TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG THỂ “KHOAN DUNG” VỚI NHAU?

Thứ hai - 12/12/2011 23:37

(NCTG) “Sự khác biệt giữa người dân ở các tỉnh thành ở Việt Nam có lẽ không thể sâu đậm bằng sự khác biệt giữa người Thụy Điển và người Hồi giáo. Người Thụy Điển có thể “khoan dung” được, liệu người Việt chúng ta có thể “khoan dung” với nhau?” – từ những trải nghiệm thực tế tại Thụy Ðiển, nhà báo Thanh Trà đặt câu hỏi.


Một cuộc tuần hành của những người cánh tả ở thành phố Lund, Thụy Điển (ngày 1-5-2011)


Giống như nhiều người Hà Nội hoặc yêu Hà Nội khác, tôi thích đọc sách của các nhà văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… và thường hay mơ mộng, nuối tiếc một Hà Nội xưa thanh bình, lịch lãm và dường như không bị ảnh hưởng bởi “dân ngoại tỉnh”.

Nhưng sau hơn một năm sống tại Thụy Điển, lối sống và các giá trị nhân văn mà người dân ở đây đang hướng tới đã khiến tôi phải nhìn nhận lại thái độ của mình về những đồng hương Việt Nam.

Trên báo chí Thụy Điển, những từ “social welfare” (phúc lợi xã hội), “gender equality” (bình đẳng giới), “immigrant” (dân nhập cư) và “tolerance” (tạm dịch: lòng khoan dung) dường như xuất hiện với tần suất cao nhất.

Quả thực, thế giới biết đến Thụy Điển như một đất nước trung lập trong quan hệ quốc tế, và đã thiết lập được một nhà nước “xã hội chủ nghĩa” thực thụ, nơi khoảng cách giàu nghèo là không thật đáng kể, và mọi người đều được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục với chi phí thấp và chất lượng cao.

Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội ở Thụy Điển không chỉ tồn tại trong các chính sách và văn bản của chính phủ, mà còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Những lá cờ, băng rôn màu đỏ mà các đoàn biểu tình thuộc cánh tả giương cao trong ngày Quốc tế Lao động chỉ là lớp vỏ bề ngoài. Ý thức xã hội chủ nghĩa có thể được gói gọn trong chữ “tolerant”, một từ mà tôi chưa tìm được nghĩa tương đương trong tiếng Việt. Dịch nôm na, “tolerant” có nghĩa là khoan dung, tôn trọng sự khác biệt. Đó có thể là sự khác biệt về giới tính (đồng giới, dị giới), màu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và quan điểm chính trị…

“Khoan dung” với dân nhập cư

Mỗi năm, Thụy Điển đón hàng nghìn người nhập cư và tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những người Trung Đông theo Đạo Hồi. Theo Wikipedia, Thụy Điển là nước tiếp nhận số lượng hồ sơ xin tị nạn lớn thứ 4 trong khối EU. Năm 2010, khoảng 14% dân số Thụy Điển là người nước ngoài.

Thất nghiệp và chỉ chờ hưởng trợ cấp của chính phủ, nhiều người tị nạn Hồi giáo không chỉ là mối đe dọa về an ninh và hệ thống phúc lợi xã hội, mà còn là thách thức đối với hai giá trị cơ bản của xã hội Thụy Điển: bình đẳng giới và lòng khoan dung.

Giống như Việt Nam, các gia đình Hồi giáo theo chế độ phụ hệ. Chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo bị phương Tây coi như một biểu tượng của chủ nghĩa khủng bố, sự áp bức phụ nữ và bất bình đẳng giới. Một số nước châu Âu như Ý và Pháp đã chính thức cấm phụ nữ sử dụng loại khăn này.

Thụy Điển cũng không nằm ngoài cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề tiếp nhận văn hóa Hồi giáo tại Châu Âu. “Khoan dung” với người Hồi giáo có nghĩa là chấp nhận bất bình đẳng giới. Ngược lại, nếu muốn thúc đẩy bình đẳng giới, người Thụy Điển phải “đồng hóa” dân Hồi giáo nhập cư, buộc họ phải tuân theo các giá trị Thụy Điển. Tuy nhiên, “đồng hóa” cũng đồng nghĩa với “không khoan dung”, “phân biệt chủng tộc”. Nghịch lý này đang chi phối các cuộc tranh luận giữa các chính trị gia cũng như trong bất kỳ khóa học nào về bình đẳng giới ở Thụy Điển.

Người Thụy Điển vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Đâu là giá trị Thụy Điển? Thụy Điển là những ông bố đẩy xe nôi và đi chợ trong khi các bà mẹ đi uống rượu ở đâu đó với bạn bè, hay Thụy Điển là những phụ nữ Hồi giáo cả đời chỉ lo phục vụ chồng con? Việc xây dựng một xã hội đa văn hóa ở Thụy Điển có khả thi hay không? Văn hóa không phải là một khái niệm bất biến, vậy tại sao phải đặt ra một giá trị Thụy Điển và kỳ vọng mọi người tuân theo?

“Khoan dung” đến mức cực đoan

Tôi từng hỏi cô bạn người Lithuana ở cùng ký túc xá: “Điều quan trọng nhất bạn học được ở Thụy Điển là gì?”. Bạn ấy bảo: “Lòng khoan dung (tolerance). Mình đã trở thành một người tốt hơn, khoan dung hơn.”

Tuy nhiên, cũng như nhiều người nước ngoài khác, chúng tôi đều đồng ý rằng có vẻ như người Thụy Điển đã quá cầu toàn. Họ “tôn thờ” sự khoan dung đến mức cực đoan. Ở đây, việc thể hiện chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bài ngoại bị coi là “politically incorrect” (sai về chính trị). Người Thụy Điển thậm chí còn không dám cầm quốc kỳ đi lại ngoài đường vì sợ bị coi là kỳ thị chủng tộc. Dường như họ chỉ dám cắm những chiếc cờ bé xíu trong nhà nhân dịp sinh nhật hoặc các ngày lễ lớn.


Cử tri Thụy Điển đi bỏ phiếu tại TP Lund, tháng 9-2010


Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9-2010, Đảng Dân chủ Thụy Điển (Sverige-demokraterna), một đảng cực hữu với chủ trương chống nhập cư, lần đầu tiên chiếm ghế trong nghị viện. Sau một buổi tối tụ tập theo dõi kết quả bầu cử với hàng trăm sinh viên, sáng hôm sau, nhiều bạn Thụy Điển nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Không khí bầu cử sôi động như trong các trận đấu bóng đã lắng xuống. Bạn nào cũng lắc đầu nói rằng: “It’s a shame!” (Thật đáng xấu hổ!). Trong suốt một tháng sau cuộc bầu cử, sinh viên trường tôi liên tục tổ chức các cuộc thảo luận, biểu tình, phân phát huy hiệu, đề can với khẩu hiệu chống Đảng Dân chủ Thụy Ðiển và tư tưởng cực hữu.

Những người Thụy Điển cực hữu đặt câu hỏi: Liệu Thụy Điển có thực sự có tự do ngôn luận, thực sự khoan dung hay không, khi mà những người cực hữu luôn phải hứng chịu sự bài xích, kỳ thị, khi mà ai ai cũng phải tỏ ra khoan dung mặc dù trong thâm tâm có thể có suy nghĩ khác?

Một bạn theo đạo Hồi nói với tôi: “Mình thích Thụy Điển vì người Thụy Điển rất lịch sự. Cho dù họ không ưa bạn, họ vẫn đối xử tốt với bạn. Họ không muốn làm bạn bị tổn thương”.

Một cái nhìn khác về Hà Nội

Mặc dù tinh thần “khoan dung” của người Thụy Điển còn chứa đựng nhiều nghịch lý và khiếm khuyết, đối với tôi, nó vẫn là một giá trị đẹp mà chúng ta nên hướng tới.

Tôi không biết người Thụy Điển “phân biệt chủng tộc” đến mức nào, tôi không biết họ có thật lòng “khoan dung” hay không, nhưng nụ cười và sự dịu dàng của họ luôn khiến tôi bất ngờ và xúc động.

Một lần vì vội đi học, tôi lao thẳng chiếc xe đạp hỏng phanh của mình vào một bà cụ đang sang đường. Khi tôi còn hoảng hốt chưa kịp định thần thì bà đã tươi cười và xin lỗi tôi.

Và trong tiết học đầu tiên của một khóa học về văn hóa, xã hội Thụy Điển, thầy giáo nhắc các bạn nói tiếng Anh bản ngữ khi phát biểu hãy nói thật chậm, tránh dùng thuật ngữ khó, và tôn trọng nỗ lực của những bạn nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Điều này khiến tôi nghĩ tới kế hoạch “chữa ngọng” L/N của Hà Nội cùng vô vàn những sự phân biệt khác giữa các địa phương ở Việt Nam. Có vẻ như chúng ta đã quá quen với việc đánh giá nhau qua giọng nói và vẻ bề ngoài.

Biết rằng sự so sánh này là khập khiễng, nhưng tôi vẫn nghĩ tới Hà Nội như một phiên bản khác của Thụy Điển. Số người “nhập cư” vào Hà Nội tăng lên hàng năm, đem theo những bản sắc thú vị nhưng cũng lấy bớt đi một phần không gian của “người Hà Nội” cả về mặt địa lý và văn hóa.

Mặc dù tôi vẫn yêu giọng nói Hà Nội, yêu những hình ảnh của Hà Nội xưa, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc mình cần chấp nhận một Hà Nội hiện đại, hỗn tạp, và biến đổi không ngừng. Tôi có thể không ưa chuộng giọng nói và tập quán của một tỉnh thành nào đó, nhưng tôi tôn trọng sự khác biệt của họ.

Phải chăng chúng ta nên dành nhiều thời gian tận hưởng những lợi ích mà sự hòa trộn văn hóa đem lại và cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên nền tảng của lòng khoan dung, thay vì cố gắng khắc sâu sự phân biệt vùng miền dù vô tình hay hữu ý?

Sự khác biệt giữa người dân ở các tỉnh thành ở Việt Nam có lẽ không thể sâu đậm bằng sự khác biệt giữa người Thụy Điển và người Hồi giáo. Người Thụy Điển có thể “khoan dung” được, liệu người Việt chúng ta có thể “khoan dung” với nhau?

Bài và ảnh: Thanh Trà, từ Thụy Ðiển


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn