CUỘC CHIẾN GRUZIA: CÁI BẪY CỦA NƯỚC NGA?

Chủ nhật - 10/08/2008 15:52

(NCTG) Cuộc chiến Nga & Nam Ossetia - Gruzia (Georgia) diễn ra đúng lúc Thế vận hội Bắc Kinh mở màn, một thời điểm có thể coi là thích hợp nhất cho những "công việc nội bộ", khi cả thế giới đang chú tâm vào một sự kiện khác, hơn là để mắt đến cuộc nội chiến ở một vùng xa xôi.

Không quân Nga oanh tạc dữ dội Gori, thành phố phía Bắc của Gruzia, quê hương của Stalin - Ảnh: AFP

Báo chí Hung bình luận rằng, cho dù thoạt nhìn có thể nghĩ rằng Gruzia đã tự sát khi tấn công Nam Ossetia đang nằm dưới sự bảo hộ của Nga, nhưng kỳ thực, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã chuẩn bị từ lâu cho động thái này, họ đã làm mọi cách, có chủ đích, để khiêu khích Gruzia, đẩy Gruzia vào vòng chiến ở vùng Nam Ossetia.

Hãy nhìn lại những động thái đáng kể nhất trong vùng Caucasus từ 5 năm nay. Sau khi ông Mikhail Saakashvili và đồng minh lên nắm quyền trong cuộc Cách mạng Hoa hồng 2003 (thay tổng thống Gruzia - cựu ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze - người từng được coi là thân Nga, nhưng rồi cũng có nhiều vấn đề với điện Cẩm Linh), Gruzia đứng hẳn về phía Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu, tìm cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Những biểu hiện đầu tiên là việc xứ này gửi tới 2.000 quân nhân (một nỗ lực được coi là "quá sức" Gruzia) tham dự đội quân gìn giữ hòa bình tại Iraq và đệ đơn xin gia nhập Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

Mùa thu năm ngoái, đã rộ lên một phong trào toàn quốc nhằm lật đổ Saakashvili: tổng thống Gruzia cho rằng những cuộc đình công và biểu tình lớn này đều do các điệp viên Nga tổ chức. Dưới áp lực của phong trào này, những cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức, nhưng ông Saakashvili đã chiến thắng áp đảo. Theo nhiều nhà phân tích, những gì Moscow không đạt được trong cuộc bầu cử ấy, giờ, điện Cẩm Linh sẽ cố giành bằng vũ lực.

Tháng Tư năm nay, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest (Romania), Gruzia được nhận quy chế quan sát viên. Nước Nga lập tức có phản ứng rất hung hãn về kỳ Hội nghị này, dọa rằng nếu căn cứ NATO được thiết lập tại Ukraina (cũng là một nước được nhận quy chế quan sát viên), Nga sẽ lập tức mở cuộc tấn công. Điều này có nghĩa là Moscow đã đưa ra một thông điệp hết sức rõ ràng cho thế giới: ngoài vùng Baltic, Nga không để các nước Cộng hòa Xô-viết cũ lọt vào vòng ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây.

Đầu mùa xuân và mùa hạ 2008, Gruzia liên tiếp gửi những lời cầu cứu đến EU và Hoa Kỳ, rằng Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công tức thời nhằm vào xứ này. Tại các tỉnh ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, những lực lượng mang cái tên mỹ miều "gìn giữ hòa bình" của Nga cũng nhận được sự chi viện đáng kể: phòng không Gruzia phát hiện nhiều máy may do thám của Nga lọt vào không phận Gruzia. Tháng 5-2008, tại Bruxelles, thứ trưởng Ngoại giao Gruzia van nài giới lãnh đạo Phương Tây hãy bảo vệ họ, vì Liên bang Nga ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh.

Đúng vào ngày Dmitry Medvedev đăng quang tổng thống, 400 lính Nga tràn vào Abkhazia để "phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tu sửa lại tuyến đường sắt".

Trong những tuần qua, quân đội Nam Ossetia - về căn bản do Nga duy trì - liên tiếp mở những cuộc tấn công dày đặc tại lãnh thổ Gruzia. Vài năm nay, Gruzia đã chiếm lại một phần ba diện tích Nam Ossetia, và trao quyền tự trị đáng kể cho người địa phương. Tháng Bảy qua, lãnh đạo vùng tự trị bị mưu sát, khiến Gruzia phải thiết lập những điểm kiểm tra của cảnh sát trong vùng.

Vài giờ trước khi cuộc chiến bùng nổ, tổng thống Saakashvili đã kêu gọi ban lãnh đạo Nam Osseitia hãy ngừng các cuộc tấn công. Ông cũng hứa rằng nếu từ bỏ sự đối đầu, Nam Ossetia sẽ được nhận quy chế tự trị một cách rộng rãi. Tuy nhiên, lời kêu gọi ấy đã không nhận được hồi âm: ngược lại, những cuộc oanh tạc nhằm vào các làng bản Gruzia ngày càng gia tăng. Chỉ sau những biến cố ấy, quân đội Gruzia mới mở cuộc tấn công thủ phủ Tshinvali của Nam Ossetia.

Các chuyên gia chính trị Phương Tây có ý kiến không đồng nhất về cuộc chiến: một số người cho rằng Saakashvili đã quyết định tái giành quyền kiếm soát Nam Ossetia trong trạng thái quá bực tức, không tỉnh táo, và sa vào bẫy của Nga; trong khi, số khác lại đoan chắc rằng trong thực tế, tổng thống Gruzia không còn lựa chọn nào khác, và nếu không "ra tay" thì Gruzia sẽ mất cả phần còn lại của tỉnh Ossetia.

Một chuyên gia nghiên cứu tình hình chính trị Nga, ông Vladimir Sorocin, nhận định rằng rõ ràng Liên bang Nga đã khiêu khích để nảy ra cuộc chiến này. Bằng chứng là Nga đã sẵn sàng để can thiệp và liên tục đưa quân vũ trang vào tỉnh Nam Ossetia trong những tuần qua. Theo ông Sorocin, Nga muốn tái lập quyền kiểm tra và ảnh hưởng của họ trên chính trường Gruzia, chiếm lại một phần ba diện tích Nam Ossetia và bằng mọi giá, ngăn chặn việc Gruzia có thể gia nhập NATO. Bởi lẽ, xét về địa chính trị, Gruzia nằm trong khu vực "nhạy cảm" và bất ổn (chẳng hạn, Chechnya ở ngay gần đó), và lợi ích căn bản của nước Nga là phải "diễu võ dương oai" trong vùng Caucasus.

Kevin Connolly, bình luận viên tại Washington của BBC, thì cho rằng mục đích của cuộc chiến là để nước Nga có dịp cảnh cáo: điện Cẩm Linh không thể để NATO có ảnh hưởng tại các nước Cộng hòa cũ của Liên Xô. Theo ông, Nga có thể tự tin hành động vì cả EU, cả Hoa Kỳ đều không ai muốn "dây" với "Gấu Nga". Liên hiệp Châu Âu đang phụ thuộc Nga về khí đốt và năng lượng nói chung, Mỹ thì vì muốn tạo dựng quan hệ hợp tác với Iran và Bắc Hàn, nên sẽ không cứu vãn Gruzia. Connolly nhận định, Phương Tây sẽ thừa nhận tầm ảnh hưởng của Nga tại Gruzia.

Cùng một quan điểm như vậy, bài xã luận ngày thứ Bảy 9-8-2008 của tờ "Bưu điện Washington" (Washington Post) cho rằng cuộc chiến vùng Caucasus cho thấy Moscow không chấp nhận việc các chính quyền thân Phương Tây hiện diện tại những quốc gia lân cận Liên bang Nga. Tờ báo nhận định: người Nga đã quá đủ trước những thành công về kinh tế của Saakashvili và sự ưa chuộng mà người dân dành cho ông; hạ bệ tổng thống Gruzia bằng chính trị không xong, điện Cẩm Linh đang tìm cách thực hiện điều này thông qua con đường vũ lực...

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn