Theo các nguồn tin báo chí, 6 giáo viên Trường Trung học Karinthy Frigyes, 1 giáo viên Trường Trung học Eötvös József và 1 giáo viên Trường Trung học Vörösmarty Mihály đã bị cho thôi việc sau khi họ tham gia các hoạt động đình công, xuống đường... đòi chính quyền phải để tâm đến điều kiện lương bổng tệ hại trong ngành Giáo dục, cũng như đòi phải tôn trọng quyền đình công của nhân viên trong ngành, vốn đã bị vô hiệu hóa trong luật.
Đình công bị coi là từ chối làm việc bất hợp pháp
Thông cáo của Bộ Nội vụ cho hay, các giáo viên bị sa thải vì đã có hành vi cố ý, vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ thiết yếu phát sinh từ mối quan hệ pháp lý của họ và đó là cơ sở pháp lý khiến họ có thể bị sa thải bất thường, nếu giới giáo viên từ chối thực hiện công việc giảng dạy của họ một cách trái luật vì bất cứ lý do gì. Quyết định đuổi việc các giáo viên được đưa ra bởi các giám đốc học khu thực hiện quyền của bên sử dụng lao động.
Thông cáo cho hay, Bộ Nội vụ đã nhấn mạnh nhiều lần: Bộ đặt lợi ích của học sinh lên trên tất cả, việc giáo viên đình công bị coi là từ chối làm việc bất hợp pháp, điều này hạn chế việc thực hiện nghĩa vụ học tập của học sinh và việc thực hiện quyền được giáo dục quy định trong Hiến pháp. Học sinh, bất kể tuổi tác, đến trường để học, và hành vi vi phạm pháp luật của các giáo viên “dám” đình công không phải là hành vi để nêu gương cho họ.
Theo tổng kết mà Bộ Nội vụ nhận được, trong hôm nay, 24 giáo viên khác sẽ nhận được thông báo từ hiệu trưởng của trường nơi họ làm việc về hậu quả của việc từ chối làm việc trái luật. Bộ nhấn mạnh: quan điểm của Bộ là không thể lay chuyển, Bộ đã và sẽ xử lý một cách nhất quán đối với những người từ chối làm việc trái luật, như các đơn vị tuyển dụng lao động khác, và Bộ mong đợi điều này từ tất cả các cơ quan, tổ chức dưới quyền.
Trong số 8 giáo viên bị thôi việc từ đầu tháng 12/2022, có cô Kapin Lilla dạy môn Toán - Sinh tại Trường Trung học Eötvös József, người đã tham gia tất cả các hoạt động bất tuân dân sự từ trước tới nay. Theo cô, việc cô bị đuổi việc là một thông điệp tệ hại, vì cô mới vào nghề được 1,5 năm. Cô chưa biết sẽ làm gì, hiện tại cô có các học trò tư và muốn tiếp tục dạy các em, nhưng cô cũng đã nghĩ tới việc chuyển sang nghề đạp xe đạp đi giao hàng.
“Quá đủ rồi!”
Đó là phản ứng của “Mặt trận Sinh viên Thống nhất” khi được tin 8 giáo viên bị sa thải vì xuống đường phản đối chính quyền: tổ chức này đã lập tức thông báo về một cuộc biểu tình trước Bộ Nội vụ diễn ra vào tối thứ Tư 30/11. Như họ viết, sau những cuộc biểu tình chưa từng có diễ ra dai dẳng trong nhiều tháng, chính quyền đã không tìm kiếm giải pháp mà chỉ tập trung sử dụng các công cụ độc tài mang tính đe dọa ngày càng mạnh mẽ.
“Mặt trận Sinh viên Thống nhất” cho biết họ muốn chứng tỏ rằng chính phủ làm như vậy chỉ càng khiến họ thêm giận dữ, họ không thể im lặng vì “giáo dục là quốc sự”. “Công đoàn Giáo viên” (PSZ) cũng cho rằng thật đáng phẫn nộ khi phản ứng duy nhất của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong giáo dục là trả đũa, dọa dẫm, kích động gây căng thẳng thêm và sa thải các giáo viên bày tỏ sự phản đối thông qua bất tuân dân sự.
“Không có cuộc đối thoại có ý nghĩa, không có quyết định có ý nghĩa”, “Công đoàn Giáo viên” khẳng định và giữ quan điểm: sa thải là hình phạt không tương xứng đối với những người biểu tình vì tương lai của học sinh. Nếu chính phủ không hạn chế và tái phục hồi quyền đình công theo yêu cầu của quần chúng biểu tình, thì đã không có phong trào bất tuân dân sự trong giới nhà giáo. Thị trưởng Budapest cũng lên tiếng bênh vực các giáo viên.
Theo ông Karácsony Gergely, “không chỉ là vô nhân đạo, thấp hèn và nhỏ nhen, mà chính sách sa thải những giáo viên đứng lên bảo vệ và đấu tranh cho danh dự của họ cũng đang gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tương lai”. Vị thị trưởng viết trên trang Facebook cá nhân: ông dành tất cả sự đoàn kết và hỗ trợ cho 8 giáo viên Budapest, những người đã đứng lên vì chính họ, vì sự tôn trọng của giới giáo viên, vì học sinh, vì nền giáo dục, vì tương lai.
Có chăng một phong trào bất tuân dân sự toàn quốc?
“Hãy đừng chờ đợi để các thầy, cô giáo chúng ta là những người tiếp tới!”, “Mặt trận Sinh viên Thống nhất” kêu gọi trong cuộc biểu tình trước trụ ở Bộ Nội vụ vào tối 30/11. Vụ sa thải diễn ra đúng vào thời điểm tệ hại nhất: nhiên liệu thiếu thốn tại các trạm xăng, nền kinh tế Hung ở mức thảm hại và ngay hôm nay, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất “đóng băng” 3.000 tỷ Ft vì những vi phạm nhà nước pháp quyền, tham nhũng, thất thoát... của Hungary!
Những người tham dự cuộc biểu tình đưa ra một tối hậu thư cho chính phủ và yêu cầu phụ huynh, học sinh và giáo viên giúp đỡ. Nếu 8 giáo viên bị sa thải hôm nay không được phục hồi vào thứ Bảy thì trong thời gian tới, mọi người hãy ngừng hoạt động giáo dục và tiến hành tổng đình công. “
Hãy để cho chính quyền thấy chúng ta không sợ hãi!”, một khẩu hiệu được đưa ra. Phong trào bất tuân dân sự toàn quốc và vô thời hạn cũng được kêu gọi.
Cô Csorvásiné Ősi Judit - giáo viên tiếng Pháp bị sa thải tại Trường Trung học Karinthy - cho hay, 10 giáo viên khác sẽ nghỉ làm vào ngày mai để bày tỏ tinh thần đoàn kết, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Nói với kênh ATV TV, cô tin tưởng rằng những người tham gia thu thập chữ ký của phong trào
“Nhà giáo vì Nhà giáo” sẽ giữ lời hứa của họ, tức là dù chỉ một giáo viên bị sa thải vì bất tuân dân sự, thì họ cũng sẽ ngừng việc vào ngày hôm sau.
“Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý đến những vấn đề đang tồn tại, nhưng họ đã thể hiện thái độ giễu cợt, vô sỉ khi không thèm trao đổi với chúng tôi, đó là lý do tại sao chúng tôi phải bất tuân”, cô Csorvásiné phát biểu với ATV và nói thêm rằng cô coi việc sa thải là một sự đe dọa. Cô là một trong 2 giáo viên của trường đang nghỉ phép và do đó, vẫn chưa nhận được thư về việc bị sa thải, bên cạnh 4 đồng nghiệp khác đã được biết tin qua hiệu trưởng.