong em mình được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, và vẫn mình mình ở lại với em. Chân và tay lại bị trói chặt vào thành giường, quanh mình em đủ loại thiết bị nhấp nháy như trong phim Hàn Quốc, các bác sĩ dặn mình chú ý máy thở và nhịp tim. Như trêu ngươi, máy đếm nhịp tim chốc lại réo lên ầm ĩ, các bác sĩ lại hốt hoảng chạy vào xoa tim cho em. Bên cạnh em mình là một bệnh nhân nữa cũng vừa mới phẫu thuật xong, không có người nhà chăm sóc, không biết ở đâu nhưng được đưa vào đây cấp cứu . Bên em mình thì nhịp tim chậm, còn bên kia thì loạn nhịp tim.

Cậu bé đó giãy dụa kinh lắm, đến gần sáng thì mồm sùi cả bọt gần như không thở được. Rất nhanh các bác sĩ đã hội ý và lôi dụng cụ đến ngay bên giường bệnh của cậu bé để mổ mở họng đặt ống thở. Lần đầu tiên mình được chứng kiến cảnh mổ cấp cứu như vậy. Đến sáng thì cậu bé đã trở lại bình thường nhưng chưa nói được, và mọi người vẫn chưa hề biết cậu ấy tên là gì, ở đâu...

Vâng, đâu đó vẫn có những hạt sạn, đâu đó vẫn có những tiêu cực, nhưng không phải là tất cả. Có ở trong hoàn cảnh, có chứng kiến mới hiểu được những vất vả, cực nhọc của người thầy thuốc.

Ngày mai, ngày Thầy thuốc Việt Nam... mình chỉ muốn nói rằng, trong mình, các bác sĩ vẫn đẹp lắm...

Có ở khoảng mong manh giữa sự sống và cái chết, mới hiểu hết được tấm lòng người thầy thuốc.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngọc, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn