KHÔNG DỐT VÌ QUÁ DỐT

Thứ tư - 10/10/2007 05:58

Đi xem “Cây Sáo Thần” công diễn lại, chúng tôi hân hạnh được là hai trong số... hai chục khán giả Việt Nam có mặt trong Nhà Hát Lớn tối hôm đó. Hai chục là làm tròn, thật ra tôi đếm được có 14 người “có vẻ Việt” trên cả ba tầng, còn lại khán phòng Nhà Hát Nhớn đêm ấy tinh Tây là Tây. Giờ nghỉ giải lao, trước mắt tôi không còn một bóng Việt.

"Cây Sáo Thần" của Mozart tại Việt Nam - Ảnh: "VietNamNet"

Cay nhất là lúc nhân vật Papageno chạy từ dưới ghế của khán giả lên sân khấu: Đèn bật sáng chiếu vào Papageno đang lom khom chạy lên, chiếu rõ mồn một luôn cả một nữ khán giả Việt Nam cũng đang lom khom chạy ngược chiều với Papageno để ra cửa exit. "Mụ" người Pháp (chắc thế) ngồi cạnh tôi nhìn thấy hình ảnh ấy bèn cười lên rinh rích.

Tuy thế, khán giả rặt là Tây thì cũng có cái hay: khi vở diễn kết thúc, họ cũng biết vỗ tay và huýt sáo tương đối lâu rồi mới ra về.

*

Không trách khán giả Việt Nam được, không bao giờ trách được. Trong mọi tình huống, thú vị nhất, sướng mồm nhất vẫn là đổ tiệt lỗi cho nền giáo dục của ta, nói sâu xa là do xã hội, nói sâu sắc là do cơ chế. Có bao giờ chúng ta được thưởng thức những tiết học âm nhạc mà làm chúng ta muốn đàn, muốn hát đến độ “đá cũng phải nhảy lên”? Có bao giờ trong tiết họa, chúng ta bị thôi thúc phải cầm lấy cọ vẽ và bảng màu đến độ không vẽ không chịu nổi? Đã giáo viên nào làm cho chúng ta hiểu được, dù chỉ rất mơ hồ, về cái đẹp - cái đẹp của âm nhạc, của vật lý, của toán học, của ngôn ngữ?

Không trách khán giả được. Câu chuyện về “taste of beauty” (không biết nên dịch sang tiếng Việt là gì - thị hiếu, hay khiếu thưởng thức?) đã làm khổ chúng tôi trong rất nhiều trường hợp. Có những lúc bị đẩy vào thế phải quyết định: “Như thế có phải là hay, là đẹp không?”, tôi cảm thấy thật sự lúng túng. Còn nhớ hôm đi làm phóng sự về “lần đầu tiên công diễn "Cây Sáo Thần" ở Việt Nam”, tôi nhận yêu cầu đi quay đột ngột từ sếp. Anh biết tôi đã học guitar cổ điển và luôn tỏ ra là người thích âm nhạc, nhưng không hiểu sếp có biết lúc đó trong tôi có một nỗi sợ không? Sợ - sợ không hiểu gì, không thấy hay, không cảm nhận nổi cái đẹp của opera, không biết phải nói gì trong 5 phút phóng sự. Kinh nhất là khi không biết mà vẫn phải viết, phải nói về nó, phóng viên rất có nguy cơ tán nhảm.

Một nhà báo nước ngoài mà nghe tôi thú nhận “gần 30 tuổi mới lần đầu tiên đi xem/ nghe opera”, chắc phải thấy sửng sốt hoặc thương hại lắm. Không kịp ăn tối, chỉ còn nửa giờ để đi xe từ cơ quan lên Nhà Hát Lớn, tôi vừa nói chuyện với cậu quay phim (cái đó gọi là “trao đổi công việc”), vừa cố trấn tĩnh, không để cậu biết mình đang run (vì đói quá, và vì sợ).

- Lát nữa quay cho chị, em cố… cố… (nghĩ một lúc không biết diễn đạt ra sao)… Nếu cắt cảnh, đừng có cắt lúc bọn nó đang ngân “o, o, o” nhé. Chờ nó ngân hết câu hãy cắt.

- Được rồi, chị.

- À, với lại… nghe bảo là vở này đầu tư công phu lắm, lát nữa đặc tả giúp chị mấy cái trang phục, thiết kế sân khấu của nó. Kim tuyến, lông chim gì cũng được.

Thực tế không như thế, trang phục của các diễn viên trong vở opera này rất đỗi bình thường. Thiết kế sân khấu thì chắc chắn là khá nhất từ ngày đình chiến đến nay, đơn giản vì đây là vở opera đầu tiên trên sân khấu Việt Nam kể từ hồi đó tới giờ. Phần âm nhạc, cụ Mozart sáng tác nói chung dễ nghe nên tôi cũng thấy... phê phê là. May đấy, chứ cụ mà lại “táng” toàn những giai điệu kiểu như bản "Adagio" của Handel thì chắc là người phóng viên trong tôi cũng phải bật khóc.

Tôi - gần ba xịch, học guitar cổ điển 5 năm (khoe thô tí), từng được (hay bị) giao viết về văn hóa nhiều lần - mà còn xôi thịt thế, lấy tư cách gì mà chê những khán giả trẻ măng, tóc nhuộm vàng xuộm, miệng hát ngân nga: “Không đau vì quá đau”, “ngay cả bạn của anh em cũng không chừa”… Tôi không trách phóng viên đã nhiệt tình phê bình: “Hát opera mà không dùng micro, tệ quá, khán giả sao mà nghe được”. Một phóng viên khác lại viết: “Tiếp sau đợt công diễn ở Hà Nội, đoàn sẽ đưa "Cây Sáo Thần" đến với công chúng tại khắp các tỉnh thành trong cả nước”.

Đấy là lần công diễn đầu. Đến lần hai thì không còn một bóng báo, đài nào trong nhà hát, số khán giả Việt Nam lên tới những gần hai chục, làm tôi có lúc cứ tưởng như mình đang ở trong một dạ hội phương Tây.

Và cả bây giờ nữa. Mỗi khi buộc phải ra quyết định “như thế có phải là hay là đẹp không?”, chúng tôi lại lúng túng, khổ sở. Bởi vì chúng tôi không biết. Chúng tôi không ở trong một môi trường có thẩm mỹ hoặc được hướng dẫn về thẩm mỹ, thẩm âm, thẩm vân vân… Chúng tôi chỉ có thể phán một cách rất cảm tính “thích cái này, he he”, “không thích cái kia, hix hix…”, hoặc trừu tượng hơn một chút thì “well, trông nó (bức tranh chẳng hạn) có cái gì đó chưa ổn, hơi thiếu tính liên kết”. (Các nhà báo kiêm phê bình nghệ thuật là vô địch về những kiểu nhận xét như thế). Đôi khi tôi muốn kêu lên: “Tôi không thể viết được, vì tôi chẳng hiểu cái quái gì cả. Tôi không quyết định được, vì tôi mù tịt và tôi ghét nói phét! Nhưng đó có hoàn toàn là lỗi của CHÚNG TÔI không?

Thiếu tính liên kết! Phải nói là rất thiếu tính liên kết!

Đoan Trang, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn