Vấn nạn giáo dục tại Hungary: CHÍNH QUYỀN BỖNG DƯNG DỊU GIỌNG (?)

Thứ tư - 07/12/2022 04:59

(NCTG) Một trong những nhiệm vụ hàng đầu, rất quan trọng của chính phủ là tăng lương cho giáo viên - Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ (bộ kiêm nhiệm quản lý giáo dục ở Hungary), ông Rétvári Bence cho biết trong một cuộc họp báo ở Budapest khi trả lời câu hỏi của báo giới. Phát ngôn “mềm mỏng” này của chính quyền được xem là đáng ngạc nhiên, sau khi 13 giáo viên đấu tranh cho quyền lợi của mình đã bị sa thải, và nhiều người bị dọa đuổi việc.

Sự phẫn nộ trong giới giáo viên, phụ huynh và học sinh dâng cao

Sự phẫn nộ trong giới giáo viên, phụ huynh và học sinh dâng cao

Theo lời ông Rétvári Bence, tiền lương của các nhà giáo chắc chắn sẽ được tăng, nhưng chính phủ muốn chi khoản tiền “phụ trội” đó từ khoản tài chính do Liên Âu cấp cho Hungary (mà theo các thông tin cho đến giờ, còn lâu nước này mới có thể nhận được do các vấn đề vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, tệ tham nhũng, thiếu minh bạch, sự độc lập của tòa án bị vi phạm, v.v... mà từ lâu nay EU đã đưa vào tầm ngắm, và đang xử lý).

Năm nay và năm tới, lương của giáo viên sẽ tăng 10% mỗi năm, nhưng chúng tôi cũng muốn sử dụng các nguồn tài chính của EU để tăng mức lương này ở mức độ lớn hơn. Do đó, tiền lương của giới giáo dục sẽ tăng 21% vào năm tới, 25% vào năm sau đó và sau đó là 29% từ nguồn tài chính chung”, vị quốc vụ khanh cho biết. Tất nhiên, đây là những lời hứa không mới, và những gì mà ngành Giáo dục Hung đấu tranh đã vượt quá chuyện lương lậu.
 
ukr2

Ông Rétvári Bence cũng nói về phán quyết gần đây của tòa án, theo đó các khu học chánh phải trả lương cho tất cả các giờ làm thêm của giáo viên. “Giáo viên có lịch trình cụ thể về số giờ, và lẽ tự nhiên là phải trả tiền cho số giờ vượt quá những gì họ đảm nhận. Trong các trường, hiệu trưởng và nhân viên quản lý kinh tế làm việc này, nếu có 1-2 trường hợp họ không trả tiền, ngân sách của mọi khu học chánh đều có ngân sách cho việc này”.

Như đã biết, tháng 9/2022, một làn sóng đoàn kết chưa từng có với cộng đồng các giáo viên đã khởi đầu và còn trở nên mạnh mẽ hơn khi 5 giáo viên Trường Trung học Kölcsey Ferenc bị sa thải vì liên tục tham gia vào các hoạt động bất tuân dân sự nhằm yêu cầu cải đổi ngành Giáo dục. Kể từ đó, đã có một số cuộc đình công trên quy mô toàn quốc ở thủ đô Budapest và trên khắp cả nước, gần đây nhất là cuộc đình công thống nhất vào ngày 18/11.
 
UKR3

Tuần trước, sự bất bình càng dâng cao sau một tuyên bố của Bộ Nội vụ tiết lộ rằng có 8 giáo viên của các trường Eötvös József, Karinthy Frigyes và Vörösmarty Mihály bị sa thải bất thường từ ngày 1/12 do tham gia làn sóng bất tuân. Giáo viên, học sinh và phụ huynh xuống đường, nhiều trường đóng cửa hoặc bãi thị để phản đối, Ủy ban Châu Âu cũng gọi điện thoại cho lãnh đạo nghiệp đoàn giáo dục để hỏi tình hình và đưa vào theo dõi các diễn biến.

Các công đoàn giáo dục tuyên bố tổ chức đình công toàn quốc vào 8/12 và theo thông tin sơ bộ, đã có ít nhất 76 trường trên toàn quốc cho hay sẽ tham gia đình công ngồi (*). Ngày 9/12, sẽ có biểu tình trước trụ sở MTVA (Cơ quan Dịch vụ Truyền thông Quốc gia của Hungary) và phong trào đấu tranh ngày được sự hưởng ứng của nhiều nhân vật có tên tuổi, nhiều đại diện các ngành nghề khác. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo lại đổi giọng nhẹ nhàng.
 
ukr4

Tuy nhiên, nhưng lời nói của họ không khiến công luận Hungary tin tưởng. Đã từ lâu, các nhà giáo đã đấu tranh không chỉ đề đòi tăng lương, và còn để yêu cầu giảm tải khối lượng công việc và khôi phục quyền đình công của họ. Bởi lẽ, ngành giáo dục đang ở trong một tình huống khó khăn hơn kể từ khi luật đình công bị sửa đổi theo hướng quy định giới giáo viên phải thực hiện các dịch vụ đầy đủ, khiến để cuộc đình công của họ trở nên vô hình.

Về chuyện tăng mức lương rất thấp của các giáo viên (người mới vào nghề thậm chí lương còn kém nhân viên quét dọn và 30-40 năm trong nghề cũng chỉ đủ sống tằn tiện), từ lâu chính quyền Hungary nói họ muốn tăng lương từ khoản hỗ trợ phục hồi sau đại dịch của EU, mà khả năng là còn lâu nước Hung mới nhận được. Đây cũng là điều vô lý mà nhiều người đã nhận ra và chỉ trích, và cho rằng là động thái kéo dài thời gian của chính quyền.
 
ukr5

Trong trường hợp lý tưởng, kịch bản của chính quyền cho hay, lương giáo viên cho tới năm 2025 có thể được mức 777.000 Ft (brutto), tức 80% mức lương trung bình của người có bằng cấp, vẫn được coi là thấp nếu tính các khoản “trượt giá” và lạm phát hàng năm. Trước mắt, trong năm nay, chính quyền không tăng lương giáo viên và theo như cách nói của đại diện nghiệp đoàn trong cuộc biểu tình mới đây, “làm nghề giáo tức là chấp nhận đói nghèo”.

(*) Tính đến 18h hôm nay, đã có học sinh từ 114 trường tham gia sự kiện này.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: biểu tình giáo dục
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn