NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA KHỦNG HOẢNG TỴ NẠN (Phần cuối)
Thứ năm - 24/12/2015 11:23
(NCTG) Em bé chết đuối nằm úp mặt dưới biển Hy Lạp, gia đình người tỵ nạn nằm bò dưới đất để vượt hàng rào ngăn biên giới Hungary - Serbia, v.v... là những hình ảnh bi thảm của khủng hoảng tỵ nạn 2015. Tuy nhiên, cũng có những người may mắn hơn họ mà chúng ta được thấy trên các phương tiện truyền thông - nay họ ở đâu?
Vài ngàn người tỵ nạn đi bộ về hướng Vienna, ngày 4-9-2015 - Ảnh tư liệu
László Petra, phóng viên quay phim của kênh truyền hình N1TV có lẽ không thể ngờ rằng, chỉ trong chốc lát, những cú ngáng chân và đá rất khó lý giải của cô tại vùng Röszke (biên giới Hung - Serbia) sẽ được cả thế giới chứng kiến, và gây nên làn sóng bất bình như thế nào.
Sự việc diễn ra hôm 8-9-2015, khi khủng hoảng tỵ nạn tại Hungary đang lên tới đỉnh điểm, và cảnh sát Hung bất lực, không biết phải phản ứng ra sao trước dòng người tỵ nạn không muốn đăng ký và ở lại nước Hung, mà kỳ vọng sang Đức, “miền đất hứa” dễ chịu hơn đối với họ.
Osama Abdel-Mohsen Al-Ghadab, một HLV bóng đá người Syria là một trong số đó. Bị cô gái Hung ngáng ngã rất bất ngờ khi chạy cảnh sát, ông vẫn còn ôm gọn được đứa con trong lòng và chính phản xạ đó đã khiến ông lọt vào tấm ngắm của các ông bầu túc cầu Châu Âu.
Mặc dù về sau đó, László Petra đã ngỏ lời xin lỗi, nhưng Osama không thể thứ lỗi được cho cú ngáng khiến ông trở nên nổi tiếng ấy trong một thời gian dài. Tuy nhiên, giờ đây, khi đến được mảnh đất tạm dung Tây Ban Nha, ông đã nghĩ lại, và không còn giận cô gái Hung nữa.
“Zaid, con trai tôi sau khi ngã đã khóc liền ba tiếng không thôi, cháu cũng bị thương nữa. Nó sợ cảnh sát Hung lắm, và chỉ bình tâm đôi chút khi chúng tôi đã sang tới Áo”, Osama kể lại. Thật ra, chỉ sau đó 4-5 ngày, ông mới biết hình ảnh cú ngã của ông đã tràn ngập mạng Internet và báo chí.
Cũng chỉ đến khi đó, Osama mới hay rằng vì cú ngã ấy mà ông được thế giới để tâm đến. Hiện tại, ông và hai con trai đang sinh sống ở Madrid, ông được nhận làm việc, thậm chí còn được CLB Real Madrid mời đi xem một trận, và bố con ông còn được gặp siêu sao Cristiano Ronaldo.
Tuy nhiên, hạnh phúc của người đàn ông được coi là may mắn này cũng không đầy đủ: vợ và hai con ông vẫn còn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ, chính quyền Tây Ban Nha có hứa sẽ nhận họ, nhưng để làm được việc đó cần những chứng từ mới, được cấp trong vòng một năm trở lại đây.
Mà muốn có, thì phải về Syria, nhưng gia đình Osama làm sao về được. Hơn thế nữa, Osama vẫn chưa được hành nghề huấn luyện viên vì ông chưa xuất trình được bản sao bằng cấp của mình. Dầu vậy, ông vẫn rất biết ơn Tây Ban Nha vì những sự giúp đỡ chí tình mà ông được nhận.
Và điều khiến Osama kinh ngạc nhất ở Châu Âu, theo lời ông, là tự do... “Được là người tự do thật là một cảm giác tuyệt vời”, ông chia sẻ.
Mohammad, thủ lĩnh tỵ nạn Keleti
Tên tuổi của Mohammad Zatareyh cũng gắn liền với sự kiện người tỵ nạn tràn ngập nhà ga quốc tế Budapest: cả thế giới biết đến chàng trai Syria 26 tuổi này khi anh đứng ra tổ chức cuộc “trường chinh” cho vài ngàn người tỵ nạn khác đang vạ vật ở ga Keleti đi bộ về hướng Vienna, Áo.
Đó là đêm 4-9-2015, một thời khắc lịch sử mà sau này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay, cảnh tượng hàng vạn người tỵ nạn rời Budapest, đi bộ trên đường cao tốc Hungary về hướng Vienna đã khiến bà cảm thấy đó là “một thử thách nhân đạo khổng lồ” đối với Liên hiệp Châu Âu.
Tình thế nói trên là “phép thử lịch sử cho những giá trị Châu Âu”, cho thấy Liên Âu phải đối mặt và xử lý với làn sóng tỵ nạn lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, theo lời Merkel. Và rốt cục, Đức cùng Áo đã hành xử theo “mệnh lệnh của lòng nhân đạo”, khi quyết định tiếp nhận dòng người tỵ nạn.
Nhưng đó là chuyện về sau này. Nhớ lại những ngày đầu tháng 9, Mohammad cho biết, “sau nhiều ngày khổ sở, tôi nghĩ ra là hãy đi bộ xem sao”. Chàng trai thông báo ý định này với các hãng truyền hình và hy vọng là với sự hiện diện của truyền thông thì cảnh sát sẽ không hành hung họ.
Tuy nhiên, để chắc chắn, anh cũng buộc mọi người phải hứa, không được xả rác và cư xử sao cho phù hợp: “Cả thế giới nhìn vào chúng tôi. Nếu ai đó xả rác hoặc vứt đồ ăn thì mọi người sẽ nghĩ như thế nào?”. Hành trình này, rốt cục trở thành biểu tượng của khủng hoảng tỵ nạn Châu Âu.
Hiện tại, Mohammad Zatareyh đang chờ xét đơn tỵ nạn tại Đức và chờ đợi được đi làm. “Từ nhỏ tôi đã mơ ước được sang đây vì tôi mê xe cộ lắm, nhất là BMW và Mercedes. Ước mơ lớn của tôi là có lúc được đặt chân vào các nhà máy này”, chàng trai thổ lộ, và mong có được công ăn việc làm.
Bên cạnh đó, anh cũng muốn lấy vợ, sinh con. Cho đến ngày nay, Mohammad vẫn tự hào khi nghĩ về cuộc “trường chinh” tại Hungary. “Tấm ảnh này, có lẽ một lúc nào đó tôi sẽ cho các con tôi xem, để chúng thấy ba chúng đã làm gì, và tôi nghĩ rằng chúng sẽ tự hào vì tôi”, anh nói.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...