BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG CỘNG SẢN (Kỳ 5)

Thứ hai - 02/01/2012 00:34

(NCTG) “Cơn cuồng nhiệt bùng phát. Những người Triều Tiên cùng vào với chúng tôi bỗng hét rú lên, hai người phụ nữ ngất lịm, ngã vật xuống đất, đám đàn ông cũng khóc rống lên như lũ trẻ nhỏ. Lính gác khiêng mấy người phụ nữ ra ngoài. Tất cả gây bàng hoàng tới mức chính tôi cũng kinh ngạc đứng ngây người nhìn trò ảo thuật…”.

 Xem Phần 1, Phần 2 Phần 3 Phần 4  của phóng sự.


Xứ sở kỳ lạ: đường phố rộng thênh thang, nhưng không mấy khi có xe cộ, không cần cả đến hệ thống đèn xanh đèn đỏ, nên cảnh sát giao thông có vẻ như thừa - Ảnh: Internet


Sáng ra Béla đánh thức sớm.

- Hình như đêm qua cậu mất ngủ - anh cười cười nói.

- Đúng, có lẽ do lệch giờ - tôi vươn vai đáp. Thật may anh không hề biết gì về chuyến phiêu lưu ban đêm của tôi. Trước mắt tôi cũng chưa muốn nói với anh, người đã giúp đỡ tôi thật vô tư, thế mà tôi đã đẩy anh vào tình huống có thể cực kỳ nguy hiểm. Hãy để anh biết về sau cũng chưa muộn, tôi nghĩ.

- Nhanh lên, các bạn chúng ta đang đợi - anh cao giọng giục tôi, trong khi tôi đang lúng túng vì quần chưa kịp khô. Buổi sáng hôm ấy đã bắt đầu như thế.

 …Chiếc xe địa hình đưa chúng tôi lên dãy núi Hương Sơn, đoạn đường dài chừng 200 km, tôi gà gật suốt dọc đường vì đêm qua không ngủ. Sau một khúc quanh gấp, xe dừng lại trước một chiếc cổng màu vàng cao bất thường. Một người lính bước lại đưa cho mỗi chúng tôi một đôi găng tay trắng đặt trên một chiếc khay bạc.

- Vujity, lần đầu anh tới đây - Hong nháy mắt. -Chúng tôi dành cho anh vinh dự được mở chiếc cổng vàng dẫn tới nơi trưng bày các tặng phẩm của các lãnh tụ anh minh của chúng tôi.

Tôi xuống xe, lẩm bẩm cám ơn Hong và lại gần cổng. Người lính lễ phép chìa chiếc khay bạc trên có chìa khóa. Tôi cầm chìa khóa tra vào ổ xoay nhẹ và cẩn thận đẩy cánh cổng. Tôi cảm thấy mình như Ali Baba khi gọi “vừng ơi, mở ra”, nhưng trước mắt tôi không phải là châu ngọc, mà là hai hàng lính đứng nghiêm trước một lối vào ăn sâu trên bức tường.

- Đó là những người giữ lửa - Chol hất hàm chỉ về phía những người lính gác. Anh ta muốn nói đến ngọn lửa mà Kim Nhật Thành và nay là con trai ông thắp lên cho Triều Tiên qua những lời giáo huấn của họ. Giống như cha mình trước đây, Kim Chính Nhật cũng đi thăm thú khắp nơi, đưa ra những lời dạy bảo, một người đi theo ghi chép những gì Lãnh tụ Kính yêu nói và tất cả thực hiện đúng như thế, dù đó là trường học, bệnh viện hay xưởng vẽ.

Nhờ ý tưởng lóe ra trong đầu Kim Chính Nhật mà đoàn tàu hỏa chuyên chở Kim Nhật Thành được đưa vào lòng núi, rồi sau chính ông ta lại tặng thưởng mình vì sáng kiến tuyệt vời ấy. Trước khi bước chân vào con tàu do Stalin gửi tặng, chúng tôi phải tháo giày xỏ chân vào một đôi dép mềm. Dù sao thì cũng không phải ở đâu cũng có thể xem được một bảo tàng như thế này.

Chúng tôi bắt đầu một cuộc thăm bảo tàng ma-ra-tông nữa. Lại một cô gái đeo cà-vạt đỏ thao thao bất tuyệt bài tụng ca quen thuộc.

Tôi cố gắng giữ nụ cười thường trực trên môi, lặng lẽ xem hết “hơn ba trăm nghìn tặng vật bày trong 600 phòng trưng bày”.

…Chúng tôi chợt sững lại trước một chiếc cổng khổng lồ khác, nằm trong lòng đất.

- Các anh có cần gọi bác sĩ không? - Chol quay về phía tôi.

- Cái gì? - tôi tròn mắt nhìn anh ta.

- Lần đầu tiên đến đây, sợ anh bạn không chịu nổi sức ép tâm lý sẽ đè nặng lên anh trong phòng lớn.

Tôi vẫn nhìn anh ta tỏ vẻ chẳng hiểu gì, may là Béla đã nói đỡ cho tôi:

- Theo tôi thì Tvrtko, dù khó khăn, nhưng sẽ chịu đựng nổi gánh nặng tâm lý này.

Chiếc cổng màu chì mở ra. Bên trong vẳng ra một giai điệu sang trọng, khích lệ, một ngọn đèn mô phỏng mặt trời mọc trong đêm tối. “Mặt trời” từ từ chiếu sáng căn phòng lớn. Ở giữa là một thảm cỏ xanh, trên các cành cây có các loài chim, từ loa vang ra tiếng hót véo von. Và sau đó… dưới bóng một cây ở giữa thảm cỏ…Đồng chí Chủ tịch Lãnh tụ Vĩ đại xuất hiện… như người thật, có lẽ là tượng thạch cao… Nhưng cơn cuồng nhiệt bùng phát.

Những người Triều Tiên cùng vào với chúng tôi bỗng hét rú lên, hai người phụ nữ ngất lịm, ngã vật xuống đất, đám đàn ông cũng khóc rống lên như lũ trẻ nhỏ. Lính gác khiêng mấy người phụ nữ ra ngoài. Tất cả gây bàng hoàng tới mức chính tôi cũng kinh ngạc đứng ngây người nhìn trò ảo thuật, sau đó Chol và Hong phải an ủi tôi. Tôi trấn an họ và nói rồi tôi sẽ vượt qua cơn sốc khủng khiếp này. Khi tôi đã tĩnh tâm lại… cả nhóm lại tiếp tục cuộc hành trình trong cái bảo tàng khúc khuỷu dưới lòng đất.

Sau ba tiếng đồng hồ, chúng tôi tới các phòng trưng bày tặng phẩm của các nhà lãnh đạo các nước anh em. Ví như trong phòng Romania, một con gấu nhồi lừng lững trước mặt, phòng CHDC Đức là một con lợn rừng khổng lồ do đồng chí Honecker tặng đang trừng trừng nhìn khách. Đúng hơn là tấm da được căng ra của nó, vì trên tấm da là bức họa Erick và Kim đang ôm hôn nhau thắm thiết. Có thể thấy lọ mứt anh đào ngâm cao tới hai mét của đồng chí Zhivkov, bộ sưu tập xì-gà cực kỳ quí của Fidel Castro, hay phần thưởng của Đảng bộ Quận 13 thành phố Moscow.

Tới phòng Hungary, ta có thể thấy đặt dưới áo phông có chữ ký của các tuyển thủ Đội bóng vàng là bộ đồ ăn bằng vàng, rượu đào đóng chai cổ cao, hình Nhà Quốc hội gắn ngôi sao đỏ khắc trên khay bạc hay bộ đồ sứ Herend… Kádár, Lázár, Losonczi, Rákosi và các đồng chí của họ đã làm tất cả vì “tình hữu nghị”, nhờ vậy mà ta bắt gặp đủ các loại huân - huy chương của Cộng hòa Nhân dân Hungary trong tủ kính phòng trưng bày.

Rồi chúng tôi sang phòng trưng bày các tặng phẩm lớn, trên bệ đỡ là một chiếc Mercedes còn bóng loáng, phía sau là những chiếc xe Volga màu xanh thẫm - sản phẩm hàng đầu của nền công nghiệp Liên Xô - do Khrushchev và Brezhnev tặng. Tôi thật sự thán phục cô gái đã thuyết giải liên tục mấy tiếng liền không mệt mỏi về nguồn gốc và lai lịch của các tặng phẩm, đến nỗi tôi không dám tin là thật khi cô nói “chúng ta đang ở trong phòng cuối cùng”.

- Ta về ăn tối chứ? - tôi hỏi dò cốt để xem chắc đã đến lúc chúng tôi được về chỗ ở chưa. Trên gương mặt gầy khô của Chol thoáng một nụ cười giễu cợt.

- Bây giờ mới đến Bảo tàng tặng vật của Lãnh tụ Kính yêu Kim Chính Nhật! - anh ta bảo. Tôi nhìn Béla dò hỏi, nhưng chỉ thấy anh khẽ gật đầu xác nhận. Tôi nghĩ đó chính là giây phút tôi đánh mất niềm tin ở con người.

… Trên đường về nhà nghỉ Béla lại gặng hỏi về chương trình hôm sau, nhưng có vẻ như Hong và các cộng sự của anh ta không hề có ý định đưa chúng tôi tới thăm bệnh viện. Có điều Béla đã đưa đến một lượng hàng cứu trợ lớn, và người Baptiste trẻ tuổi này muốn đưa đến tận nơi, và anh muốn đích thân giám sát. Không khí trong xe căng thẳng như có thể sờ mó được. Và sáng hôm sau xung đột đã nổ ra.

- Giờ ta tới xưởng làm bánh mì chứ? - Béla hỏi khi chúng tôi đã yên vị trong xe. Anh nói tới xưởng làm bánh mì mà tổ chức Baptiste đã giúp xây dựng.

- Có lẽ sẽ còn thời gian tới đó - Hong đáp. - Nhưng trước đó chúng tôi muốn giới thiệu với các anh bức tượng bán thân mới khánh thành của Chủ tịch Kim Nhật Thành, tặng các em học sinh ở một thành phố gần đây.

- Không, anh bạn ạ, chúng ta phải đến xưởng làm bánh mì - Béla tuyên bố dứt khoát. Nhưng Hong không chịu.

- Các anh không thể không tới xem bức tượng tuyệt vời đó! - Hong nói. Nhưng Béla gật gật đầu.

- Rất có thể đấy. Nếu không chúng tôi sẽ bỏ các chương trình khác.

- Nghĩa là sao?

- Chúng tôi sẽ về nước!

- Nhưng như thế là các anh xúc phạm đồng chí Kim Nhật Thành, xúc phạm các nhà lãnh đạo của thành phố nhỏ ấy, họ đang chờ đón các anh với một chương trình văn nghệ cách mạng đấy!

- Đi! Tvrtko, ta về xếp đồ đạc thôi.

- Này, các anh hãy dừng lại! Hãy chờ đã!

- Đi thôi, tôi chán ngấy cái trò này rồi. Họ không thực hiện một điểm nào trong chương trình đã thỏa thuận cả.

Chúng tôi bỏ mặc bọn Hong đứng đó. Thú thật tôi thoáng có ý nghĩ liệu chúng tôi có làm chuyện điên rồ không. Vì họ giữ hộ chiếu, vé máy bay của chúng tôi, và chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Nhưng tôi tin vào Béla, tôi tin anh biết đâu là giới hạn. Và tôi đã không thất vọng. Khoảng 10 phút sau thấy tiếng gõ cửa phòng anh. Ngó ra, tôi thấy bọn Hong đứng ngoài hành lang, Béla mở cửa trong tay cầm một máy điện thoại màu đỏ.

- Xin lỗi, tôi đang nói chuyện với cha Sándor - anh nói và định quay vào phòng. Hong tiến lại phía sau, nắm lấy vai anh.

- Hãy khoan đã, tất cả sẽ ổn thôi.

- Tất cả à? Nghĩa là sao?

- Chúng ta sẽ tới tất cả những nơi các anh muốn.

- Thật chứ?

- Thật. Nhưng anh hãy nói với cha Sándor là tất cả đều ổn.

Tôi thoáng nghĩ họ đã nghe trộm điện thoại và khi Béla phàn nàn với cha Sándor thì họ lập tức xử lý tình huống.

Xem tiếp Phần cuối của phóng sự.

Giáp Văn Chung lược dịch - Kỳ sau đăng tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn