DÂN TA RẤT THÍCH... VUI CƯỜI

Thứ tư - 18/07/2007 06:35

Khi tôi bắt đầu gia nhập vào hàng ngũ chuyên nghiệp những người viết văn, viết báo, tôi đã suy nghĩ: "Mình chọn phong cách viết nào đây?"

"... học cách "chửi" của Chí Phèo, có thể chửi cả làng Vũ Đại mà không ai thấy chạnh lòng cả vì ai cũng nghĩ "nó chửi thằng khác chứ không chửi mình!" - Tranh "Chí Phèo Thị Nở" của họa sĩ Thành Chương

1. Đã đành phải là người có năng khiếu văn chương thì mới viết truyện được, nhưng muốn viết báo thì bạn lại phải phản ánh thực tế cuộc sống. Nhưng phản ánh thế nào thì bài mới được đăng đây? Viết ca ngợi phong trào, cá nhân nào đó thì dễ rồi, nhưng viết để giáo dục, để chê bai những người xấu, việc xấu thì phải làm sao đây? Động chạm đến cá nhân nào cũng coi chừng... bị kiện.

Tôi còn nhớ dạo mới vào nghề báo, tôi đã bị kiện vài lần:

- Trong một bài có tâm sự của một người vợ có chồng là trung tá quân đội, ông ta vào miền Nam công tác và bỏ mặc vợ và các con ở quê, cưới một cô vợ trẻ và có con với cô ta. Khi bà vợ tìm tận nơi mới biết, nhưng kiện ai đây vì chồng cũng chính là thủ trưởng?! Bà vợ "chính thất" tìm đến báo nhờ kiện hộ.

- Lần khác tôi động đến người của ngành Hải quan.

- Rồi động đến một ông giáo sư đáng kính của trường đại học danh tiếng...

Họ kéo cả công đoàn, Ban tổ chức, v.v... đến kiện người viết. Tất nhiên chúng tôi có "nhân chứng", "vật chứng" đầy đủ nên rốt cục họ phải xin lỗi, nếu không muốn chúng tôi làm to chuyện hơn nữa. Sau lần đó, các "cây bút lâu năm" dạy tôi: đừng nêu tên thật, nơi công tác, chức vụ của những người ấy! Hãy viết là ông X., bà Y., làm ở trường R., vùng K... thì vẫn nêu được vấn đề mà sẽ chẳng ai kiện đâu!

Thật là chí lý và hiệu quả rõ ràng! Từ đó tôi không bị kiện nữa, đỡ rắc rối nhiều lắm!

Nhưng mà rất nhiều chuyện mà tôi thấy cần phải nói lên sự tiêu cực, tồi tệ của cá nhân, tập thể nào đó thì viết thế nào mới được chấp nhận đây? Thời đó, báo chí chưa đổi mới như bây giờ đâu, nên tôi đã "vái vọng" nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nam Cao và Lỗ Tấn làm sư phụ.

Tôi học cách viết truyện trào phúng của cụ Hoan.

Tôi học cách "chửi" của Chí Phèo, có thể chửi cả làng Vũ Đại mà không ai thấy chạnh lòng cả vì ai cũng nghĩ "nó chửi thằng khác chứ không chửi mình!"

Còn ai mà không hài lòng về tôi, có "chửi" tôi đi chăng nữa thì tôi sẽ như AQ thầm nghĩ: "Nó chửi mình cũng như nó chửi cụ tổ nó".

Thế là từ đó tôi yên ổn làm ăn, viết bài được báo in tới tấp, ngoài "bổn báo" nơi tôi làm việc thì các báo khác cũng đến mời viết bài nữa chứ (tôi viết cho hầu hết các báo trung ương, địa phương ở Hà Nội). Hay nhất là sau đó, các nhà xuất bản lại còn xin tôi tập trung các bài viết lại lại để in sách (cũng xuất bản mấy cuốn rồi).

Tôi nghiệm ra: không có bộ ngành nào là tôi chưa nhắc đến tên, nhưng chẳng ai kiện cáo gì.

2. Tôi đang sống yên ổn với văn chương, báo chí của tôi thì bỗng ngày 21-6 năm nay, trong màn chúc tụng lẫn nhau, tôi nhận được một cái e-mail nội dung như sau từ một đồng nghiệp xa nhà đã lâu: "Bạn thân mến, nếu không có thư của bạn thì mình không biết là Việt Nam có Ngày nhà báo. Có lẽ ở Việt Nam đốn hết tre gỗ rồi nên giấy báo mỏng quá, "nhà báo"thật mong manh... Vậy nhân Ngày nhà báo của bạn, mình mong có ai sáng chế được loại công nghệ mới nào đó giúp "nhà báo" được chân cứng đá mềm, mạnh mẽ hơn để thành "đệ tứ quyền" như người ta vẫn gọi rừng báo như thế!"

Tôi rất tức vì bạn đồng nghiệp này xa quê lâu quá đâm lạc hậu, báo chí của ta bây giờ lớn mạnh, hùng hậu 800 đầu báo lận mà dám chê là mong manh? Nhờ các báo đấu tranh, phanh phui ra rất nhiều vụ "tầy đình" của vài "cụ" tham nhũng đấy thôi, dám chỉ đích danh vài ông cấp hàm bộ trưởng, cấp tá trong quân đội và cả trong công an chứ bộ. Còn các vụ làm ăn gian dối trong kinh doanh hay các vụ thực phẩm đầu độc các "thượng đế", các vụ "chăm sóc sức khỏe" của nhân dân bằng tăng giá thuốc vô tội vạ, tiêm thế nào mà mấy nghìn em thiếu niên bị "sã tay" (hay là gọi theo chuyện môn là "cánh cụp cánh xòe"). Ngành giáo dục thì bệnh thành tích, bệnh gian lận trong thi cử, cải cách bao bận mà... các em học sinh lớp 6 còn... mù chữ, sách giáo khoa thì mỗi năm thay đổi một lần để học sinh phải mua. Rồi ô nhiễm môi trường, phá rừng lấy gỗ chuyển ra nước ngoài thành mặt hàng... lưới xơ dừa, nhập rác phế thải về nước. Giao thông thì tai nạn khiến dân bị thương vong, tử nạn có con số đứng đầu. Xây dựng thì vô tội vạ, nhà chồng thêm vài tầng, nhà thì mỏng dẹp như bao diêm. Đất đai thì lấy chia nhau làm ngoại giao. Nông nghiệp thì dân thi nhau bán ruộng để... chờ được chia thêm đất mới. Chính quyền sở tại ký giấy cho dân "khai thác" cáp quang trên biển hoặc cho dân đốt rừng làm rẫy...

Còn nhiều tệ nạn nữa không thể kể hết được, đều là do báo chí lên tiếng kéo các bộ các ngành phải xử lý đấy chứ?!

Tức khí, tôi liền viết "chơi" một bài về vấn đề tiêu cực của dân ta. Không ngờ, có người thích, đăng trên một tờ báo mạng, thế là hôm sau tôi vừa đến tòa soạn đã có người chúc mừng:

- Cậu viết thật là sắc sảo!

Nhưng người khác thì lo âu:

- Nói phản động thế thì có ngày bị bắt đấy!

Tôi thanh minh :

- Tôi viết đúng sự thực mà báo chí đưa nhan nhản chứ có phải tôi bịa ra đâu?

- Nhưng mà cậu lại tổng kết hết vào một bài ghê quá, thế thì bằng bôi xấu người Việt à? Rồi cậu lại bảo cậu chưa thể tự hào là người Việt được, thế không phải phản động là gì?

Cũng có người bênh tôi:

- Viết như thế thì báo "Tuổi Trẻ Cười", "Làng Cười" người ta còn nói mạnh hơn ấy chứ! Có sao nào mà phải dọa nhau!

Người dọa "bắt tôi" nói:

- Thì báo người ta là báo trào phúng, có chữ "Cười" đằng sau, người ta muốn nói gì thì nói và độc giả muốn nghĩ gì thì nghĩ. Chứ đằng này cậu lại nói nghiêm túc thế ai chả nghĩ là sự thật!

"... có chữ "Cười" đằng sau, người ta muốn nói gì thì nói và độc giả muốn nghĩ gì thì nghĩ"

À, thì ra tại tờ báo mạng nọ, anh đồng nghiệp đăng bài tôi không thêm vào mấy chữ dưới tít bài của tôi như mọi khi tôi vẫn làm. Đại loại, nếu đề "Chuyện hài hước" hay "Truyện vui", thì sẽ chẳng ai còn bắt bẻ tôi nữa vì nó đã sang thể "sáng tác văn chương" rồi.

Thế là bạn tôi đã hại tôi!

Hải Âu, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn