Châu Âu: “SÁNG KIẾN” TRƯNG CẦU DÂN Ý CỦA ORBÁN LÀ PHI LÝ VÀ HÈN HẠ

Thứ sáu - 25/03/2016 05:58

(NCTG) Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz gọi đề xuất trưng cầu dân ý của chính phủ Hungary về việc phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch là “phi lý và hèn hạ”. Lập tức, Budapest đã “trả đũa” ngay.

Ông Martin Schulz - Ảnh: Stephane De Sakutin (AFP)

Ông Martin Schulz - Ảnh: Stephane De Sakutin (AFP)

Theo điểm báo của Hãng Thông tấn Hungary MTI, phát biểu nói trên vang lên trong bài trả lời phỏng vấn tờ “Stern” (Đức) của vị chính khách Châu Âu. Theo ông Schulz, hệ thống hạn ngạch được khởi thảo để có thể phân chia người tỵ nạn tới Liên Âu một cách công bằng, tuy rằng nó khá phức tạp và do đó, công dân EU ít ai hiểu chính xác về nó.

Chỉ trích nặng nề nội các Hungary

Tuy nhiên, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cũng cho rằng, chỉ cần nguyên thủ và thủ tướng các quốc gia thành viên Liên Âu hiểu nó, thì cũng là quá đủ. Có điều, “đáng tiếc” là không phải như thế: “chừng nào còn những người như Thủ tướng Orbán, cho rằng “chính sách tỵ nạn không liên quan đến chúng tôi, đấy là vấn đề của Đức”, chừng ấy EU còn bó tay”.

Ông Schulz cũng nói thêm, Liên Âu có những thành viên đoàn kết và không đoàn kết, ám chỉ những nước khu vực Trung - Đông Âu chủ trương không tiếp nhận người tỵ nạn. Nhắc lại, cuối tháng 2, chính quyền Hung đề xướng trưng cầu dân ý với câu hỏi, EU có thể buộc Hungary tiếp nhận người tỵ nạn mà không thông qua Quốc hội Hung hay không.

Nhận xét về hành động này của Budapest, ông Schulz đã nói: “Hãy thử hình dung! Trưng cầu dân ý về việc Hungary có nhận 1.290 người tỵ nạn?! Điều này không chỉ phi lý, mà còn hèn hạ nữa”. Về cá nhân Thủ tướng Orbán Viktor, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu gọi đó là “kẻ tinh ranh nhất trong số các chính khách mỵ dân cánh hữu”.

Trả lời câu hỏi nên chăng hãy đừng gửi người tỵ nạn tới những xã hội bài xích dân ngoại quốc như Hungary, ông Schulz nói, như thế “chỉ khiến những kẻ to mồm phá phách nhất lại thắng cuộc”. Ông nói thêm, cần cho người tỵ nạn biết rằng quyền được bảo vệ không bao gồm quyền lựa chọn nơi ở, Đức, Thụy Điển hay Hà Lan không thể nhận tất cả mọi người, vì các quốc gia Châu Âu còn lại cũng đều bảo vệ người bị xua đuổi.

Theo ông Schulz, ở Hungary cũng có những vùng không khước từ người tỵ nạn, chẳng hạn như Szeged, “một thành phố cánh tả, có thể gửi bất cứ người tỵ nạn tới đó”. Khi phóng viên tờ “Stern” đặt câu hỏi, nếu nước Hung của Orbán không là thành viên của EU thì có tệ không, ông Schulz nói, đó là điều “dở đối với Hungary”, và đối với cả Châu Âu.

Bởi lẽ, việc tước quy chế thành viên khiến Hungary “trở thành trò chơi trên chính trường quốc tế”. Trong bài phỏng vấn, ông Schulz cũng nói thêm rằng Ý, Tây Ban Nha và Pháp cũng đang cân nhắc có ký riêng với Marocco, Algeria và Tunesia những hiệp định gửi trả lại người tỵ nạn, như EU đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Về mặt dài hạn, những bước đi này đem lại kết quả là hệ thống điều chỉnh người tỵ nạn ở tầm EU - Dublin - sẽ có hiệu lực ở cả ngoài lãnh thổ Liên Âu, nghĩa là, ví dụ một người xin tỵ nạn đến từ Nam Sudan về sau cũng có thể xin tỵ nạn tại ĐSQ Ai Cập ở một quốc gia thành viên EU nào đó.

Chính quyền “trả đũa” nhanh chóng

Ngay trong ngày, Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter lập tức gửi hồi âm cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, theo đó “Martin Schulz chớ coi thường dân Hung”. Ông Szijjártó nhắc lại rằng, theo chính phủ Hungary, dân Hung - đặc biệt là sau những vụ khủng bố tại Bỉ - có quyền quyết định chung sống với ai.

Trong khi Chủ tịch Nghị viện Châu Âu chỉ trích Hungary một cách thô bạo, thì thực tiễn đã đạp cửa xâm nhập chúng ta ở Brussles”, vị chính khách Hung khẳng định, và nhấn mạnh: đã đến lúc Martin Schulz cũng phải tỉnh dậy khỏi giấc mộng của “người đẹp ngủ trong rừng”, và thay vì cáo buộc một cách ngu xuẩn, hãy đi tìm giải pháp.
 
Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz và Thị trưởng TP. Szeged Botka László hôm 13-4-2015 tại phòng khánh tiết Tòa Thị chính Szeged - Ảnh: Kelemen Zoltán Gergely (MTI)
Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz và Thị trưởng TP. Szeged Botka László hôm 13-4-2015 tại phòng khánh tiết Tòa Thị chính Szeged - Ảnh: Kelemen Zoltán Gergely (MTI)

Không dừng lại ở đó, một ngày sau, Phó Chủ tịch đảng cầm quyền FIDESZ Németh Szilárd còn tra vấn Thị trưởng Botka László, một chính khách Xã hội đã giữ vai trò đứng đầu TP. Szeged từ năm 2002, chỉ vì đô thị này được ông Schulz “khen” trong bài trả lời phòng vấn. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra khiến ông thị trưởng phải gọi đó là “trò điên rồ của FIDESZ”.

Chẳng hạn, FIDESZ muốn biết rằng, lãnh đạo TP. Szeged có được hứa hẹn gì về tương lai ở Brussels để đánh đổi lấy việc nơi này nhận người tỵ nạn hay không, trại tỵ nạn sẽ được xây ở chỗ nào trong thành phố, cư dân Szeged có ý kiến gì về điều này, vị thị trưởng đã thỏa thuận với ông Schulz về việc tiếp nhận người tỵ nạn từ bao giờ, và tại sao lại giấu kín tới giờ, v.v...

Nói thêm, Szeged là một trong số ít các địa phương ở Hungary không chấp thuận yêu cầu của chính quyền trung ương, trong việc thông qua nghị quyết chống lại chính sách phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch của EU, và đây là điều FIDESZ không quên: Phó Chủ tịch đảng này cũng chất vấn vị thị trưởng Szeged về điều đó.

Hơn thế nữa, cách đây vài tháng, trong chiến dịch bài bác chính sách hạn ngạch và bài xích, kỳ thị người tỵ nạn, nhập cư, cái tên Szeged cũng được chính quyền nêu ra cho một ví dụ mà báo giới vạch ra ngay là dối trá: theo đó, nếu chấp nhận đường lối của Liên Âu, trong vòng vài năm tới Hung sẽ phải nhận một lượng người tỵ nạn bằng dân số Szeged.

Trở lại hành động của lãnh đạo FIDESZ, Thị trưởng Botka László nói rằng “sự điên rồ của FIDESZ đã được nâng lên một “tầm cao mới”, khi họ muốn lu loa rằng thị trưởng một thành phố lại có thể thỏa thuận với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu về việc tiếp nhận người tỵ nạn tái định cư”: “Điều này quá siêu thực khiến tôi phải... cấm khẩu!”.

Trả lời mạng index.hu, ông Botka cho hay, ông có dịp gặp Chủ tịch Quốc hội Châu Âu vào tháng 4 năm ngoái tại TP. Szeged, khi đó làn sóng tỵ nạn còn chưa lên tới cực điểm. Sở dĩ ông Schulz có thể nhớ ra cái tên Szeged, vì “người tỵ nạn quá giang thành phố này không gặp vấn đề gì, và còn được người dân cho ăn uống, quốc tế có biết tới điều đó”.

Ban lãnh đạo TP. Szeged đã ra một thông cáo nói rằng các đảng cánh hữu và cực hữu FIDESZ - JOBBIK ở địa phương lợi dụng tình cảng tang thương sau chuỗi khủng bố ở Brussles để tấn công lãnh đạo TP. Szeged một cách dối trá và vô căn cứ, và đây là điều đáng căm phẫn.

Trần Lê tổng hợp, theo index.hu


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn