CHÂU ÂU TIẾP TỤC BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT CHÍNH TRỊ

Thứ sáu - 20/05/2016 00:10

Quyền tự do ngôn luận của các dân biểu có thể mở rộng tới đâu, đâu là giới hạn của sự công kích, chỉ trích phe cầm quyền trong hoạt động nghị trường là câu hỏi được đặt ra trước phán quyết mới đây nhất của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (Tòa Strasbourg), trong vụ một nhóm nghị sĩ Hungary kiện Nhà nước này.

Tự do biểu đạt, đặc biệt là tự do biểu đạt chính trị nhiều khi bị hạn chế - Ảnh: Internet

Tự do biểu đạt, đặc biệt là tự do biểu đạt chính trị nhiều khi bị hạn chế - Ảnh: Internet

Với quyết định đó, Tòa Strasbourg đã cho phép những ngôn từ rất quyết liệt trong tranh luận chính trị, coi đó là quyền tự do ngôn luận của các dân biểu, và phê phán luật định Hungary đã không tạo điều kiện để các nghị sĩ khi bị Quốc hội trừng phạt có thể lên tiếng khiếu nại nếu cảm thấy bất bình. Đây đồng thời cũng là thắng lợi của phe đối lập trong cuộc đấu tranh với liên minh cầm quyền cánh hữu tại Hungary.

Chuyện diễn ra vào mùa hạ 2013, khi phe cầm quyền Hungary tận dụng tối đa ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội (chiếm hơn hai phần ba số ghế), sử dụng vũ khí pháp luật để “bê-tông hóa” quyền lực và thâu tóm dần dần mọi lợi ích kinh tế vào tay họ. Sau khi thông qua bản Hiến pháp mới bị Liên Âu phê phán là độc đoán, phi dân chủ, liên danh FIDESZ - KDNP sửa đổi hàng loạt đạo luật để tạo lợi thế cho mình.

Những vụ náo loạn nghị trường hiếm có

Trước sự lấn át của các đảng cầm quyền, sự kháng cự của phe đối lập Hungary trong khuôn khổ nghị trường tuy không quá hiệu quả, nhưng cũng tạo nên những khoảnh khắc sôi động và ngoạn mục, và đặc biệt gay gắt trong các dịp biểu quyết một số đạo luật bị coi là chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích. Những từ ngữ rất nặng nề đã được vang lên trong Tòa nhà Quốc hội, vốn được coi là “ngôi nhà của dân tộc Hung.

- Tháng 4-2013, viện cớ bảo vệ sức khỏe thanh thiếu niên, đạo luật về việc quốc hữu hóa công nghiệp thuốc lá được thông qua, tạo điều kiện chia lại thị phần kinh doanh thuốc lá vào tay những nhóm lợi ích thân chính phủ. Trong phiên họp biểu quyết đạo luật này, hai dân biểu đảng đối lập “Đối thoại vì nước Hungary” (PM) đã trương tấm biển phản đối với hàng chữ “Các người là lũ trộm cắp, lừa đảo, dối trá!”.
 
Hai dân biểu độc lập thuộc nhóm nghị sĩ đối lập “Đối thoại vì nước Hungary” (PM) giăng biển phản đối với hàng chữ “Các người là lũ trộm cắp, lừa đảo, dối trá!” tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary ngày 30/4/2013 - Ảnh: Bruzák Noémi (MTI)
Hai dân biểu độc lập thuộc nhóm nghị sĩ đối lập “Đối thoại vì nước Hungary” (PM) giăng biển phản đối với hàng chữ “Các người là lũ trộm cắp, lừa đảo, dối trá!” tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary ngày 30-4-2013 - Ảnh: Bruzák Noémi (MTI)

Về sau, hai vị này đã bị phạt tổng cộng 235 ngàn Ft. Tháng 5-2013, khi Quốc hội Hungary sửa đổi đạo luật về kinh doanh thuốc lá, hai nghị sĩ khác cũng của đảng PM đã mang vào giữa phòng họp một tấm biểu lớn (mô phỏng tấm biển đặt trước các cửa hàng bán thuốc lá, theo quy định của luật mới) đề chữ “Đây là Mafia Thuốc lá Quốc doanh”. Rốt cục, mỗi dân biểu nói trên cũng đã bị phạt 70 ngàn Forint.
 
Phản đối “Mafia Thuốc lá Quốc doanh” tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary ngày 21-5-2013 - Ảnh: Soós Lajos (MTI)
Phản đối “Mafia Thuốc lá Quốc doanh” tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary ngày 21-5-2013 - Ảnh: Soós Lajos (MTI)

- Hạ tuần tháng 6-2013, Quốc hội Hungary thông qua Đạo luật Ruộng đất mới liên quan đến việc cho thuê và và chuyển nhượng đất trồng trọt và đất lâm nghiệp, bị phe đối lập và công luận coi là thủ thuật tuồn đất đai từ tay các nhà nông sang giới đại điền chủ, những phe nhóm lợi ích thân chính phủ trong và ngoài nước. Phiên họp biểu quyết đã diễn ra quyết liệt hiếm có trong lịch sử nghị trường Hung kể từ năm 1990.

Để phản đối, các dân biểu đảng đối lập JOBBIK - một đảng cực hữu hiện được ủng hộ thứ hai tại Hungary - đã chiếm khu vực mà chủ tọa phiên họp ngồi. Các thành viên JOBBIK giăng một băng-rôn lớn với hàng chữ “Để ruộng đất Hung vào tay kẻ lạ là BÁN NƯỚC!”, “Đất mẹ không phải thứ để bán” và đồng thanh hô vang “Bán nước! Bán nước!”, khiến vị chủ tọa phải xuống bục diễn giả để tiếp tục điều hành phiên họp. 

Sau đó, mặc dù bị khai trừ khỏi cuộc biểu quyết, các nghị sĩ JOBBIK vẫn tiếp tục “bám trụ” và hô to hồi lâu “Không! Không! Không bao giờ!”, kể cả khi đạo luật mới đã được thông qua. Tiếp đó, họ còn thét vang “Các người cút đi! Cút đi!” với những dân biểu đã bỏ phiếu thuận trong cuộc biểu quyết, rồi đồng thanh hát Quốc ca, khiến đa số các đối thủ chính trị của họ còn ngồi trong phòng họp cũng phải đứng nghiêm cùng họ. 

Để trừng trị hành vi “nổi loạn” này, sau đó, Chủ tịch Quốc hội Hungary đã ra quyết định tước khoản lương tháng 6 của toàn bộ các nghị sĩ đảng JOBBIK. Cũng trong phiên biểu quyết ngày 21-6, đồng thời với màn trình diễn của nhóm dân biểu JOBBIK, hai nữ nghị sĩ đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác - theo khuynh hướng Đảng Xanh) cũng giăng một băng-rôn lớn với dòng chữ “Hãy chia đất thay vì cướp đất!”.
 
Hai nghị sĩ độc lập thuộc đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) căng một băng-rôn lớn “Hãy chia đất thay vì cướp đất!”. Trên bục chủ tọa là các thành viên đảng cực hữu JOBBIK với khẩu hiệu “Để ruộng đất Hung vào tay kẻ lạ là BÁN NƯỚC!”. phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary ngày 21-6-2013 - Ảnh: Soós Lajos (MTI)
Hai nghị sĩ độc lập thuộc đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) căng một băng-rôn lớn “Hãy chia đất thay vì cướp đất!”. Trên bục chủ tọa là các thành viên đảng cực hữu JOBBIK với khẩu hiệu “Để ruộng đất Hung vào tay kẻ lạ là BÁN NƯỚC!”. phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary ngày 21-6-2013 - Ảnh: Soós Lajos (MTI)

Rồi họ cùng nhau đẩy một xe cút-kít chứa đầy đất đến trước mặt Thủ tướng Orbán Viktor. Một nữ dân biểu khác thì dùng loa kêu gọi đảng cầm quyền hãy trả lại đất đai cho nhà nông, vì ruộng đất phải thuộc về họ và là cái nuôi họ cùng gia đình. Bà còn tuyên bố muốn khuếch đại tiếng nói của những người bị chính sách ruộng đất của chính phủ Hungary làm cho khánh kiệt, vốn không được phe cầm quyền để ý tới. 

Rốt cục, “màn trình diễn” của ba nữ chính khách này đã khiến họ phải móc túi “nộp phạt” tổng cộng 185 ngàn Forint. Các dân biểu phe cầm quyền cũng đã thông qua một điều khoản trong Nội quy của Quốc hội, cho phép trừ thẳng vào lương của những nghị sĩ “nói thẳng, nói thật”, một khi họ có những hành động phản đối bị quy là gây rối sự hoạt động và ảnh hưởng tới sự tôn nghiệm của cơ quan lập pháp.

Quyền tự do biểu đạt chính trị vẫn phải được tôn trọng

Đó là quan điểm chung cuộc mà Tòa Strasbourg vừa công bố trong vụ kiện kéo dài từ hè năm 2013 tới nay, khi nhóm dân biểu đối lập bị phạt tiền - cho rằng quyền tự do thể hiện ý kiến của họ đã bị hạn chế, và tại Hungary họ không có cơ hội khiếu nại, kháng cáo một cách rốt ráo - đã đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vì cho rằng Nhà nước Hungary đã vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

Các dân biểu lập luận rằng, hành động biểu thị quan điểm của họ không hề cản trở sự hoạt động của Quốc hội, và việc họ bị phạt tiền chỉ nhằm mục đích bịt miệng họ, ngăn chặn họ tranh luận công khai. Ngược lại, theo Chính phủ Hung, do các dân biểu được quyền miễn trừ nên không thể có hình thức kỷ luật nào khác ngoài việc phạt tiền, và điều đó là hợp lý vì cần giữ trật tự và bảo vệ quyền của các dân biểu khác.

Tại phiên sơ thẩm cách đây một năm rưỡi, Tòa Strasbourg chấp nhận lý lẽ của chính phủ Hungary, nhưng đồng thời Tòa cũng cho rằng sự trừng phạt các dân biểu “bộc trực” là quá trớn, vì trong một nền dân chủ cơ quan lập pháp là diễn đàn hàng đầu của các tranh luận chính trị và không thể hạn chế sự biểu đạt quan điểm chính trị theo cách mà Quốc hội Hungary đã làm, với lý do các dân biểu được quyền miễn trừ nên phải thế.

Phán quyết sơ thẩm của Tòa Strasbourg cho rằng Nhà nước Hungary không chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận, mà còn vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền do tại Hung các dân biểu không có khả năng kháng cáo. Không chấp nhận phán quyết sơ thẩm, tháng 2-2015 Chính phủ Hungary đã kháng cáo lên Phòng Lớn (Grand Chamber) của Tòa Strasbourg với hy vọng Tòa sẽ thay đổi quan điểm trước đó.

Trong việc này, Hungary cũng được sự hậu thuẫn của các nội các Anh và Cộng hòa Czech khi họ cũng lý luận rằng khoản tiền phạt được đưa ra trong Quốc hội từng nước không vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Tuy nhiên, phán quyết chung cuộc của Phòng Lớn đã bảo lưu quan điểm của Tòa sơ thẩm, theo đó việc Quốc hội Hungary phạt tiền các dân biểu đối lập là vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ.

Quyết định ra ngày 17-5-2016 của Tòa Strasbourg buộc Nhà nước Hungary phải trả lại cho sáu dân biểu khoản tiền phạt mà họ đã bị trừ vào lương, và mỗi người được nhận 2.000 Euro án phí. Luật sư Karsai Dániel bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn tại Tòa Strasbourg bình luận rằng, ông rất tò mò là sau phán quyết mang tính tiền lệ này, Quốc hội Hung có còn tiếp tục ra những hình phạt tương tự hay không.

(*) Bài viết đã đăng trên “Luật Khoa Tạp Chí”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn