NHẬT KÝ CÁCH LY

Thứ bảy - 13/06/2020 17:50

(NCTG) “Mọi người ơi, mọi người có nhớ em không? Em nhớ mọi người lắm. Bao giờ mình mới gặp lại nhỉ?”.

Tác giả và các bạn cùng phòng trong thời gian cách ly tập thể

Tác giả và các bạn cùng phòng trong thời gian cách ly tập thể

Lời Tòa soạn: Mặc dầu ở ngay cạnh “tâm dịch”, nhưng tính tới nay, Việt Nam nhìn chung đã vượt qua đại dịch Covid-19 một cách rất ngoạn mục, với những biện pháp ứng phó có nhiều khác biệt so với thực tiễn phòng dịch trên thế giới, theo nhận định của truyền thông nước ngoài.

Trong thành công đó, cần phải nhắc tới mô hình cách ly tập thể do nhà nước quy định và chi trả, điều không thể hình dung được tại các quốc gia Âu - Mỹ do những dị biệt trong tập quán và quan niệm sự riêng tư, nhưng lại tỏ ra khá hiệu quả cho cuộc chiến chống Covid-19 nói chung.

Trải nghiệm “có một không hai” ấy trong hai tuần cách ly tại Việt Nam sẽ trở thành kỷ niệm khó quên với nhiều người, và đặc biệt thú vị qua lời thuật lại của một bạn trẻ vừa về nước sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, bằng cái nhìn đậm tính báo chí. Trân trọng giới thiệu!
 
Trên đường về quê hương
Trên đường về quê hương

Sau gần 2 tháng dạt vòm ở Thái, cuối cùng thì mình cũng đã có thể trở về Việt Nam.

Và đó là tình cảnh của ít nhất 300 mạng như mình rồng rắn xếp hàng sân bay Survanabhumi vào 18-5.

Chắc hẳn trong lòng mọi người là một mớ cảm xúc hỗn độn, với vô vàng câu hỏi là bao giờ mới được đoàn tụ với gia đình, liệu có sống được ở khu cách ly không hay có thằng nào bay cùng mình bị Covid hay không.

Lên máy bay thì mình tình cờ ngồi cạnh một con nhỏ ngộ nghĩnh. Sau khi hỏi tên mình là gì, nó bảo: “Em tên Chinh nhưng cái đám bạn cứ hay gọi là Chinh chó, ghét thế” .

Cũng không ai ngờ, đến lúc xếp hàng ra xe buýt để đi về khu cách ly thì lại gặp nó, lại lên cùng một xe, ngồi cùng hàng ghế.

Ngồi bên trái mình là anh chàng tên Vinh, 1999, mới học xong ở Thái cũng bị kẹt lại cho tới bây giờ. Nó cứ rủ “chị về Quy Nhơn với em đi”. Mình với nó cứ ngồi than đói vì trên máy bay chẳng được ăn.

Thảm thê quá, cô bé ngồi bên trái mình, Minh Ngọc, 1995 đành mở túi lấy bánh ra chia cho ăn.

Lúc đến nơi, Vinh đi theo đám con trai, còn Ngọc thì muốn đợi bạn của cô bé, thế là lạc mất nhau :(. Thật áy náy là đã không đợi với em.

Bốn cô cùng phòng 304

Sau khi xe đến khu, mình với Chinh đăng ký ở một phòng. Sau đó một cô bé tên Giang xin nhập cùng phòng với mình, rồi sau cùng là An, lò dò đến phòng lúc cuối.

Giang nhỏ tuổi nhất 99, An bằng tuổi Chinh, và lớn nhất là mình.

Bé Giang nhỏ nhất nhưng tính ra cao to nhất phòng, khuôn mặt bầu bĩnh mắt hí dễ thương. Cô bé nói giọng Hà Tĩnh nhỏ nhẹ. Mình liếc qua va-li thấy quyển “Kinh Thánh”. Một lúc sau một anh chàng cao to đi qua phòng, khiêng giúp đồ lên, nhưng đi hẳn dép vô nhà bị mấy chị em la í ới. Hỏi ra mới biết là bạn trai của Giang. Hai đứa đi sang Thái du lịch rồi bị mắc kẹt ở đó.

Ngủ ở phía đối diện bé Giang là Chinh, nó đã lên phòng lấy giường trước. Chinh dáng đẹp và cũng biết cách phô bày vốn tự có của mình. Lúc trên máy bay thấy nó ít nói (nó nói là mải nghe nhạc), nhưng lúc lên xe mình đã thấy có dấu hiệu, và đến khi vào phòng thì mình có thể khẳng định nó đích thị là một đứa ồn ào.

Nhưng đó là cái kiểu ồn ào nếu không thấy phiền thì sẽ thấy đáng yêu, hài hước một cách vô cùng tự nhiên của nó.

Và cũng nhờ vốn sắc đẹp tự có của nàng ta mà phòng 304 cũng được “ưu ái”  hơn bởi mấy anh chàng dân quân tự vệ.

Chinh quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ.

Mình hỏi người Phú Thọ có giọng thế này à, thì nó nói vang ra từ nhà tắm: “Không, chỉ có em mới ồn thế này thôi!”.

Nói đến mấy anh chàng dân quân này thì mới nhớ có khoảng 12 người, thuộc Dân quân Tự vệ xã Thạch Thất. Lúc mới đến nhìn mặt và dáng mấy cậu thanh niên non choẹt, gầy nhong, mình cũng đoán mấy đứa này trẻ, hoá ra đúng vậy thật, đều tầm 18-22 tuổi.

Như cái Chinh nói thì mấy thanh niên khá này “sĩ gái”.

Cho nên càng không thể nào đỡ được khi phòng 304 còn có thêm một bông hồng khác nữa là cô nương An, cũng nhỏ nhắn xinh xắn, cười duyên. An ngủ giường bên trong, đối diện mình.

Con bé ít nói, nhưng phần lớn thời gian là để chơi game trên điện thoại.

Em đi đập nhà người khác hí hí”, nó nói mà mắt không rời cái điện thoại trong khi tay hí hoáy chơi cái game “Coin Master”.  

Người gốc Ninh Bình nhưng chuyển xuống Bảo Lộc từ nhỏ nên có giọng con gái miền Nam ngọt ngào.

Phòng thì mỗi người một tính và nhu cầu giải trí và mối quan tâm cũng rất khác. Nhưng được cái ăn uống thì có nhau, chuyện vui thì kể, kết thân cũng nhanh.

Cái hôm cái nóng ở Hà Nội lên đến 41 độ C, cả bọn lau nhà, trải cái chăn làm lớp lót rồi bốn đứa nằm ngủ cùng nhau trên nền gạch cho mát.

Phòng 304 được “ưu ái”

Mình không biết các phòng khác như thế nào, nhưng mình tự cảm thấy phòng mình có vẻ… được ưu ái hơn một chút.

Đám thanh niên dân quân hay gọi yêu tụi mình là “các chị hàng xóm”. Phòng ngủ tụi nó từ tầng 2, nhìn lên chếch bên phải là thấy phòng 304.

Mình nghĩ việc cái Chinh mặc áo nhưng lại không mặc áo ngực chạy lông nhông có thể góp một phần nào đó đến cái sự ưu ái ấy. Còn khoản đong đưa, nhõng nhẽo một chút thì các chị em có thừa (tất nhiên dẫn đầu vẫn là cái Chinh). Quan trọng là có muốn dùng hay không thôi. Và cũng tùy từng đối tượng.

Trong đám thanh niên dân quân, thì có V. đặc biệt thích cái Chinh. Ngoài những lần giao cơm, có nhiều lần nó chỉ kiếm cớ lên phòng để gặp con bé. Có lần lên phòng chỉ thấy mỗi mình (vì cả ba con bé kia đã xách đít đi đánh bài), mặt nó tỏ rõ sự thất vọng.

Một anh chàng khác tên N. thì thích cái kiểu trắng trẻo dễ chịu của con bé An. Nhưng mình đoán về cơ bản thằng này chị nào nó cũng chiều thì phải.

Có lẽ vì vậy mà thi thoảng bữa ăn của tụi mình được gấp đôi phần trái cây. Phòng thì 4 người nhưng có hôm nó đưa luôn cả nửa nải chuối 6-7 quả. (Tụi chị không thiếu thốn chuối đến thế đâu các em.)
 
Cơm tập thể thời cách ly
Cơm tập thể thời cách ly

Hay cụ tỉ như một hôm thằng V. lên tận phòng giao cơm, tự dưng đứng ngay bàn ăn, nó kéo phẹc-mơ-tuya bộ bảo hộ xuống làm cả đám con gái liếc mắt nhìn theo. Tay nó vọc vào túi quần lấy ra 4 quả trứng luộc.

Hay như khi một sáng phòng hết sữa hộp, mình ỏn ẻn hỏi N. liệu còn sữa ở dưới không, nó gật đầu bảo: “Có! Lát em sẽ đem lên cho chị!”.  Đến chập tối, anh chàng từ đâu lao thẳng vào phòng để lại bịch ni-lông màu đen rồi vọt đi như một tên trộm ngược đời sợ bị phát hiện. Bên trong túi là 1 lốc sữa.

Một lúc sau thằng V., chẳng hớt hải như thằng N., tò tò đến phòng tay xách 1 lốc sữa đã bóc dở và 1 hộp rời, có lẽ là những gì còn sót lại mà nó vơ vét được đến đưa cho cái Chinh.

(Cảm ơn hai em, bây giờ tụi chị đã dư sữa.)

Và tất nhiên là không thể nhắc đến A. Mình đoán là nó sẽ vừa muốn mình nhắc đến nó và vừa ước thầm là mình sẽ không đề cập một từ đến nó. Nó có vẻ khôn ranh và già đời hơn đám còn lại dù có vẻ trong lứa trẻ nhất.

Cái cách quan tâm của nó không lộ liễu đói khát như của thằng V. hay cái kiểu bẽn lẽn e thẹn của thằng N. Nó là cái đứa sẽ đứng từ tầng 2 nhắn cho mình hỏi “Chị sao không tắm rồi ăn cơm đi” khi mình mải tập yoga ở gần cửa phòng.

Nên khi mình và cái Chinh đói bụng lúc gần nửa đêm thèm ăn mì tôm, mình bèn thử nhắn hỏi nó xem có nước sôi không.

Chị cứ xuống đi, em pha cho.” 

Tất nhiên là mình sẽ không cho nó cái sự thoả mãn ấy. Mình bảo cái Chinh xuống lấy nước

Khởi phát tinh thần thể thao

Khi ở khu cách ly đến ngày thứ ba thì mình bắt đầu thấy bí bức. Một phần là vì cái thói quen bodyshame của con Chinh. Nó rất gầy. Nhìn nó mình tưởng như một con Barbie sống. Thằng người yêu con bé Giang gọi nó là “Còi”.

Nhưng nó tuyệt nhiên rất sợ béo. Nó đeo đai bụng và cứ than béo suốt ngày (làm những người đứa đang nhét cơm vào mồm cũng thấy mất cả ngon). Nó bodyshame không chỉ bản thân nó mà cả người khác.

Tất nhiên mình cũng quen với điều đấy và thấy được cái sự ngộ nghĩnh trong cái tư duy của con bé. Suy cho cùng, cũng nhờ cái vốn tự có của nó mà cơ ngơi của các chị em mới được khang trang thế này.

Thế là mình tính xuống tầng 1 chạy bộ, nhưng vừa xuống tới tầng 2 đã bị xua lên lầu.

Hoá ra không ai được phép bước xuống lầu một. Ấm ức một lúc, mình với Chinh quyết định chạy bộ quanh hành lang và lên xuống cầu thang.

Ban đầu mọi người ai cũng nhìn. Hành lang đông người, với lại đang trong hoàn cảnh cách ly. Nhưng quả thực không chạy thì sau 14 ngày, phòng 304 sẽ thành chuồng lợn nái 304 mất.

Mình với nó đeo khẩu trang chạy quanh hành lang rồi tìm được 1 góc cầu thang vắng người, chạy lên chạy xuống.

Mấy người dân quân không nói gì, không phản đối.

Và đến ngày hôm sau thì mấy anh đàn ông khác cũng tham gia. Chắc cũng đã thử xin xuống dưới lầu mà không được.

Sau một tuần thì phong trào thể dục thể thao của cả khu đã rầm rộ hẳn. Có người thậm chí còn kêu người nhà gửi hẳn cả dây vào để nhảy.

Cả lũ con trai phòng bạn trai con bé Giang ban đầu chỉ ngồi chơi bài, nhưng đến ngày thứ 7 thì kéo cả đám chạy, cứ nối đuôi nhau quanh tầng 3.

Mình luôn chạy trước và chạy một mình.

Đầu tiên khi rời khỏi phòng là chạy thẳng sang hành lang đối diện, rẽ phải là sẽ đi ngang qua phòng 313, có cô bé Thái Ninh mình quen lúc đứng chờ ở sân bay Survanabumi.

Kịp add nhau Facebook nên khi mình nhắn phòng mình ít đồ ăn, Ninh liền đem qua mấy bịch sữa, bánh ngọt sang cho tụi mình, sau này còn cho thêm cả xoài và hạt bí. Chạy đến cuối hành lang sẽ là phòng 327, phòng của đám con trai có bạn trai bé Giang.

Ban đầu đám này ở tầng 5 nhưng về sau khi tiết trời lên đến 40 độ C, ban quản lý thương tình cho cả phòng này xuống tầng 3. Có những hôm chạy đến đấy là sẽ thấy An và Chinh đang ngồi đấy đánh bài.

Chạy xuống tầng 2 cùng hướng hành lang ấy là băng qua phòng 215 của Minh Ngọc, cô bé cho mình ít đá lạnh và nước sôi (hai lần khác nhau), và thi thoảng chị em xuống đấy tâm sự.

Còn chạy theo hướng ngược lại thì sẽ gặp cô hàng xóm cũ từng ở 302, mà giờ chuyển xuống 216 cũng vì phòng cũ nóng quá, lại có cháu nhỏ. Cô hay than thở là đã chuẩn bị sẵn bộ đánh cầu lông thế mà không được xuống dưới sân quật vài đường.

Quay lại góc cầu thang tầng 2 thì sẽ thấy một anh chàng tóc dài, cao dỏng, đẹp trai, tên Cùn, 20 tuổi, đang tập tâng bóng. Thì ra là có bố Thái mẹ Việt, nên tên có nghĩa là rồng (về Việt Nam đổi tên là Long đi em ạ). Đã được thầy Park gọi lên tuyển U21 Việt Nam. Cùn nói đá cho CLB Thái nhiều tiền hơn nhưng vẫn thích đá cho Việt Nam. Nói sõi tiếng Việt. Rất ngoan và dễ thương.

Chạy ngược lên tầng 5 (tầng 4 mình chưa quen ai), thì sẽ thấy thằng nhóc Vinh ngồi ngay ngoài ban công hóng mát. Nó sẽ chẳng bao giờ chịu tháo khẩu trang nhưng mình biết đằng sau đó nó đang nở nụ cười toe toét. Ngồi cạnh luôn là anh bạn cùng phòng, tên Giang, 94, và chả hiểu tình cờ thế nào lại là người yêu cũ của con bé An phòng mình. Thanh niên này thích nghe Huấn Hoa Hồng và Trần Dần và có thể nhái lại tiếng hét thất thanh lúc 1 giờ sáng của phòng 402 (căn phòng LGBT nhất tòa nhà D2).

Về lại tầng 3 thì sẽ thấy một chị to béo cùng tầng cứ nhìn mình cười mỗi khi đi bộ ngang qua, có lần còn hỏi rằng bao giờ chị sẽ xuống cân lại được như em nhì, sau đó lại còn chốt một câu: “Hồi xưa chị cũng trông như em ấy”.

Cái Chinh tất nhiên sau hôm đầu tiên thì mấy hôm sau nó chẳng chạy nữa. Nhưng ở riết trong phòng mãi chắc cũng chán, nên chế thi thoảng lại mặc váy hai dây đi đôi dép tông chạy chơi chơi quanh hành lang.

Sư sãi và những cô gái

Trong chuyến bay của mình thì có một số nhà sư của cả Thái Lan và Việt Nam. Chẳng hiểu sao một số người bọn họ không mặc đồ bảo hộ như những hành khách khác ở trên máy bay. Khó mặc? Hay là bộ cà sa kia được tẩm chất khử trùng rồi?

Về sau các vị này được bố trí ở tầng 4 và 5 trong khu cách ly theo mình quan sát.

Và khi sống trong một không gian khép kín, với những nhóm người rất khác biệt về độ tuổi, giới tính, tín ngưỡng thì chắc chắn sẽ xảy ra vài chuyện thú vị.

Như việc không biết tình cờ hay hữu ý mà ngay dưới phòng ba anh sư trẻ là phòng có hai cô gái vô cùng xinh đẹp. Một trong hai cô rất thích mặc pajama áo thụng dài tới đầu gối (ở trong này thì phong cách thời trang chính là pajama).

Mình vô tình đang ở tầng dưới nhìn lên thì thấy cô gái xinh đẹp ấy, vì trời nóng, nên giật áo rất mạnh để gió lùa vào dù trong tay đã cầm sẵn cái quạt mini (ở trong này đứa nào có cái quạt này thì coi như winner in life). Chiếc áo rộng thùng thình phất phơ phần phật hất tung theo sức kéo của bàn tay mảnh khảnh trắng nõn, lộ ra cái tam giác màu đỏ loé ở dưới.

Chẳng biết cổ áo cô gái ấy rộng đến đâu và đứng từ trên nhìn xuống thì mấy sư ấy nhìn thấy gì. Nhưng mấy anh sư này có nhìn xuống. Nhìn xuống và vẫn đứng đấy. Chắc là không nhìn thấy gì.

Phòng 327 ngoài bạn trai con bé Giang, thì còn hai anh sư trẻ. Nghe nói mới tu. Đến ngày thứ 5 thì con bé gần như sống bên đấy. Nó chỉ về phòng để lấy cơm, đo nhiệt độ và ngủ trưa. Lý do phải về 304 ngủ trưa là vì “sư chơi game nói chuyện ồn quá, em không ngủ được”.

Cái Chinh nhanh nhảu: “Mấy ông ấy đuổi khéo mày đấy. Hai đứa mày cứ quấn lấy nhau sư nào chịu cho được”.

Đến chiều, cái Chinh mặc áo dây xẻ sâu và tất nhiên không mặc áo ngực, quần bò ngắn tới mông và An, mặc áo phông ngắn hở bụng và quần bò có chiều dài nhỉnh hơn vài cm, đánh mông sang phòng 327 đánh bài trước mặt các anh sư.

Nghe đâu hai đứa đánh thắng, nhưng nóng quá mồ hôi đổ nhiều nên kéo về phòng.

Gần gũi thiên nhiên

Khu cách ly của mình khá là thơ mộng. Đứng ở cửa phòng có thể dòm ké vòi phun nước ở tòa nhà bên cạnh, vốn giành cho nhân viên quản lý khu trại thì phải. Thế cũng còn may chán so với đám Việt kiều từ Mỹ về. Đám đó được bố trí ở tòa nhà quay hẳn đít vào cái vòi phun đổi màu. Và nếu tòa bên đó xây y hệt như tòa mình thì cách duy nhất để ngắm vòi phun nước là đứng trước cửa toa lét, chỗ giặt đồ và treo mấy cái cây lau nhà, rồi nhìn xuyên qua hàng rào gỗ xanh, như những con tù mong chờ ngày mình được tự do như những giọt nước xa xa văng tung toé lên nền trời trong xanh.

Còn chỗ trước cửa toa lét của tụi mình thì view lại khác, là đồi núi xanh mát của núi rừng Hòa Lạc. Ve kêu đau cả đầu. Cũng không hề gì vì cái Chinh sẽ mở nhạc giật to gấp mấy lần.
 
Công trình phụ
Công trình phụ

Ngày đầu tiên đến thì trước khi nghe tiếng ve kêu là tiếng hét thất thanh của con bé Chinh, sau đó là đến con bé An. Bọn nó phát hiện trong nhà tắm có một cây lau nhà cũ phủ đầy xác cánh mối, trông như một đống bùi nhùi vừa sần sùi vừa mịn óng đen đen trong ánh đèn cháy 2 bóng còn 1. Hai đứa lần lượt. Bước vào. Rồi hét. Bước vào. Rồi lại hét.

Mấy ngày sau đó trời oi quá thì lũ côn trùng cũng lẩn mất nhưng sau ngày nóng nhất thì mưa xối xả, sấm chớp đì đùng, như thể làm nứt toác nền cửa đất để cho đám côn trùng ẩn nấp bấy lâu ngoi lên để làm kinh hãi các chị em.

Đêm đầu tiên chưa có kinh nghiệm mở toang cửa để đón gió thì không ngờ đón luôn hai em chuột to đến mức… lúc đầu không ai nghĩ đó là chuột. Bọn nó vờn nhau quanh giường ba đứa như thể Adam và Eve ở trong vườn địa đàng. Không biết làm trò gì mà giường rung lắc dữ dội.

Mình cáu quyết định đập giường đuổi cái đôi gian phụ dâm phụ đuôi dài ấy cút khỏi phòng rồi đóng chặt cửa. Còn hai con bé kia thì vẫn cắm đầu ngủ.

Đến sáng khi mình đang cố gắng ngủ bù cái giấc bị gặm mất hôm qua thì đã nghe cái giọng lanh lảnh - “TRỜI ƠI TỐI QUA CÓ CON CHUỘT TO DÃ MAN”. Thôi, nói đến đây thì biết đứa nào nói rồi đấy. Không cần phải giới thiệu.  

Thế sao biết chuột to mà vẫn cắm mặt ngủ để chị mày đây phải mò dậy đuổi hả?

Những ngày cuối

Những ngày cuối là những ngày chán cơm thèm phở, theo đúng nghĩa đen.

Các vụ buôn lậu xảy ra liên tiếp và có chiều hướng gia tăng khi nhiều phòng lén lút đưa đồ ăn bên ngoài vào thành công, như phòng 327 buôn lậu thành công trà sữa thì 527 còn đưa được hẳn cả phê Tuýt tờ Bin vào phục vụ các anh chị em.

Các vụ buôn lâu một khi trót lọt thì các con buôn và khách hàng chẳng có tí ngại ngùng nào mà cứ thảnh thơi cầm tà tữa đi loanh quanh như để giễu mấy trăm con ngươi đang thèm thuồng.

Tình bạn và mối quan hệ các phòng cũng phát triển nhanh chóng từ ấy.

Số lượng bạn Phây búc tăng vọt từ những lời nhờ vả nhằm thoả mãn cơn khát của hương vị tự do.

Cũng vào những ngày cuối mà mình cảm thấy buộc phải công nhận công lao vô cùng to lớn của Chinh, vì sau này có thể sẽ không ăn bám hay sống nhờ vào gian hàng bưởi của nó được nữa.

Trong một buổi chiều chạy bộ với nhau mình bảo: “Em thấy không, nhờ em mà phòng mình mới có được cơ ngơi khang trang như thế này”.

Chinh ỏn ẻn đáp lại: “Đâu, em thấy cả phòng mình đều góp sức mà. Ví dụ như có thằng gu của nó là em, nhưng có thằng gu của nó là chị thì sao. Em thấy cả phòng mình phải hợp sức lại chị ạ!”.

Chinh nói một cách tự hào, như thể vừa nhận thức được gía trị của sức mạnh sức thể.

Đến ngày thứ 12, tức sau lần xét nghiệm thứ hai, thì bộ phận “trông trẻ”  thông báo toàn bộ cả khu cách ly không có bé nào dương tính. Các bé hú hét và vỗ tay ầm ĩ lên kế hoạch mua bia về liên hoan ngày sắp được giải phóng.

Đêm chia tay có một em xinh đẹp còn xin hát tặng các anh sư bài hát “Độ ta không độ nàng”, mong các anh sư không quá thương nhớ cuộc sống trần tục ngoài kia.

May đấy mình đang ở tầng 5, ngồi thưởng thức văn nghệ hóng mát thì thấy một anh sư đi ra lẩm bẩm: “Nghe nó hát mà hết muốn độ nó luôn”.

Vâng, 2 tuần qua là 14 ngày thanh xuân mãi không thể lấy lại được. Ai ai cũng háo hức trở về cuộc sống bên ngoài, người đi tiếp tục đi quẩy, người tiếp tục đi tu. Cuộc sống thật muôn hình vạn trạng đa dạng và phong phú.

Nhưng mình cũng biết mọi người cũng có chút gì đó lưu luyến với cuộc sống đang rất thảnh thơi, được chăm bẵm ở trong trại.

Dù vậy các bé đã cải tạo tốt rồi, cũng buộc phải trở về tái hoà nhập cộng đồng thôi.

Lâu lâu nhắn nhau một câu rằng là: “Mọi người ơi, mọi người có nhớ em không? Em nhớ mọi người lắm. Bao giờ mình mới gặp lại nhỉ?” .

Thế là quý rồi. Nhể tập thể D2?

Bài và ảnh: S.C.V., từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn