(NCTG) “Các tư tưởng về dân chủ và tự do cho dù có thể đã từng tồn tại trong lịch sử Trung Hoa, nhưng chúng chưa bao giờ trở thành một phần của văn hóa Trung Hoa và chưa bao giờ được các thế lực chính trị bảo vệ”.
“Vạn thế Sư biểu” Khổng Tử, vị thầy được đặt tên cho các học viện được mở ra trên khắp thế giới trong nỗ lực truyền bá “quyền lực mềm” của Trung Cộng
Suy nghĩ về một nỗ lực nhằm giải cứu Khổng giáo
Trước khi đi sâu vào chi tiết, chúng ta hãy cùng đọc qua nhận định của học giả Yu Ying-shih về hiện tượng chính quyền cộng sản Trung Quốc đã và đang cố gắng tái dựng hình ảnh Khổng Tử và tuyên truyền về Khổng giáo.
Học giả Yu Ying-shih là một sử gia Trung Hoa lỗi lạc, đồng thời là một trong những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất nhắm vào chính quyền hiện thời ở Trung Quốc. Ông từng được trao giải Kluge Prize - giải thưởng dành cho những thành tựu và cống hiến trong các bộ môn thuộc nhân loại và xã hội học. Ông hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ.
Nhận định sau đây của học giả Yu Ying-shih là những đoạn trích ra từ bài phỏng vấn vào tháng 11-2014 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường Cao đẳng Tân Á tại Hồng Kông. Lưu ý: những điểm tôi để trong ngoặc là chú thích thêm.
Trước hết, hãy để tôi bàn một chút về vấn đề liên quan đến Khổng giáo. Tôi đã nói về điều này nhiều lần rồi nhưng đây là cơ hội đầu tiên mà tôi có được để bàn về nó trước một số đông khán giả tại Hồng Kông.
… Những Khổng tử nhân (người theo Khổng giáo và thực hành những lời dạy của Khổng Tử) truyền thống, tức là những kẻ được các hoàng đế trọng vọng, những kẻ đi theo Tam cương (vua-tôi, cha-con, chồng-vợ) và Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), những kẻ cấm ngặt tuyệt đối mọi chỉ trích nhắm vào các bậc bề trên - họ đại diện cho thứ Khổng giáo được các vua và triều đại phong kiến vô cùng yêu thích.
Những học giả Phương Tây đã từng tìm hiểu về Khổng giáo thường gọi thứ Khổng giáo này là Khổng giáo thể chế. Đây là dạng Khổng giáo hoàn toàn khác biệt với dạng Khổng giáo đầy tính phê phán mà tôi đã nói đến trước đây.
Trong lịch sử, Trung Quốc luôn có những Khổng tử nhân bị áp bức và những Khổng tử nhân chuyên áp bức. Thành ra theo cái nhìn của tôi, cái Đảng Cộng sản ở Trung Hoa lục địa mà hiện giờ đang vinh danh Khổng giáo đó, nó có rất nhiều điểm tương đồng với những Khổng tử nhân chuyên môn đàn áp kẻ khác. Trước đây, cũng chính đảng này đã từng đạp Khổng giáo xuống bùn…
Nhưng rồi trong nháy mắt, Khổng Tử đột nhiên nổi tiếng trở lại và giờ đây thì hàng trăm Học viện Khổng Tử được dựng lên khắp mọi nơi trên thế giới. Những người cộng sản ở lục địa đang hô hào vinh danh Khổng giáo, và lại có những học giả cho rằng bản thân họ là những truyền nhân của một thế hệ Khổng tử nhân mới.
Như tôi đã có nói cách đây không lâu, giáo sư Tang Junyi (1909-1978) và các bằng hữu của ông như Mou Zongsan (1909-1995), Xu Fuguan (1904-1982), Zhang Junmai (1887-1969) cùng một số người nữa đã thật sự thành lập nên một nhánh Khổng giáo mới. Dạng Khổng giáo này là một Khổng giáo của những người học thức, một Khổng giáo đầy tính phê phán, và nhất định không phải là thứ Khổng giáo ngăn cấm mọi chỉ trích nhắm vào người có vị trí xã hội cao hơn.
Vì vậy tôi thường nói là sự ủng hộ Khổng giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đã gây nhiều phiền toái cho tôi, ít nhất là như thế. Dạo gần đây tôi hay bắt gặp bản thân mình tránh dùng từ “Khổng giáo” vì sợ rằng cứ hễ nhắc đến nó là người ta nghĩ là tôi và những người cộng sản ở lục địa có cùng chung một cách nhìn về Khổng giáo…
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng đâu là những Khổng tử nhân thật sự và đâu là những kẻ núp dưới bóng Khổng Tử để hưởng lợi chính trị. Nếu đã rõ ràng về những điều đó thì chúng ta không cần phải e ngại khi muốn bàn về Khổng giáo… Chúng ta vẫn có thể tiếp tục bàn về làm sao có thể kết hợp Khổng giáo với những tư tưởng của Tây Phương về nhân quyền, dân chủ và tự do.
Có một điểm tôi muốn nêu lên trước khi bàn sâu hơn... Nếu bạn tìm hiểu lịch sử và ngược dòng thời gian một chút về giữa thế kỷ 19, bạn sẽ thấy là những tư tưởng từ Phương Tây (tự do, dân chủ, nhân quyền và bình đẳng) đã được những Khổng tử nhân đem vào truyền bá ở Trung Hoa.
Thật sự, ngay từ lúc khởi đầu thì những người mến mộ một cách nồng nhiệt các giá trị của Phương Tây chính là những Khổng tử nhân. Ví dụ như trường hợp của Xue Fucheng (1838-1894). Xue cho rằng (xã hội) Anh Quốc và Hoa Kỳ là những xã hội tốt đẹp nhất tính từ thời Tam Triều của Trung Hoa (gồm triều Hạ - khoảng 2070-1600 TCN, Thương - 1600-1046 TCN và Chu - 1046-256 TCN).
Cũng như thế, Kang Youwei (1858-1927, một Khổng tử nhân đời nhà Thanh) tin rằng thời Tam Triều đã tồn tại một cơ chế dân chủ. Kang thêm từ “dân chủ” vào thời đại (trước cả Tam Triều) của hai vị vua huyền thoại Nghiêu và Thuấn… Vào thời đó, ngôi vua được truyền cho người nào có tài chứ không phải là người thuộc dòng họ máu mủ, tức là ai có khả năng nhất thì được chọn làm lãnh đạo. Cho nên chúng ta cần phải rõ ràng về điều này: ngay từ lúc đầu, những Khổng tử nhân thật sự đã thể hiện sự mến mộ của họ đối với các giá trị của Tây Phương hiện tại.
(…) Với lý do này, tôi cảm thấy những vấn đề mà Khổng giáo đang phải đối diện ở Trung Hoa lục địa thực chất là những vấn đề thô thiển và đơn giản. Vì Khổng giáo có tiếng tăm tốt nên người ta muốn lợi dụng, thế thôi. Và khi Khổng giáo bị lợi dụng, người ngoài nhìn vào dễ có cảm tưởng là Khổng giáo thuộc về những kẻ đang lợi dụng nó. Thực tế là chúng ta cần nhìn vào hành động của những kẻ tự xưng là Khổng tử nhân này. Như Khổng Tử đã từng nói: hãy nhìn người, nhìn cách cư xử của họ để rồi ta biết họ có phải là Khổng tử nhân hay không.
*
Học giả Yu Ying-shih là một trong những người cổ vũ cho trường phái Khổng giáo mới. Ông cho rằng các giá trị mà Khổng giáo theo đuổi rất gần gũi với những giá trị toàn cầu về tự do và nhân quyền của Phương Tây - đây là điểm chính đối lập với lập luận của những người cộng sản Trung Quốc khi họ cho rằng Trung Quốc hoàn toàn không cần những giá trị này. Họ phản bác: trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay mà chưa bao giờ trải nghiệm qua dân chủ, vậy thì việc quái gì mà chúng ta phải theo đuổi dân chủ?
Ông Yu Ying-shih không đồng ý, viện dẫn là thật sự đất nước đã từng trải nghiệm qua dân chủ (cho dù rất xa xưa) và đó là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa. Tôi đồng tình với đa số điểm trong nhận định của ông Yu về bản chất của sự việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng vinh danh Khổng Tử, nhưng tôi hơi khựng lại về quan điểm liên quan đến lịch sử của ông. Tôi không dám nói là ông sai, nhưng cảm thấy ông đã với hơi xa và các bằng chứng Trung Quốc đã từng có một thời đại dân chủ (hoặc gần như thế) khá yếu ớt. Đây là một số điểm mà tôi muốn nêu lên:
1. Sự kiện vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn (vốn là một người tài đức và hoàn toàn không có họ hàng với mình):
Với nhiều học giả Trung Quốc, vua Nghiêu và Thuấn là một tấm gương sáng vì các vua chú trọng tìm người có tài để trao ngôi báu hơn là nối dõi vương tộc. Tuy nhiên, nếu nói thể chế dưới thời vua Nghiêu là một thể chế dân chủ thì không hợp lý, vì vua vẫn là người giữ quyền trao ngôi vị cho bất cứ người nào mà họ muốn.
Họ có dùng một quá trình tương tự như việc trưng cầu dân ý để tìm người lãnh đạo hay không? Tôi e rằng không. Việc nhường ngôi lại cho một người không phải là con em của mình nên được xem là một hành động đẹp, không ích kỷ. Thế thôi, và hoàn toàn không liên quan đến dân chủ.
2. Tính xác thực về lịch sử của thời đại Nghiêu Thuấn:
Thời đại của vua Nghiêu và Thuấn là một trong những thời đại đầu tiên của dân tộc Trung Hoa. Xã hội vào thời bấy giờ vẫn là một xã hội bán khai, theo thể chế bộ lạc-tù trưởng. Việc chép sử ở thời ấy chưa phổ biến, nên nhiều điều chúng ta nghe được về thời Nghiêu Thuấn thực chất chỉ là truyền thuyết, không phải là những gì được ghi chép trong sử sách chính thống. Khả năng người đời sau tưởng tượng, thêu dệt và tô điểm thêm cho thời đại này là khá lớn.
Việc Khổng Tử và các đồ đệ ca ngợi thời đại hoàng kim Nghiêu Thuấn như là mẫu mực lý tưởng nên được xem là một cố gắng của Khổng giáo nhằm tạo dựng một xã hội yên bình và chú trọng các giá trị đạo đức. Nhưng nếu đem những gì của truyền thuyết và xào nấu chúng thành một phần của lịch sử để từ đó chứng minh quan điểm của mình là đúng, chính là một hành động quá đà và có phần nào nói lên sự tuyệt vọng.
3. Các tư tưởng về dân chủ và tự do cho dù có thể đã từng tồn tại trong lịch sử Trung Hoa, nhưng chúng chưa bao giờ trở thành một phần của văn hóa Trung Hoa và chưa bao giờ được các thế lực chính trị bảo vệ:
Tôi không dám nói là chưa từng có một luồng triết học cổ vũ cho các giá trị dân chủ (hoặc gần như thế) trong lịch sử Trung Hoa tính từ thời lập quốc cho đến cuối triều Thanh, nhưng nếu có, rõ ràng những tư tưởng ấy đã không có chỗ đứng trong xã hội Trung Hoa và như thế, đã nhanh chóng bị lãng quên.
Sử sách chính thống từ thời Tần Thủy Hoàng cho thấy bàng bạc suốt chiều dài lịch sử vẫn là một Trung Hoa theo chế độ phong kiến của vua-dân, của kẻ cai trị-bị trị. Người dân Trung Hoa, nếu may mắn thì hưởng được một triều đại mà họ ít bị đàn áp và bóc lột hơn, còn không thì đành chịu - có chỉ trích và phản đối thì thường bị liệt vào thành phần phản loạn, cần loại trừ.
Để kết thúc, xin nói rõ là tôi trân trọng ông Yu Ying-shih cùng nhiều học giả chân chính khác về những nỗ lực của họ nhằm tách rời Khổng giáo ra khỏi loại “Khổng giáo đỏ” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ra sức tuyên truyền. Nhưng tôi không mấy đồng tình về lập luận của ông là Trung Hoa đã từng có dân chủ, vì thực tế là hoàn toàn ngược lại, lịch sử Trung Hoa chưa có một thời đại nào mà người dân được trải nghiệm qua dân chủ.
Hơn nữa, tôi cảm thấy dùng lập luận liên quan đến lịch sử này là không cần thiết. Để đánh gục những luận điệu dối trá nhằm bảo vệ “Khổng giáo đỏ”, những gì khác mà ông và các học giả khác vẫn đang làm (trong phạm vi chuyên môn của mình) đã là rất tốt.
Tôi đang nghĩ, nếu rất muốn nói về lịch sử thì có thể hỏi các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc là nguyên nhân gì mà đảng lại ra sức chà đạp và phá nát hình tượng của Khổng Tử cũng như Khổng giáo trong cuộc Cách mạng Văn hóa thập niên 60 thế kỷ trước? Tin chắc đây là một câu hỏi mà chẳng ai trong đám đồ đệ của Khổng giáo đỏ muốn trả lời.
Và nhắc Cách mạng Văn hóa thì lại nhớ đến Mao Trạch Đông. Mao từng cảnh báo về hậu quả khôn lường của việc truyền bá Khổng giáo. Trong một cuộc nói chuyện với người cháu trai của mình, Mao nhấn mạnh: “Nếu Đảng Cộng sản (Trung Quốc) phải dùng Khổng Tử như là một cứu cánh trong lúc họ đang phải đối diện với muôn ngàn khó khăn và trong lúc người ta hoài nghi về sự cai trị của họ, đó chính là lúc Đảng Cộng sản (Trung Quốc) đã đến đường cùng!”.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...