Ghi nhanh: HÀ NỘI NÔ NỨC ÐÓN GIÁNG SINH 2011

Thứ bảy - 24/12/2011 18:11

(NCTG) Hà Nội đón Giáng sinh trong tiết trời lạnh, nhưng không đến nỗi quá rét, khiến bầu không khí tại các đường phố trung tâm trở nên tấp nập và đông đúc lạ thường, theo ghi nhận của một số CTV NCTG.



Bạn N.B. cho hay: “Hà Nội người đổ ra đường đông lắm, người theo đạo đổ về Nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàm Long... còn người không theo đạo thì đổ ra Bờ Hồ, quanh tượng đài Lý Thái Tổ. Phần lớn là các đôi yêu nhau tranh thủ cơ hội đi chơi với nhau. Nổi bật là rất nhiều ông bà già Noel trên đường, đi bằng xe máy, người ngồi đằng sau ôm quà, và tay cầm tờ giấy, là list địa chỉ cần chuyển quà.

Các trung tâm thương mại lớn, siêu thị trang trí đẹp, nhạc sôi động... Thời tiết đang lạnh dần, theo tivi thông báo thì mỗi giờ sẽ lạnh thêm 1 độ và đến đêm sẽ khoảng 12oC. Và đúng là trời đang lạnh dần, theo cảm nhận của tôi. Ðược cái không mưa”.

Noel năm nay nhằm ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên không khí thêm phần tưng bừng náo nhiệt, theo ghi nhận của bạn T.T.: “Hôm nay ban ngày nắng ấm, còn khi đêm xuống, tiết trời đủ lạnh cho không khí Giáng sinh, nhưng không quá rét khiến mọi người ngại ra đường.

Vì dịp lễ (lẽ ra không được nghỉ) trùng ngày nghỉ cuối tuần, nên đường phố đông đúc gần như cả ngày, nhất là đến tầm chiều, tắc đường ở nhiều nơi. Đến tối thì các tuyến phố chính, đặc biệt các tuyến đổ về hướng Bờ Hồ, Nhà thờ lớn, các trung tâm vui chơi giải trí chính của thủ đô đông nghẹt người, xe máy, ô tô, taxi.

Nhiều hãng taxi cháy xe, nhiều lái xe không nhận điều phối của trung tâm, chỉ bắt khách dọc đường, và từ chối thẳng những địa chỉ rủi ro tắc đường. Tháp đôi Vincom, trung tâm mua sắm giải trí sầm uất vào bậc nhất Hà Nội được trang hoàng lung linh huyền ảo, lúc 8 giờ tối (khi tôi đi qua) đông nghìn nghịt, làm tắc cả đoạn phố Bà Triệu dài hàng cây số.

Các tiệm, quán ăn đông nghẹt thực khách. Các gia đình tổ chức ăn uống, bạn bè tụ họp nhậu nhẹt, chiêu đãi nhau... Các nhà hàng đại trà đông đã đành, giới thượng lưu Hà Nội giờ còn đua nhau mua các suất đón Giáng sinh tại các khách sạn 5 sao lớn (với giá hàng trăm USD/người) với có các trò tiêu khiển quý tộc.

Tối Noel, nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa sớm hơn thường lệ, không rõ do ế ẩm hay là để tạo điều kiện cho nhân viên và chủ được nghỉ ngơi chơi bời?”.

Nói chung là chỗ nào cũng chật kín, chả kém hồi “ngàn năm” là mấy. Ðường sá đầy xe cộ, vỉa hè cũng đầy người, dân tình chen nhau chụp ảnh trên những đoạn trang hoàng cây thông Noel. Có mấy cái hình nộm người tuyết xấu xấu thôi nhưng mà lúc nào cũng thấy bu kín, rồi cứ chỗ nào sáng lấp lánh tí là cũng được trưng dụng.

Khu vực đặc biệt đông là nhà thờ, mặc dù mọi người đến xem đa phần không phải là người theo đạo. Nhưng tôi cứ thấy không khí Noel năm này còn chả bằng năm ngoái, cứ kiểu gì ấy, xô bồ lắm. Riêng với những cô gái còn độc thân ở cái tuổi mà đã bị xã hội phũ phàng liệt vào danh sách nổ chậm thì Noel đôi khi cũng là cái dịp để thách thức cái quan điểm “có đôi có cặp” với đúng quy luật của xã hội” - bạn M.H. tường thuật sau chuyến “bát phố” kéo dài từ sáng tới đêm.

Cũng cho biết “Noel rất náo nức, đường phố đông nghịt, quán ăn quán cafe nào cũng đông, nhất là thanh thiếu niên ăn mặc rất đẹp, người ta bảo “gái thời bình, trai thời loạn” quả có lý”, bạn T.Ð. đưa ra một lý giải cá nhân tương đối thấu đáo về mặt xã hội học: “Theo tôi, khía cạnh xã hội của nó là thanh thiếu niên chỉ cần có dịp để đi chơi, cần có lý do để đi chơi.

Cho nên không cứ Noel mà Trung Thu, 20-10, 8-3, v.v... đều đông nghịt cả, dù những ngày đó không phải là lễ của thanh niên (như Trung thu là dịp lễ hội dành cho thiếu nhi). Thế nhưng có điều lạ là Phật Đản hay Giỗ tổ Hùng Vương thì lại không đông thanh niên đổ ra đường chơi, có lẽ một trong các lý do là hai ngày lễ đó đã không tạo ra được một ấn tượng vui vẻ, đẹp đẽ, sinh động, thậm chí thiêng liêng như Giáng sinh.

Ðiều này có lẽ liên quan tới cách làm thương hiệu: Noel là dịp mà ai cũng có thể thấy là đẹp, về hình thức ấy, có ông già Noel áo đỏ râu trắng, có cây thông xanh muôn đèn màu lấp lánh, có thánh ca, có phim về Giáng sinh, có những bài hát tuy không phải thánh ca nhưng rất được ưa thích như “Last Christmas” (ban nhạc “Wham”) rồi nhiều bài của Việt Nam kiểu “Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Noel năm nào chúng mình có nhau...”.

Kể ra, cũng có thể thấy thêm là người Việt Nam thật sự rất... biết gọi sao nhỉ, ta gọi là cởi mở, linh hoạt, đón nhận cái mới cũng được, mà gọi là nhạt nhẽo, ham vui, cái gì cũng thích, cũng được”.

NCTG xin lấy nhận xét sau đây của bạn T.T. làm phần kết cho ghi nhanh này: “Nhìn chung đêm Giáng sinh ở Hà Nội năm nào cũng đông như hội, có cảm giác mọi người - chủ yếu là thanh niên - cứ đổ ra đường thế thôi, chả ai biết họ đi đâu, làm gì nữa. Mặt mũi không vui không buồn. Trang phục và cung cách (đại trà) toát lên một mức sống không đến nỗi quá chật vật, nhưng còn xa mới có thể gọi là sung túc”.

Chùm ảnh của đạo diễn Ðặng Nhật Minh gửi từ Hà Nội về cảnh đón Giáng sinh tại nhà thờ Hàm Long (ảnh chụp hồi 6 giờ 30 phút chiều 24-12):








NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn