Nhiều ngàn công dân Hungary có địa chỉ thường trú tại Hung, nhưng làm việc, học tập hoặc vì lý nào đó ở nước ngoài trong ngày bầu cử, xa đại diện ngoại giao vài trăm cây số, nếu muốn đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử Quốc hội thì gặp nhiều khó khăn, và cả tốn kém.
Tuy nhiên, Hung kiều ở các nước lân cận (được nhận quốc tịch Hung do có mối liên hệ huyết thống với Hung) mặc dù sinh sống ở ngoài nước Hung, nhưng lại có khả năng bỏ phiếu qua thư. Như vậy có phải là sự phân biệt đối xử, hay phạm luật hay không?
Đó là câu hỏi của một cá nhân gửi lên Tòa Bảo hiến Hungary để tham vấn ý kiến: với Luật Bầu cử hiện tại, phải chăng ở đây chính quyền đã vi phạm một trong những quyền hiến định cơ bản về bình đẳng pháp luật, mang tính chất kỳ thị đối xử?
Trong hồi âm, AB khẳng định rằng không có sự phân biệt đối xử bất lợi trong trường hợp này, vì đây là những nhóm cử tri khác nhau. Bởi lẽ, đối với nhóm cử tri có địa chỉ thường trú tại Hung, họ phải có nhiều bổn phận hơn vì họ có mối quan hệ trực tiếp và mạnh hơn với nước Hung.
Do đó, “có thể chờ được từ những cử tri này là họ đích thân tới bỏ phiếu tại các đại diện ngoại giao”, theo nghị quyết được 8 trên tổng số 13 thẩm phán của Tòa Bảo hiến thông qua hôm thứ Tư 20-4.
Bên cạnh đó, AB cho rằng không thể kiểm tra được việc ai đó trong ngày bầu cử ở nước ngoài hay ở Hung nếu chỉ căn cứ vào tuyên bố của đương sự, vì vậy nếu để đương sự bỏ phiếu vắng mặt qua đường bưu điện thì gây ảnh hưởng tới sự trong sạch của bầu cử.