TÂN TỔNG THỐNG NGA VÀ CHUYỆN TỰ DO BÁO CHÍ

Thứ bảy - 28/06/2008 23:01

Không cần phải đợi đến Đại hội đại biểu báo chí tiếng Nga toàn Thế giới lần thứ X (khai mạc ngày 11-6-2008 tại Moscow với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu đến từ 65 quốc gia), báo giới trong và ngoài nước Nga từ lâu đã hiểu rằng Dmitry Medvedev quan tâm đến các vấn đề của báo chí một cách khá sâu sắc và toàn diện.

Một dịp hiếm hoi khi "đời tư" của nguyên thủ quốc gia Nga được đưa lên mặt báo - phải chăng đây cũng là một biểu hiện của "tự do báo chí" tại Liên bang Nga? - Ảnh: cựu tổng thống Putin và "cô bồ", ngôi sao thể dục Alina Kabayeva, người mà theo những lời đồn thổi, sẽ được "Nga hoàng" Putin cưới sau khi ông bỏ vợ

Như đã biết, tháng 6-2006, trong khuôn khổ Đại hội báo chí Thế giới lần thứ 59, ông Medvedev từng có cuộc tiếp kiến bàn tròn với các ký giả quốc tế trên cương vị là phó thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga. Hai trong rất nhiều vấn đề được nói đến là Tự do ngôn luận ở nước Nga và khả năng ông Medvedev có thể trở thành người đứng đầu nước Nga vào năm 2008. Lần ấy, các nhà báo không nhận được câu trả lời trực tiếp của ông.

Tròn hai năm trôi qua. Đến giờ, lời đáp cho cả hai câu hỏi ấy đã rõ ràng, thậm chí còn rất đanh thép. Trên cương vị tân tổng thống của nước Nga, gần đây, Dmitry Medevedev đã nhiều lần phát biểu thẳng thắn ý kiến của ông về những vấn đề của báo chí, về tự do ngôn luận và chất lượng thông tin, cũng như đưa ra những cam kết về sự ủng hộ của chính phủ đối với giới truyền thông đại chúng.

Hẳn chúng ta còn nhớ, ngày 25-4 vừa qua, Duma Quốc gia Nga thông qua việc sửa đổi Dự luật Báo chí trong lần thảo luận thứ nhất. Việc sửa đổi nhằm vào khả năng có thể đình bản tờ báo trong trường hợp có dấu hiệu tung tin vu khống, sai lệch về cá nhân, làm ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của cá nhân đó. Sửa đổi này do ông Robert Shelgel, thành viên Đảng Nước Nga thống nhất đề xuất. Việc này được đưa ra sau khi tờ “Moskovsky korrespondent” tung tin thất thiệt về việc ly dị và “đám cưới” của Vladimir Putin, khiến báo chí phương Tây đồng loạt có những bình luận khá tiêu cực về tự do báo chí ở Nga nói riêng và nền dân chủ ở nước này nói chung.

Thế nhưng, với quyết định của tân tổng thống Medvedev, dự luật về việc sửa đổi nói trên đã được dừng lại ở “lần thảo luận thứ nhất”, và thậm chí Ban luật Quốc gia của Văn phòng Tổng thống còn gửi một công văn khiển trách việc thông qua dự luật ấy dù mới ở lần thảo luận thứ nhất, rằng các ông nghị đã nhầm lẫn Luật Báo chí với Luật Hình sự!

Ngày 3-6, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn RIA, thư ký Hội Nhà báo Nga Mikhail Phedotov đã nhận định rằng đó là một dấu hiệu về “sự thay đổi đang diễn ra trên nước Nga cùng sự xuất hiện của tân tổng thống”. Ngoài dấu hiệu “nhỏ” ấy, các ký giả đều chú ý đến một loạt các dấu hiệu lớn khác có ý nghĩa phản ánh quan điểm của tổng thống trong chính sách đối với báo chí nước nhà.

Đó là cuộc gặp gỡ giữa ông Medvedev và chủ tịch Hội Nhà báo Nga Vsevolod Bogdanov, việc ông tiếp nhận mọi yêu cầu và đề xuất của Hội về việc hoàn chỉnh luật về các phương tiện thông tin đại chúng.

Đó là lời phát biểu của Medvedev trong chuyến công du tại Đức vừa qua về việc phải bảo vệ quyền tự do báo chí, coi đó là điều tối quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quan trọng hơn nữa là việc đảm bảo gìn giữ được các giá trị đạo đức và văn hóa trong một không gian thông tin rộng lớn mà công nghệ truyền thông đang đạt đến. Ông nhắc đến sự phát triển của báo mạng bên cạnh báo giấy và báo hình. Ông đồng thời hứa, chính phủ sẽ tiến hành điều tra đến cùng, không khoan nhượng, mọi sự vụ liên quan đến việc nhà báo bị đe dọa và sát hại, kể cả các vụ án xảy ra đã lâu. Theo thống kê của tổ chức Phóng viên không biên giới, từ năm 2000 đến 2007, ở nước Nga đã có 21 nhà báo bị sát hại. Gần đây nhất là bình luận viên của tờ “Báo mới” (Novaya Gazeta) – nữ nhà báo gần 50 tuổi Anna Politkovskaya (10-2007), phóng viên kênh truyền hình ORT Ilia Shurpaev và chủ tịch công ty phát thanh truyền hình “Daghestan” Gadzhi Abashilov (3-2008).

Và đó còn là sự góp mặt góp lời rất nhiệt tình của tổng thống Medvedev trong diễn đàn của Đại hội đại biểu báo chí tiếng Nga toàn Thế giới lần thứ X vừa diễn ra trong ba ngày vừa qua. Ông Medvedev hứa sẽ ủng hộ và bảo vệ sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Nga ở tầm quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền tiếng Nga, văn hóa Nga với thế giới. Cần nói thêm là trên thế giới hiện có hơn ba ngàn tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình… dùng tiếng Nga.

Và cuối cùng, tổng thống đánh giá cao sự chuyên nghiệp của các nhà báo Nga nói chung và lại một lần nữa đả động đến vấn đề tự do báo chí.

Có thể nói, hai chữ “tự do” gần đây thường vang lên trong các bài phát biểu của tổng thống Nga nhanh chóng được nhiều nhà bình luận đánh giá là sự chuyển biến tích cực trong tiến trình xây dựng nền dân chủ ở nước Nga. Nếu Vladimir Putin từng coi sự tự do của cá nhân phụ thuộc nhiều vào sự lớn mạnh của đất nước với câu nói nổi tiếng của ông: “Quốc gia càng lớn mạnh, cá nhân càng tự do” thì Medvedev lại cho rằng nhiệm vụ của chính quyền là xây dựng được “một xã hội tự do và có trách nhiệm”, trong đó, tự do báo chí là một trong những khía cạnh được ông đặt lên hàng đầu.

Mạc Thủy, từ Liên bang Nga


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn