Chúng tôi lại đến khu vực nổi tiếng nhất của Quận VIII. Tôi cũng không còn biết chính xác rằng tôi đã tới Chợ Tứ Hổ bao nhiêu lần.
Lần nào đến đây cũng vậy, tôi lại có những bất ngờ và tôi càng hiểu ra điều gì diễn ra ở đây. Vì, bởi lẽ, kinh doanh quần áo chỉ là vẻ bề ngoài. Cố nhiên, những thị dân thường nhật chỉ đến đây vì thế, và những kẻ thực hiện những “phi vụ” tăm tối hơn cũng chỉ thích nơi này vì có thể hòa mình và mất dạng trong cái lộn xộn vô chừng, trên những “con phố” chật hẹp như những hành lang.
Bản thân chợ thực ra là một khu kho tàng cũ của Tổng cục Đường sắt, thời trước đuợc cho thuê làm nơi bán hàng. Từ đó, cả một hệ thống “làm ăn” đã được chuyển về đây. Những chiếc công-te-nơ chồng chất lên nhau ẩn chứa nhiều thứ thường nhật và dĩ nhiên, cả những thứ hiếm hoi nữa. Cạnh đó, đây là nơi sinh sống của nhiều gia đình người Hoa… Không ai rõ họ sống hợp pháp ở đây hay không, cũng như, cũng không ai quan tâm đến điều đó, vì, chừng nào người dân còn có thể thay cả tủ quần áo với khoản tiền bằng giá một chiếc áo phông mua trong siêu thị, chừng ấy sẽ không ai làm gì để đình chỉ cái chợ này.
Dĩ nhiên, ý định ấy đã từng được đưa ra nhiều lần vì những kẻ buôn lậu xuất hiện ở chợ búa và vòng kiềm tỏa của nó làm nguy hại đến an toàn công cộng. Những kẻ có cái nhìn kỳ lạ rụt cổ đúng ngoài chợ (ở đây, tất nhiên không phải tôi ám chỉ đến một đặc điểm của chủng tộc Á Đông) và “chộp lấy” những khách hàng tiềm ẩn đi qua đó.
Đa số những người này có thể gạ chúng ta mua nước hoa, thuốc lá, hay bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ kỹ thuật, mặc dù bạn có thể gặp ca những kẻ buôn bán hóa đơn nữa. Điều này cố nhiên là bình thường ở đây và tôi có thể khuyên tất cả những ai chưa tới Chợ Tứ Hổ, hãy đừng sợ những người bán hàng như thế: bởi lẽ, ai sợ hãi, kẻ ấy dễ biến mình thanh mục tiêu. Đơn giản nhất, các bạn hãy từ chối để dứt ra: “Cám ơn, không cần!”
Khi vừa bước chân vào cửa (tại đó, có danh sách những gì chúng ta không được mang vào chợ), chúng ta có thể hơi ngạc nhiên vì dòng người cuôn cuộn ở đây. Chợ luôn đông đúc. Mỗi thời vụ đều có những loại quần áo đặc thù và chúng ta có thể lựa chọn thỏa thích.
Trước khi bạn nghĩ rằng chỉ những gia đình đông đúc mà ít tiền, hay những người về hưu mới ra chợ, tôi cần nhấn mạnh rằng, phải nói, phần đông khách mùa hàng chính là các cô gái ăn vận hợp mốt hệt như mua ở siêu thị. Vì có mấy ai có thể tự cho phép mình mua hàng thời trang tại các cửa hiệu và “plaza” với giá đắt cắt cổ?
Kinh nghiệm của tôi là cũng có nhiều người đến đây mua sỉ để mang về bán tại các cửa hiệu quần áo ở tỉnh. Như vậy, những gì mà bạn phải trả hàng núi tiền để mua trong hiệu, ở Chợ Tứ Hổ bạn mua được với giá rẻ mạt.
Đồng thời, tại đây, bạn cũng có thể luyện cách mặc cả đôi chút. Bởi lẽ, mọi người bán hàng ở đây (đa phần là người Hoa, Romania, Tzigane) về căn bản đều nói một giá để bạn sẽ mặc cả sau này. Kiểu gì thì họ cũng có lợi. Còn néu bạn không mặc cả thì họ càng có lời. Chuyện làm ăn sòng phẳng mà. Nhưng như thế, người mua cũng vẫn có lợi.
Tôi cũng muốn làm tan một ý nghĩ sai lầm, rằng ở chợ chỉ có những đồ Tàu chất lượng dở hơi. Có rất nhiều thương hiệu gốc ở đây (Nike, Fila, GAS, Agressor...), chi cần để ý một tẹo. Ai may mắn và nhanh tay nhanh chân, có thể mua áo len hàng hiệu với giá 3.000 Ft chẳng hạn (thứ mà trong hiệu bạn sẽ phải bỏ 8-10.000 Ft để có nó).
Tác giả: D4rkm4n
CÁC Ý KIẾN CỦA ĐỘC GIẢ HUNGARY VỀ CHỢ TỨ HỔ
- Đầu tháng Giêng tôi đã qua chợ (tôi cũng đã viết lên diễn đàn là sẽ ra chợ), nhưng chẳng có gì đáng kể. Chả có hàng hóa gì nên hồn lắm…
- Các bạn đừng có ra Chợ Tứ Hổ, không có gì hay ở đấy đâu, người ta đang dỡ chợ rồi…
- Có ai biết chợ sẽ được chuyển đi đâu không? Tuần trước chúng tôi ra chợ, thấy người ta đã tháo dỡ phần đầu chợ rồi…
- Khu Józsefváros dần dần sẽ trở thành khu phố của người Hoa mất. Ở đó, doanh thu hàng năm lên tới 1.000 tỉ Ft, nhưng hóa đơn thì không mấy ai cấp. Chính quyền bất lực…
- Chợ lúc nào chả mở cửa, trừ khi… đóng. Như tôi đựợc biết thì ngày lễ chợ đóng cửa. Ra chợ, các vị cẩn thận nhé, lắm bọn lừa đảo, trộm cắp đấy!
- Chợ cũng không rẻ hơn hiệu Tàu ở nhà quê đâu, vì phải mua "sok db" (mua sỉ) mới được giảm giá đáng kể.
- Bây giờ thì không phải lúc nào cũng ra được chợ, chính xác hơn là có thể, nhưng vì Sở Thuế (APEH) hoành hành nên không biết trước được là hàng tốt khi nào được bán ra.
- Hàng Tàu hay không Tàu, không biết, chỉ biết là dịp trước tôi mùa một đôi giày Lacoste 6.000 Ft; sau đó tôi xem ở phố Váci, hệt thế, chỉ giá khác. Tôi đã tiết kiệm được 12.000 Ft đấy!
- Tôi chỉ muốn bổ sung thêm rằng, đáng tiếc, tôi từng gặp phải trường hợp này (mà không chỉ một lần): mua áo phông, bộ thể thao ở cửa hiệu Adidas, mà chỉ 2-3 tháng là đã sờn, bạc màu, thậm chí bị giãn ra đến mức có thể… nhìn thấu được. Thời nay, không phải ai cũng cho phép mình dùng đồ hiệu, mà lại còn gặp phải những chuyện như thế nữa…
- Hàng Tàu hay không, chỉ riêng điều này chưa thể khiến chúng ta rút ra kết luận về chất lượng hay kiểu cách của quần áo. Rõ ràng là ngày nay, quần áo nào chả được sản xuất ở Châu Á. Cứ nhìn nhãn thì biết. Chất lượng thì thế này thế nọ, mua ngoài chợ phải xem kỹ. Chính đây là điều khác nhau giữa hàng hiệu và hàng chợ: mua hàng hiệu nói chung bạn biết được là mình đã mua gì, còn hàng chợ thì… may rủi.
- Các bạn à, theo tôi ở Chợ Tứ Hổ không phải chỉ có hàng Tàu đâu, tôi đã gặp một người (không phải người Hoa và cũng không làm việc cho người Hoa) bán hàng dạ chất lượng tốt. Ngoài ra, theo tôi, vẫn có thể kiếm được hàng tốt ở đây. Còn sự khác nhau giữa Chợ Kőbánya và Chợ Tứ Hổ là ở chỗ Tứ Hổ rẻ hơn; theo tôi, hàng hóa ở Chợ Kőbánya cũng là từ Tứ Hổ mà ra.
- Chợ Tứ Hổ có hàng Tàu đấy, nhưng đa số cũng đắt như trong các cửa hàng lớn rồi. Mà ở cửa hàng thì có bảo hành, còn ngoài chợ thì không.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn