Giáo dục Hungary: “CHÍNH QUYỀN COI GIÁO VIÊN NHƯ KẺ THÙ!”

Thứ bảy - 03/12/2022 16:33

(NCTG) Như đã biết, vào thứ Tư 30/11, 8 nhà giáo dạy tại các trường trung học của thủ đô Budapest (Karinthy Frigyes, Vörösmarty Mihály và Eötvös József), những người trước đây đã tham gia phong trào bất tuân dân sự, đã bị sa thải ngay lập tức. Ngay tối hôm đó, Mặt trận Sinh viên Thống nhất đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Bộ Nội vụ với sự tham gia của vài ngàn người.

Đoàn biểu tình giơ cao biểu ngữ “Các vị thất bại rồi!” kèm điểm 1 - Ảnh: Trần Thùy Linh

Đoàn biểu tình giơ cao biểu ngữ “Các vị thất bại rồi!” kèm điểm 1 - Ảnh: Trần Thùy Linh

Tại sự kiện này, các mạng lưới đấu tranh trong ngành Giáo dục đã thông báo rằng một cuộc biểu tình sẽ được tổ chức trước Trung tâm Klebelsberg - cơ quan phụ trách các học khu, trường sở và các nguồn lực trong giáo dục - vào chiều thứ Bảy, với mục đích thể hiện tình đoàn kết với các giáo viên bị trừng phạt và đòi thủ phạm ác biện pháp tàn ác phải chịu trách nhiệm.

“Giáo viên vì Giáo viên”, mạng lưới hội tụ các nhà giáo dục quyết tâm bảo vệ và bênh vực những thầy, cô bị sa thải, đã đề xướng chuỗi đình công vô thời hạn theo ngành Giáo dục, kể từ ngày 1/12/2022. Trong 2 ngày đầu, theo các dữ liệu sơ bộ, có tổng số 26 trường ở nông thôn và 62 trường tại thủ đô quy tụ 840 giáo viên khởi đầu chuỗi đình công và con số này sẽ còn tăng.

Chúng tôi mong đợi tất cả những công dân có trách nhiệm, vì giáo dục là mục tiêu chung của tất cả chúng ta”, lời kêu gọi của mạng “Giáo viên vì Giáo viên” nêu rõ. “Và từ thứ Hai, chúng tôi sẽ bắt đầu các hành động bất tuân với số lượng lớn hơn ở thêm nhiều trường học hơn nữa”, mạng lưới cho hay. Biểu tình diễn ra vào hồi 5h chiều, tại đường Bajcsy-Zsilinszky (Budapest).
 
Ảnh: Trần Thùy Linh
Ảnh: Trần Thùy Linh

Bục diễn giả được dựng trước Trung tâm Klebelsberg, hướng về phía tòa Vương cung thánh đường Szent István. Đoàn người được khuyến cáo là nên đến từ phía Quảng trường Deák Ferenc, và mặc dù tiết trời lạnh lẽo, lại đang diễn ra kỳ World Cup 2022, nhưng cũng có nhiều ngàn người đã xuống đường, chật cứng quãng từ Trung tâm Klebelsberg tới bến metro Arany János.

Tại cuộc biểu tình, đại diện của giới giáo viên, công đoàn, học sinh và phụ huynh đều lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích chính quyền. “Làm nghề giáo tức là chấp nhận đói nghèo” - thay mặt cho Công đoàn các Nhà giáo và Công đoàn Giáo dục Dân chủ, Szabó Zsuzsanna và Nagy Erzsébet phát biểu. “Nền giáo dục đã sụp đổ và chỉ còn tồn tại nhờ ý thức về thiên chức của các nhà giáo”.

Không một đại diện nào của Chính phủ, ngay cả Quốc vụ khanh chịu trách nhiệm về giáo dục, cũng lờ tịt và bất hợp tác với các công đoàn. Theo tính toán của họ, sự thiếu hụt 16.000 giáo viên hiện nay sẽ còn tăng lên tới con số 22.000! “Ai sẽ dạy vào ngày mai?”, câu hỏi được đặt ra. Lãnh đạo công đoàn cảm ơn sự ủng hộ của phụ huynh và học sinh, và nói rằng họ sẽ tiếp tục.
 
Ảnh: Ngân Trần
Ảnh: Ngân Trần

Chính phủ cần biết rằng họ họ không sợ, sẽ không bỏ cuộc. Và vai trò rất quan trọng thuộc về các bậc cha mẹ. Luật của Hunary trong thực tế nhằm vô hiệu hóa các cuộc biểu tình trong ngành giáo dục, nhưng nếu phụ huynh không cho con đến trường vào ngày đình công, thì giáo viên không cần phải dạy và không cần quản lý các em, do đó rất cầ phụ huynh sát cánh bên thầy, cô!

Chúng tôi quyết tâm vì đây là chuyện của con cái chúng tôi!”, thay mặt giới phụ huynh, cha của một học sinh đang theo học tại Trường Trung học Karinthy Frigyes (Budapest), nơi vừa có 6 nhà giáo bị đuổi việc, phát biểu rằng phụ huynh sẽ tài trợ cho các giáo viên bị sa thải để ho giảng dạy. Ông cũng gợi ý các trường khác thử suy nghĩ về điều này, bởi đây là khả năng hiện thực.

Không thể để thứ chính quyền trâng tráo phá nát một trường học”, ông khẳng định, đồng thời nói thêm rằng các phụ huynh sẽ tận dụng mọi phương tiện hợp pháp và cả ngoài pháp luật để làm điều này. Darida Lili, một đại diện của giới học sinh, thì kể rằng vào sáng thứ Tư, vấn đề lớn nhất của cô là phải viết tổng kết chủ đề, nhưng trong ngày có hàng loạt giáo viên đã bị thôi việc.
 
Ảnh: Ngân Trần
Ảnh: Ngân Trần

Rõ ràng đây là việc mà giới học sinh không thể bỏ qua: họ biểu tình, tổ chức các thức thâu đêm và đến các trường nơi có giáo viên bị sa thải. Darida Lili nói cô muốn trở thành một giáo viên: “Tôi tham dự cuộc biểu tình này vì các thầy cô, các bạn học, vì cha mẹ và vì cả các giáo viên trong tương lai”. Sau học sinh, đến phần phát biểu của các nhà giáo, trong đó có những người bị sa thải.

Chính quyền coi giáo viên như kẻ thù, “họ nói nếu bạn không vâng lời, chúng tôi sẽ xóa sổ bạn” - đó là chia sẻ của Beata Berta, giáo viên trường Karinthy Frigyes: tuy cô không bị sa thải, nhưng 6 đồng nghiệp của cô đã bị cho thôi việc ngay lập tức. Cô liệt kê 13 giáo viên đã bị đuổi việc, nhưng theo cô, mặc dù chính quyền đang làm mọi cách để bịt miệng họ, nhưng họ không sợ.

Chúng tôi sợ hãi đã lâu, nhưng cũng đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng không thể tiếp tục như thế này. Chúng tôi muốn sống, không sợ hãi”, cô nói.  Còn Solymoss Miklós, giáo viên trường Eötvös József, thì có lời nhắn nhủ tới thẳng Thủ tướng Orbán Viktor và Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor, “thưa các vị, tôi có một tin buồn cho các vị, rằng các vị đã đánh mất vĩnh viễn thế hệ này”.
 
Ảnh: Trần Thùy Linh
Ảnh: Trần Thùy Linh

Cô Törley Katalin, giáo viên Tiếng Pháp bị cho thôi việc từ tháng 9/2022 của trường Kölcsey Ferenc và thầy Pilz Olivér dạy Toán - Lý - Sinh của trường Herman Ottó (Miskolc) thì nói về việc chính phủ đã tìm thấy kẻ thù mới của mình trong giới giáo viên bằng việc chia rẽ, trả đũa, đe dọa và làm tan nát ngành Giáo dục, rằng dư luận đang bị thao túng để có ác cảm đối với các nhà giáo đấu tranh.

Theo thầy Pilz Olivér, giới giáo viên sở dĩ nằm trong tầm ngắm của chính phủ vì họ muốn đánh lạc hướng sự chú ý của công luận khỏi cuộc khủng hoảng sinh kế, tình hình kinh tế thảm khốc, khi không có trứng trong cửa hàng, không có xăng tại nơi bán và thậm chí các khoản tiền của EU cũng bị “đóng băng” không đến được Hungary. “Tất cả những điều này đều là do chính phủ”.

Cô Törley Katalin còn nhận xét rằng chính phủ coi học sinh như những con rối không có não nếu họ tin rằng giáo viên đang ép buộc các em tham gia các cuộc biểu tình. “Đây là một lời nói dối khổng lồ, hèn hạ và trơ tráo nhằm mục đích chia rẽ xã hội”, cô nói. Đây không phải là sự cầm quyền, mà là bạo lực, lạm dụng khi thực thi quyền lực, và các lãnh đạo học khu cũng là thủ phạm.
 
Ảnh: Trần Thùy Linh
Ảnh: Trần Thùy Linh

Lãnh đạo khu học chánh phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc sa thải các giáo viên. “Bọn không xương sống, dựa trên kết quả nào mà các người nhận hàng triệu đồng phần thưởng?”, hai thầy cô đặt câu hỏi và yêu cầu giới giáo viên hãy buộc các hiệu trưởng không cho phép họ bày tỏ ý kiến phải chịu trách nhiệm, “tìm kiếm những kẻ phải chịu trách nhiệm, yêu cầu chúng giải trình!”.

Lãnh đạo không tự ý rời đi, phải tiếp tục phản kháng, chỉ có thể đạt được kết quả bằng sự kiên trì và hợp tác là kết luận chốt lại cuộc biểu tình. “Hãy bất tuân, hãy đình công, hãy từ chối công việc và đoàn kết với nhau, bởi vì giảng dạy là tuyệt vời và tốt, nhưng không quan trọng bằng cách nào và ở quốc gia nào và dưới chế độ nào”, “đả đảo chế độ độc tài!” là thông điệp được vang lên.

Sau hơn 2 tiếng, biểu tình kết thúc khi 12 trong số 13 giáo viên bị sa thải được mời lên sân khấu. “Chúng tôi đứng cạnh các bạn!”, đám đông hô vang. “Chúng ta phải tiếp tục, tiếp tục chiến đấu. Các bạn hãy kiên tâm!”, đoàn biểu tình nhắn nhủ các thầy, cô. Giới giáo viên nhận được sự ủng hộ tinh thần và tôn trọng, nhưng số phận của họ sẽ ra sao sau khi bị sa thải còn là câu hỏi mở và đau xót...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: biểu tình giáo dục
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn