Hungary: “MẬT HÓA” CÁC QUỸ THUỘC NGÂN HÀNG QUỐC GIA GÂY BẤT BÌNH DƯ LUẬN

Thứ ba - 08/03/2016 01:25

Một dự luật hết sức bê bối về hoạt động của các quỹ của Ngân hàng Quốc gia Hungary, sau khi được Quốc hội chấp thuận hôm thứ Ba tuần trước, đã được Chủ tịch Quốc hội Kövér László ký thông qua vào hôm qua, Chủ nhật 6-3-2015.

Quốc hội Hungary nhanh chóng thông qua một dự luật bị coi là ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân

Quốc hội Hungary nhanh chóng thông qua một dự luật bị coi là ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân

Nghe bản audio tại đây.

Dự luật nói trên, bên cạnh việc tăng lương ở mức rất đáng kể cho giới lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia Hungary, còn tạo điều kiện để các quỹ tài chính của Ngân hàng này không còn chịu sự điều tiết của Đạo luật Thông tin, khiến công luận không thể biết được chúng hoạt động ra sao.

Đáng nói là các dân biểu phe cầm quyền khi bỏ phiếu cho dự luật này, đã không thể lý giải được nội dung của nó khi bị báo chí chất vấn, tuy nhiên dự luật đã được chấp thuận ngay sau khi được đề xuất, cho dù bị công luận và cả lãnh đạo Cục Bảo vệ Dữ liệu Quốc gia cực lực phản đối.

Dự thảo luật khiến công luận bất bình

Đúng vào ngày một bộ phim Hungary được giải Tượng vàng Oscar và công luận nước này còn bận tâm tới làn sóng phản kháng lớn trong giới Giáo dục của Hung, một dân biểu đảng cầm quyền FIDESZ, ông Bánki Erik đã đệ một đề xuất mật hóa hoạt động tài chính của Ngân hàng Quốc gia Hung.

Để hiểu thêm vấn đề, cần nói rằng Ngân hàng Quốc gia Hungary hiện đang là cơ quan chủ quản của một số quỹ tài chính với tổng số tiền lên tới 260 tỷ Forint. Đã từ lâu, chính quyền Hung không chịu công bố các số liệu của các quỹ, cho dù bị các đảng đối lập và các tổ chức dân sự đòi hỏi.

Mới đây, đảng đối lập Đảng Xã hội Hungary (MSZP) đã đưa vấn đề này lên tòa, viện dẫn Đạo luật tiếp cận thông tin buộc chính quyền phải công bố mọi số liệu liên quan tới tiền công quỹ, một khi được yêu cầu. Tòa đã xử thắng cho nguyên đơn, buộc Ngân hàng Quốc gia không được giấu giếm.

Tuy nhiên, dự luật do nghị sĩ FIDESZ đề xuất nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện để các quỹ tài chính của Ngân hàng Quốc gia Hungary còn có thể giữ bí mật các dữ liệu hơn nữa. Gây bất bình là dự luật còn vô hiệu hóa phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án Hungary một cách trắng trợn.

Tuy rất bất thường như vậy, nhưng đề xuất của ông Bánki Erik đã được Ủy ban Kinh tế Quốc hội thông qua nhanh chóng, để lập tức đưa lên Quốc hội một cách khẩn cấp. Chỉ trong vòng 48 giờ kể từ khi đưa ra, nó đã được chấp thuận với 118 phiếu thuận và 58 phiếu chống vào hôm 1-3 vừa qua.

Một hệ lụy từ đạo luật này, là những số liệu liên quan từng được tòa án Hung cho là thông tin công ích, cần được công bố, thì từ giờ hoàn toàn có thể giữ bí mật. Việc các quỹ thuộc Ngân hàng Quốc gia làm ăn với ai, như thế nào, họ làm gì với 260 tỷ Forint tiền công quỹ... như vậy đã bị mật hóa.

Bên cạnh đó, đạo luật còn cho phép tăng gấp đôi hoặc hơn mức lương của giới lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia, trong hoàn cảnh đời sống của người dân Hung còn rất khó khăn.

Cuộc chiến tư pháp

Đạo luật mới, về bản chất, là sự đối đầu với phán quyết của Tòa án Hungary, theo đó, Ngân hàng Quốc gia thực hiện công vụ, do đó bất cứ quỹ tài chính nào lập ra để đáp ứng những chức năng cụ thể cũng đều là cơ quan thực hiện công vụ, cho nên các dữ liệu của nó cũng phải được công khai.

Lý giải về điều này, dân biểu Bánki Erik cho rằng khi tiền của Ngân hàng Quốc gia đã được đưa vào quỹ tài chính thì nó đã không còn mang tính chất của tài sản công nữa, nên không còn phải tuân thủ các điều khoản của Đạo luật về quyền tự quyết và tự do thông tin, nên không cần phải công bố.

Hơn thế nữa, dự luật này khi được thông qua, thì cũng sẽ được áp dụng với những vụ việc đang trong vòng kiện cáo, nên dù tòa án đã ra phán quyết về việc “bạch hóa” tài chính, nhưng luật mới đã chiến thắng tòa, tạo nên “quan ngại nghiêm trọng” theo một quan chức là ông Péterfalvi Attila.

Trên cương vị người đứng đầu Cục Bảo vệ Dữ liệu Quốc gia, ông Péterfalvi cực lực phản đối, cho rằng đạo luật mới “vi phạm Hiến pháp, đi ngược lại thực tế của Tòa Bảo hiến, của Tòa án và Chính quyền, làm nảy ra những quan ngại nghiệm trọng, vi phạm yêu cầu độc lập của hệ thống tư pháp”.

Cụ thể, ông khẳng định, Đạo luật về tài sản nhà nước quy định rằng tất cả những gì liên quan đến kinh tài đối với tài sản công ích, thì đều là dữ liệu công khai vì nó phục vụ lợi ích công cộng, bất kể là nó thuộc về tổ chức thực hiện công vụ nào, và đây là điều Tòa Bảo hiến đã nhiều lần nhấn mạnh.

Đây cũng là lập luận của các đảng đối lập, và các tổ chức dân sự, khi đòi Ngân hàng Quốc gia phải công bố những hợp đồng làm ăn của họ, mà vô hiệu. Trong cuộc thảo luận tại Quốc hội, phe đối lập đã chỉ trích gay gắt dự luật, nhưng đại diện phe cầm quyền hầu như không tham dự tại đó.

Đáng chú ý là thông qua những trao đổi với báo giới và truyền thông Hung, chỉ nửa ngày trước khi bỏ phiếu thông qua dự luật, một loạt các dân biểu thuộc liên minh cầm quyền cánh hữu còn cho thấy họ chưa nghe gì đến, hoặc chưa biết gì cụ thể về nội dung và lý do dự luật mà họ sẽ biểu quyết.

Gia tăng nguy cơ tham nhũng

Công luận Hungary cho rằng, với việc thông qua đạo luật mới này, khả năng kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp càng bị hạn chế, vì người dân không có điều kiện tiếp cận các thông tin công ích, vì lợi ích chung của xã hội, do chúng bị chính quyền giấu kín bằng công cụ pháp luật.

Trong gần 6 năm cầm quyền, liên minh cánh hữu của Hung đã không ít lần tận dụng việc họ chiếm giữ đa số áp đảo trong Quốc hội để thông qua những đạo luật thích hợp cho những lợi ích chính trị, và đặc biệt là kinh tế, tài chính của chính họ, như cáo buộc của công luận và phe đối lập.

Hình thành nhiều “nhóm lợi ích” thân chính phủ - gồm các chính khách cầm quyền và gia đình, thân nhân và bạn bè họ - dần dần thâu tóm mọi tài sản quốc gia thông qua những đạo luật mới được thông qua. Sự minh bạch  ngày càng bị thuyên giảm, tham nhũng tràn lan trong giới lãnh đạo.

Một ví dụ điển hình gần đây là “thương vụ thế kỷ” trị giá 12 tỷ Euro do chính phủ Hungary ký kết “bí mật” với Liên bang Nga về việc mở rộng nhà máy điện nguyên tử ở TP. Paks. Mọi hồ sơ có liên quan đã bị “mật hóa” trong vòng 30 năm, khiến Liên Âu đã phải có ý kiến buộc Budapest xem lại.

Mù mờ thông tin trong những thương vụ  tài chính, hạn chế “quyền được biết” của người dân, là điều có thể gây thiệt hại lớn cho đất nước, cho dù thuận tiện để lãnh đạo có thể tham nhũng. Bên cạnh đó, tự do thông tin còn là tiền đề để người dân có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Đúng như nhận xét của người đứng đầu Cục Bảo vệ Dữ liệu Quốc gia, ông Péterfalvi Attila, việc hoạt động tài chính của Ngân hàng Quốc gia bị giấu kín bằng luật định khiến sức mạnh của sự minh bạch, công khai bị giảm thiểu, và công luận mất đi vũ khí hữu hiệu để giám sát chính quyền.

Đạo luật mới được Chủ tịch Quốc hội Hung ký thông qua, sẽ được Tổng thống Áder János phê chuẩn trong vòng 5 ngày, hoặc có thể bị gửi trả lại Tòa Bảo hiến để xem xét. Tuy nhiên, theo báo chí thì không thấy có dấu hiệu gì cho khả năng thứ hai này.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn