ĐÊM HỘI CỦA NGƯỜI DÂN SÔNG LA, HỒNG LĨNH TẠI BUDAPEST

Chủ nhật - 02/03/2008 20:17

Cộng đồng Việt Nam tại Hungary, thực sự hình thành từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước khi nước sở tại có những biến chuyển về chính trị, xã hội và kinh tế, cho phép người Việt nhập cảnh với mục đích kinh doanh, làm việc, hiện nay ước tính có chừng 5-6 ngàn người. Trong số ấy, người dân ra đi từ Hà Tĩnh chiếm một tỉ lệ khá cao.

Hội thao mùa Thu thường niên của cộng đồng Việt Nam tại Hungary, một hoạt động mà bà con Hà Tĩnh đón vai trò rất năng nổ - Ảnh: Thanh Hải (NCTG)

Cho dù chưa có một thống kê sơ bộ nào để biết được số người Hà Tĩnh hiện sinh sống và làm việc ở Hungary, nhưng trong hoạt động kinh doanh, thương mại, trong những sinh hoạt của cộng đồng hoặc đơn thuần, trong những cuộc gặp mặt, trò chuyện trong phạm vi gia đình, dễ nhận ra người dân Hà Tĩnh cần cù, chịu thương chịu khó, với tình cảm gắn bó đồng hương rất nhiệt tình và khăng khít.

Ra đi từ mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, không năm nào không bị thiên tai, bão lũ tàn phá nặng nề, đa phần có gia cảnh khó khăn, cuộc sống mưu sinh tại quê hương khó nhọc, những ngày đầu của người Hà Tĩnh tại một đất nước xa xôi - Cộng hòa Hungary – cũng tràn đầy khó khăn. Những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, những khác biệt về suy nghĩ, phong tục tập quán trong cuộc sống, những cửa ải pháp lý vốn lạ lẫm trong cư trú và kinh doanh đã khiến bà con Hà Tĩnh tại Hungary – cũng như đại đa số bà con ra đi từ những vùng đất khác – đã không khỏi bỡ ngỡ và phải trả giá rất nhiều trong quá trình vật lộn để tồn tại nơi xứ người, để có những khoản tiền gửi về hỗ trợ gia đình và để hội nhập ở một mức nhất định với xã hội sở tại.

Những năm tháng ban đầu bươn chải, những đoạn đời “học việc” đã diễn ra không vô ích. Nhiều người Hà Tĩnh, tới nay, đã có vai trò, đã là những cái tên quen biết trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary, như PGS TSKH Nguyễn Xuân Kỷ (hiện là giảng viên tại Đại học Bách khoa Budapest), PGS TS Bùi Minh Phong (giảng viên tại Đại học Tổng hợp Budapest), TS BS Nguyễn Lam Thủy (làm việc và nghiên cứu tại Bệnh viện Kútvölgyi, Budapest), KS Trần Đình Kiêm (nhà báo, tác giả hai bộ từ điển Hung - Việt, Việt – Hung), các anh Nguyễn Thanh Hải, Đinh Xuân Thọ, v.v.  là chủ các doanh nghiệp thành đạt tại Hungary. Không ít các anh chị Hà Tĩnh giữ các vị trí quan trọng trong các hội đoàn, tổ chức quần chúng; tại các hoạt động cộng đồng (các kỳ hội thao mùa thu, các đợt tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, các đợt quyên góp, từ thiện ủng hộ đồng bào trong nước, v.v…), bà con Hà Tĩnh cũng là một nhân tố rất tích cực.

Với đặc tính rất đoàn kết, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng trợ giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn, tại một số quốc gia như Cộng hòa Czech, Ba Lan, hay Liên bang Nga, do có số lượng đông đảo, những nhóm đồng hương, ái hữu Hà Tĩnh đã được thành lập. Ở Hungary, cho đến giờ, người Hà Tĩnh mới có một buổi gặp mặt và giao lưu lớn cho mình và cho bạn bè, những người yêu Hà Tĩnh. Mang tên “Cùng Nhớ Về Hà Tĩnh”, đêm liên hoan và văn nghệ này được tổ chức vào dịp Xuân Bính Tuất 2006 và để lại nhiều hồi âm rất tốt đẹp, tích cực. Có lẽ đó là lý do để sau hai năm, những thành viên tích cực của Ban Tổ Chức (BTC) lần trước, lại ráo riết chuẩn bị cho một cuộc hội ngộ “quy mô, bề thế hơn, và sẽ hấp dẫn không thua gì lần trước”!

Mang tên “Hà Tĩnh Quê Mình”, Đêm giao lưu diễn ra vào Chủ nhật mùng 2-3-2008 với sự tham dự (theo ước tính) của chừng 250 bà con Hà Tĩnh - cũng như người thân, bạn bè của họ - hiện đang sinh sống ở Hungary. Đặc biệt, lần này, có sự hiện diện của đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh do ông Lê Văn Chất (chủ tịch tỉnh) dẫn đầu; trong chuyến công tác tại Cộng hòa Czech, được biết tại Hungary có đông người Hà Tĩnh cư trú nên đoàn đã dành thời gian ghé thăm Budapest và gặp gỡ bà con Hà Tĩnh. Theo đánh giá của BTC, đây cũng là một cơ hội tốt để bà con Hà Tĩnh ở Hungary gặp gỡ các lãnh đạo của tỉnh, cùng nhau trao đổi, bàn bạc tìm những kế hoạch hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Ước mong của BTC: “Hy vọng rằng qua những lời ca, tiếng hát “cây nhà lá vườn”, chúng ta lại có dịp về lại với Ngàn Sâu, Ngàn Phố, với dòng Sông La, với Núi Hồng Lĩnh sâu nặng ân tình”, có lẽ cũng là tâm tình của đông đảo bà con Hà Tĩnh tại Hungary, mong muốn có được những dịp sinh hoạt “về nguồn” lành mạnh và bổ ích, đồng thời, giúp đỡ gắn kết và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Sức mạnh tinh thần ấy, chắc hẳn sẽ phần nào giúp đỡ bà con vượt qua được những khó khăn nhất thời của bản thân trong đời sống thường nhật, cũng như, của nước sở tại Hungary trên con đường hội nhập đầy gian truân trong Liên hiệp Châu Âu!

(*) Bài viết đã được đăng trên chuyên san “Người Viễn Xứ” của mạng tin điện tử “VietNamNet” (Việt Nam).

Trần Lê, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn