VỀ “QUYỀN” KẾT TỘI CỦA CẢNH SÁT

Chủ nhật - 12/07/2015 16:19

(NCTG) “Nghi phạm có tội hay không là từ phán quyết của quan tòa chứ không phải là vì cảnh sát nói này nói kia, hoặc trưng ra bằng chứng này bằng chứng kia. Nếu cảnh sát có thẩm quyền phán quyết người nào có tội hay không thì ta nên dẹp quách cái gọi là tòa án luôn đi cho nó gọn, và cũng chẳng cần đến luật sư để làm gì!”.

Có nên mặc định nghi can là hung thủ?

Có nên mặc định nghi can là hung thủ?

Vậy là chỉ vài ngày sau vụ thảm sát gia đình sáu người ở Bình Phước, hai nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã bị bắt. Bộ Công an tuyên bố chắc nịch: “Với tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai nhận tội của các nghi can, cơ quan điều tra có đủ căn cứ khẳng định Dương và Tiến đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng”.

Và mặc dù công an vẫn dùng từ nghi can để chỉ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, nhưng cách nói của họ đã khẳng định rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, Dương và Tiến chính là hung thủ của vụ án. Dù vậy, bài viết này của tôi không bàn về chuyện công an nói thế này hay nói thế kia, hay các chi tiết liên quan đến vụ án. Tôi chỉ muốn trình bày về các trình tự luật pháp tối thiểu mà mọi người cần nên hiểu rõ trước khi đưa ra phán xét là một người nào đó có hay không có tội.

I.
Một bộ phận dư luận Việt Nam đã như lên đồng trong cơn hả hê sung sướng khi họ được biết Dương và Tiến bị bắt. Tôi không hiểu họ đã say men gì, chỉ biết là trong cơn say có phần điên loạn đó dường như họ đã quên mất hai từ nghi phạm và chụp ngay chiếc mũ hung thủ (hoặc phạm nhân) lên Dương và Tiến.

Bất kể hai nghi phạm này đã được đưa ra tòa xét xử công khai và bị phán tội chưa. Bất kể các tình tiết của vụ án được phía công an đưa ra có nhiều điểm bất hợp lý hoặc chưa được giải thích thỏa đáng. Bất kể một nguyên tắc toàn cầu áp dụng cho tất cả mọi người: innocent until proven guilty (vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội). Lưu ý: nguyên tắc này đã được ghi rõ trong mục 11 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.

Lý do họ hay dùng nhất là: Nếu không có tội thì ngu gì phải nhận!

Trước hết, phải nói rõ đây là một ngộ nhận vô cùng sai lầm của rất nhiều người. Dĩ nhiên, trong tình huống bình thường thì một con người (dù có tội hay không) sẽ hiếm khi nào chịu nhận tội. Nhưng lịch sử luật pháp của nhiều nước trên thế giới đã chứng minh: trong quá trình hỏi cung của cảnh sát, một người vẫn có thể nhận tội mà mình chưa bao giờ thực hiện!

Như trường hợp của Eddie James Lowery (Mỹ).

Lowery bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ lớn tuổi vào một ngày tháng 7-1981. Bằng chứng bất lợi duy nhất cho Lowery là ông (lúc đó chỉ mới 22 tuổi) đã nhận tội danh cưỡng hiếp với cảnh sát, mặc dù không có các bằng chứng cụ thể nào khác chứng minh ông đã thực hiện hành vi tội ác đó. Vậy thì tại sao Lowery nhận tội?

Vào buổi sáng của ngày xảy ra vụ án, Lowery vướng vào một vụ tai nạn giao thông gần nơi nhà của nạn nhân. Cảnh sát bắt đầu hỏi cung ông ngay sáng hôm đó. Quá trình hỏi cung kéo dài cả ngày; Lowery không được cho ăn, và khi hỏi về tìm một luật sư đại diện thì được cảnh sát trả lời là không cần thiết.
 
Eddie James Lowery
Eddie James Lowery

Quá trình hỏi cung dần dần biến thành một quá trình “mớm cung:” qua đó, cảnh sát không ngừng đưa ra những chi tiết cụ thể liên quan đến vụ án như là ngôi nhà của nạn nhân, cách hung phạm đột nhập vào nhà, hung khí, và cuộc cưỡng hiếp. Trong tình trạng đói lả, căng thẳng, hoang mang cực độ, trong tình trạng khi mà các dây thần kinh sắp đứt ra, Lowery đã nói một điều mà cảnh sát đang rất muốn nghe: ông nhận tội. Bản nhận tội của ông có đầy đủ các chi tiết của vụ án mà ông vừa nghe được từ phía cảnh sát.

Lời nhận tội đã đưa Eddie James Lowery đến với bản án từ 11 năm tù giam cho đến chung thân. Sau 9 năm tù, Lowery được trả tự do sớm nhưng vẫn phải chịu tội cưỡng hiếp. Cùng với luật sư của mình, Lowery đã ra sức tranh đấu để được làm kiểm nghiệm DNA, và từ đó so sánh với bằng chứng sinh học mà hung thủ đã để lại. Kết quả khám nghiệm DNA chứng minh Lowery vô tội; ông được rửa sạch tất cả mọi tội danh và được chính phủ bồi thường 7,5 triệu đô-la cho những mất mát của mình.

Trường hợp của Eddie James Lowery là một trong rất nhiều trường hợp của oan sai khi phán quyết của tòa án chỉ dựa vào lời nhận tội của nghi phạm. Cảnh sát, đôi khi vì áp lực phá án quá lớn, phải dùng đến những trình tự bất hợp pháp như mớm cung, tra tấn, hoặc dùng các biện pháp tâm lý để ảnh hưởng đến suy nghĩ của nghi phạm. Nạn nhân của các án oan sai thường là những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về các quyền lợi của mình, những người bị chứng trí óc chậm phát triển hoặc những người không có luật sư đại diện trong quá trình hỏi cung.

Như thế, lối suy nghĩ “nếu không có tội thì ngu gì phải nhận” là một lối suy nghĩ cực kỳ đơn giản - nhưng đấy chỉ là lối nói đẹp. Thực tế hơn, công an rất thích lối suy nghĩ này vì họ có thể xỏ mũi và dẫn dắt dư luận đi vào chiều hướng mà họ mong muốn. Áp lực của dư luận sẽ dễ dàng khiến cho bồi thẩm đoàn (hoặc có khi cả quan tòa) đưa ra quyết định khiến một kẻ vô tội phải lên ghế điện, ra pháp trường, hoặc tàn đời trong nhà giam.

II.
Một điều chúng ta nên nhớ là lời nhận tội của nghi phạm trước cơ quan điều tra chỉ được xem là một bằng chứng quan trọng ở trước tòa, không hơn không kém. Nó không có nghĩa là nghi phạm có tội hay nghi phạm chính là hung thủ gây án. Nó cũng như bao nhiêu bằng chứng khác, có thể bị quan tòa phủ nhận nếu ông ta cho rằng cảnh sát đã dùng trình tự bất hợp pháp để lấy được nó.

Nghi phạm có tội hay không là từ phán quyết của quan tòa chứ không phải là vì cảnh sát nói này nói kia, hoặc trưng ra bằng chứng này bằng chứng kia. Nếu cảnh sát có thẩm quyền phán quyết người nào có tội hay không thì ta nên dẹp quách cái gọi là tòa án luôn đi cho nó gọn, và cũng chẳng cần đến luật sư để làm gì!

Bức giản đồ sau đây có thể khiến chúng ta hiểu rõ hơn về toàn bộ quá trình của một vụ án (hình sự) kể từ khi báo án, nghi phạm bị bắt giữ, và cho đến khi kết thúc phiên tòa xử án.
 
21

Như vậy, quá trình quyết định một nghi phạm có tội hay không phải đi qua nhiều bước. Từ việc cảnh sát điều tra, quyết định có khởi tố nghi phạm hay không, đưa quyết định khởi tố lên công tố viện và nơi đây sẽ xem xét có nên truy tố nghi phạm hay không, v.v... cho đến phán quyết của tòa án, là những bước cần thiết để quyết định tội trạng của một người.

Hơn nữa, trong phiên tòa, công tố viện phải chứng minh nghi phạm là kẻ có tội beyond reasonble doubt (không còn nghi ngờ hợp lý gì nữa) nếu muốn thuyết phục quan tòa (hoặc bồi thẩm đoàn) về luận điểm của mình.

Ít nhất, một bản án công minh cần phải được đi qua những trình tự như thế.

Một bộ phận (tôi hy vọng là chỉ một bộ phận) của dư luận Việt Nam trong những ngày vừa qua, khôi hài thay, lại chồm chồm nhảy lên ghế quan tòa ngay từ bước thứ hai của vụ án (dựa theo hình trên) - lúc mọi việc vẫn còn đang trong vòng điều tra và công an chỉ mới bắt giữ hai nghi phạm cùng một số lời khai và vật chứng.

Giữa bao nhiêu là hỏa mù, bao nhiêu là trùng trùng nghi vấn, thế mà một đám đông vẫn có thể hả hê lên tiếng một cách chắc nịch, nặng thì đòi băm vằm hai kẻ ác ôn kia ra thành trăm mảnh, nhẹ thì “công lý đã được thực thi, ác giả ác báo!”. Có quan (tòa) còn thở phào nhẹ nhõm: “May quá, chúng nó đã hơn 18 rồi!” (ý nói là đã đủ tuổi lên ghế điện hoặc ra pháp trường!).

Thưa các vị quan tòa (mới nhậm chức):

Các vị cứ việc phán tội theo ý thích. Nhưng, tôi chỉ xin các vị một chữ “nhưng” rất nhỏ này, là các vị chừa cho một khả năng là có thể Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến vô tội, trước khi có phán quyết chính thức của tòa án.

Xin nói rõ là tôi không hề có ý biện hộ cho Dương và Tiến hoặc tôi không hề nói Dương và Tiến vô tội. Điều quan trọng là (sau này) dù có bị phán quyết có tội hay vô tội, ngay bây giờ họ nên được hưởng những trình tự luật pháp công minh và công bằng.

Những trường hợp án oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, hay có rất nhiều dấu hiệu là có khả năng oan sai như các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, v.v… vẫn còn là tấm gương sờ sờ trước mắt, không lẽ như thế vẫn không đủ để các vị quan tòa bình tâm lại mà suy nghĩ khác đi dù chỉ là một giây?

Kính chúc các quan một ngày vui vẻ, đầu óc minh mẫn cho vụ án này (và các vụ tiếp theo)!

Hải Lý, từ Canada


 
Tổng số điểm của bài viết là: 209 trong 54 đánh giá
Xếp hạng: 3.9 - 54 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn