Ảnh chỉ mang tính minh họa
Thằng bạn học cùng khóa điện thoại báo sắp sang Hung, đi với đoàn, vừa làm việc, vừa đi chơi du lịch. Lúc a-lô, nó cứ dài dòng là sẽ có anh trưởng đoàn làm chức to lắm trên Trung ương, lại nhấn mạnh là đợt tới cơ cấu, chức của anh ấy sẽ còn to to hơn nữa. Tôi nghĩ bụng, thằng này lẩm cẩm, mấy thằng buôn thúng bán mẹt vớ vẩn ở Tây như tôi thì quan tâm gì tới cấp bậc với chức vụ.
Đoàn có 9 người, tôi cùng hai thằng bạn nữa ra đón. Cửa kính tự động mở ra, một anh chừng hơn ngũ tuần, tóc đánh ngói cao, bụng hơi phệ, tay chân vung vẩy, thong dong túc tắc tiến ra, sau đó là thằng bạn tôi còng lưng kéo cái túi nặng dề, tiếp nữa là mấy bác, cả nam, nữ lặc lè đẩy ba cái xe, trên đó va-li, thùng các-tông... chất đầy kín. Anh diện bộ com-lê màu ghi tối, trên gấu tay ghi hiệu Armani, chiếc áo sơ-mi trắng nửa cánh bỏ gọn trong quần, nửa cánh bung ra ngoài, trên ngực có dính vệt mỡ vàng cam bằng đầu ngón tay, chắc lúc nẫy đang ăn, máy bay nó xóc mạnh.
Tay bắt mặt mừng, giới thiệu đâu đó xong chúng tôi ra xe. Đang phân vân chia ra, ai đi xe nào, ngồi với ai, thấy bác chức to - bây giờ thì chúng tôi đã biết - mở cửa ngồi tót vào ghế trên của cái xe ngon, đẹp nhất. Nhận ra ánh mắt ngạc nhiên của bọn tôi, thằng bạn giải thích vội: “Ở nhà, quan to nhất tất nhiên là xơi cái xe đẹp nhất”.
Buổi đầu gặp đối tác Tây, các bạn rất nhiệt tình, ra tận cửa đón chào. Khi mời vào cơ quan, anh Tây giữ cửa, nhường bà giám đốc đi tới, bỗng thấy bà sững lại vì anh trưởng đoàn mình vượt qua ngang mặt, cắt ngang đường, vào trước. Thằng bạn tôi vội rỉ tai tôi, bên mình anh ấy to nhất, bao giờ cũng vào đầu tiên. Tới phòng họp, anh chìa cho tôi cái cạc của anh: “Chú ở đây lâu năm, nhờ dịch hộ cái chức danh của tôi cho bên bạn để còn biết đường thưa gửi trước khi phát biểu”.
Chả là bên cạnh nhiều chức vụ quan trọng đang đảm nhận, anh còn mới lấy tấm bằng Tiến sĩ về lý luận học ở trường Đại học tại chức Thái Nguyên, mà như ở ta, người phát biểu phải thưa gửi đầy đủ hết các học vị, chức tước của quan to đang ngồi nghe bên dưới. Cho đến bây giờ, tôi vẫn bất ngờ với chính tôi, một thằng vẫn lù khù chầm chậm, sao lúc đó bỗng lại nhanh trí có một câu trả lời cực sáng dạ: “Anh ạ, bên này văn hóa thưa gửi của bọn Hung kém lắm, phát biểu nó chỉ ngắn gọn thưa các bà, các ông thôi, không thêm gì nữa”. Anh gật gù, thông cảm, phẩy tay, cho qua.
Tối hôm sau chúng tôi tổ chức họp khóa, nhân dịp có thằng bạn qua đây chơi, tất nhiên là phải mời cả đoàn tới tham dự. Cơm nước xong xuôi, đến tiết mục karaoke. Người Việt ta vẫn có tính trọng khách, cho nên các bạn cùng khóa nhường cho khách hát là chủ yếu, khách thì lại nhường cho trưởng đoàn hát nhiều. Sếp hát xong bài nào, cả đoàn hoan hô vang dậy, bạn bè chúng tôi tuy liếc nhìn nhau, nhưng cũng lịch sự khen tấm tắc.
Thật tình mà nói, đôi khi cái tai trâu của tôi mà cũng nhận thấy, nhạc đi đằng nhạc, lời chạy đằng lời, âm cao, âm trầm lẫn lộn tứ tung. Đến bài thứ năm, khi vừa dứt nhạc, thằng bạn tôi vỗ tay, quả quyết: “Anh ca bài vừa rồi đến Trọng Tấn cũng phải xách dép!”. Tôi liếc thấy hai thằng cùng khóa nháy nhau, châm vội điếu thuốc hút, bước nhanh ra khỏi phòng hát.
Ngày cuối đi dạo thành cổ tại một thành phố ngoại ô. Đi bộ một hồi chắc mệt, anh lệnh, ta vào quán nào xịn, ăn món gì đặc biệt của Hung đi cho biết. Mấy anh em tôi xả láng một trận thôi rồi, rượu ngon, thịt quý, đồ ăn lạ bầy la liệt trên bàn, ăn không hết. No nê xong, có lẽ hơi buồn ngủ, trưởng đoàn phất tay, thôi về nghỉ đi, mai bay rồi. Nói xong anh đứng phắt dậy, ra ngoài ngó trời đất. Tiện cơ hội tôi mới hỏi nhỏ thằng bạn:
- Này, mấy hôm đi chơi, không thấy anh mày trả tiền bữa nào ?
- Úi giời, khổ cái thằng này ở Tây lâu quá, hỏi câu ngớ ngẩn. Chức to như anh ấy, ở nhà chúng nó xếp hàng, rình rập từng phút xin trả tiền nhậu cho anh, cho thằng nào trả là thằng đấy sướng hú khói. Sếp không bao giờ biết giá cả, lại càng không có phản ứng ăn xong thanh toán đâu.
Sau mấy ngày tiếp khách quan to, tôi cứ đần đần, thơ thẩn, nghĩ nghĩ, như người trên trời rơi xuống. Dạng như tôi nhỡ làm công chức ở nước nhà thì chắc tối tối có mà đi bới rác cho con ăn. Đại ngu.