ĐƯỢC HUNGARY "MỞ ĐƯỜNG", KHỐI NATO SẼ CÓ THÊM THÀNH VIÊN THỨ 32

Thứ hai - 26/02/2024 06:26

(NCTG) Với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary vào chiều thứ Hai 26/2, trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp mùa xuân 2024, đã biểu quyết thông qua việc Thụy Điển gia nhập khối NATO sau hơn 1,5 năm giằng co. Các dân biểu đối lập đã vỗ tay chúc mừng kết quả này, riêng các nghị sĩ đảng "Tổ quốc Chúng ta" (Mi Hazánk) bỏ phiếu chống.

Thủ tướng Orbán Viktor bấm nút biểu quyết.

Thủ tướng Orbán Viktor bấm nút biểu quyết.

Cùng nước láng giềng Phần Lan, Thụy Điển quyết định gia nhập NATO vào tháng 5/2022, sau khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ được vài tháng. Gần như ngay sau đó, 28 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự - chinh trị Bắc - Đại Tây Dương đã nhanh chóng phê chuẩn yêu cầu của hai quốc gia Bắc Âu này, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chờ đợi trong thời gian dài, mặc cho chiến sự Ukraine vẫn diễn ra rất ác liệt.

Sau chuyến công du chớp nhoáng của Thủ tướng Orbán Viktor tới Ankara vào mùa xuân năm ngoái, Hungary cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng vẫn "án binh bất động" với Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã bỏ phiếu cho Thụy Điển vào tháng 1/2024, và Hungary trở thành quốc gia thành viên NATO cuối cùng vẫn "lắc đầu" với Thụy Điển, mặc những hứa hẹn trước đó của giới lãnh đạo.
 
Đại sứ Mỹ, đại sứ Thụy Điển cũng dự khán phiên họp để theo dõi các diễn biến.
Đại sứ Mỹ, đại sứ Thụy Điển cũng dự khán phiên họp để theo dõi các diễn biến.

Mặc dù Chính phủ Hungary đã đệ trình đề xuất phê chuẩn Thụy Điển gia nhâp NATO lên Quốc hội vào tháng 7/2022, nhưng kể từ đó, cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn tưởng chừng vô thời hạn vì đủ thứ lý do:

- Đang diễn ra một cuộc tham vấn xã hội trên trang web của Chính phủ, thông qua một địa chỉ email ẩn.

- Quốc hội đang bận nhiều việc, trong đó, có những vụ việc liên quan tới các nguồn tiền của Liên Âu cho Hungary bị tạm giữ lại vì những quan ngại đối với nước này.

- Nhóm dân biểu cầm quyền FIDESZ-KDNP còn tranh luận gay gắt và chưa đồng thuận về về vấn đề này.

- Xung đột phải được giải quyết với Thụy Điển - Hungary đã cử một phái đoàn đàm phán đến Thụy Điển để "khảo sát tình hình".

- Theo phe cầm quyền, Thụy Điển đã xúc phạm, "đắc tội" với Hungary khi đã có những chỉ trích về tình trạng dân chủ xuống dốc ở nước này.

- Cuối cùng, thủ tướng Thụy Điển phải tới Hungary để "tạ lỗi", theo như những gì có thể đoán được từ các phát biểu lờ mờ của giới chính khách lãnh đạo Hungary.
 
Hai trở ngại chính của Thụy Điển trên con đường gia nhập khối NATO.
Hai trở ngại chính của Thụy Điển trên con đường gia nhập khối NATO.

Thủ tướng Ulf Kristersson cuối cùng đã đến Budapest vào thứ Sáu tuần trước, tảng băng ngăn cách hai nước đã bị phá vỡ và gần như tan chảy hoàn toàn chỉ trong vài giờ, theo nhận xét của báo giới Hungary. Đột ngột, các đảng cầm quyền tuyên bố rằng họ ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO, vì họ tin rằng chuyến thăm của người đứng đầu nội các Thụy Điển đã "thay đổi mối quan hệ giữa hai bên theo hướng rất tốt".

Hungary được gì sau gần 2 năm chờ đợi mà cứ úp mở không nói ra những gì họ muốn? Hóa ra, đôi bên thỏa thuận là sẽ mua 4 máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen ngoài 14 chiếc Gripen đã thuê cho đến nay. Vào năm 2026, những chiếc máy thuê sẽ trở thành tài sản của nhà nước Hungary. Do đó, không quân Hungary đang phát triển không chỉ trong việc bảo vệ không phận nội địa mà còn trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác của NATO, theo Budapest.

Ngoài 4 chiến đấu cơ, một Trung tâm sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được thành lập do sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Công ty công nghiệp quân sự Thụy Điển SAAB. Không biết chi phí của thỏa thuận này là gì, nhưng chắc chắn là điều này đã chấm dứt cuộc chiến giằng co kéo dài hơn 1,5 năm xung quanh việc gia nhập NATO của Thụy Điển, mà Mỹ, quan chức NATO và nhiều đồng minh khác của Hungary cũng từng gay gắt chỉ trích chính phủ nước này.
 
Các dân biểu phe đối lập vỗ tay sau khi quyết định được thông qua.
Các dân biểu phe đối lập vỗ tay sau khi quyết định được thông qua.

Tuyên bố nhất trí của Quốc hội Hungary chỉ có hiệu lực pháp luật nếu được Tổng thống ký phê chuẩn và ban bố trên tờ "Công báo Hungary". Trong vòng 8 ngày tới, Chủ tịch Quốc hội Kövér László giữ quyền tổng thống thay bà Novák Katalin từ chức hôm 10/2 (và chính thức được Quốc hội chấp thuận vào hôm nay), và ứng viên tổng thống của phe cầm quyền, TS. Sulyok Tamás chỉ nhận nhiệm sở vào 5/3 tới. Ông Kövér László, như đã biết, từng là người phản đối gay gắt việc chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO.

Với vai trò người giữ các thẩm quyền và phạm vi nhiệm vụ của Tổng thống, trong những ngày tới, ông Kövér László còn có thể gửi trả lại tuyên bố đã được Quốc hội thông qua nếu không đồng ý với một nội dung nào đó. Khi đó, Quốc hội sẽ phải họp bàn và biểu quyết lại. Một khả năng khác là nếu ông Kövér László cho rằng tuyên bố có thể vi hiến, ông có quyền gửi tham vấn Tòa Bảo hiến, mà người đứng đầu, Chánh án Sulyok Tamás - hiện lại là tân Tổng thống Hungary - như vậy sẽ phải rời bỏ cương vị này!

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: NATO, Thụy Điển
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn