Bài viết của ký giả Barát József trên trang nhất tờ „Budapest 7nap”
„Không có chợ Tàu thì cuộc sống của những người nghèo còn cay đắng, tẻ nhạt hơn, và những thứ mua rẻ mạt đã giảm thiểu những bực tức dồn nén (của dân chúng) đối với giới thượng lưu”- ông Hegyi Gyula, dân biểu Nghị viện Châu Âu, gần đây đã viết như thế. Ông có nhiều ý đúng, vì mua ở đâu nổi giày tập thể thao 2.500 Ft, quần bò 3.500 Ft, áo len 4.000 Ft, bộ complett 12.000 Ft? Nhưng liệu việc những nhân viên Hải quan và cả bọn tội phạm không thể biết danh tích của người thuê quầy, gắn liền với lợi ích của ai?
Hãng Đường sắt Quốc gia Hungary (MÁV), bên cho thuê khu vực này, cho BBT chúng tôi biết họ đã đưa ra quyết định chấm dứt hoạt động của chợ và kế hoạch sử dụng bất động sản. Nhưng chính họ cũng chưa biết khi nào sẽ tiến hành. Lý do vì sao?
Cả những người bán và khách hàng đều đã nghe tin: Chợ Tàu ở khu Józsefváros [chợ Tứ Hổ - ND] không còn tồn tại lâu nữa. Nhưng không một ai biết chắc. Trong khi đó cuộc chiến mèo vờn chuột vẫn tiếp diễn. Ngày nào các nhân viên Hải quan cũng ra chợ và kiểm tra một số quầy hàng. Họ thu hàng hóa, biên phạt. Trong khi tin kiểm tra lan truyền rất nhanh, hàng trăm quầy hàng được đóng lại, những người bán hàng vội lánh xa quầy. Khi đó các nhân viên Hải quan bất lực.
Một điều tra viên trẻ vừa ngắm nghía một khẩu súng ngắn xinh xinh, vừa ghi chép. Các nhân viên Hải quan mặc đồng phục đang khám xét kỹ quầy hàng vừa tìm thấy khẩu súng, từ lô áo quần này sang lô khác. Họ tìm hàng nhái mác. Không thấy tăm hơi người thuê quầy, chắc đã chạy tá hỏa và bỏ lại hết: có lẽ giấy tờ của anh (chị) ta không ổn. Nhưng chủ quầy hàng không có lựa chọn nào khác, rồi sẽ phải ra mặt. Hôm nay anh (chị) ta là người thua thiệt, vì không kịp đóng quầy. Khẩu súng ngắn có tay cầm được mài khá đẹp. Hay vẫn chỉ là chất liệu nhựa? Có lẽ thế, vì nó được đựng trong một hộp nhựa bakelit rởm. Tôi nghĩ đó là một đồ chơi.
Ba rưỡi chiều thứ Năm, chợ trống vắng. – Nhìn những thương gia tử tế kìa! – một cô bán hàng người Hung, tóc vàng – có thể là dân Erdély [Transilvania, một vùng từng thuộc lãnh thổ Hungary, nay là đất Romania – ND] - chỉ vào phía trong chợ nói với bạn. Cô vừa cười vừa chỉ vào dãy bô-đê khóa kín, dài hút mắt. Lúc đó tôi cũng đã nhìn thấy các nhân viên Hải quan đang đến từ phía sau. Chỉ có những công-ten-nơ đã đóng im ỉm đón họ, trong các góc khuất những thương gia Á Châu vừa nghỉ bất đắc dĩ ngồi chơi bài vờ giữ vẻ bình thản. Nhưng họ cũng đã tìm thấy pavilon còn mở, với khẩu súng ngắn kia.
Các nhân viên Hải quan "cắt quầy" trong trường hợp có sự tình nghi có cơ sở
Cách đây vài năm Chợ Tứ Hổ thực sự còn là của hiếm trong khu vực. Thậm chí có một sự thực là tồn tại những thương nhân Trung Quốc trên đất Hungary. Họ tới đây vào cuối những năm 80, khi thị thực nhập cảnh được bãi miễn. Những thanh niên nghèo quyết chí làm giàu từ các tỉnh Zhenjen va Fujnan ồ ạt kéo sang Hung. Chẳng bao lâu khắp Budapest đâu đâu cũng thấy hàng ăn và các cửa hàng Trung Quốc. Khi các nhà chức trách tỉnh ngộ, và lập lại chế độ thị thực, thì không ai có thể biết cộng đồng người Hoa ở nước Hung là bao nhiêu. Hiện tại con số ước đoán chính thức là 10 ngàn, nhưng theo ông Huszty András, phái viên chính phủ, con số 25 ngàn sát thực tế hơn. Theo tờ „Financial Times” (Thời báo Đầu tư), nổi tiếng về độ xác tín, họ có 40 ngàn người.
Chợ Tứ Hổ mở năm 1994 và ít lâu sau, những xe buýt chở đầy khách mua hàng người Ba Lan, người Slovakia, người Romania từ khắp khu vực dừng chân tại đây. Cho tới nay giao thương vẫn như thế, nhưng nhiều thứ đã thay đổi. Thế vào những bàn nhỏ việc mua bán diễn ra trong các công-ten-nơ kim loại, trong khi chợ đen quốc tế chuyển dịch sang Slovakia và Romania. Trong số những người buôn bán hiện nay gần như không còn người Tàu. Chủ yếu là những người thuê quầy Việt Nam nghèo, trong khi người Tàu đi xe Mercedes, BMV tới các kho trung tâm bên khu Ganz đối diện, để từ đó chỉ đạo hệ thống phân phối hàng quốc tế. Người ta đồn có cả những xưởng may bí mật...
Khó bao quát nổi khu chợ rộng 40 ngàn m2 này không chỉ vì tầm mắt bị ngăn cản bởi những quầy hàng dích dắc, mà còn vì Công ty quản lý chợ Komondor Kft. (mà người ta hay nhắc tới trong vụ án Tasnádi Péter) không muốn cung cấp cả số lượng các quầy hàng cũng như tiền thuê các gian hàng. Còn MÁV cũng không thông báo số tiền nhận được từ Kft. này. Người viết đành dựa vào các thông tin vụn vặt. Nếu tình trung bình diện tích một pavilon là 10-12 m2, và trừ diện tích dành cho giao thông, ta có thể có số áng chừng là 1.500 chỗ bán hàng. Trên mạng chỉ có một thông tin duy nhất về tiền thuê quầy: trong bài báo công bố trên diễn đàn Index (Index Fórum) từ năm 2000, một tác giả Việt Nam là H.Linh cho biết người ta đã tăng giá thuê quầy lên 150 ngàn Ft/tháng. Nếu lấy hai con số trên nhân với nhau, với một giả thiết không thể xảy ra là từ đó tới nay người ta chưa tăng giá thuê quầy, thì ta cũng được một con số đáng kể: 225 triệu Ft. Trên trang chủ của Đảng bộ MSZP khu vực Józsefváros, chúng tôi tìm thấy một bài báo năm 2004, theo đó Komondor Kft. trả cho MÁV 250 Triệu Ft một năm. Những con số hấp dẫn và hiệu số của chúng có thể giải thích vì sao chợ vẫn hoạt động cho tới ngày nay.
Thiếu tá Molnár Tamás, quyền phó chỉ huy Lực lượng Tuần du Trung tâm của Cục Hải quan khẳng định điều chúng tôi đã nghe trên hiện trường: - Đúng, ở chợ này từ hàng quần áo mác giả trở đi, mọi thứ đều có thể „mua” được. Đúng là sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước như hải quan, công an, APEH, Sở Lao động, ÁNTSZ ngày càng hữu hiệu, nhưng „mạng lưới báo động khẩn cấp” ngăn trở công việc rất nhiều.
Cảnh chợ đóng cửa khi các nhân viên Hải quan kiểm tra. "Cái gì cơ? Bọn tôi chỉ đến đây trò chuyện, nhìn ngó thôi mà!"
Ông thiếu tá không phủ nhận mệnh đề của chúng tôi: chừng nào còn tồn tại chợ, thì họ còn có nhiều việc phải làm. Chúng tôi cũng nghe thấy nói: khi nào còn chợ đen, khi đó còn vũ khí, ma túy và cả giấy tờ giả. Nhưng đến khi nào? Thông báo của MÁV: „Theo phương án lâu dài, toàn bộ khu đất sẽ trở thành bất động sản sử dụng hữu ích”. Nhưng đến khi nào? Họ sẽ quyết định dựa trên công việc chuẩn bị. Xin hiểu là: chính họ cũng không biết.
Chợ sẽ tồn tại tới khi nhóm có quyền quyết định trong lãnh đạo thành phố và dân chúng muốn nó tồn tại. Và họ có lý do để muốn điều đó, ngay cả với ý đồ tốt. Chẳng hạn, ông Hegyi Gyula, dân biểu Nghị viện Châu Âu, gần đây đã viết: „Đối với số đông dân chúng (chợ) là cơ hội duy nhất để họ có thể mua giày, mua quần áo cho bản thân và gia đình.” Có thể là như thế. Nhưng nếu vậy thì tại sao chúng ta lại cứ để cái cảnh „mèo vờn chuột” này tiếp diễn? Vì lợi ích của ai? Vì nếu như tất cả mỗi người thuê công-ten-nơ đều có tên và địa chỉ, thì trò „báo động dây chuyền” cũng chấm dứt. Đúng vậy không? Những người bán hàng có đóng các „quầy hộp” lại, có tụ tập nhau chơi bài cũng vô ích...
- Này anh, cái này chỉ là đồ rởm, là trò chơi thôi, đúng không? – tôi hỏi anh điều tra viên trẻ tuổi vào mùa xuân năm 2008, tại Chợ Józsefváros. Chàng trai trẻ ngửng nhìn lên. - Không. Đúng là vũ khí thật, tôi chỉ chưa chắc chắn có đúng là loại được ghi lên trên thân súng hay không thôi. Nhưng rồi chuyên gia vũ khí sẽ giải đáp...
Giáp Văn Chung dịch theo bản tiếng Hung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn