VIỆT NAM VÀ CUỘC BÌNH CHỌN "BẢY KỲ QUAN THIÊN NHIÊN MỚI CỦA THẾ GIỚI"

Thứ sáu - 22/02/2008 02:16

(NCTG) "Kỳ quan thế giới" (KQTG) thường là từ dùng để những công trình kiến trúc, xây dựng, điêu khắc, hoặc những cảnh quan thiên nhiên mang tầm cỡ hoàn cầu.

Kim tự tháp Giza (Ai Cập), KQTG duy nhất còn tồn tại đến nay trong số "Bảy kỳ quan thế giới Cổ đại"

Từ thời Cổ đại, đã có nhiều danh sách KQTG được thế giới biết đến và công nhận, trong số đó, nổi tiếng nhất, vẫn là "Bảy kỳ quan thế giới Cổ đại", do nhà văn Hy Lạp Antipater (xứ Sidon) lập ra thế kỷ thứ hai TCN - , cách lựa chọn bảy KQTG ấy phản ánh cách nhìn của người Hy Lạp đương thời, chỉ tập trung vào vùng Địa Trung Hải, nơi được họ coi là hội tụ những văn minh của văn hóa nhân loại.

Kể từ ngày ấy và theo hình mẫu ấy, dưới sự bình chọn của nhiều tập thể và cá nhân, chúng ta đã có "Bảy kỳ quan thế giới Trung đại", "Bảy kỳ quan thế giới Hiện đại" (của hiệp hội "American Society of Civil Engineers"), "Bảy kỳ quan du lịch", "Bảy kỳ quan dưới nước", hoặc gần đây nhất, "Bảy kỳ quan mới của thế giới", do New7Wonders Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận, đứng đầu là ông Bernard Weber, có trụ sở tại Thụy Sĩ - tổ chức.

Đây là một cuộc bình chọn mang tính toàn cầu, thông qua mạng Internet, và cho dù tính khoa học và tính công bằng của nó bị nhiều ý kiến phê phán (trong đó, có ý kiến mang tính thẩm định của UNESCO), "Bảy kỳ quan mới của thế giới" đã đặt cơ sở cho những cuộc bình chọn tương tự trên tầm thế giới, mà "Bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới", hiện đang diễn ra sôi nổi, là một trường hợp điển hình. (*)

*

"Bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới" cũng do New7Wonders đề xướng và tổ chức, dành cho những ai có địa chỉ điện thư (e-mail) và dùng mạng Internet trên toàn cầu. Thắng cảnh được nhiều phiếu bầu (vote) nhất sẽ được coi là "kỳ quan thiên nhiên" (natural wonder), theo cách nhìn nhận của nhà tổ chức.

Trong vòng đầu (sẽ kéo dài đến cuối năm 2008), 77 thắng cảnh sẽ được lựa chọn trên cơ sở số phiếu bầu qua mạng; sau đó, một hội đồng chuyên môn sẽ lựa ra 21 địa điểm vào vòng chung kết. Từ đó trở đi, có thể "bỏ phiếu" qua điện thư, điện thoại hoặc tin nhắn (SMS) để bầu ra Top 7; theo những thông tin sơ bộ, kết quả chung cuộc sẽ được Ban tổ chức công bố vào cuối năm 2010.

Vịnh Hạ Long

Động Phong Nha - Kẻ Bàng

Đỉnh Fansipan

Trong cuộc bình chọn này, Việt Nam có ba đề cử - Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Núi Fansipan (Lào Cai) - và theo bảng xếp hạng cập nhật sáng 22-2-2008 tại new7wonders.com, Vịnh Hạ Long vẫn duy trì vị trí đứng đầu từ vài ngày nay, nhưng Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã lên vị trí thứ hai và Fansipan thì giữ vị trí thứ 5. Tại quốc gia chúng ta cư ngụ, Hungary tin tưởng rằng họ sẽ có đề cử được lọt vào vòng chung kết (chẳng hạn, “vùng đất thiêng” Hortobágy).

Cố nhiên, cũng như trong bất cứ cuộc bình bầu nào khác, kết cục sau này của "Bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới" cũng phản ánh những tiêu chí riêng của BTC (một tổ chức tư nhân) và quan điểm chủ quan của những người tham gia bình bầu (là một bộ phận của "cộng đồng mạng", chứ không phải là tất cả, và càng không nhất thiết là của cả thế giới).

Ấy là chưa kể đến việc tại những quốc gia khác nhau, sự quan tâm của cư dân đến cuộc bình chọn cũng khác nhau; mặt khác, như nhiều ý kiến phê bình, trong những cuộc bình chọn "toàn cầu" như thế này, thông tin về những thắng cảnh và tầm quan trọng, "giá trị" của chúng chưa hẳn là yếu tố quyết định, mà dễ có xu hướng công dân từng nước chỉ chú tâm "dồn phiếu" cho niềm tự hào của nước mình, nghĩa là tính cục bộ, cảm tính rất cao!

Tuy nhiên, trong trường hợp các đề cử của Việt Nam, nhất là Vịnh Hạ Long, thường được coi như "Kỳ quan thứ tám của thế giới" và được cơ quan UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (về giá trị cảnh quan năm 1994 và giá trị khoa học địa chất địa mạo năm 2000), niềm tự hào của chúng ta là có cơ sở! Đó thực sự là những kỳ quan tuyệt vời của nhiên nhiên, xứng đáng được sánh cùng “bạn bè năm châu”.

Do đó, tham gia kỳ bình chọn của New7Wonders để bầu cho các thắng cảnh tầm cỡ của thế giới và Việt Nam, vẫn là việc làm có ý nghĩa. Thông qua đó, chúng ta được mở mang tầm hiểu biết về thế giới và về chính những giá trị của Việt Nam, có ý thức hơn với việc bảo vệ, chăm lo cảnh quan, môi trường nói chung, cũng như, gìn giữ và cảnh báo nguy cơ những danh thắng của quê hương bị chính bàn tay con người xâm hại, nói riêng.

Đồng thời, cuộc bình chọn cũng giúp người Việt có dịp giới thiệu, quảng bá một số địa chỉ du lịch tiêu biểu của đất nước đến với toàn thế giới, để quốc tế được biết đến một hình ảnh khác về Việt Nam, sau hình ảnh của những năm tháng chiến tranh kéo dài: hình ảnh một đất nước phát triển năng động, hiếu khách và muốn làm bạn với mọi người, muốn hội nhập với thế giới!

Bạn đọc NCTG và bà con trong cộng đồng, muốn bỏ phiếu cho các thắng cảnh thế giới và Việt Nam, có thể truy cập trực tiếp phần bình chọn trên trang chủ của New7Wonders, hoặc thông qua địa chỉ sau để có hướng dẫn bằng tiếng Việt.

(*) Tại Hungary, mới đây, cũng đã có cuộc bình chọn "Bảy kỳ quan kiến trúc" (nhật báo "Tự do Nhân dân" tổ chức) và hiện tại, Đài Truyền hình Hungary MTV cũng đang tiến hành bình chọn "Bảy kỳ quan thiên nhiên" (kết quả sẽ được công bố vào Ngày Trái đất 22-4-2008 - NCTG sẽ có bài riêng về đề tài này).

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn