THƯA THÀY, TÔI CHẲNG ĂN NÓI HỒ ĐỒ!

Thứ sáu - 01/06/2007 12:39

Thật sự mà nói, bài viết "Học kiểu Ta thi kiểu Tây" của tôi chỉ viết trong blog cá nhân nhằm chia sẻ sự cảm thông và khích lệ các bạn thí sinh lớp 12 đi thi, không có ý định in báo, nên tôi không lấy những dẫn chứng cụ thể. Nhưng báo NCTG có ý đăng nên tôi cũng "ham vui" đồng ý.

Khi đọc bài "Xin đừng hồ đồ" của tác giả Nguyễn Tuệ Anh phản hồi bài viết của tôi, tôi rất vui. Thì ra một bài viết nho nhỏ, vui vui không chỉ khiến các sĩ tử thích thú, mà còn được cả một người “tầm cỡ” như tác giả quan tâm đọc và còn có ý kiến. Đọc bài viết, biết tác giả là một nhà giáo, “một giảng viên từng tham gia vào công tác huấn luyện giáo viên PTTH và PTCS trên cả nước về hình thức kiểm tra đánh giá này từ những ngày đầu tiên (năm 2005)", xin cám ơn tác giả và trong bài viết này, vì lý do trên, xin phép gọi tác giả bằng "thày".

1. Tôi vốn là người rất tôn kính và chẳng bao giờ có ý định nói gì xúc phạm đến các thày cô giáo. Ngược lại, tôi rất thông cảm với các nhà giáo Việt Nam, công sức bỏ ra nhiều mà tiền lương lại quá thấp (có khi còn bị nợ nhiều tháng), rồi học sinh bây giờ càng ngày càng "khó dạy". Đọc phát biểu của một lãnh đạo Bộ Giáo dục "đến năm 2020, các nhà giáo mới có thể sông bằng lương của mình được", thật đau lòng! Gần đây, trước tin tức một số nhà giáo sử dụng bạo hành trong trường học, tôi rất thương các em bé bất hạnh và căm ghét những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng tôi không "vơ đũa cả nắm".

Vài dòng để “minh định lập trường” trước khi vào đề!

2. Tôi cũng trải qua 10 năm học PT do các nhà giáo Việt Nam dạy, 5 năm đại học do các nhà giáo Đông Âu dạy và 2 tháng học dự bị thạc sĩ tại trường AIT (Thái Lan) do các nhà giáo Anh - Mỹ dạy, vì thế tôi không đến nỗi có “một cái nhìn thiếu hiểu biết về hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan mà tác giả gọi là "thi kiểu TÂY", coi đó là một hình thức kiểm tra đánh giá ưu việt đến mức không thể dùng cho học sinh Việt Nam vốn quen "học kiểu TA", nghĩa là "bị nhồi nhét các chương trình rặt lý thuyết, ít thực hành" suốt 12 năm trời”, nhu thày khẳng định.

Chắc thày cũng biết, học theo phương pháp của TA nghĩa là thày trên bảng giảng bài, học sinh ghi chép và về nhà học thuộc bài thuộc. Ai chăm chỉ thì còn hiểu bài, chứ không thì "chữ thày giả thày" ngay. Học sinh chúng ta qua nhiều thế hệ đã quen kiểu "học gạo", mấy khi được thực hành, lại chẳng bao giờ có thảo luận xem ý kiến học sinh ra sao? Cái câu "Học đi đôi với hành" vẫn chỉ là khẩu hiệu mà thôi. Thế nên các em học xong đại học của nước ta rất khó xin việc làm. Vì "học vẹt", thiên về lý thuyết nhiều nên học sinh mới phải có phong trào quay cóp, làm “phao” rồi đủ mọi tiêu cực trong phòng thi.

Còn học và dạy theo kiểu TÂY là phương pháp giáo dục của các nước tiên tiến: trên lớp, giáo viên là người nêu vấn đề cho từng nhóm thảo luận, tranh cãi đúng sai, chiều về nhà mỗi học sinh tự lấy sách, tìm tài liệu đọc và làm bài luận. Hôm sau đến giáo viên sẽ cho đáp án đúng sai, ai chưa hiểu thì thày giảng. Học như vậy, học sinh rất tự chủ, độc lập và tự tin vào bản thân mình, ngoài ra còn thời gian nghỉ ngơi, chơi thể thao, chơi nhạc, v.v... Sau mỗi phần đều có thi trắc nghiệm, có hiểu vấn đề thì mới đánh dấu vào đó đúng được.

Tôi không phản đối kiểu thi trắc nghiệm dùng cho học sinh ta, thậm chí tôi còn ủng hộ nhiệt tình. Nhưng theo thiển ý của tôi, các thày làm ngược rồi. Trước khi sử dụng cách thi trắc nghiệm, các thày phải cải tổ phương pháp dạy và học như các nước có nền giáo dục tiên tiến đã bắt đầu từ bậc tiểu học, rồi trung học, đại học. Bộ Giáo dục bỏ ra "2 năm để huấn luyện giáo viên trong cả nước về hình thức kiểm tra đánh giá này" là một việc làm bắt đầu TỪ NGỌN chứ không phải TỪ GỐC.

Một nhóm giám thị và thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo thể thức trắc nghiệm - Ảnh: Phạm Yên ("Tiền Phong")

3. Thày "khẳng định không thể có chuyện sau 2 năm thực thi, với bao nhiêu sự chuẩn bị và đào tạo cũng như bao nhiêu kỳ thi thử mà giáo viên vẫn "lúng túng" và học sinh vẫn "SỐC" được".

Vậy thì tôi xin nói với thày rằng, nhận định trên không phải do tôi HỒ ĐỒ "sáng tác" ra; đơn thuần tôi chỉ dùng từ ngữ báo chí viết thôi. Xin đơn cử vài ví dụ (tất cả đều đăng trên báo “Tuổi Trẻ”):

- Bài "Cần Thơ - Huế: Những đề thi học kỳ II gây... sốc!" (ngày 10-5-2007): “Tại Cần Thơ là đề thi môn văn lớp 9, tại Huế là đề thi môn lịch sử lớp 12. Hai đề thi sau khi được phát ra cho thí sinh đều khiến nhiều giáo viên... BÀNG HOÀNG!

Bài còn dùng rất nhiều từ “ấn tượng” để tả phản ứng của các thày cô về đề thi như "ngỡ ngàng”, “ngẩn ngơ”, “bức xúc"... Một giảng viên đại học bộ môn Ngữ văn nhận xét về đề trắc nghiệm Văn: "Trong thi trắc nghiệm thì có thể ra đề theo kiểu đánh đố, làm “nhiễu” thông tin thí sinh, nhưng không nên đưa ra những câu vô nghĩa, không đầu không đuôi trong đáp án". Một giáo viên khác thì nhận xét về đề trắc nghiệm Sử: “Người ra đề đã không hiểu được sự khác nhau giữa “chiến thắng” và “chiến dịch”.

Rốt cục, một vị phó giám đốc Sở Giáo dục (Thừa Thiên - Huế) đã phải thừa nhận là "sai sót là có, trước hết là từ các chuyên viên ra đề". Mà chắc chắn các chuyên viên ra đề phải được đào tạo kỹ càng 2 năm như thày nói chứ?

- Bài "Trắc nghiệm môn văn, cẩn thận" (ngày 16-5-2007), xin trích: "... việc làm này [thi trắc nghiệm] cần phải hết sức cẩn trọng và cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Không như vậy, trắc nghiệm môn học này sẽ rất hài hước và... kỳ cục! Điểm qua một vài đề thi của các cơ sở giáo dục, một vài cuốn sách tham khảo... trong chiều hướng chuẩn bị thi trắc nghiệm cho học sinh, ngoài phần tự luận, đã xuất hiện một vài kiểu trắc nghiệm ngớ ngẩn, lạ kỳ, vô bổ. [...] ...ở môn văn, đổi mới bằng những câu trắc nghiệm kỳ lạ như thế thì quả thật đó là một sự đổi mới góp phần giết chết môn học. [...] Đã đến lúc cần cảnh tỉnh, dè chừng những kiểu trắc nghiệm lạ lùng, thô thiển như vậy. [...] Cần phải làm trước khi quá muộn".

- Bài "Cho cả thày lẫn trò" (ngày 22-5-2007) nhận xét: "Thi trắc nghiệm thường kẻo theo một loạt những rắc rối, khó khăn hơn nhiều so với tự luận, từ khâu ra đề cho đến sao in, giám thị... vì vậy mới có chuyện thi thử tổ chức như thật ít nhiều cũng tốn kém thời gian, tiền bạc, lại tạo dư luận không hay nếu thiếu sót".

Thế mà thày cho rằng: "Về công tác chuẩn bị, khi quyết định dùng hình thức thi này, Cục Khảo thí và Bộ GD & ĐT đã tổ chức rất nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ nguồn của các Sở GD trong cả nước để họ tập huấn lại cho giáo viên của Sở mình về cách thức ra đề. [...] Ở nhiều trường PTTH, từ hai năm nay giáo viên đã cho học sinh làm quen với hình thức thi cử này. Cộng với rất nhiều đợt thi thử của Bộ, các buổi giao lưu trực tuyến với Cục Khảo thí, và sự có mặt của thị trường sách hướng dẫn kiểm tra trắc nghiệm khách quan đa dạng, cập nhật, tôi tin đó là sự chuẩn bị tốt. Thậm chí là quá tốt đến mức tôi e ngại về sự tác động ngược của nó (washback) lên quá trình dạy và học, nghĩa là có khả năng giáo viên và học sinh không tập trung vào cải thiện chất lượng dạy và học mà chỉ lo ôn luyện để đối phó với thi cử”!

4. Thày viết như sau khi tôi tỏ ý lo âu về sự gian lận có thể có trong kỳ thi: “... gian lận trong hình thức kiểm tra này hầu như là không thể. Vì mỗi em sẽ có một mã đề riêng. Nghĩa là cùng một đề thi nhưng thứ tự các câu hỏi, thậm chí thứ tự các sự lựa chọn (options) trong một câu hỏi được máy tính sắp xếp khác nhau, nên hai em ngồi cạnh nhau không thể nhìn bài và trao đổi. [...] Ngoài việc tiết kiệm được nhân lực và thời gian, cách chấm thi này còn hạn chế gian lận, một vấn nạn giáo dục hiện nay của chúng ta, vì nó hạn chế tối đa sự tham gia của con người. [...] [Sự gian lận theo cách “giám thị sẽ chấm mờ mờ vào bài thi để "gà bài" cho học sinh”] chỉ có thể xảy ra ở các kỳ thi hết học kỳ chứ không thể xảy ra ở những kỳ thi lớn như tốt nghiệp PTTH, khi mà đề thi được đưa xuống từ Bộ, có niêm phong đàng hoàng...

Tôi rất ngạc nhiên vì thày viết bài này trong những ngày cuối của kỳ thi PTTH; không rõ thày có xem TV, có đọc báo không mà thày còn khuyên tôi "mong rằng tác giả sẽ thận trọng hơn khi đưa ra nhận định của mình nơi công cộng" và xin tôi "đừng hồ đồ"?

Thầy hãy xem báo “Tuổi Trẻ” ngày 1-6-2007, bài viết đầu đề "Số thí sinh bị đình chỉ thi tăng vọt", trong đó nhiều chuyện buồn cười lắm: "Chọn kết quả bằng cách xin... xăm (!)"; "Sóc Trăng: người bán “phao” là giáo viên"; “Phao”: Hà Tây đã nguội..." (một phần, vì sự có mặt và "phong tỏa" vòng trong vòng ngoài của các "chiến sĩ công an huyện và tỉnh Hà Tây cùng lực lượng dân phòng" bên bức tường cao 4 mét!); "Bị bắt hết “phao”, bỏ giấy trắng!"; "Giám thị lại bị đình chỉ!", v.v...

Cũng ngày 1-6-2007, trên báo “Tiền Phong” có cái tít to đùng thày ơi: "Tổ chức giải bài ngay trong Hội đồng thi", kể về một nhóm người, trong đó có giám thị, ngồi giải và in sao bài giải ngay trong Phòng y tế của Hội đồng thi. Xem trên vô tuyến, thấy họ chẳng cần chấm mờ mờ đâu, mà chấm bằng mực đỏ và ngoài lề còn chú thích vài dòng cho các thí sinh khỏi lẫn! Còn những cái tít rất buồn cười nữa: "Quảng Nam: thí sinh nuốt tài liệu, đốt xe và ném tài liệu ra ngoài"; "Lâm Đồng: một hội đồng thi bị đe dọa vì đình chỉ thí sinh vi phạm"; "Đắc Lắc: 4 giám thị bị kỷ luật", v.v...

Tôi chỉ viết ở đây các tít lớn nhỏ, nếu sợ tôi nói không chính xác thày có thể tự tìm xem.

5. Ngần đấy ví dụ cũng đủ thấy tôi không nói HỒ ĐỒ rồi chứ ạ? Biết thày bỏ bao tâm huyết vào việc thi mới mẻ này, nhưng lại bị bọn thí sinh và các giám thị phạm quy làm cho thất vọng thì tôi cũng chả biết an ủi thày ra sao?

Hải Âu, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn