VÁN CỜ DANG DỞ

Thứ sáu - 16/11/2012 16:03

(NCTG) “Bất giác Liên cảm thấy có người nhìn mình, cô ngẩng lên thì thấy Tiến đã đứng ngay cạnh, đang cúi nhìn mình chăm chú, khiến hai má cô nóng bừng lên”.

 

Một buổi sáng cuối tháng Chạp năm 2062.

Ông Tiến bồi hồi đứng chờ ở sân ga Oxford. Tuyết đang rơi khá dầy, nhưng ông cụ không cảm thấy lạnh. Ngồi một lát, ông lại đứng lên, đưa đẩy những bước chân đã khá chậm chạp, mắt ông cụ sáng lên sau cặp kính lão, khi những tin tức về hành trình của các chuyến tầu hiện lên loang loáng trên một màn chiếu cực lớn, thiết kế ngay chính giữa sảnh chờ, sáng như gương, áp dụng công nghệ không gian ba chiều.

Màn hình nom như không có trọng lượng, lơ lửng giữa không trung. Những con số và chữ hiện ra từng hàng, kèm theo lời thông báo của máy tính – giọng robot trầm ấm vang lên. Ông Tiến nhớ lại những ngày đầu đến đây lập nghiệp, các chuyến tàu từ ga Paddington ở London, dễ phải một tiếng rưỡi đồng hồ mới về tới Oxford này. Giờ thì khác, tàu siêu tốc đệm khí, chạy bằng năng lượng mặt trời chỉ mất hơn 8 phút là tới nơi. Chính vì thế, ông cố ý ra ga thật sớm cho chắc chắn. Ông muốn khi người đó bước xuống tầu, thì mình đã đứng đón sẵn ở đây rồi.

Và rồi tiếng bíp nhẹ trên loa vang lên, báo hiệu đoàn tầu từ London đã tới. Ông Tiến nôn nóng bước ra gần phía cửa ngăn cách vách kính trong suốt… Tàu dừng lại nhẹ nhàng, từ một trong các cửa xuống, một bà cụ từ từ bước xuống, cặp mắt to, khuôn miệng với cặp môi đầy đặn, làn da dẫu đã rất nhăn nheo nhưng đường nét của khuôn mặt còn phảng phất một thời xuân sắc.

*

Bảy mươi sáu năm về trước, Tiến bước chân vào trường phổ thông Hà Nội - Amsterdam sau khi đỗ vào lớp chuyên Lý buổi chiều. Ba năm theo học chuyên Lý, bao kỷ niệm của tuổi học trò, nhưng Tiến ấn tượng nhất lại là một cô bạn học lớp ca sáng. Không hiểu do sắp xếp thế nào, mà lớp Hoá 1 học ban sáng lại đúng tại phòng này, nơi lớp Lý 2 của Tiến tiếp quản vào buổi chiều. Khi lên lớp 12, một lần đến lớp, Tiến vô tình thấy trong ngăn bàn của mình một mảnh giấy xé vội vàng từ một cuốn vở kẻ ô. Nét chữ con gái tròn trịa, yêu kiều, như vừa chép vội một bài thơ tình vừa sợ bị thầy cô trách phạt:

Tớ với cậu mến nhau trong tình bạn
Không bao giờ và mãi mãi chẳng yêu
Sánh vai nhau như nhiều đứa mỗi chiều
Cho hạnh phúc tương lai chớm nở
Mỗi khi cậu mỉm cười làm rung lòng tớ
Giây phút bồi hồi tớ trấn tĩnh được ngay
Mỗi khi cậu nhìn tớ ngất ngây
Tớ vội tránh phút giây xao xuyến
Để cho tình bạn thiêng liêng, quyến luyến
Đẹp hơn nhiều khi hai đứa yêu nhau…

Mặt bên kia của tờ giấy là nét bút chì đen khoanh những vòng tròn và dấu nhân chi chít. Hẳn là ai đó thích đánh cờ ca-rô đây. Một ván cờ đã đánh xong, nhưng chỉ mới chiếm một góc tờ giấy. Rõ ràng, chủ nhân của tờ giấy có ý “tiết kiệm”, nên chơi ván đầu gọn vào một góc, để phần giấy còn lại đủ để đánh vài ván nữa – nếu có một bên thắng nhanh, hoặc chí ít cũng đủ một ván lớn, một trận đấu quyết tử nếu hai bên bất phân thắng bại…

Tiến ngồi tần ngần một lúc. Cậu mê mẩn những “Newton”, “Maxwell”, rồi những “Định luật Ôm trên toàn mạch”, các số lượng tử và các lớp điện tử của mô hình cấu trúc nguyên tử, v.v… đã từ lâu, nhưng cậu chả bao giờ biết đến thơ cả, nhất là ba cái đoạn “tớ tớ cậu cậu” thế này. Nhưng nét chữ tròn xinh bỗng dưng làm cậu bối rối, hình dung ra ngón tay mềm mại của người viết. Rồi cậu hình dung ra cả những lúc ngón tay đó cầm bút đánh những dấu X và dấu O vào mặt kia của tờ giấy… Mà chưa chắc đó đã là cùng một người nhỉ - Tiến tự hỏi – biết đâu, đó là một từ giấy nháp vứt đi, rồi người khác đã tận dụng nó đánh cờ ca-rô…

Đang cầm tờ giấy trong tay, Tiến bỗng giật mình bởi tiếng nói giật giọng của con gái:

- Này, cái cậu kia, làm gì đấy?

Tiến ngẩng lên, một khuôn mặt con gái trắng trẻo, cặp mắt to như xuyên thấu tâm can cậu. Chưa kịp phản ứng gì thì cô gái đã bước nhanh tới, nhanh tay giằng lấy mẩu giấy trong tay cậu, rồi quay đi.

- Đọc trộm của người ta là không được đâu nhé – cô gái còn kịp răn đe Tiến một câu rồi bước nhanh ra khỏi lớp.

Suốt mấy ngày tiếp theo, Tiến không sao dứt khỏi đầu hình ảnh cô bạn gái đó. Có lẽ, cô gái là một bạn học lớp ca sáng, đã bỏ quên mẩu giấy, nên quay lại tìm và mang đi? Tiến bắt đầu thông qua người này người nọ ở lớp này lớp kia để dò la về cô bạn ấy. Không khó để biết được đó là ai, trong cái trường bé con con này, gần như các lớp đều có những thông tin rò rỉ.

Dáng dong dỏng, mái tóc dài mượt, khuôn mặt thanh tú với cặp mắt to và đôi môi dầy, cô ta khá nổi ở lớp Hoá buổi sáng. Nghe đâu, cô cũng là con gái của một đạo diễn điện ảnh có tiếng nữa chứ. Cuối cùng, Tiến cũng biết được đó là Liên – một bạn nữ rất giỏi ở lớp Hoá 1. Cứ mỗi khi nhớ lại khoé miệng cong lên khi Liên răn đe mình sau khi giật nhanh mảnh giấy, Tiến lại vừa bồi hồi, vừa buồn cười.

Tuổi học trò cứ trôi đi từ tốn. Nhưng thật lạ, ít lâu sau Tiến vào lớp ngồi thì lại thấy đúng mảnh giấy đó ở ngăn bàn của mình. Liên lại để quên? Tiến hơi ngạc nhiên, nhưng khi định thần nhìn kỹ thì thấy có chút thay đổi. Mặt trước tờ giấy vẫn y chang bài thơ ấy, nét bút ấy. Nhưng mặt bên kia, với những ô vuông còn trống sau ván cờ đầu tiên thì nay đã xuất hiện một dấu X rất ngay ngắn ở chính giữa phần giấy trống.

Ái chà, phải chăng Liên định thách đấu cờ ca-rô với mình nhỉ? Tiến nổi máu lên ngay, gì chứ cờ ca-rô thì Tiến vào hàng đại cao thủ của lớp Lý này. Ngay lập tức, rút bút ra, Tiến đánh ngay một dấu O vào cạnh nước đi đầu tiên của đối thủ. Để cho chắc, Tiến gấp nhỏ tờ giấy lại, rồi găm rất khéo vào khe gỗ phía dưới mặt bàn, phòng xa người khác nhìn thấy. Và cứ như có ngầm định từ trước, dù không nói với nhau một lời nào, nhưng cứ sau dăm ba ngày, Tiến lại thấy nước đi mới của đối thủ, ngay ngắn, và mảnh giấy lại được găm vào chỗ cũ, đợi cậu mở ra.

Và cuộc cờ của hai người đã diễn ra như thế. Họ đoán tính cách nhau, đoán cuộc sống của nhau qua nét chữ, và qua cả cách chơi cờ. Có những lúc, Tiến đi nóng vội, và tạo ra sơ hở, nhưng Liên không thèm lợi dụng để ra đòn tấn công. Lại có khi, Tiến sốt ruột vì cả tuần liền không thấy nước đi tiếp theo của Liên. Cậu bồn chồn lo lắng. Phải chăng cô ốm, nên không đi học? Những nét X của Liên lúc nào cũng ngay ngắn, chỉn chu, và tạo cảm giác như hai lần đưa bút dứt khoát, mà lại uyển chuyển, nhẹ nhàng. Những nét O của Tiến lúc thì to gộc lên, lúc lại như kẻ khoanh vội cho xong, bé xíu hoặc méo rệu…

Lắm khi, cuộc cờ đến gần mép giấy, Liên lại khôn khéo chuyển hướng sang phía khác, nên sau nhiều tháng phần giấy còn lại vẫn đủ chỗ trống cho họ chơi túc tắc… Liên tiến công rất sắc, nhưng lắm khi thấy đối thủ sơ hở thì lại động lòng thương, không đánh đòn quyết định. Tiến nhiều lúc bốc đồng, tấn công dồn dập, xong rồi lại bẵng đi, nhảy vào một ô trống chả ăn nhập gì cả, như thể lười biếng câu giờ. Nhưng bất luận cách nào, cả hai đều nhận thấy họ không dễ dàng thắng được cuộc cờ này, địch thủ là người không những thông minh mà còn như đoán trước được nhiều nước đi của mình.

Cứ thế, cho tới hết cấp 3, cả hai người không hề nói với nhau một câu nào. Tất cả những gì họ trao đổi là những X và O trên mặt giấy. Lắm khi, Liên thoáng đỏ mặt, khi nghĩ tới việc Tiến sẽ lật cả bài thơ ở mặt sau lên đọc. Nhưng cũng có lúc, cô lại thầm ước ao Tiến sẽ đọc thơ là chính, mà bỏ hẳn việc tấn công cô bằng những dấu O lì lợm. Cũng có nhiều phen, Tiến định viết thêm vài câu vào trang giấy, chẳng hạn: “Bạn có khoẻ không?” hoặc “Liên cho mình địa chỉ nhà bạn nhé?” nhưng rồi ngòi bút cậu chùn lại. Cậu sợ viết ra như thế sẽ phá hỏng ván cờ đang cân bằng trong sự bình yên…

Dường như, cả hai đều thầm chờ đợi người kia sẽ viết ra điều gì đó trước, rồi mình sẽ đáp lại. Nhưng rồi cả hai đều chỉ vạch những nét X và O mà thôi. Những giờ học của hai người đôi khi rất căng thẳng, nhưng dường như họ đều đến lớp với tâm trạng phấn khích, tò mò, và háo hức chờ đến khi hết giờ, các bạn về hết, mới dám moi mẩu giấy dưới bàn ra mà đọc ván cờ xem đối thủ đánh vào ô nào…


Budapest - Ảnh: KL

Thế rồi kỳ thi đại học cũng đến. Cả Liên và Tiến đều đỗ cao. Liên đã trúng tuyển đi học ngành Y ở Hungary, còn Tiến thi khối A, đủ điểm đi học bên Đức. Ngày ra trường, Liên rất bối rối, cô không quên đánh tiếp một dấu X vào ván cờ bí mật. Nhưng những ngày sau đó, cô không đến trường nữa, rồi bẵng đi quá nhiều việc, và nhất là đợt ôn thi đại học căng thẳng, đến khi kỳ thi đại học trôi qua suôn sẻ thì Liên không biết làm cách nào quay lại được lớp cũ nữa. Mà có lẽ, trường vào kỳ nghỉ hè đã niêm phong rồi…

Và rồi cô theo các bạn cùng đủ điểm đi nước ngoài vào Thanh Xuân học tiếng. Vẫn có ý dò tin tức của nhau, cả Liên và Tiến đều biết đối thủ của mình đã vào nhập học tại Thanh Xuân. Và thật vô tình, lớp của họ cũng khá gần nhau. Một bên học tiếng Hungary, còn bên kia học tiếng Đức. Một lần, Tiến chủ động nhảy lên xe buýt đưa đón học sinh và lại gần chỗ Liên ngồi. Đó là một ngày cuối mùa thu, trời đã bắt đầu se se lạnh.

Bất giác Liên cảm thấy có người nhìn mình, cô ngẩng lên thì thấy Tiến đã đứng ngay cạnh, đang cúi nhìn mình chăm chú, khiến hai má cô nóng bừng lên. Tiến không nói không năng, nhưng dúi vội một thứ gì đó vào tay cô, rồi chạy biến đi. May lúc đó xung quanh cũng không đông người lắm, nên không ai để ý. Liên mở gói giấy của Tiến ra, bên trong là mấy quả ô mai mơ, và một mẩu giấy gấp gọn gàng.

Trời đất, cái nhà bạn này! - cô lại nóng bừng mặt lên. Ô mai chua chua ngòn ngọt trong miệng cô, vài sợi gừng gợn lên chút cay nồng, làm ấm bầu không khí đang se lạnh, thật chưa bao giờ Liên được nếm quả ô mai ngon đến thế. Còn mẩu giấy - đó chính là ván cờ họ đang chơi dạo trước. Liên ngạc nhiên khi Tiến vẫn còn nhớ đến nó, không những vậy, cậu ta còn đánh tiếp một dấu O to tướng vào rồi, nước đi này rất hiểm, nó dồn cô vào thế khó.

Mấy tuần sau Liên mới tìm lại được Tiến trong một buổi cả khoá đi dã ngoại. Đợt này lịch học của các lớp nhiều biến động, nên cũng khó liên lạc với nhau. Nhưng Liên vẫn tìm được dịp lớp đang vắng người, và Tiến ngồi một mình một góc, cô lặng lẽ đến từ phía sau và đặt nhẹ một gói nhỏ lên bàn rồi đi. Tiến đợi cô đi khuất mới mở ra, hồi hộp nhìn đòn phản công trên bàn cờ, mà thực ra cô đã phải nghĩ mấy đêm mới đánh tiếp được. Bên cạnh đó là một cái gọt bút chì rất xinh xắn. Tiến bất giác mỉm cười. Liên đã tinh ý nhận ra Tiến dùng bút chì đầu mòn quá rồi, hay đó là một món để đáp lễ mấy quả ô mai bữa trước.

Thế rồi họ cũng chia tay bạn bè và người thân, rời xa quê hương vào năm sau đó. Trước khi đi học, cả hai đều nghĩ, chắc tìm gặp nhau không quá khó, nhưng nói gì với nhau đây? Không lẽ - Liên nghĩ, mình lại trách cậu ta là cứ im lìm lìm chẳng chủ động nói chuyện gì mới mình? Tiến thì lại tự nhủ, xinh đẹp và giỏi giang như Liên, chắc là cũng có nhiều bạn trai theo đuổi rồi, mình kết thân, khéo lại mang tiếng, và chắc là bạn ấy cũng chẳng để mắt gì đến mình đâu… Cứ thế, cả hai đều níu kéo bản thân, chỉ nghĩ tới những nét bút X, O trên tờ giấy năm xưa…

Hai người đâu biết rằng, cuộc đời sẽ mở tung ra trước mặt họ, khi họ đặt chân xuống mảnh đất Đông Âu vào một giai đoạn đầy biến động. Liên nhanh chóng lao vào guồng quay của trường Y khoa tại Hungary. Trước khi sang đây, cô không thể tưởng tượng nổi học y lại có thể nặng nhọc đến như thế. Tiến nhập học ngành Điện tử viễn thông tại Viện Đại học Humboldt danh tiếng, và học rất giỏi.

Rồi cuộc đời cứ trôi đi theo những ngã rẽ khó ai tưởng tượng được trước. Cả hai người đều không hình dung nổi họ chỉ ở hai thành phố Âu châu rất gần nhau mà không bao giờ gặp mặt. Liên tốt nghiệp, tìm được công việc tốt và ở lại Budapest. Cô lập gia đình và có con, như bao phụ nữ khác. Tiến cũng phải bươn bả qua những tháng ngày khó nhọc, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, anh rời đi bôn ba nhiều nơi, là nhiều việc, rồi cuối cùng lại định cư tại chính thành phố đó. Anh cũng có vợ và gia đình nhỏ của mình.

Rồi đến một ngày cuối mùa thu năm 2012, cùng với ngót một chục bạn bè cùng trang lứa từng học với nhau tại trường cũ, Tiến chuẩn bị lái xe từ Berlin sang Praha tụ hội. Anh bồi hồi nhớ lại tất cả những gì đã trôi qua. Bao năm tháng sống xa quê hương, anh không mấy khi nghĩ về những gì cuộc đời này đã xô đẩy mình. Chỉ đến lúc này, tự dưng Tiến mới giật mình nhận ra đã 23 năm qua đi kể từ cái thời các anh hò hét vang trong phòng tập thể dục thể thao mỗi khi thi đấu bóng ném. Cái thời mà một que kem toàn nước đường làm lạnh thành đá cũng khiến cho đám con trai nhao nhao lên, nhất là sau một trận bóng nảy lửa. Và cũng ở ngôi trường đó, có một cô bé mắt to tròn, khuôn mặt kiêu hãnh, đã lần đầu cho anh biết thế nào là thơ về tình bạn và tình yêu…

Nghĩ tới đó, Tiến lục lọi đống va-li và sách vở cũ của mình. Đã vài lần dọn nhà, anh không tin mình còn giữ lại được nhiều thứ của ngày xưa… Nhưng rồi anh đã tìm lại được một cái hộp rất bé, bên trong là chiếc gọt bút chì nhỏ và mẩu giấy đã nát nhừ vì bị mở ra gập lại quá nhiều lần. Tiến cho vội mẩu giấy vào túi trong chiếc áo khoác lông rồi phóng xe đi.

Cuộc tụ hội ở Praha thật tuyệt vời. Những người bạn từ Bỉ, Đức, Nga, Tiệp… đã bao năm mới gặp lại, sau nhiều nỗ lực liên lạc với nhau từ một trang mạng xã hội cũng như biết bao nhiêu cú điện thoại, thư điện tử… Họ hàn huyên đủ thứ chuyện ngày xưa cũng như ngày nay. Họ kéo nhau đi dạo khắp Praha khi tuyết đã bắt đầu nhuộm trắng thành phố này. Và Tiến đã gặp lại Liên nữa. Cô sang đây cùng con gái, cô bé cũng có cặp mắt to tròn và bờ môi như hờn dỗi.

Thật ra, suốt 23 năm qua, đây mới là lúc hai người nói chuyện với nhau, nói nhiều, và nói thực sự! Cả đoàn đi qua nhiều nơi ở Praha, nhưng khi đến một cây cầu ở khu trung tâm, tự nhiên Tiến đi lách về phía Liên và hỏi khẽ:

- Liên dạo này còn chơi cờ ca-rô nữa không?

- Ôi, không, mình lâu lắm rồi không chơi Tiến ạ - Liên cười hiền.

- Ờ, giá có lúc nào bọn mình lại “thi đấu” một trận thì cũng hay nhỉ? Hay bây giờ thử chơi đi?

- Nhưng không có giấy ca-rô đâu! – Liên cười –, sao chơi được.

Lúc đó Tiến suýt nữa thì luồn tay vào túi trong ngực áo. Nhưng anh chợt khựng lại, và rất tự nhiên, anh tháo găng tay ra và nói:

- Thế chơi tạm lên tay tớ được chứ?

- Tiến vui tính nhỉ - Liên cười rũ ra. – thôi, đi găng vào đi không lạnh!

- Này, hai ông bà kia quay ra đây - một bạn nữ trong đoàn, vốn là một nhiếp ảnh gia định cư tại Praha bất ngờ kêu lên.


Praha - Ảnh: NPT

Cả hai người vừa quay về phía cô bạn thì đã thấy cô bấm máy xoẹt một cái. Và thế là trong khuôn hình hiện lên hai người đang đứng cười tươi trẻ, Liên đang định ấn lại găng tay vào cho bạn, nên như thể cô cầm lấy bàn tay đàn ông của Tiến đang mở rộng dưới bầu trời tuyết Praha, xa xa là tháp nhọn vút cao của Giáo đường St. Vitus. Bất giác, Liên thấy nóng bừng hai má, như lần đầu tiên cô nhìn thấy Tiến đang đọc những vần thơ mình chép ra mẩu giấy ngày nào...

Còn Tiến cũng lặng đi một giây, rồi anh lại mang găng vào tay và hoà cùng với nhóm bạn, đi tiếp dọc con đường... Anh không nhắc gì tới miếng giấy gấp gọn trong ngực áo nữa, anh nhìn Liên cười thanh thản. Có lẽ - anh nghĩ – miếng giấy đó chính Liên cũng đã quên rồi, dẫu sao, gần một phần tư thế kỷ đã qua đi...

Sau cuộc gặp ngắn ngủi ở Praha, Tiến không chủ động liên lạc riêng với Liên thêm lần nào nữa. Anh chỉ thi thoảng đưa vài lời nhận xét về những bức ảnh họ chụp trong chuyến đi – mà vài người bạn đã đưa lên trang mạng xã hội của nhóm. Liên cũng đôi lúc vào mạng, góp lời với các hoạt động của cả nhóm bạn, rồi cô lại bận rộn với công việc và gia đình riêng...

Tiến đâu biết rằng Liên sau đó cũng có kín đáo dò hỏi thông tin về anh từ một vài người bạn thân. Cô biết anh đã làm gì với tấm bằng điện tử viễn thông, đã làm tư vấn kinh doanh cho công ty viễn thông nào... Cô cũng biết anh có mấy con và vợ anh làm gì, họ sống ra sao. Thực ra, cô vẫn nhớ ván cờ ca-rô của hai người còn đang dừng lại ở đâu, bởi cô đã từng đắn đo mãi mới gói chiếc gọt bút chì vào tặng anh, kèm thêm là một nước đi táo bạo ở vào một góc bàn cờ mà anh khó lường tới nhất.


Oxford - Ảnh: KL

Nhưng, như một thoả thuận ngầm, cô không nhắc gì tới những chuyện xưa cũ cả, và anh cũng lặng lẽ mang mảnh giấy đã cũ nhàu về Berlin cất lại vào chỗ kín đáo. Cả hai người dường như đều không muốn khuấy động ký ức. Sau nhiều năm sinh sống tại Đức, Tiến đã chuyển qua một phòng thí nghiệm công nghệ cao tại Oxford để tư vấn kỹ thuật cho những dự án viễn thông của họ cũng như tham gia vào một số hoạt động thương mại hoá những sản phẩm công nghệ cao. Ông và gia đình sống phần đời còn lại ở thị trấn nhỏ này. Vợ ông đã qua đời khi ông ở tuổi tám mươi sáu.

Rồi gần năm mươi năm sau lần gặp lại tại Praha ấy, trong một lần trao đổi bằng điện thoại với một người bạn học cũ hiện đang sống ở một nhà dưỡng lão gần London, bà Liên nghe lõm bõm được rằng một cụ ông tên Tiến hình như vừa mất. Cụ này là một trong những chuyên gia cao cấp của Viện Đại học Oxford, nay đã nghỉ hưu. Bà giật mình nghĩ tới Tiến – người bạn năm xưa. Bà khóc nấc lên. Con cháu hốt hoảng xúm lại, nghe bà kể rõ nguồn cơn, bèn quyết định giúp vào một tay, xác minh lại tin trên.

Lúc này, bà Liên đang sống tại một khu phố nhỏ ở ngay gần quảng trường Hviezdoslav ở trung tâm thủ đô Bratislava – nơi cậu cháu trai của bà hiện là một nghệ sĩ dương cầm tài năng đang sinh sống. Con gái của bà Liên có hai người con, một trai một gái, cả hai đều sớm bộc lộ thiên hướng âm nhạc, nhưng cậu bé tỏ ra xuất sắc hơn người chị của mình. Ra đời tại Budapest nên cậu sớm nhận ra đam mê của mình thông qua những bản nhạc của Franz Liszt, rồi quyết định theo đuổi con đường sáng tác và biểu diễn với cây đàn dương cầm. Bà Liên rất mừng vì điều này, bởi bà và các con đều từng chơi dương cầm.


Bratislava - Ảnh: KL

Sau khi chồng qua đời, bà Liên chuyển hẳn về Bratislava sống với con và các cháu, và bà không bỏ sót buổi công diễn nào của cháu trai cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Slovakia. Cuối cùng, các cháu của bà Liên đã tìm ra được những thông tin xác thực. Hoá ra cụ ông vừa mất cũng là một người gốc Việt từng giảng dạy tại Oxford, nhưng là một giáo sư toán học, tên là Tiên. Nhưng chắc khi người ta đưa tin, bà bạn của bà Liên đã nghĩ đó là “Tiến” – việc dễ xảy ra ở cái xứ này, khi người ta đâu có dùng dấu như tiếng Việt. Và các cháu của bà Liên cũng đã giúp bà tìm ra địa chỉ liên lạc của ông Tiến tại Oxford.

Sau khi một bức điện thư của bà (do con cháu soạn giúp) được gửi đi cho ông, bà phải đợi vài hôm mới nhận được thư phúc đáp. Họ nhận ra nhau rất nhanh. Và rồi ông Tiến mời bà Liên sang thăm vào dịp lễ Giáng sinh năm nay... Ban đầu, ông nói để ông sang bên đó, nhưng bà không đồng ý. Bà biết ông hiện sống một mình, các con cháu đều đã định cư ở nước khác, nên bà bảo, để bà qua bên ông. Một cô cháu gái đi cùng bà, vì sợ rằng bà yếu quá rồi. Hai bà cháu đáp tàu từ Bratislava sang Tây Âu, rời Paris qua eo biển Manche tới London. Từ đó, họ đổi tầu đi tiếp lên Oxford.

*

Tàu từ Paddington tới không sai một phút. Hai ông bà gặp nhau chỉ lặng nắm chặt tay, khoé mắt họ ươn ướt sau bấy nhiêu năm. Rồi ông gọi xe đưa bà và cô cháu gái về nơi ở của mình. Cả buổi chiều hôm đó họ ngồi đối diện trong căn phòng ấm cúng. Ở tuổi này, họ không ăn gì nhiều, không uống gì thái quá, họ cần nhất những ký ức ngọt ngào... Cô cháu gái nhanh nhẹn pha ấm trà ngon cho hai ông bà, cô tháo vát như ở trong căn bếp nhà mình vậy. Rồi cô ngồi vào chiếc đàn dương cầm ở góc phòng khách. Những ngón tay của cô chạm nhẹ vào phím đàn...

Ông Tiến lặng lẽ mở một hộp nhỏ trên bàn, hai bàn tay ông run run khi đưa bà Liên xem tờ giấy ngày xưa, nay ông đã vuốt cho phẳng phiu. Trên tờ giấy, những câu thơ bà chép tay vẫn còn đó, dẫu nét mực đã phai nhiều rồi. Ông lật mặt sau lên, rồi bàn tay già nua lấy ra một chiếc bút mực đỏ.

- Vậy là đến lượt ông nhỉ ? – bà Liên hỏi khẽ

- Vâng, tôi đi tiếp nhé – ông mỉm cười.

Lúc này, tiếng dương cầm tràn ngập căn phòng bé nhỏ. Đó là bản “Liebesträume” số 3 (Mơ tình) mà người ta nói Franz Liszt từng gởi gắm nhiều nỗi niềm, và thật kỳ lạ đó là một trong những bản nhạc mà ông Tiến thích nhất. Tay cầm chiếc bút mực đỏ, chứ không phải là bút chì như ngày xưa, ông Tiến không khoanh một vòng tròn bên cạnh các nước đi của mình như thường lệ, nét bút ông run rẩy nhưng vẫn còn mạnh mẽ lắm.



Khi ông nhấc tay lên và đẩy mảnh giấy về phía bà Liên, những giọt lệ tràn ra khoé mắt của cả hai người. Trên bàn cờ ca-rô là một nước đi mới của ông, nước đi sau hơn bảy mươi năm, đó là một hình trái tim xinh xắn...

Ghi chú: Ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh hoạ.

KL, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn