Hội đồng Châu Âu: HUNGARY MỘT MÌNH CHỐNG LẠI 26 NƯỚC?

Thứ năm - 01/02/2024 13:15

(NCTG) Một lần nữa, mọi con mắt sẽ lại hướng vào Thủ tướng Hungary, ông Orbán Viktor, trong kỳ Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Hội đồng Châu Âu - cơ quan thượng đỉnh, có vai trò hoạch định sách và đưa ra các quyết định chính trị cho Liên Âu - khởi đầu vào hồi 10h sáng hôm nay, sau khi cuộc họp gần đây nhất vào tháng 12/2023 không đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi khung tài chính cho giai đoạn 2021-2027 do bị Hungary phủ quyết.

Hungary, yếu tố bẩt ổn của Châu Âu.

Hungary, yếu tố bẩt ổn của Châu Âu.

Thời gian gần đây, Hungary được chú ý ở Liên Âu không vì những thành tựu đặc sắc, mà vì chính quyền nước này thường xuyên dùng quyền phủ quyết để đi ngược lại ý nguyện chung của 26 quốc gia thành viên còn lại của EU. Lá phiếu của Thủ tướng Orbán Viktor trong dịp này, như đã biết, sẽ quyết định về việc Ukraine có nhận được khoản hỗ trợ mới trị giá 50 tỷ Euro (cho đến năm 2027) hay không. Đây cũng là dịp hiếm hoi, mà đến phút cuối, vẫn không ai có thể dám đoan chắc, hay dự đoán được kết quả chung cuộc.

Ba kịch bản có thể hình dung tại kỳ Hội nghị Thượng đỉnh ngày 1/2/2024, sẽ là:

1. Chính phủ Hungary có thể duy trì đến cùng quan điểm của mình, rằng từ nay trở về sau, quyết định về các khoản hỗ trợ dành cho Ukraine vẫn phải được thông qua bởi tất cả 27 thành viên EU, hoặc cần tạo ra một quỹ "bên ngoài" cho mục đích này, và nếu những điều này không được thực hiện, họ vẫn tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết. Trong trường hợp Hungary tiếp tục dùng quyền phủ quyết, khả năng là 26 nước thành viên còn lại sẽ tìm kiếm một giải pháp riêng, ngoài ngân sách EU.

2. Các thành viên EU có thể chấp thuận đề xuất mang tính thỏa hiệp của Hungary, rằng hàng năm lại tổ chức thảo luận về khoản ủng hộ cho Ukraine, nhưng phần biểu quyết sau đó chỉ cần đa số ủng hộ, chứ không cần 100% phiếu thuận. Điều này không đáp ứng điều kiện của Hungary, nhưng nước này vẫn có thể nói rằng họ đã giành chiến thắng khi buộc EU phải thảo luận hàng năm và có thể tiếp tục bày tỏ quan điểm phản đối của mình trong tương lai.

3. Giống như tháng 12/2023, ông Orbán Viktor cũng có thể rời khỏi phòng họp làm một ly cà phê (rồi toilet, theo lời kể của ông) trong cuộc bỏ phiếu lần này, nên sẽ không có đại diện của thành viên EU nào phản đối quyết định này.

Có lẽ chưa bao giờ sự chán ngán với cách hành xử của chính quyền Hungary lại được thể hiện không giấu giếm và gay gắt như trong dịp này! Nhiều biện pháp mang tính trừng phạt, trả đũa có thể được áp dụng với Hungary đã được nhắc tới, nếu ông Orbán Viktor vẫn tiếp tục phủ quyết trong cuộc họp hôm nay:

- Hungary có thể tiếp tục bị "truy cứu" theo Điều 7 của Hiệp ước EU, mà hậu quả nặng nhất là nước này có thể bị tước quyền biểu quyết trong Liên Âu. Điều này rất rắc rối, khó lòng xảy ra trong tương lai gần, và nếu vấn đề được đưa ra thì có thể sẽ bị nước láng giềng Slovakia phản đối.

- Vì những quan ngại về pháp quyền, nhiệm kỳ mà Hungary giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Châu Âu bắt đầu từ tháng 7/2024 sẽ bị hoãn lại cho đến khi các vấn đề được giải quyết, và do đó, Ba Lan là nước lẽ ra đứng sau Hungary sẽ được nhận vai trò này.

- Theo một nguồn tin đăng trên tờ "Thời báo Kinh tế" (Financial Times) - sau đó bị Hội đồng Châu Âu bác bỏ, tuy nhiên ông Orbán Viktor cho rằng đó là sự thật - có những trao đổi ở EU nhằm gây cô lập, khiến Hungary lâm vào tình trạng tê liệt tài chính bằng cách giữ lại tất cả các nguồn vốn của Liên Âu. Bởi lẽ, một số nhà ngoại giao ẩn danh - cũng như đa số đại dân biểu Nghị viện Châu Âu - cho rằng chính phủ Hungary chỉ dùng lá bài phủ quyết để "vòi" lại nguồn tài trợ của EU vốn bị giữ lại do nhiều quan ngại về tình trạng pháp quyền và nạn tham nhũng tại Hungary.

Việc một số quốc gia thành viên EU rò rỉ các ý tưởng khác nhau cho báo chí không nhất thiết có nghĩa là chúng sẽ trở thành hiện thực, nhưng cũng cho thấy rõ ràng rằng hầu hết các nước Liên Âu đã hết kiên nhẫn và tin tưởng vào Hungary.
 
02

Cập nhật (11h45):

Donald Tusk, Thủ tướng Ba Lan là người có ý kiến gay gắt nhất về cách hành xử của chính quyền Hungary, khi ông cho rằng "không thể hiểu, cũng chẳng thể chấp nhận được trò chơi tự cao tự đại của Orbán". Theo ông, việc ủng hộ Ukraine là không cần bàn cãi, nên Orbán cần quyết định là có thuộc về cộng đồng hay không, và cần bỏ phiếu theo đó. Hội đồng Châu Âu không có "kế hoạch B" trong trường hợp Hungary tiếp tục phủ quyết, nhưng Tusk cho rằng sẽ có đủ lập luận để cho đến cuối ngày có thể thuyết phục được Orbán.

Sự chống đối của Orbán không chỉ mang lại rủi ro cho an ninh Ukraine, mà cho cả EU. Donald Tusk khẳng định rằng thủ tướng Hungary cần biết rằng nếu ông không chấm dứt trò chơi của mình, ông sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Ukraine.

*

Vỏn vẹn 1,5h sau khi Hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu, 27 quốc gia thành viên đã thống nhất được vấn đề quan trọng nhất của hội nghị, đó là gói hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine. Theo Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Charles Michel, Ukraine có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ ổn định, lâu dài và có thể dự đoán được từ EU.

"Chúng ta đã nhất trí", người đứng đầu cơ quan thượng đỉnh về chính trị của Liên Âu, nơi tập hợp các nguyên thủ quốc gia và các thủ tướng của 27 nước thành viên EU, bắt đầu thông điệp ngắn của ông. Theo thỏa thuận này, từ nay đến năm 2027, Ukraine sẽ được nhận thêm từ EU 50 tỷ Euro cho cuộc chiến vệ quốc của đất nước này.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu viết, sự hỗ trợ này sẽ "cung cấp nguồn tài chính ổn định, lâu dài và có thể dự đoán được cho Ukraine", và ông nói thêm: "Liên Âu giữ vai trò chủ đạo và chịu trách nhiệm hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi biết những gì đang bị đe dọa".

Điều đáng chú ý là ông Orbán Viktor trong lần này đã không bỏ ra ngoài "uống cà phê" (và toilet, theo lời ông), mà cũng bỏ phiếu ủng hộ Ukraine, theo ông Charles Michel. Để đạt được điều này, các lãnh đạo chính phủ Ý, Pháp và Đức đã phải gây áp lực với Thủ tướng Hungary vào đêm thứ Tư và sáng thứ Năm.

Tuy nhiên, hai thỏa hiệp đã được thông qua:

1. Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét các khoản chi tiêu trong hai năm, và sẽ bỏ phiếu về việc này.

2. Sẽ có các bổ sung liên quan đến các điều kiện của nhà nước pháp quyền, nhưng thông tin chi tiết về biện pháp này vẫn chưa công bố.

Sau khi đạt được thỏa thuận với Orbán, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã triệu tập ngay lập tức các nhà lãnh đạo EU và đề xuất chính thức được thông qua.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn