ÔNG NÀO LÀ ÔNG NÀO?

Chủ nhật - 23/09/2007 10:21

(NCTG) Chuyện "tên người, ta cứ phiên" tùy tiện của báo chí Việt Nam, dĩ nhiên, không mới.

Tchekhov, Sê-khốp, Trê-khốp, Sêkhov, Tsêkhốp, Sekhop, Trekhov, Sekhov, Tsêkhop, Tsekhov...: ông là ai?

Cách đây mấy năm, anh Lê Quốc Minh - người sáng lập Diễn đàn nghiệp vụ Báo chí Việt Nam (là một forum bổ ích không chỉ đối với dân báo chí, viết lách, mà có lẽ bất cứ ai muốn sử dụng tiếng Việt một cách trong sáng trong văn viết cũng rất nên tham khảo) - đã có ý kiến ngắn sau:

"Phiên âm thế nào?

Phiên âm tên riêng nước ngoài đúng là chuyện nan giải. Chỉ riêng việc phiên âm hay không phiên âm đã đủ cãi nhau suốt ngày.

Nhưng đã quyết định trong nội bộ là phải phiên âm thì cũng nên có tiêu chuẩn tương đối nào đó. Ngay như các tên riêng, mỗi phân xã viết một kiểu, “hổng” biết đường nào mà lần, lúc thì Tanzani, lúc thì Tanzania, rồi lại Tandania.

Ngay cả tên riêng để nguyên cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Đố biết ông Yeltsin có phải là bố ông Eltsine không đấy?"

Chắc bất cứ ai có đọc qua báo chí tại Việt Nam cũng dễ nhận ra "bất cập" này. Ở nước ngoài, chuyện phiên âm thường phải do Viện Hàn lâm - hoặc các cơ quan ngôn ngữ chức năng - quy định, chứ không có chuyện thích viết sao "cho sướng", "cho tiện", thì viết. Mà những quy định ấy thường là bền vững và có cơ sở về ngôn ngữ học và khoa học, chứ không thể "cải cách" luôn luôn theo ý thích "thường nhật" của một số vị chức sắc trong ngành.

Ở ta thì khác, rất... ba vạ! Các báo "cấp tiến", hơn một thập niên nay, thường để nguyên tên riêng nước ngoài, tuy nhiên cũng không thống nhất là để theo tiếng... nước gì. Còn báo đảng thì dường như vẫn chủ trương phiên kiểu cũ cho "dân" dễ đọc. Có điều, "dễ" thì chả biết có dễ không (mà khi đọc báo, có lẽ cái sự "văn tự" mới là quan trọng hơn cả chứ nhỉ, có nhất thiết phải... đọc to lên đâu), nhưng trông khá "phản cảm".

Liên quan đến nước Hung, các ông Kovács László (cựu ngoại trưởng Hung), Göncz Árpád (nguyên tổng thống Hung 1990-2000), hay bà Szili Katalin (chủ tịch Quốc hội Hung)... chắc sẽ phải đau đớn khi thấy tên mình bị "xuyên tạc" thành Cô-vát La-xlô, Guên-xơ A-rơ-pat, Xi-li Co-to-lin... Vậy vẫn còn đỡ. Tổng thống đương nhiệm Cộng hòa Hungary, ông Sólyom László, lúc thì bị biến thành Xô-li-ôm La-xơ-lô, lúc là Sôi-ôm La-xlô. Vị thủ tướng tai tiếng vì "nói thẳng, nói thật" Gyurcsány Ferenc thì phải "đương đầu" với những kiểu phiên "trời đánh": Phê-ren-xơ Gi-úc-xa-ni, Du-tran Phe-ren-xơ, v.v... Người biết tiếng Hung, cũng không chắc đã nhận ra, ai là ai

Ấy là trên báo chí. Trong sách văn học, tình hình cũng không khá khẩm hơn là mấy. Đơn cử: văn hào Nga Anton Chekhov, tác giả "Người đàn bà và con chó nhỏ", được coi là một trong ba nhà văn viết truyện ngắn hay nhất của mọi thời đại - cùng Guy de Maupassant (Pháp) và O. Henry (Mỹ) -, cũng khá "tam sao thất bản" trong sách Việt với (ít nhất) dăm bảy cách phiên (viết) rất tùy hứng: Tchekhov, Sê-khốp, Trê-khốp, Sêkhov, Tsêkhốp, Sekhop, Trekhov, Sekhov, Tsêkhop, Tsekhov...

Phải chăng, đã đến lúc, cần ra một cuốn "Ai là ai?" (theo kiểu "Who is who?" của Tây), để xem... ông nào là ông nào?

Hoàng Tuấn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn