Năm nay 14 tuổi, là nữ sinh lớp 6, Reem Sahwil hiện sống cùng gia đình ở TP. Rostock. Thông tin nói trên được công bố bởi Cơ quan Di trú địa phương, và lý do được nêu ra là gia đình đã hội nhập tốt với xã hội sở tại.
Trước khi tới Đức cách đây bốn năm, Reem và gia đình đã sống tại trại tỵ nạn ở Lebanon bốn năm. Cô nói rất thạo tiếng Đức và đã có mặt trong một cuộc gặp mặt công khai giữa giới học sinh Rostock với Thủ tướng Merkel vào trung tuần tháng 6-2015.
Có dịp phát biểu trước thủ tướng, Reem chia sẻ rằng cô và gia đình luôn trong cảnh có thể bị trục xuất, cô muốn được học đại học tại Đức nhưng không biết có được ở lại đây không, và tâm trạng không biết đi đâu về đâu ấy rất ảnh hưởng tới đời sống của gia đình.
Để trả lời, Angela Merkel đã nói những lời mà bà nghĩ rằng rất thành thật, nhưng về sau đã bị nhiều người chỉ trích. Thủ tướng Đức bị coi là vô cảm, thiếu khả năng đồng cảm, vô nhân đạo, “trái tim băng giá”, thậm chí “tân thuộc địa” khi nói với cô bé:
“
Tôi hiểu hoàn cảnh của cháu, nhưng chính trị đôi khi là chuyện rất cứng rắn, và mặc dù cháu rất dễ thương, nhưng cháu cũng biết rằng ở các trại tỵ nạn của người Palestine ở Lebanon còn hàng vạn người khác, và nước này được coi là quốc gia an toàn.
Nếu chúng tôi nói rằng tất cả mọi người đều có thể tới Đức, kể cả từ Châu Phi, thì làm sao chúng tôi xử lý được tình hình? Theo luật của Đức, nước Đức không thể tiếp nhận tất cả người tỵ nạn, và có những người sẽ phải trở về quê hương”.
Angela Merkel còn nói thêm rằng, chính quyền Đức chỉ có thể rút ngắn thời gian xét thủ tục tỵ nạn để người xin tỵ nạn không phải sống quá lâu trong cảnh không biết ngày mai sẽ ra sao, và đây là câu trả lời duy nhất mà nước Đức có thể đưa ra.
Thủ tướng Đức không kịp nói tiếp những câu sau thì Reem Sahwil đột ngột òa khóc. Đoạn clip được đăng tải trên trang web chính thức của Chính phủ Đức cho thấy, Angela Merkel rúng động, bất ngờ và có chút bối rối trước phản ứng của cô nữ sinh lớp 6.
Vị chính khách nổi tiếng là dày dạn kinh nghiệm trên chính trường thế giới tiến đến ôm vai Reem và tìm cách an ủi cô. “
Cháu nói tuyệt lắm”, bà nói. Lúc đó, bà vẫn nghĩ rằng, bà đã nói một sự thật, mà không phải là những hứa hẹn kiểu dân túy.
Tuy nhiên, rất có thể đây chính là khoảnh khắc mà về sau này, đã khiến Angela Merkel thay đổi quan điểm hết sức ngoạn mục trong vấn đề tỵ nạn, như tờ “Thời báo Kinh tế” (Financial Times, Anh)
nhận xét khi vinh danh bà là “Nhân vật của năm 2015”.
Vốn là một vị thủ tướng được nhìn nhận là rất thận trọng và dẫn dắt nước Đức đi từng bước một, Angela Merkel đã vụt biến thành một chính khách có quan niệm và niềm tin mạnh bạo, nhất quán và dường như không gì có thể lay chuyển nổi.
Với việc bỏ ngỏ biên giới Đức trước hơn một triệu người tỵ nạn, đa phần là dân Hồi giáo sau đó hai tháng, Merkel đã nhận lấy về mình một mạo hiểm rất lớn, và trong quyết định ấy, những giọt nước mắt của Reem Sahwil đã đóng một vai trò không nhỏ.
Trở lại câu chuyện vào giữa tháng 7 tại Rostock, cô bé Palestine cho hay cô không giận vị thủ tướng. “
Bà đã nghe tôi và nói lên ý kiến của bà, và tôi thấy đó là điều hoàn toàn đúng đắn”. Reem chỉ thấy thất vọng vì Merkel không thể hứa hẹn gì cho gia đình cô.
Nhưng như cô nói, cô và gia đình vẫn hy vọng. Và ngay sau đó, Reem đã được nhiều ý kiến ủng hộ. Đặc phái viên về vấn đề tỵ nạn của Chính phủ Đức Aydan Özoğuz cho rằng khả năng là gia đình cô sẽ được giấy phép cư trú tạm thời trong thời gian dài.
Bởi lẽ, cô bé học thạo tiếng Đức, đã sống nhiều năm ở Đức và chính vì những tình huống thực tế như vậy của cuộc sống mà Luật Ngoại kiều của Đức đã được sửa đổi để tạo điều kiện hội nhập cho giới trẻ, cho dù Aydan Özoğuz chưa biết rõ trường hợp của Reem.