Khi còn nhỏ tôi rất ít đi chợ vì mẹ tôi đảm nhiệm việc này rồi, nhưng lâu lâu có dịp phải đi, tôi rất ngại phải mua cá, vì sợ mấy bà bán cá hung dữ quá, mà lại hay nói thách, ai không biết là phải mua hớ ngay.
Sau này khi đã sống tự lập, bị bắt buộc phải đi chợ thường xuyên tôi cũng dần dần quen. Nhưng cũng rất ngại trả giá khi người bán nói thách. Chắc vì vậy mà tôi hay bị chị em hay bạn chê là hay mua cái gì cũng phải chi nhiều tiền hơn người ta.
Bạn tôi thì lại rất thích trả giá cho dù mua món hàng gì nhỏ đến mấy cũng vậy. Có lần đi mua chổi, bạn tôi kỳ kèo từng đồng, quá lắm tôi mới khuyên bạn thôi đi: “
Cái thằng bé bán chổi cũng nghèo quá, mình giúp cho nó kiếm thêm chút tiền”. Sau đó bạn tôi cũng có suy nghĩ lại, những cái tính thích trả giá đã ăn sâu vào đầu óc chắc cũng khó thay đổi.
Vừa rồi trên mạng tôi
có đọc một bài viết về một cô hướng dẫn khách nước ngoài đi chợ mua khăn quàng. Bài viết rất vui và cho mình biết thêm cái thói xấu hay nói thách và chua ngoa của người bán hàng.
Trong một chương trình về du lịch trên kênh Discovery, tôi thấy bên Thổ Nhĩ Kỳ có một cái chợ chuyên nói thách. Hai ông khách Mỹ trong phóng sự đó tha hồ trả giá. Thuận mua vừa bán, có thể khách bị hớ, nhưng thái độ vui vẻ của người bán làm khách không cảm thấy buồn. Ở nước ta mà trả giá không vừa ý người bán là bị lườm nguýt thấy ghê (cho dù họ đồng ý bán vì đã có lãi). Mình đưa tiền họ đưa hàng mà làm như muốn ném vào mặt mình.
Bởi vậy tôi chỉ thích mua hàng gì mà người bán có ghi giá bán.
Hôm Tết vừa rồi, chúng tôi đi siêu thị. May quá ở đây không có chuyện nói thách, nhưng hình như giá bán các mặt hàng cao hơn ở chợ “truyền thống”. Thấy trong siêu thị bán mấy loại trái cây cũng ngon, tôi giao nhiệm vụ cho ông xã chọn lựa, còn tôi đi mua thứ khác. Ống ấy mua quýt Tiều 35 ngàn/ký, Thanh Long (có dán nhãn Royal) 24 ngàn/ký. Tôi thấy giá này cũng được.
Hôm sau ra chợ Việt Kiều, tôi thấy một xe thanh long, trái nhỏ không đẹp ghi giá 30 đến 40 ngàn/ký. Một chị lớn tuổi có ý chê trái nhỏ, thế là cậu thanh niên bán hàng la lớn: “Nhỏ mới có giá đó, muốn trái lớn phải giá hơn 50 ngàn đó bà nội”. Bà kia chỉ biết cưòi cười bỏ đi chớ biết nói gì bây giờ. Thật là mua bán hỗn láo quá. May mà chúng tôi đã mua ở siêu thị rồi, không thì vào ngày cận Tết bà con tha hồ hét giá trên trời, để đến trưa 30 lại than khóc lỗ lả, bán đổ bán tháo.
Nói thách và trả giá thì thói quen từ đời nào đến giờ, thậm chí người ta đã ghi giá rõ ràng mà vẫn còn trả lui trả tới. Có chuyện buồn cười: trong siêu thị ở quầy tính tiền mà có người còn đòi cô thu ngân bớt số tiền lẻ, chỉ trả số chẵn thôi.
Cũng may là bây giờ, tôi thấy ở chợ các người bán cũng bớt nói thách, không như hồi xưa. Đó là điều may mắn cho tôi, là người ít trả giá. Không phải giàu có dư dả gì, nhưng ngại đụng chạm, nên thấy giá cả coi bộ tạm được là mua luôn cho xong, không bỏ đi hàng khác cho mất thời gian.
Sau này đến đời cháu chắt, nếu đọc lại bài này chắc các cháu lấy làm lạ: tại sao phải trả giá (mặc cả)? Mua hàng online mà, có giá ghi rõ hết rồi việc gì phải thắc mắc?