QUYỀN NUÔI CON

Thứ năm - 29/06/2017 03:19

(NCTG) “Này, hay em để chồng em nuôi con đi, rồi sau chị lại xử lại cho em nuôi con”.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

- Giờ bà định đi hay ở?

- ...

- Bà quyết thì quyết nhanh lên, mấy năm nay khổ sở rồi, định ở thế đến bao giờ?? Một là đi, hai là ở, đừng dùng dằng thế chỉ khổ thân mình thôi.

- Nhưng…

- Nhưng nhiếc gì, mai tôi dẫn bà đi gặp ông thẩm phán tôi quen ở tòa, đến tận nhà ông ấy nhờ xem, nếu ông ấy giúp được cho bà nuôi con thì nhờ luôn ông ấy xử cho.

Thế là cô nhắm mắt làm theo lời khuyên của người bạn, cũng nhờ có cô bạn mà cô đủ dũng khí để đặt chân đến nhà ông thẩm phán đó, nhờ ông ta thụ lý hồ sơ vụ án ly hôn của vợ chồng cô, làm sao để cô có quyền nuôi con.

Ông thẩm phán trạc tuổi ngoài 40, thân mật tiếp cô bạn cô và cô, ông nói, cứ qua tòa rồi nộp đơn ly hôn, đơn phương cũng được vì chồng cô không chịu ký, rồi ông ấy sẽ giúp các bước tiếp theo.

Lấy hết dũng khí, cô bước chân qua cổng tòa án, leo lên tầng 3 nơi ông thẩm phán làm việc, từng bước chân nặng nề, cô cố đi thật chậm như để kéo dài suy nghĩ về quyết định của mình, nhưng dù đi chậm đến đâu cũng đến lúc phải gõ cửa phòng làm việc của ông thẩm phán.

Trước khi đi cô đã dúi 5 triệu vào phong bì đựng hồ sơ theo lời khuyên của cô bạn, rón rén đưa cho ông kia, bảo rằng anh cố gắng giúp em được nuôi con, vì chồng em không chịu ký đơn và không muốn em được nuôi con, em chỉ cần con còn mọi thứ tài sản nhà cửa em không đề nghị chia chác gì.

Ông thẩm phán thân mật cầm hồ sơ, bảo em cứ về và yên tâm, có gì anh sẽ liên lạc và giúp em được nuôi con.

Vài ngày sau, cô nhận được điện thoại của ông thẩm phán, ông đề nghị cô chi thêm 10 triệu để trang trải các chi phí. Cô lại lo tiền để đi đến điểm hẹn giao tiền cho ông ta. Lòng thầm yên tâm vì chắc thế nào ông ta cũng giúp đến nơi đến chốn.

Hôm sau nữa, cô lại nhận được điện thoại, nói rằng vụ của cô đã được chuyển sang thẩm phán khác xử, ông thẩm phán kia không trực tiếp làm mà chỉ đứng ra nhận hộ thôi. Nhưng ông trấn an cô yên tâm, thẩm phán kia cũng như ông nên không có gì phải lo lắng.

Kể từ đó cô không liên lạc hay gặp ông thẩm phán kia nữa, vụ việc đã được chuyển giao sang người khác, do chồng cô không chịu ra tòa, không chịu ký, nên thư ký tòa án phải đến tận nhà làm việc, để trang trải cho việc đi xuống địa bàn của thư ký, cô được đề nghị đưa thêm 1 triệu để bồi dưỡng cho thư ký. 

Thế rồi cũng đến ngày hai vợ chồng phải ra tòa để làm các bước hòa giải, hòa giải không xong thì phải ly hôn, một hôm bà thẩm phán mới lại gọi cô ra bảo: “Này, hay em để chồng em nuôi con đi, rồi sau chị lại xử lại cho em nuôi con”.

Cô giãy nảy lên: “Không, chị ơi, em không cần tài sản hay tiền bạc, em chỉ cần con, em đã có người quen nhờ anh chị và anh chị đã đồng ý xử cho em nuôi con, vì thực ra em là mẹ có nhiều lợi thế hơn, em chỉ cần anh chị hỗ trợ đứng về phía em để cho em nuôi con thôi chứ cũng không đòi hỏi gì quá đáng hay khó khăn cả, giờ chị cho chồng em nuôi thì đến bao giờ em mới lấy lại được con em?”.

Bà thẩm phán thủng thẳng: “Thôi thì chị sẽ giải quyết cho cô, nhưng nói thật là chồng cô cũng mang lên một phong bì khá dày bảo chị xử cho nó nuôi con đấy”.

Ngày quyết định cũng đến, cuối cùng cô cũng thở phào vì tòa cho cô được nuôi con, thật hú vía, nếu cô không thu xếp đủ số tiền đó hoặc chồng cô đưa cho thẩm phán gấp đôi hay chỉ gấp rưỡi thôi thì có thể quyết định đã khác và cô đã mất quyền nuôi con rồi.

Uyên Thư


 
 Từ khóa: nuôi con
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn