Làng trong phố (12) - SƯ Ở CHÙA LÀNG

Chủ nhật - 18/07/2010 23:08

Chửi bậy nói tục phát khiếp, vãi linh hồn.

Chùa làng - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Say rượu, sư ra đường nhựa nằm vật ra như ăn vạ, ô tô phanh két trước mũi sư, thằng tài xế nhảy xuống định gây sự. Chưa kịp chửi sư đã chửi lại, thấy ông đầu trọc, hầm hố, đứng lên cao lừng lững như hộ pháp, mặt đỏ bừng bừng, giá mà mặc đồ “ga” (dép đúc mũ cối quần áo bộ đội) thì hẳn đã là xã hội đen chính cống, nay lại mặc đồ nâu sồng trông hệt Lỗ Trí Thâm vừa chơi xong ba vò rượu, tài xế sợ, lủi lên xe cài số lùi kiếm đường khác.

Thế là sư lừng lững về chùa, chửi từ mép Hồ Tây chửi vào bán đảo, tới tận “hậu cung” của nhà chùa. Bà vãi đang lễ trong ban Vong, chạy ra... chửi lại:

- Chúng tôi lên đây để cúng, không phải để nghe chửi!

- Cúng cái con mẹ mày! Tao cúng rồi!

Vãi tịt luôn đài phát thanh, vãi chạy mất dép.

Sư ghét ông trụ trì mới được Giáo hội Phật giáo cử về, sư bảo, cái thằng này trước đi buôn gà ở làng bên, sau mới tu, rồi trường này khóa nọ, cầm bằng tốt nghiệp về đây ngồi lên đầu tao. Còn tao đâu có buôn gà, tao từ lính chiến trường mà ra.

Đúng là ông sư mới có quá khứ oai hùng ở chợ trước khi vào chùa. Nhưng người ta cũng chịu tu tập, từ làm thầy tiểu, rồi học hành mà lên. Mỗi tội, về làng được một thời gian, sư mới lây bệnh sư cũ, bắt đầu... chửi tục, hé hé...

Mình đâu dám bén mảng quanh hai đại nhân này. Mình vốn sợ bị chửi lắm.

Hôm nào không say thì sư lên đồn công an gây sự:

- Bọn mày chỉ là bọn cuốc xẻng thôi biết không, bọn mày chỉ là công cụ thôi!

Làm gì có ai chịu nổi lời nói thật, he he, công an bàn với ủy ban tống khứ sư. Nhưng khổ quá, sư đã bị tống qua cả thảy mười một ngôi chùa rồi, giờ đi đâu. Ngôi chùa trước là Chùa Một Cột ở ngay cạnh lăng Bác Hồ, sư phởn chí chửi, tới mức cụ trụ trì Chùa Một Cột từ bi hỉ xả thế cũng không chịu nổi, nên trước lúc mất, sư trụ trì chỉ còn một cách là... đưa sư về chùa làng mình.

Duyên lắm, cái này giống như luân chuyển cán bộ của nhà nước ý mà. Người ghét thì bảo là hẳn phải có bảo kê, người yêu thì bảo, thôi thì còn ai hỉ xả như Phật, người như sư, không nương cõi Phật thì về đâu chứa chấp?

Thế mà có người cứ đòi chứa chấp sư, chứa không được, người ấy lên chùa gây sự. Phải tội chứ không vì sư thì người ấy chả bước chân vào đất làng mình.

Cứ rằm mùng một, bà nạ dòng ấy lên chùa réo rắt, bảo sư cứ rủ rê rồi nay... bỏ rơi bà, khổ chưa. Nói chung tình yêu thời nào cũng trái ngang, nói gì thời xã hội chủ nghĩa. Người làng đi chùa về cứ bụm miệng cười.

Sư chẳng sợ công an, chẳng sợ dân làng, càng chẳng sợ đàn bà, rượu thịt sư càng chẳng sợ, chỉ có rượu thịt chó sợ sư thì có. Dân làng mình cũng hiền, chẳng ai rầy rà gì sư, cho dù ai cũng biết, sống cả đời cũng chỉ gặp người như sư có một lần. Tu gì mà không né thứ gì ở trần gian, mà thứ chi cũng đâm bổ vào!

Thế mà sư chỉ nể chồng mình với đám trai làng tuổi bằng nửa sư thôi, hi hi. Cái này có khi là biệt lệ.

Lũ trai làng hay lang thang câu gần chùa. Gọi là chùa làng, nằm trên đất làng, chứ giờ lại nằm ở một khoảnh bán đảo cách làng một đoạn Hồ Tây. Là vì sóng hồ đánh vỡ con đường đất ngày xưa nối làng với bán đảo, nhiều người tưởng chùa này là chùa quốc doanh, đâu nghĩ nó của làng.

Gần chùa gọi Bụt bằng anh, ông xã mình và đám giai làng ham chơi thỉnh thoảng hay chui vào chùa ỉ ôi đòi hỏi nọ kia. Sư chiều hết!

Đòi uống rượu của sư, sư chửi nhưng vẫn mang cho, cả bọn hả dạ ngả ngay ra sân chùa. Lấy thuốc lá của sư ra hút hết. Xong lại lân la:

- Chứ sư có cái gì nhắm không? - Hỏi mà mắt chòng chọc nhìn vào mấy con gà quanh quẩn trong sân chùa.

Sư hất hàm, cho đấy!

Lũ giai làng hể hả thanh toán ngay mấy con gà, luộc xong hỏi sư:

- Thế thầy có ăn không?

Sư bảo:

- Để cái đầu gà cho tao!

Ông xã mình kháy:

- Tưởng thầy phải ăn chay?

Sư ngần ngừ một tí rồi bảo:

- Phật mới đẻ có bú tí mẹ không? Đó là ăn chay hay ăn mặn?

Cả lũ rú lên, cười rùng rùng như một rừng khỉ đột.

Sư bảo tiếp:

- Huống hồ tao là người trần!

Xong sư lại bảo:

- Ăn chay không thôi mà thành Phật, các bà làng mày thành Phật cả lũ từ lâu rồi. Đời đục chỉ mình mình trong thì cũng không được.

Chả biết sư còn tâm tình cái gì nữa ấy với lũ đàn ông, gật gù đến hết cả mấy con gà. Mình chịu, mình đồ rằng nói chung giai làng chỉ coi sư như kênh VTV3, bật lên để giải trí, còn sư cũng chỉ coi giai làng như khán giả VTV1, xem thời sự đó mà có hiểu thế sự gì đâu.

Các bà trong làng đi chùa, đưa ít gạo ít tiền cho sư, sư chửi. Các bà đồ rằng sư tham, chê ít, về nhà mình, họp “hội kín” vừa chửi sư suốt hai tiếng vừa bảo, thời này chỉ tiền thôi, ít thì cả sư cũng chả mặn mà.

Hôm đưa ông nội lên chùa, ông xã mình móc túi lấy tờ hai mười nghìn đồng đưa cho sư, bảo:

- Thầy cầm lấy mà mua bao thuốc!

Sư cười cười:

- Sao mày cho tao nhiều thế!

Ông xã mình hì hì:

- Nhiều đâu mà nhiều?

- Cho tao xin!

Xong rồi sư bảo:

- Khi nào rảnh cho trẻ con lên chơi!

Chồng về bảo mình, có muốn nghe sư chửi không, hôm nào anh dắt lên chùa nghe tua băng!

Mình bèn bảo:

- Hay ho gì mà trêu họ. Họ như thế là số bị vạ miệng, khổ cả kiếp này rồi. Ai chả muốn thành trai thanh gái lịch, giàu sang được yêu quý. Có ai muốn ngày càng giống Chí Phèo? Xã hội xô đẩy thì mới có chuyện người thỏa nguyện người chỉ mượn rượu chửi đời.

Mình hỏi sư tên khai sinh là gì. Chồng nói một cái tên không đụng hàng (google không hề có kết quả gì cả, mình thử rồi, hi hi!).

Mình lẩm bẩm:

- Tên này chữ Hán càng viết càng cô độc, càng viết càng ít nét, chữ càng đứng sau càng xấu, tên gì mà chữ đầu tươi sáng chữ cuối tăm tối nghèo khó đơn độc. Hơi duy tâm chứ người thế này chắc hậu vận chả vui vẻ gì.

Những ngày mưa, mình thường nghĩ hẳn có khi sân chùa nước dâng.

Trang Hạ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn